Vĩnh biệt nhạc sĩ tài ba Phó Đức Phương với "Về quê", "Chảy đi sông ơi"...

Cập nhật, 15:10, Thứ Ba, 22/09/2020 (GMT+7)

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong một lần vào Sài Gòn đi thực tế sáng tác.  Ảnh: Internet
Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong một lần vào Sài Gòn đi thực tế sáng tác. Ảnh: Internet

Cho đến bây giờ, Phó Đức Phương vẫn là một nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, một nhạc sĩ cội gạo của Hội Âm nhạc Việt Nam. Trưa thứ 7 (19/9/2020) ai có đến ngôi nhà chung các nhạc sĩ tại Liên hiệp hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh (81 Trần Quốc Thảo, Quận 3- TP Hồ Chí Minh) cũng đều thương nhớ về nhạc sĩ Phó Đức Phương với mái tóc hoa râm, giọng nói hiền hòa. 

Tuy ở xứ Bắc, sống trong một căn hộ khá chật hẹp 49m2 tại Ngõ Văn Chương- Hà Nội, nhưng ông hay vào Sài Gòn cùng các học trò mình và các đồng môn để thực tế sáng tác từ nhiều năm nay.

Sinh năm 1944, trên vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, xứ vải nhãn lồng Hưng Yên- nhạc sĩ Phó Đức Phương là một trong những bộ tứ Sông Hồng của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Từ thuở nhỏ, ông từng là học sinh giỏi Toán của mảnh đất Văn Giang. Ông theo đuổi con đường nghiên cứu tự nhiên suốt những năm 1962- 1965 khi còn là sinh viên Khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội 1.

Đến năm 1966, Phó Đức Phương lại quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời ông là nộp đơn thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) với kết quả khiến bao người nể phục và vẫn đeo đuổi đến cuối đời sự nghiệp âm nhạc nước nhà.

Ở Phó Đức Phương, do đi nhiều và viết rất nhiều, ông đã khắc họa những vùng quê thật là đậm nét khó có thể quên khi ai đã đến vùng quê đó, nào là: Chảy đi sông ơi, Những cô gái Quan Họ, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Về quê, Vũ khúc con cò, Nha Trang thu, Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể, Thành phố biển xanh và cát trắng, Trên đỉnh Phù Vân, Lội dòng sông quê,… Các ca sĩ nổi tiếng đã trình diễn các ca khúc của ông, như: NSND Thu Hiền, Mỹ Linh, Thanh Lam- Tùng Dương, Minh Thu và Thu Phương đều hát những ca khúc của ông rất thành công. 

Giống nhạc sĩ Dương Thụ, bài ca nào của Phó Đức Phương cũng được những ca sĩ hàng đầu hiện nay, như: Ngọc Tân, Mỹ Linh, Thanh Lam, Bằng Kiều, Tùng Dương… lựa chọn và làm người nghe khó có thể mà quên.

Phó Đức Phương trong âm nhạc của mình, thường tận dụng các âm hưởng ca từ của dân ca mọi miền, trong hòa âm phối khí, kỹ tính khi dựng tiết mục, cái gì cũng làm tới cùng, khó mấy nhạc sĩ cũng không thể nào bỏ cuộc, mà đều đưa cho khán thính giả những ca khúc để đời theo năm tháng, như nay ta hãy nghe lại: Về quê, Vũ khúc con cò, Nha Trang thu, Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể, Thành phố biển xanh và cát trắng, Trên đỉnh Phù Vân… thì ai dầu khó tính mấy, cũng đều cảm nhận tấm lòng của nhạc sĩ đã nói thay lời họ với quê nhà, với cảnh tình mọi miền đất nước thiêng liêng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học- nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái Quan Họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân vào năm 2011, ông còn nổi tiếng nhiều ca khúc khác trong nhiều năm nay ở nhiều thể loại.  

Ngoài các sáng tác nổi tiếng, Phó Đức Phương cũng được biết đến là người quyết liệt trong việc bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc cho các nhạc sĩ.

Nhạc sĩ từng nói: Trong suốt 18 năm hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả âm nhạc, tôi đã dành hết tâm huyết và trách nhiệm của mình cho việc xây dựng một tổ chức quản lý tập thể hoạt động sao cho có kết quả tốt nhất trong hoàn cảnh thực tế của đất nước cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể của trung tâm.

Bất cứ ai từng hợp tác với nhạc sĩ Phó Đức Phương đều nhận xét rằng ông là người khó tính và kỹ tính trong âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ tại TP Hồ Chí Minh cho là có lẽ vì thế mà những tác phẩm nổi tiếng của ông khi đưa đến với công chúng được đón nhận và sống mãi với thời gian hàng chục năm nay.

Nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển cũng rất cảm phục nhạc sĩ Phó Đức Phương với những lời ca, thấm đẫm tình yêu mọi miền quê mà ông đã đến. Lời nhạc của Phó Đức Phương giản dị và sâu lắng, than thiết tình thương với từng con sông, ngọn núi… khiến người nghe lời ca của ông “Ơi con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa/ Ơi con sông thiết tha, ấp ôm bến bờ xứ sở/ Sông mấy ngàn năm tuổi/ Miệt mài chảy mãi khôn nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả/ Mà sao vẫn trẻ mãi không già” thì ai cũng rung rung nước mắt khi nhớ về quê mình.

Hơn nửa thế kỷ sáng tác và để lại nhiều ca khúc nổi tiếng, song ông không bao giờ nói về mình, mà vẫn chú tâm đi các miền quê thực tế, sáng tác, làm nên nhiều ca khúc để đời cho đất nước ta. Xin vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa đã sống mãi trong lòng khán giả cả nước để khi ai có “Về quê” đều nhớ:

Theo em anh thì về/ Theo em anh thì về thăm miền quê/ Nơi có một triền đê có hàng tre ru khi chiều về/ Ơi quê ta bánh đa bánh đúc/ Nơi thỏa thơm đồng xanh trái ngọt/ Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ/ Ơi quê ta dầu sương dãi nắng/ Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiên/ Kìa dáng ai như dáng mẹ dáng chị tôi/ Đưa nhau ta thì về/ Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi/ Nơi sáo diều chơi vơi/ Với dòng sông bên lở bên bồi/ Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen/ Phiêu bạt chốn phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò…

PHẠM BÁ NHIỄU