Đời cỏ...

Cập nhật, 00:12, Thứ Hai, 11/05/2020 (GMT+7)

Tôi lần theo số liệu thống kê đàn bò, hộ chăn nuôi bò ở huyện Vũng Liêm, rồi đi tìm... cỏ. Rơm và cỏ là nguồn thức ăn chủ yếu của đàn vật nuôi này. Sản xuất, đời sống kinh tế của nhiều gia đình đã khởi sự, duy trì, góp phần phát triển từ đây: con bò, cọng rơm, cây cỏ...

Đồng không nên thả bò ăn cỏ bờ mẫu.
Đồng không nên thả bò ăn cỏ bờ mẫu.

Một chiều cuối tháng 3, chú Út (tên Nguyễn Văn Tần, ấp Tân Quang, xã Hiếu Phụng) thả 3 con bò ra đồng trống bên bờ kinh ngang nhà để ăn cỏ. Bờ bên này chú trồng cỏ voi. Đoạn đường hơn 200m trồng cỏ voi kéo dài ra tận QL53. Trong nhà, sau vụ Đông Xuân, chú mua dự trữ cả trăm cuộn rơm. Chú nuôi bò 15 năm nay, lúc nhiều 7 con, hiện là 3 con.

Chỉ về mấy con bò trên đồng, chú Út nói lúc rộng đồng (tức lúa thu hoạch xong) thì thả bò cho ăn cỏ bờ mẫu. Lúc sạ lúa lại, bò nằm chuồng ăn cỏ và rơm. Bờ cỏ đó cùng với nguồn rơm kia là thức ăn chủ lực cho đàn bò, theo kiểu: sáng rơm, chiều cỏ!

Nguyễn Hoàng Huy (28 tuổi, Chi hội Nông dân Ấp 5, xã Tân An Luông) nuôi bò 5- 6 năm nay. Huy nuôi bò nái, bán nghé. Lúc nhiều, Huy có 6- 7 bò mẹ và nghé! Lúc nghé đủ 6 tháng, dứt sữa thì bán, giờ còn 3- 4 con. Hiện tại Huy đang nuôi con đực và 2 con nái có chửa. Số này sẽ là 5 con trong sau thời gian nữa!

Ngoài trữ rơm như nhiều hộ nuôi bò, Huy trồng 2 công cỏ tim bức (tâm bức) ngoài ruộng, quanh nhà thì trồng cỏ voi. Huy nói: “Em tính là luôn duy trì số bò nuôi trong khoản vậy! Bởi nhiều bò thì lượng rơm, cỏ không đủ ăn. Đây là 2 nguồn thức ăn quan trọng nhất phải đảm bảo đủ cho đàn bò”.

Huy nói cho ăn kiểu “sáng rơm chiều cỏ”, tức là buổi sáng mình có việc ra xã, đi chợ, đi làm, ruộng vườn... thì kéo rơm cho bò ăn. Chiều mát, người ta mới cắt cỏ- mơn mởn, tươi rói- đem về cho bò.

Anh Sơn ở xã Tân Long Hội (Mang Thít) hôm tôi gặp đang siết bó thân cây cỏ voi xin của người bà con ở Tân An Luông về trồng. Bó tới bó thứ 3, anh nói nhiêu đó gầy ra 2 con bò ăn khỏe rồi. “Cỏ voi đạm nhiều, mềm ngon, giờ ai cũng trồng. Nhà nào nuôi bò nhiều thì trồng mấy công đất luôn”- anh có vẻ am hiểu.

Họ là những hộ trong hàng ngàn hộ dân ở Vũng Liêm có chăn nuôi bò, trồng cỏ, trữ rơm bò ăn.

Trong báo cáo nông nghiệp của huyện Vũng Liêm, cùng đàn gia súc (bò, heo), gia cầm (gà, vịt), thủy sản,... luôn có thống kê về rơm và cỏ. Tới quý I/2020, diện tích trồng cỏ nuôi bò ở huyện là 806,5ha (cỏ trồng dưới ruộng 130,2ha, cỏ vườn 676,3ha). Ở Vũng Liêm, bò là một trong các vật nuôi chủ lực. Hiện tổng đàn bò của huyện có 28.037 con. Theo khảo sát, các xã có nuôi nhiều bò tới thời điểm này như: Trung Hiệp (2.432 con), Trung Thành (2.265 con), Tân Quới Trung (2.228 con), Trung Thành Tây (1.897 con)...

