Sứ mệnh bảo tồn di sản nông nghiệp ĐBSCL

Cập nhật, 08:04, Thứ Bảy, 08/08/2020 (GMT+7)

 

Lúa trời mọc rải rác ở lung sen.
Lúa trời mọc rải rác ở lung sen.

Hình ảnh nền văn hóa nông nghiệp ĐBSCL giờ còn lại gì sau mấy trăm năm ông bà mình “vác cây phảng” khai phá ruộng phương Nam? Đó là một di sản đồ sộ với vẻ đẹp lộng lẫy, đầy tự hào; mà khi tốc độ phát triển của công nghiệp càng nhanh, thì những giá trị vật thể, phi vật thể nông nghiệp cũng sớm lụi tàn.

Sứ mệnh bảo tồn một nền di sản văn hóa nông nghiệp đồng bằng không phải nói “để mà chơi”. Nhiều năm qua, chúng tôi đã “lội nhẫm dấu” trên khắp những cánh đồng Nam Bộ, diện kiến bao nhiêu nhân vật ẩn cư lặng lẽ làm mấy việc có ích mà họ vẫn cho là “nhỏ nhoi lắm”.

Đó là những nông dân âm thầm góp nhặt từng mảnh vỡ văn hóa để làm thành bảo tàng nông nghiệp của riêng mình; có người dành một đời giữ lại gien lúa trời để lai tạo thành giống lúa có thể chịu ngập nước, vừa chịu được hạn, mặn, phèn mạnh nhất thế giới với ước nguyện cuối đời hiến tặng cho Nhà nước, cho nông dân xứ mình…

Xin hãy làm một cái gì đó để có thể giữ lại một gia tài vô giá mà ông bà mình để lại trên mảnh đất phương Nam này.

Kỳ 1: Lúa trời- “của để dành” cho tương lai

Thăm khu lúa trời ở Láng Sen (Long An).
Thăm khu lúa trời ở Láng Sen (Long An).

 

Chúng tôi bắt đầu những nét phác thảo đầu tiên về một con đường di sản nông nghiệp đồ sộ, với không gian bao la của cả khu vực đồng bằng và thời gian hiện hữu từ cách đây hơn ngàn năm với trung tâm là kinh đô Óc Eo vùng Ba Thê- núi Sập (Thoại Sơn- An Giang), làm nền tảng cho công cuộc khai phá trăm năm của người Việt sau này.

Và câu chuyện khởi đi từ vòng cung dãy Thiên Cấm Sơn kỳ bí, nơi mà từ xa xưa người bản địa đã biết ăn lúa trời và xây dựng hệ thống thủy lợi. Rồi xuyên qua cánh đồng Tứ giác Long Xuyên để vào tận rốn phèn Đồng Tháp Mười săn tìm bóng dáng cây lúa trời huyền thoại.

Vào rốn phèn thăm lại lúa trời

Chúng tôi lớn lên từ hạt lúa mùa, tắm đồng phèn và ngâm mình dưới những dòng sông đặc quánh phù sa. Từng trải qua “ngoài đồng vàng mơ, trong nhà đói mờ con mắt”, khi đó, người lớn đã bơi xuồng vô lút đồng sâu mót từng hạt lúa trời về nấu với những hột đen đen trong cùi bông súng ma, cầm hơi qua mùa nước nổi.

Những đứa nhỏ ngủ ở nhà, có khi người lớn phải cột chân chúng lại, để tối không lo ngủ mê mà lọt xuống nước. Cũng có khi họ bỏ con theo ngủ trước khoang xuồng, để cha mẹ bơi miệt mài vào tận đồng sâu, đến 1- 2 giờ sáng thì vừa kịp lúa chín.

Mỗi xuồng treo cây đèn bão nhỏ, họ lầm lũi đập lúa vào xuồng, hàng trăm chiếc đèn nhấp nháy trên đồng tựa ma trơi, chỉ có tiếng bầy chim giật mình đập cánh ào ào bay ra khỏi tổ. Mỗi bông lúa hàng đêm chỉ chín vài hạt lúc rạng sáng, đến mặt trời mọc thì rụng xuống nước, nằm đó chờ mùa mưa năm sau làm cuộc tái sinh. Có lẽ vì những lẽ đó mà lúa trời còn gọi có tên “lúa ma”.

Nhưng lúa trời không chỉ là quá khứ, không phải sứ mệnh của giống lúa đặc biệt ở đồng nước nổi Nam Bộ này đã hoàn thành, mà lúa trời đang gieo mơ ước về giống lúa có khả năng kháng bệnh, chịu được ngập sâu và cả hạn mặn, phèn chua mạnh nhất thế giới. Lúa trời tiếp tục sứ mệnh và trở thành niềm hy vọng cho nông dân xứ này trước biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khốc liệt, khó lường.

Đó là câu chuyện kết nối một hành trình lịch sử, nên chúng tôi phải cồn cả vào tận Đồng Tháp Mười, trước khi tìm đến nhà khoa học “gàn” nhưng đã tạo nên kỳ tích, khác nào một “ông thần lúa” ở đồng bằng.

Từ cửa ngõ TX Cai Lậy (Tiền Giang), chúng tôi ngược về hướng biên giới Campuchia, để vào cánh đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Hưng (Long An). Với 1.900ha, Láng Sen được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười.

Cuối năm 2015, Tổ chức công ước Ramsar đã công nhận khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.

Mùa này hàng trăm mẫu lung sen đã tàn lụi hết rồi, nhưng chúng tôi vào đây để tìm lại ký ức về giống lúa trời còn gọi là lúa ma, lúa hoang, lúa cỏ- mà vào mùa nước nổi chúng mọc tùm lum ở mé ruộng, bờ kinh, có khi mọc vào đến tận sàn nước.

Mãi đến khi hết trồng lúa mùa chuyển qua lúa thần nông, chúng tôi nhớ lúa trời vẫn còn mọc đầy khu vực lung hoang ở đồng lớn miệt Phú Xuân (thuộc huyện Phú Tân- An Giang ngày nay). Nghe vậy, anh Nguyễn Công Toại- Phó Giám đốc Khu bảo tồn Láng Sen- sốt sắng lấy cho chúng tôi xem những tấm hình tư liệu về lúa trời đẹp nức nở khi trổ bông vào     mùa nước nổi.

Và… cầm lòng không đặng, chúng tôi tức tốc lên đường xuyên rừng đi thăm lại đám lúa trời.

Giống lúa đặc biệt nhất thế giới

Một không gian hoang sơ với rất nhiều loài thực vật, động vật, thủy sản quý của mùa nước nổi hiện ra trước mắt khiến lòng chợt rưng rưng. Mấy đàn cò kiếm ăn trên đồng cạn nghe tiếng động cơ, vội vàng đập cánh bay đi.

Cá lóc táp bầm bập, những bầy cá bông lên móng như cơm sôi, cả những con cá chài đã tuyệt tích trên dòng Mekong cũng có mặt ở đây với kỷ lục lên đến 4- 5 kg/con, rồi cá leo, cá kết dài cả sải tay. Các anh nói ở đây còn bảo tồn được rất nhiều loài thủy sản đã không còn ngoài thiên nhiên, chợt nhận ra mình đang bước đi trên một kho báu của đồng bằng!

Đến khi chạm tay vào bụi lúa trời xanh mịt bát ngát một vùng đang vượt lên chừng nửa thước, chúng tôi thẫn thờ thiệt lâu với bao nhiêu hình ảnh thân thương của ngày xưa như ùa về trước mắt. Còn cách nói tôn vinh giống lúa trời ở Đồng Tháp Mười là đặc chủng quý hiếm, đặc biệt nhất thế giới, không phải là thậm xưng ngẫu hứng- mà do các chuyên gia hàng đầu về lúa của Việt Nam và thế giới đã xác nhận.

Đứng trên bờ mẫu là ranh giới phân ra 2 khu, một bên là nước trong vắt vùng sinh trưởng của sen, một bên đặc sệt loại phèn đỏ là vùng đất của cây lúa trời phát triển, cảm thấy hạnh phúc ngất ngây và mang ơn những người đang lặng lẽ làm công việc giữ gìn một di sản quý báu mà “ông trời” đã ban lộc cho người đồng bằng.

Anh Công Toại cho biết: “Lúa trời ở đây được bảo tồn nghiêm ngặt trên diện tích 30ha, còn mọc rải rác trên cả khu vực 80ha. Cây lúa có khả năng kháng sâu bệnh, chịu phèn cực kỳ tốt. Đuôi lúa dài khoảng 2cm, lúa chín thì chim, cá ăn hết. Tôi ở đây 16 năm trời, không thu hoạch hạt lúa nào, mùa nước nổi chim về xoay cuộn sà xuống vần vũ như đám mây, cây lúa đang đứng mà chim đến là rạp mình dưới nước. Chúng khôn thần sầu, lựa những hạt vừa hườm hườm trở mình là quất sạch, còn hạt chín thì rụng xuống nước là phần của cá”.

Công tác bảo tồn cực kỳ nghiêm ngặt với phương châm không can thiệp vào tự nhiên. Láng Sen đã đóng cửa, tự biến mình thành khu biệt lập để bảo vệ hàng trăm loài chim, cò, thủy sản, thực vật. Đối với cây lúa trời, chỗ nào chết thì trồng giặm lại, mỗi 3 năm cán bộ kỹ thuật sẽ đốt để xử lý thực bì cho cây lúa phát triển.

Tạm biệt Láng Sen, chúng tôi hối hả vào Tràm Chim (Tam Nông- Đồng Tháp), để kịp thăm vùng lúa trời ở đây trước khi trời sụp tối. Thời may, lão nông Sáu Lương (Trần Văn Lương- xã Phú Đức) cũng đang làm hướng dẫn du lịch ở đây.

Lúa trời trổ bông ở Tràm Chim (Đồng Tháp).
Lúa trời trổ bông ở Tràm Chim (Đồng Tháp).

Nhắc đến lúa trời, giọng ông trở nên bồi hồi như nhắc về người ơn: “Hồi xưa đồng phèn không hà, chỉ có súng, sen, lúa ma mọc. Dân mình nghèo lắm, tháng 9, tháng 10 là bơi xuồng đi đập lúa ma. Hạt lúa ma xanh, nhuyễn, nấu lên thơm lắm, nhất là làm bánh đúc thì thôi khỏi nói. Thứ bánh làm từ hạt lúa trời cho, nên ông bà mình nghĩ cho con nít ăn sẽ mau lớn, không đau bệnh. Dân mình xưa nghèo lắm khi lúa trong bồ đã hết, phải chờ 3- 4 tháng mới tới lúa mùa thì toàn sống bằng lúa ma. Dân Phú Đức, vùng Tràm Chim này mang ơn cây lúa ma dữ lắm. Những người cỡ tuổi tui nhắc lại lúa ma là rưng rưng muốn khóc, nhớ một thời cây lúa ma cưu mang, đùm bọc mình qua cái đận cơ cực, bần hàn”.

Lúa trời là “người ơn” của dân nghèo đồng bằng xưa, và giờ đây lại trở thành niềm hy vọng lớn trước vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu càng trở nên khốc liệt, khó lường. Câu chuyện này dẫn dắt chúng tôi ngược đường lên Tân Châu (An Giang), diện kiến nhà khoa học “gàn” sống như ẩn sĩ với giấc mơ lớn dành cho cây lúa của tương lai.

Lúa trời sinh trưởng theo con nước nổi, dài đến 4- 5m, sau một mùa gốc lúa vẫn bám rễ, hạt lúa trốn dưới đất, đi qua mấy tháng hạn khô nứt nẻ để rồi đến khi sa mưa chúng lại mọc lên.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY- MINH THÁI

Kỳ 2: Dành một đời để bảo tồn cây lúa