"Đội quân tóc dài" huyền thoại

Cập nhật, 15:14, Chủ Nhật, 25/10/2020 (GMT+7)

Trên các chiến trường ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” được các mẹ, các chị đưa lên một cao độ mới.

Dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ, họ siết chặt đội ngũ hình thành “Đội quân tóc dài” tay không ngoan cường làm nòng cốt trong mặt trận chính trị đấu tranh trực diện với kẻ thù. Còn khi có cơ hội, có lắm người sẵn sàng cầm súng, mà hễ đánh địch thì rắn rỏi như cách nói của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Út Tịch- người nữ du kích của quê hương Trà Vinh- “Còn cái lai quần cũng đánh!”

Kỳ 1: “Đội quân tóc dài” tay không chống giặc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho “Đội quân tóc dài Bến Tre”. Ảnh: Báo Đồng Khởi
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho “Đội quân tóc dài Bến Tre”. Ảnh: Báo Đồng Khởi

Ngày 6/8/2018, phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, 50 năm tỉnh Bến Tre được Trung ương tuyên dương “Anh dũng Đồng Khởi- Thắng Mỹ, diệt ngụy” và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho “Đội quân tóc dài Bến Tre”, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo đã nhắc lại hoàn cảnh ra đời của “Đội quân tóc dài” trên quê hương Đồng Khởi: “…

Từ năm 1954- 1959, phong trào cách mạng ở Bến Tre gặp nhiều khó khăn, nhiều tổ chức Đảng tan rã, nhiều cán bộ bị địch giết, tù đày, có lúc chỉ còn vỏn vẹn 18 chi bộ với 162 đảng viên.

Sau khi Nghị quyết số 15 của Trung ương ra đời, với khí thế sôi sục và căm thù giặc sâu sắc, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của mình, đã làm nên cuộc Đồng Khởi thần kỳ khiến kẻ thù kinh hoàng khiếp sợ, góp phần xoay chuyển tình thế từ phòng ngự giữ gìn sang thế tiến công, giành thắng lợi trên toàn chiến trường miền Nam.

Chính giai đoạn đấu tranh ác liệt đó sản sinh ra “Đội quân tóc dài” huyền thoại !...”

Từ các đốm lửa nhỏ…

Từ tinh thần Nghị quyết 15, Tỉnh ủy Bến Tre xác định các bước nổi dậy theo phương chăm hành động linh hoạt là: mạnh làm theo mạnh, yếu làm theo yếu, đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch là bộ máy kiềm kẹp cơ sở, vừa diệt ác phá kiềm vừa phát động quần chúng nổi dậy, có chú ý các gia đình binh sĩ quân đội Sài Gòn kết hợp cơ sở ta trong lòng địch để bứt hàng bứt rút đồn bót giải phóng xã, ấp…

Tỉnh chọn 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (huyện Mỏ Cày) làm điểm chỉ đạo. Phó Bí thư Tỉnh ủy- Nguyễn Thị Định được phân công trực tiếp chỉ đạo cuộc nổi dậy.

Sau 16 ngày chuẩn bị, ngày 17/1/1960, không đợi có lực lượng vũ trang mà dựa vào các tổ hành động với mã tấu, dao găm, súng bập dừa (giả súng thật để lừa tai mắt của địch)… nhưng với quyết tâm cao đã phát động người dân nổi dậy thành công ở xã Định Thủy: diệt toàn bộ số lính dân vệ và bắt bọn tề điệp ác ôn ở xã, bộ máy kiềm kẹp cơ sở bị phá tan, thu được 28 súng các loại.

Với số vũ khí đó, đội vũ trang được thành lập ngay để tiến sang hỗ trợ 2 xã còn lại. Chỉ 2 ngày sau, cuộc nổi dậy tại điểm chỉ đạo hoàn toàn thành công: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh được giải phóng.

Cũng trong các ngày này, từ tay không tỉnh thành lập được 3 tiểu đội vũ trang mang phiên hiệu Đại đội 264 để kết hợp với lực lượng chính trị và binh vận đánh địch. Từ điểm chỉ đạo cuộc nổi dậy lan ra 47 xã của các huyện Mỏ Cày, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm, chỉ trong 7 ngày từ 17- 24/1/1960 các lực lượng nổi dậy tại chỗ đã giành quyền làm chủ 22 xã, 25 xã còn lại giải phóng được nhiều ấp…

Các cuộc nổi dậy của quần chúng cách mạng liên tiếp nổ ra và lây lan nhanh chóng ở Bến Tre khiến Chính quyền Sài Gòn hoảng sợ. Ngày 25/1/1960, chúng huy động khoảng 1 vạn quân càn vào 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh- nơi khởi đầu của các cuộc nổi dậy.

Bọn này đi đến đâu cũng giết chóc, đốt phá nhà người dân không nương tay hòng lấy khủng bố để dập tắt phong trào cách mạng. Để chống lại địch, bảo vệ dân trước sức ép tàn bạo của địch như thế, một cách đánh địch sáng tạo độc đáo ra đời. Vào ngày 4/2/1960, ta tổ chức cho người dân tại chỗ thực hiện một cuộc “tản cư ngược” với trên 200 người là các mẹ, các chị của 3 xã trên.

Họ dùng xuồng ghe đưa người chết, người bị thương, các miểng bom pháo để làm bằng chứng kéo vào huyện lỵ Mỏ Cày đòi gặp mặt tên quận trưởng tố cáo tội ác của bọn lính đang càn quét tại 3 xã, đòi bồi thường sinh mạng người chết, điều trị cho người bị thương, chấm dứt gây tội ác với thường dân vô tội…

Liền sau đó, khoảng 5.000 phụ nữ của các xã lân cận được ta tổ chức cũng kéo vào huyện lỵ Mỏ Cày tiếp sức cho số chị em vào trước. Lực lượng đấu tranh khi kéo vào huyện lỵ đều mang theo mùng mền, nồi niêu… biểu lộ quyết tâm sẵn sàng bám trụ nhiều ngày. Họ tràn vào ăn ở trong các trường học, chùa chiền, thánh thất, kể cả các văn phòng chính quyền quận, thị trấn.

Với các bằng chứng tố cáo tội ác cụ thể và lý lẽ đấu tranh sắc bén, đoàn biểu tình đã tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhiều bà con trong huyện lỵ, trong đó có cả gia đình binh sĩ và viên chức tại chỗ. Cảnh sống vật vạ của hàng ngàn người biểu tình làm náo loạn cả huyện lỵ khiến bọn cầm quyền ở Mỏ Cày vô cùng lúng túng, phải báo cáo về trên.

Bước sang ngày thứ 12, Chính quyền Sài Gòn buộc phải phái Đại tá Nguyễn Văn Y thay mặt Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn về Mỏ Cày nắm tình hình, sau đó phải ra lệnh chấm dứt trận càn ở 3 xã nói trên.

Chính trong lần đó, danh xưng “Đội quân tóc dài” xuất hiện lần đầu tiên bắt nguồn từ lời buột miệng thán phục của chính Nguyễn Văn Y khi hắn ra lệnh rút quân: “Thôi đành phải chịu thua đội quân đầu tóc!”

Lan nhanh thành cơn bão lửa…

Từ điểm chỉ đạo cuộc nổi dậy lan nhanh ra toàn tỉnh, đến cuối tháng 1/1960, Bến Tre đã có 50 xã trong tỉnh hoàn toàn giải phóng và đơn vị vũ trang thứ 2 ra đời mang phiên hiệu Đại đội 269 cùng với Đại đội 264 thành lập trước đó không lâu phối hợp với “đội quân tóc dài” không ngừng lớn mạnh cùng đánh địch bằng 3 mũi giáp công (chính trị- quân sự- binh vận).

Cuối tháng 4/1960, một cuộc họp của Tỉnh ủy Bến Tre sơ kết cuộc nổi dậy trong tỉnh ở Châu Bình (huyện Giồng Trôm) cho thấy: Phong trào chính trị mà chủ yếu là phong trào phụ nữ đã phát triển mạnh, các đội quân tóc dài được tổ chức chặt chẽ, có lãnh đạo chỉ huy, có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh bằng hình thức biểu tình trực diện với kẻ thù, xã nào cũng có khoảng 300 đến 1.000 phụ nữ sẵn sàng tham gia đấu tranh khi có yêu cầu.

Thời điểm này, tổ chức phụ nữ có khả năng trong 1 ngày huy động cùng lúc từ 5.000 đến một vạn phụ nữ tham gia biểu tình đấu tranh, có thể hiệp đồng trên một diện rộng và đảm bảo lương thực cho duy trì đấu tranh liên tục từ 5- 10 ngày.

Chính cái nôi Đồng Khởi Bến Tre đã sản sinh ra đội quân tóc dài, từ đó đội quân đặc biệt này lan nhanh ra toàn miền Nam- nhất là các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho, Long An,…

Tính đến năm 1965, đội quân này đã lên đến trên 2 triệu người, tăng 4 lần so với năm 1960. Nữ tướng Nguyễn Thị Định từng nhận xét: “Đó là binh chủng đặc biệt của giới phụ nữ, được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, có lực lượng tiến công, hậu bị, hậu cần, y tế, cứu thương….”.

Đội quân tóc dài đã nâng tầm vóc phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ miền Nam lên một đỉnh cao mới: Ngoài đấu tranh trực diện liên tục, họ còn có thể tổ chức bãi thị, đình công ở các thành thị.

Trên thực tế, mỗi lần đội quân tóc dài biểu tình đấu tranh trực diện với địch tại các thị trấn, huyện lỵ, tỉnh lỵ đều chẳng khác nào họ “ra trận”. Kẻ địch thường bất chấp lý lẽ dùng nhiều hình thức đàn áp tàn bạo như đánh đập, phơi nắng, thậm chí nổ súng vào đoàn biểu tình, quy mô cuộc biểu tình càng nhỏ thì cuộc chiến đấu càng cam go…

Dự thảo “Lịch sử xã Quới Thiện (Vũng Liêm- Vĩnh Long)” đã chứng minh điều đó khi nhắc về một cuộc đấu tranh với quy mô 18 phụ nữ với bọn tề xã vào đầu năm 1962 để tố cáo bọn ác ôn đánh người, đốt nhà và giết trâu bò để trả thù một gia đình kháng chiến trong xã.

Bọn này đã không nghe còn làm nhục đoàn biểu tình bằng cách bắt người này nằm xuống đất để người kia dùng roi đánh đến đi không nổi, còn chúng uống rượu, chửi bới và ngồi xem… Dù như thế nhưng khi vào những đợt đấu tranh, các mẹ, các chị lại hẹn nhau xách giỏ trầu, đội nón lá lên đường vào xã, lên huyện lỵ đấu tranh.

Điển hình như ngày 3/2/1964, trên 200 phụ nữ xã này kéo lên huyện lỵ Vũng Liêm phối hợp với nhiều đoàn phụ nữ các xã khác trong huyện đấu tranh buộc địch không được bắn phá bừa bãi…

Lực lượng đoàn biểu tình lần đó khá hùng hậu nên tên quận trưởng phải nhượng bộ hứa hẹn, nhưng sau đó với thủ đoạn “đưa về” chúng xé lẻ các đoàn ra. Riêng đoàn xã Quới Thiện bị chúng bắt đi đắp lộ Phú Tiên ở xã Trung Ngãi. Chúng còn đưa lực lượng này về xã đánh đập dã man để tìm người cầm đầu. Bà Ba Sao là một giáo dân Công giáo bị chúng đánh đến mang bệnh và vài ngày sau thì qua đời (sau này bà được truy phong liệt sĩ).

Một trong những kinh nghiệm của các đoàn biểu tình đấu tranh với địch của chị em Kinh- Khmer ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ là chống bị chúng xé lẻ để dễ bề đàn áp.

Một kinh nghiệm phổ biến khác là khi đi biểu tình, các mẹ, các chị đều mặc 2 bộ quần áo với bộ cũ bên ngoài, để phòng khi bị bọn địch viết khẩu hiệu bằng sơn lên áo, lên nón thì sẵn sàng vứt đi. Bà Lê Thị Phú- nguyên Trưởng Ban Dân vận Bến Tre- kể: Để hạn chế thiệt hại và có cách đối phó hữu hiệu với địch, trước khi có các cuộc biểu tình lớn, một số địa phương còn tổ chức cho chị em “đi chợ nhồi”.

Đó là hình thức tổ chức cho hàng trăm, hàng ngàn chị em cùng đi ra chợ trong một ngày để rút kinh nghiệm địch đối phó ra sao. Bằng sự linh hoạt, khi đoàn biểu tình gặp bọn ác ôn, hung hăng thì chị em sẵn sàng chuyển sang sự dịu dàng vốn có của phụ nữ theo phương châm kiên trì, bền bỉ để bảo tồn lực lượng...

Ngoài những thắng lợi về mặt chính trị và binh vận trong nêu cao chính nghĩa của công cuộc kháng chiến, các cuộc biểu tình đấu tranh với địch còn hạn chế được nhiều hoạt động quân sự của địch. Điển hình như ngày 17/3/1963, Tỉnh hội Phụ nữ Bến Tre huy động gần 30 ngàn phụ nữ các huyện đổ về TX Bến Tre.

Họ vượt qua vòng rào truy cản của địch vây Tòa Hành chính tỉnh, trao kiến nghị phản đối địch gom dân lập ấp chiến lược, buộc địch phải chấp nhận yêu sách. Qua đó, làm chậm kế hoạch này của địch, tạo điều kiện cho các địa phương có thời gian chuẩn bị đối phó. Cuộc biểu tình này cũng làm cuộc càn lớn của địch mang tên “Sóng thần” trong thời gian đó gãy đổ giữa chừng.

Chính trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước đã sản sinh ra các “đội quân tóc dài” huyền thoại, họ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam.

* Bài có sử dụng tư liệu của Báo Đồng Khởi, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre và nhiều nguồn tư liệu khác.

(Còn tiếp)

HỒNG VÂN