Về giống bò, hiện địa bàn Vũng Liêm có các giống: bò ta vàng gốc, bò bô, bò Shine. Về sau có thêm bò Pháp kem. Về giống cỏ, có cỏ voi (xanh, tím), cỏ tim bức, cỏ sả... nhưng phổ biến nhất vẫn là cỏ voi với hơn 90% hộ chăn nuôi bò có trồng. Còn rơm đã rõ, người dân trữ sau vụ mùa. Tùy mùa lúa, tùy lượng cỏ, nguồn thức ăn rơm- cỏ thường được hộ nuôi cho bò ăn theo tỷ lệ 6- 4 hoặc 7- 3.

Theo anh Nguyễn Hoàng Huy, như mùa này do đang mùa khô thiếu cỏ, nên giá rơm tăng cao, bò được cho ăn theo tỷ lệ nhiều rơm hơn cỏ. Ngoài ra, để vỗ béo trước khi bán, người nuôi trộn chuối cây bào trộn cám với thức ăn viên, thức ăn dinh dưỡng cho bò.

Ông Nguyễn Văn Bình- công chức nông nghiệp và nông thôn mới xã Trung Thành Đông- cho biết, đàn bò của xã có 1.401 con, cỏ nuôi bò các loại có 11,5ha. Ông phỏng tính, với 1 công cỏ, 1 hộ dân có thể đảm đương 3- 4 con bò khỏe re! Còn ông Nguyễn Văn Nhu- chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho biết, giá bò năm nay khá cao, duy trì từ tết đến giờ. Còn giá bán bò nghé hiện cũng ở mức cao (bò nghé 6 tháng nuôi có giá từ 20- 26 triệu đồng một con, tùy bò đực hay cái).

Ông Nhu nhớ lại năm 2000, tổng đàn bò ở Vũng Liêm có khoảng 4.000 con. 5- 7 năm sau, số này tăng gấp 5 lần. Hồi đó, con bò lớn lắm cũng chỉ 250- 300kg, giờ có thể gấp 2- 3 lần. Lúc trước nuôi bò hầu như “cho ăn cỏ và uống nước”. Giờ người nuôi bò có kỹ thuật, dinh dưỡng, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, sân ăn sân ngủ, giống bò đa dạng... nên số và chất lượng đến giá trị đàn bò tăng.

Cỏ voi được trồng dọc lề lộ, các tuyến đường nông thôn.
Cỏ voi được trồng dọc lề lộ, các tuyến đường nông thôn.

Theo cán bộ nông nghiệp này, hồi năm 2000 ở địa phương đã nuôi bò, trồng cỏ voi mua từ vùng Lương An Trà (huyện Tri Tôn- An Giang), thường nuôi bò có “quy luật” sau chu kỳ 3-4 năm giá cao sẽ tới chu kỳ 3- 4 năm thấp. “Điều quan trọng người dân nuôi bò phải kiên trì. Tức là người nuôi không nên thấy giá bò lên mà đầu tư nuôi ồ ạt, tới lúc giá bò rẻ thì nản rồi bán tháo”- cán bộ nông nghiệp cắt nghĩa.

Nói theo góc độ chuyên môn, người nuôi bò cần nuôi theo nhu cầu, điều kiện (vốn liếng, thức ăn) của gia đình mình. Không nên chạy theo thị trường khi bò sốt giá và bán tháo khi giá bò giảm hay có dịch bệnh!

Có cán bộ nông nghiệp nhẩm tính thế này: toàn huyện Vũng Liêm có trên dưới 30.000 hộ gia đình làm nông nghiệp, trong số có hơn 10.300 hộ có nuôi bò. Tổng đàn bò huyện trên dưới 30.000 con tùy thời điểm, có thể thấy bình quân mỗi hộ nuôi từ 1- 3 con bò.

Bây giờ, rơm thì nông dân vẫn trữ sau các vụ mùa. Cỏ vẫn tiếp tục gây trồng diện tích như vậy. Họ chân thật rằng: cỏ, rơm bây giờ “quý hóa”, có giá trị sử dụng cao. Mấy câu chuyện kể trên quanh con bò, cọng rơm, cây cỏ... là để thấy công tác sản xuất, nuôi trồng luôn vận động, phát triển, hoàn thiện không ngừng theo xu thế cuộc sống.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN