Tự hào quê hương "địa linh sinh nhân kiệt"

Cập nhật, 13:36, Thứ Tư, 02/09/2020 (GMT+7)

 

Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh thắp hương tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh thắp hương tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Trải qua chặng đường dài lịch sử, Vĩnh Long được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với tinh thần hiếu học, sản sinh ra những nhân vật lịch sử- văn hóa để lại dấu ấn không thể phai mờ và đóng góp lớn vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế hệ trẻ Vĩnh Long đã và đang nỗ lực viết tiếp trang sử mới.

Quê hương “địa linh sinh nhân kiệt”

Năm 1732, Long Hồ dinh ra đời đảm nhận vai trò lịch sử là trung tâm phương Nam về mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa... Bậc anh hùng hào kiệt bốn phương đã hội tụ về vùng đất Vĩnh Long để hiệp sức tạo nên sự nghiệp lớn.

Lớp tiền nhân có Thoại Ngọc Hầu, Phan Thanh Giản, nhà nghiên cứu- nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký, Bùi Hữu Nghĩa,... Lớp hậu sinh có GS. VS Trần Đại Nghĩa, Phan Văn Đáng, rồi những nghệ nhân, nghệ sĩ nổi danh như: Trần Quang Quờn, Tống Hữu Định, Trương Duy Toản,…

Là một tỉnh nhỏ trong 63 tỉnh- thành của cả nước, nhưng qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Vĩnh Long có 9 người đứng vào hàng ngũ tướng lĩnh của lực lượng quốc phòng, an ninh nhân dân; 10 người là ủy viên BCH, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trong đó có 2 nhà lãnh đạo lớn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng (xã Long Phước- Long Hồ) và Thủ tướng Võ Văn Kiệt (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm).  

Với 76 mùa xuân, 60 năm hoạt động cách mạng, 14 năm bị tù đày, sống trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng vẫn bất khuất trước kẻ thù. 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 13 năm trong thời kỳ hòa bình thống nhất đất nước nhưng không một phút ngơi nghỉ, ra Bắc vào Nam đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, đứng mũi chịu sào, đồng chí Phạm Hùng suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân.

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng có tư duy độc lập, tự chủ trong công vụ và rất tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể; có tác phong làm việc khoa học, sâu sắc, có tầm khái quát, bám sát đường lối của Đảng, giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt trong giải quyết công việc.

Thế hệ trẻ Vĩnh Long nỗ lực tiếp nối truyền thống cha anh.
Thế hệ trẻ Vĩnh Long nỗ lực tiếp nối truyền thống cha anh.

Năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được Bộ Chính trị chỉ định làm Chính ủy Chiến dịch, ông cùng cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng và đồng bào nổi dậy, tiến vào Sài Gòn, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những ngày đầu giải phóng với bộn bề những khó khăn, đồng chí Phạm Hùng đã có câu nói nổi tiếng: “Chúng ta còn sống, còn làm việc và học tập, còn sống còn lao động và chiến đấu”.

Là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, đồng chí Võ Văn Kiệt trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng, với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở vì dân.

Đồng chí đã dành nhiều thời gian đi mọi miền đất nước, tận mắt chứng kiến những đổi thay, bất cập của cuộc sống, kịp thời có ý kiến góp ý với lãnh đạo các tỉnh- thành về định hướng phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội tiến lên công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

Ngày nay, nhân dân không thể nào quên nhiều công trình mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: công trình khai thác Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên; đường dây tải điện 500kV Bắc- Nam; xây dựng đường Bắc Thăng Long- Nội Bài, mở rộng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội; công trình dầu khí, Khu công nghiệp Dung Quất…

Từ chủ trương có ý nghĩa quyết đoán, sáng tạo, đột phá, những công trình là đòn bẩy quyết định cho sự phát triển tăng tốc của các địa phương và đất nước ta trong thời kỳ đổi mới.

Tự hào tiếp bước thế hệ cha anh

Tiếp nối truyền thống đầy tự hào của thế hệ đi trước, tuổi trẻ Vĩnh Long đang nỗ lực từng ngày góp sức xây dựng quê hương.

Cô Phạm Hoàng Mai Hương- con gái Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng- tự hào kể: “Kỷ niệm về cha thì rất nhiều, trong đó không thể quên câu nói “tôi không có gì cả ngoài sự nghiệp cách mạng và tài sản quý nhất là những đứa con”.

Cha tôi rất thương con, luôn luôn là tấm gương để cho 4 anh em chúng tôi quây quần, cố gắng phấn đấu học hành, làm việc, trưởng thành cho đến ngày hôm nay”.

Học bổng mang tên Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa được tỉnh Vĩnh Long trao đều đặn hàng chục năm qua. Phần học bổng vừa động viên các em học sinh, sinh viên tiếp tục vượt khó vừa nhắc nhở các em noi theo tinh thần học hỏi, sáng tạo, trách nhiệm, sự nghiêm túc, mẫu mực, đem hết trí tuệ và sức lực cống hiến cho đất nước như bao tấm gương của thế hệ đi trước.

Học bổng mang tên Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa đã được trao đều đặn hàng chục năm qua.
Học bổng mang tên Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa đã được trao đều đặn hàng chục năm qua.

Bà Đào Thị Tuyết Vân- Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình (PT-TH) Vĩnh Long chia sẻ: Năm 2002, Đài PT- TH Vĩnh Long chính thức cho ra đời quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa. Việc thành lập quỹ học bổng thể hiện sự kính phục, biết ơn đối với công lao to lớn của cố GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Giai đoạn 2016- 2021, Đài PT- TH Vĩnh Long triển khai thực hiện đề án mở rộng học bổng Trần Đại Nghĩa, xét cấp trên 3.000 suất học bổng cho nhiều đối tượng học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền 10 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Đài PT- TH Vĩnh Long cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi đã góp phần nâng đỡ các bạn trẻ trên con đường học tập. Chúng tôi sẽ càng hạnh phúc và tự hào hơn khi được thấy các bạn thành đạt, biết mang vốn tri thức của bản thân giúp ích cho quê hương đất nước, biết sống có nghĩa tình và lại cùng chúng tôi tiếp sức cho những hoàn cảnh khó khăn”.

Vào lễ giỗ lần thứ 23 của GS.VS Trần Đại Nghĩa, ông Ngô Thiên Hà- Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Dưỡng Phú (TP Hồ Chí Minh)- cùng các bạn trẻ về Vĩnh Long đến thắp hương tại Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa ở huyện Tam Bình.

Ông Ngô Thiên Hà cùng các bạn trẻ đến viếng GS.VS Trần Đại Nghĩa, tri ân người có nhiều cống hiến cho nền khoa học kỹ thuật nước nhà.
Ông Ngô Thiên Hà cùng các bạn trẻ đến viếng GS.VS Trần Đại Nghĩa, tri ân người có nhiều cống hiến cho nền khoa học kỹ thuật nước nhà.

Ông Ngô Thiên Hà nói: “Tôi tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và bác Trần Đại Nghĩa là hiệu trưởng đầu tiên của trường. Là những người làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trong đó có những bạn trẻ quê ở Vĩnh Long, chúng tôi đến viếng bác, tri ân người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho nền khoa học công nghệ nước nhà”.

Công ty của ông Ngô Thiên Hà đang xây dựng trung tâm đào tạo ứng dụng, thực hành công nghệ kỹ thuật y sinh mang tên Trần Đại Nghĩa và cũng có quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa, hỗ trợ sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực thực hành, đưa lý thuyết vào thực hành như bác Trần Đại Nghĩa đưa kiến thức từ nước ngoài về để chế tạo vũ khí phục vụ cho Tổ quốc.

“Thời điểm dịch COVID-19 chưa kết thúc, kinh tế khó khăn, việc làm chủ công nghệ rất quan trọng. Trí tuệ của người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được và chúng tôi bắt đầu từ bước đi nhỏ nhất: đào tạo các bạn trẻ và để chính người trẻ truyền đạt lại kiến thức cho thế hệ sau”- ông Ngô Thiên Hà chia sẻ.

Cảm nhận sâu sắc những năm tháng kháng chiến, xây dựng đất nước đầy khó khăn, hiểu hơn, tự hào về những người đã hết lòng vì nước, vì dân, thế hệ trẻ đang từng ngày phát huy và tiếp bước noi theo tấm gương cha anh. Sống, cống hiến để xứng đáng là thế hệ trẻ rạng rỡ trên quê hương Vĩnh Long anh hùng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY