"Theo chân Bác"...

Kỳ 2: "Quê hương nghĩa trọng tình cao"

Cập nhật, 05:37, Thứ Ba, 19/05/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trong bài nói chuyện của Bác với nhân dân Nghệ An ngày 16/6/1957, có đoạn: “Tôi là người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay lần đầu trở lại về thăm, có thể nói là: Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Dù bôn ba khắp muôn phương nhưng trong tim Người luôn dành một góc riêng thương nhớ quê nhà.

Thấm thía những tình cảm sâu nặng, lời căn dặn tâm huyết của Bác dành cho quê hương, phong trào học và làm theo Người ngày càng lan tỏa sâu rộng, nhân dân không ngừng phấn đấu xây dựng quê nhà ngày thêm giàu đẹp.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vĩnh Thành ghi dấu tình cảm, bài học quý giá của Bác khi Người về thăm quê.
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vĩnh Thành ghi dấu tình cảm, bài học quý giá của Bác khi Người về thăm quê.

Quê hương chan chứa ân tình

Thuyết minh viên Nguyễn Kim Thanh kể, khi gặp lại đồng bào quê hương, nét mặt Bác rất xúc động, Người bắt tay, vẫy chào bà con.

Vẫn giữ giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng, Bác trải lòng: “Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi.

Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng! Là vì: bây giờ nước ta được độc lập tự do, nhân dân được sống cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành”.

Thuyết minh viên Nguyễn Kim Thanh kể những câu chuyện cảm động khi Bác về thăm quê.
Thuyết minh viên Nguyễn Kim Thanh kể những câu chuyện cảm động khi Bác về thăm quê.

Chúng tôi gặp nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu, người đã dành cả đời say sưa nghiên cứu về Bác để được nghe giây phút thiêng liêng trong 2 lần Bác về thăm quê.

Theo ông, năm 1946, tại Hà Nội, Bác tiếp chị ruột- bà Nguyễn Thị Thanh vào lúc 11h30 trưa chủ nhật và một lần khác tiếp anh ruột- ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng vào chủ nhật.

Cả 2 lần Bác về thăm quê vào năm 1957 và 1961 lại vào chủ nhật. Ông Trần Minh Siêu xúc động: “Bác dành thời gian làm việc trong tuần cho việc chung. Gặp chị, gặp anh, về thăm nhà là việc riêng nên Bác chọn ngày chủ nhật. Đó là biểu hiện một nét đạo đức Hồ Chí Minh: Chí công vô tư”.

Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu lý giải vì sao Bác về thăm quê chỉ vỏn vẹn 2 lần mà người dân Kim Liên nhớ mãi không quên: “Những việc làm của Bác rất thân thiện, cảm động, không ngờ vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc mà vẫn nhớ hỏi thăm nhà cố Phương- người nghèo nhất làng Sen.

Bác rất tôn trọng nhân dân. Bác hỏi thăm cụ lò rèn cố Điền. Bác bảo phải quý trọng nghề lao động mới có dụng cụ rèn phục vụ nông dân. Bác hỏi thăm thầy dạy học Vương Thúc Quý, thầy Trần Thân…

Mọi việc đều thấm nhuần tư tưởng biết ơn của Bác. Cảm nhận được tình cảm quý trọng, cao cả của Người nên nhân dân muôn đời nhớ ơn Bác. Vì Người mới có cơm ăn, áo mặc, mới được giải phóng, sống hòa bình”.

Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Tư năm nay đã 93 tuổi nhưng những ký ức về lần gặp Bác thì còn nhớ rõ như in.
Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Tư năm nay đã 93 tuổi nhưng những ký ức về lần gặp Bác thì còn nhớ rõ như in.

Nhà của Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Tư nằm ở xóm Trù 1, xã Kim Liên. Ngôi nhà giản dị, chẳng có nhiều vật dụng quý giá, chúng tôi chỉ thấy tấm ảnh Bác Hồ rất to, Bác cùng bà con Kim Liên đi giữa hàng cây khi về thăm nhà năm 1961.

Ông Tư năm nay đã 93 tuổi, chuyện đời lúc nhớ, lúc quên nhưng ký ức về lần gặp Bác Hồ thì ông kể bằng giọng sang sảng với ánh mắt đầy tự hào: “Bác rất giản dị, đi đôi dép cao su.

Bác ngồi xổm ở chỗ cửa sổ, dân làng Hoàng Trù trẻ em, người lớn đang bận gì cũng bỏ dở, 107 hộ xúm lại chật cửa nhà Bác, đứng dài tới đầu làng.

Bác bảo lâu nay mới về quê hương nên rất nhớ, thấy bà con làm ăn tốt, Bác rất phấn khởi. Bác hỏi bà con làm ăn thế có thiếu chi không. Bác dặn bà con có khó khăn thì phải đùm bọc nhau, chăn nuôi, sản xuất giỏi…”

Dòng ký ức sống mãi với thời gian, ông Tư kể liền một mạch chuyện gặp Bác Hồ, chuyện người dân đã tự hào thế nào khi gặp Bác, chuyện họ đã cố gắng học Bác dạy con cháu, xây dựng quê hương…

Và kết thúc buổi gặp gỡ, ông Tư hát cho chúng tôi nghe câu ví dặm về Bác. Nắng chiều chiếu rọi đóa sen thêm phần rực rỡ, ánh mắt ông Tư như đang có nắng, lấp lánh khi hát về Người.

Đứng giữa làng Kim Liên nghe ngân nga câu ví dặm, những người con từ miền Nam chúng tôi thật may mắn vô cùng, hạnh phúc mà khẽ lau nước mắt.

Yên Thành mãi nhớ Bác

Tới thăm Nghệ An, người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến Vĩnh Thành thắp nén hương dâng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Tới thăm Nghệ An, người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến Vĩnh Thành thắp nén hương dâng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Năm 1957, lần đầu về thăm quê, Bác đã hứa với Đảng bộ và nhân dân quê nhà, nếu Đảng bộ và nhân dân làm tốt khâu sản xuất và xây dựng Đảng thì Bác sẽ về thăm lần nữa. 4 năm sau, Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2.

Hợp tác xã (HTX) Trần Phú- tiền thân của HTX Vĩnh Thành ra đời trở thành mô hình HTX nông nghiệp đầu tiên của tỉnh. Các hoạt động giáo dục, bình dân học vụ, văn nghệ thể dục, thể thao phát triển đều trong toàn huyện.

Kết thúc giai đoạn 1955- 1957, huyện Yên Thành được tỉnh công nhận là “lá cờ đầu” về khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội. Có một đại biểu được suy tôn “Chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc” là ông Thái Phượng ở xã Tăng Thành.

Bác đã về thăm HTX Vĩnh Thành- đơn vị điển hình của huyện lúc bấy giờ. Nơi Bác đứng trò chuyện với bà con nhân dân xã Vĩnh Thành là một khán đài được dựng dã chiến ở Trường Tiểu học xã Vĩnh Thành.

Tại đây, UBND xã Vĩnh Thành đã đặt tấm bia ghi: “Sáng ngày 10/12/1961, trong dịp về thăm quê hương lần thứ 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành.

Tại cuộc nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Vĩnh Thành và huyện Yên Thành ở trường cấp 1 xã Vĩnh Thành, Người đã đề cập tới tất cả các mặt hoạt động của xã.

Người căn dặn: “… Làm HTX là chúng ta tập trung lực lượng tiến công vào nghèo nàn và lạc hậu, là đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, thu nhập cao, vệ sinh tốt, là học hành chăm, đời sống lên không ngừng…”.

Ngôi trường tiểu học vách đất, mái tranh năm xưa nhường chỗ cho những lớp học với đầy đủ tiện nghi. Trên nền Nhà thương Vĩnh Tuy giờ cũng là khu trạm xá khang trang.

Còn bãi đáp máy bay trực thăng của Bác giờ là một quần thể văn hóa- hành chính hiện đại. Bên cạnh Nhà lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành là một nhà văn hóa đa chức năng, trụ sở UBND xã.

Cô Trần Thị Nhị hơn 25 năm quản lý Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vĩnh Thành, kể: “Là người con Vĩnh Thành vinh dự được đón Bác về thăm, một phần cuộc đời tôi được gắn bó với nhà lưu niệm của Bác, trước đây chỉ là ngôi nhà cấp 4 cho đến khi được khang trang như thế này”.

Giống như thông lệ, vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật, lễ giỗ Bác, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đến đây để ôn lại công lao của Bác và báo công dâng Người.

Từ sáng sớm cho đến tận khuya, ánh đèn sáng rực cả xóm, người dân từ Cần Thơ, Bến Tre, người Sơn La, Lào Cai… đổ về thắp hương cho Bác.

“Những đôi trẻ yêu nhau sắp kết hôn ở huyện cũng đến nhà lưu niệm thắp hương cho Bác trước khi cưới, cầu mong hạnh phúc, sức khỏe, con cháu ngoan ngoãn. Đó là tình yêu, niềm tin thiêng liêng với vị lãnh tụ dân tộc”- cô Nhị chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng- Bí thư Huyện ủy Yên Thành- cho biết: “Chúng tôi nhớ lời căn dặn của Bác khi Bác về thăm quê. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Thành. Bác dặn bằng mọi cách phải nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Chúng tôi cho rằng đó là trách nhiệm hết sức nặng nề và đó là lời hứa với Bác phải cố gắng thực hiện”.

Yên Thành là huyện thuần nông nghiệp với 38 xã, dân số đứng thứ 3 toàn tỉnh với gần 30 vạn dân.

Kể về những thành tựu và những cách làm để huyện vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Viết Hưng bỗng ngập ngừng, rưng rưng nước mắt nói: “Trong tháng 5 này, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định huyện Yên Thành là huyện nông thôn mới. Chúng tôi xem đây là món quà xúc động, dâng lên kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác.

Chúng tôi có động lực là làm thế nào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thực hiện đúng lời dạy của Bác là giành độc lập nhưng nếu người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không được học tập thì độc lập, tự do đó cũng vô nghĩa”.

Buổi chiều ở Yên Thành, nắng đến rát da rát thịt nhưng không khí trên những cánh đồng vô cùng nhộn nhịp. Bà con tất bật thu hoạch trên cánh đồng bạt ngàn lúa trĩu vàng. Người Yên Thành chưa bao giờ quên lời dạy của Bác.

Và đến với Yên Thành hôm nay, mỗi người con phương Nam chúng tôi thật ngưỡng mộ, một lần nữa khắc ghi lời dạy của Người mà cùng nhau cố gắng góp phần dựng xây cho quê hương ngày một giàu có, tươi đẹp hơn.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY