Trở lại Gò Găng

Cập nhật, 21:48, Chủ Nhật, 19/04/2020 (GMT+7)

Những ngày cuối tháng 3, dịch COVID-19 hoành hành ở nhiều nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15 vào ngày 27/3 với nhiều biện pháp rất quyết liệt để phòng tránh dịch bệnh. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”. 

Chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.

Những người trở về từ vùng dịch hoàn thành 14 ngày cách ly, chuẩn bị về với gia đình.  Ảnh: THÚY QUYÊN
Những người trở về từ vùng dịch hoàn thành 14 ngày cách ly, chuẩn bị về với gia đình. Ảnh: THÚY QUYÊN

Chúng tôi lên đường trở lại Gò Găng, nơi đang thực hiện cách ly hơn 200 người vừa trở về từ Australia. Nắng sớm, bầu trời quang mây. Không khí khá oi bức báo hiệu cho một ngày nắng nóng giữa mùa khô hạn.

Gò Găng là vùng đất gò cao, trước năm 1975 là vùng hoang hóa, nước sông không lên đến. Sau giải phóng, Tỉnh Đội Vĩnh Long đưa Tiểu đoàn 857 là đơn vị bộ đội chủ công của tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ về khai phá Gò Găng.

Với cuốc xẻng, với lao động thủ công, người chiến sĩ đổ không biết bao nhiêu là mồ hôi đào kinh dẫn nước, khai phá cỏ cây hoang dại, biến từng thước đất khô cằn thành đất trồng cây, cấy lúa. Để khai thác vùng này, Nhà nước xây dựng Trạm bơm thủy điện Ngãi Tứ và đắp con kinh nổi từ Ngãi Tứ lên Gò Găng. Trạm bơm này là đường điện lưới quốc gia đầu tiên đến Ngãi Tứ.

Con kinh nổi hoàn thành, trạm bơm vận hành được một lần phải ngưng hoạt động. Đường điện thủy lợi trở thành đường điện dân sinh, con kinh nổi trở thành lộ đất và nay là Đường huyện 45 (ĐH45) của Tam Bình. Giặc thù xâm chiếm biên giới Tây Nam. Những người lính khoác ba lô lên đường ra trận. Gò Găng lại trở thành hoang hóa.

Tỉnh Vĩnh Long tái lập, các cơ quan, đơn vị lần lượt được xây dựng mới. Trường Quân sự tỉnh được đầu tư xây dựng cơ bản, khang trang trên vùng đất Gò Găng với nhiều dãy nhà 2 tầng làm nhà chỉ huy, các cơ quan, hội trường, phòng học, nhà ăn, nhà nghỉ cho học viên, bãi tập, trường bắn… hạ tầng điện, nước, giao thông hoàn chỉnh.

Trường thực hiện đào tạo, huấn luyện, tập huấn cán bộ quân sự, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ toàn tỉnh theo phân cấp trong nhiều năm đạt kết quả rất tốt.

Đầu tháng 3/2020, theo phân công của BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, Trường Quân sự tỉnh nhận cách ly 241 người về từ Hàn Quốc.

Trong 14 ngày cách ly tập trung, người diện cách ly được kiểm tra sức khỏe 2 lần trong một ngày; được bảo đảm chế độ ăn uống phù hợp; được cán bộ chiến sĩ, y- bác sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh động viên chăm lo chu đáo, tạo thuận lợi trong sinh hoạt. Ngày 15/3, hết thời gian cách ly, tất cả đều khỏe mạnh, được cấp giấy chứng nhận và được sắp xếp phương tiện giao thông để về với gia đình.

Tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới. Đồng bào ở các nước tiếp tục trở về quê hương. Ngày 25/3, Trường Quân sự lại tiếp nhận bà con từ Australia trở về nước trên một chuyến bay với 231 người, trong đó có 4 trẻ em.

Trung tá, bác sĩ Đặng Văn Ngoan- Trưởng Ban Quân y, người phụ trách về mặt y tế của khu cách ly- cho biết:

“Bộ phận y tế chúng tôi có 4 bác sĩ, 8 y sĩ, điều dưỡng, tất cả là quân nhân của Quân y tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ khâu chăm sóc y tế, khám bệnh, điều trị bệnh, khám sàng lọc. Mỗi ngày chúng tôi thực hiện khám bệnh 2 lần cho tất cả mọi người.

Khi phát hiện có bệnh thông thường hay bệnh mãn tính đều được điều trị, cấp thuốc miễn phí. Khi lấy mẫu xét nghiệm và khi có đột biến mới có bác sĩ của Sở Y tế tăng cường. Ở đây mọi người đều được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần: lần thứ nhất là khi vào khu tập trung cách ly và thứ hai khi chuẩn bị kết thúc thời gian tập trung cách ly”.

Tôi gặp Nguyễn Hoàng Minh- phụ trách chung khu cách ly. Chúng tôi quen biết nhau đã lâu, anh là con trai của cố nhạc sĩ Kiên Tâm- nguyên là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Anh hiện mang quân hàm Thượng tá, Phó Chủ nhiệm Phòng Hậu cần thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. 

Anh cho biết thêm: “Ở đây, chúng tôi bố trí chỗ ở cho đối tượng nam ở khu hội trường, các phòng học kể cả các phòng bên hiệu bộ; nữ ở khu vực bên này là nhà nghỉ, nhà làm việc của cán bộ trường. Tất cả đảm bảo có phòng, có giường, có độ giãn cách.

Những ngày đầu mới vào cách ly, tất cả ở trong phòng, hạn chế tiếp xúc lẫn nhau và hạn chế tiếp xúc giữa phòng này, phòng kia. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ nhất thì có nới lỏng, như các nhà báo thấy các anh, chị em đang sinh hoạt tự do ngoài sân, cũng có lý do là bộ phận vệ sinh đang phun thuốc diệt muỗi ở các phòng”.

Tôi gặp anh C.B.T. (người tỉnh Bắc Giang) đang đi bộ thể dục trong sân dưới những tán cây rợp mát. Trời nóng đổ mồ hôi, anh cởi áo thun vừa đi, vừa quạt. Anh cho biết anh có thân nhân đang ở Australia, đi sang đó thăm con cháu, gặp lúc dịch bệnh này, anh trở về và được đưa vào đây cách ly.

“Thú thật lúc đầu nghe nói vào khu cách ly thì lo lắm. Tưởng rằng sẽ gặp cảnh màn trời chiếu đất, nhà bạt, dây thép gai như các khu tỵ nạn.

Nhưng về đây mới thấy Chính phủ mình lo cho dân như vầy là quá tốt. Các anh bộ đội lo cho mình đầy đủ từ bữa ăn, giấc ngủ, điện, nước tắm rửa, vệ sinh đến việc khám chữa bệnh thông thường và thực hiện xét nghiệm dịch bệnh với tinh thần hết sức nhiệt tình, thân thiết. Được cách ly vầy là quá tốt. Cách ly cũng quá hay.

Trong 14 ngày, mỗi người được xét nghiệm 2 lần, được cấp giấy chứng nhận, khi về đến gia đình, làng xóm rất an tâm, không phải lo lắng gì cả và cũng không sợ bị người xung quanh nghi ngờ, kỳ thị vì mình từ vùng có dịch trở về.”

Vào khu nhà bếp, tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Tâm- cán bộ Ban Trinh sát Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, phụ trách đội bảo vệ và đảm bảo hậu cần. Anh cho biết tổ phục vụ có 17 anh em, đảm nhận việc ăn uống mỗi ngày 3 bữa, gồm một bữa điểm tâm sáng là bánh bao, bánh mặn,... và 2 bữa chính (trưa và chiều).

Mỗi bữa chính có món canh, món xào, món mặn và cơm trắng. Thức ăn được lên lịch thay đổi hàng ngày. Tiêu chuẩn ăn như người lính bộ binh, tức 57.000 đ/người/ngày. Thức ăn sau khi nấu chín được chia thành từng phần để trong hộp riêng và được mang đến từng phòng để giao cho người được cách ly. Các gia vị như nước nắm, nước tương, tỏi, ớt… được giao một lần cho từng phòng, khi nào hết thì bổ sung”.

Anh cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên hỏi ý kiến của anh chị em được cách ly để điều chỉnh thức ăn theo khẩu vị và luôn được anh chị em khen ngon. Ngoài ra khi có nhu cầu riêng như ăn chay hay các món ăn cho cháu bé… tổ phục vụ đều đáp ứng. Như hôm nay có 2 suất ăn chay, một suất cháo thịt bằm cho bé.

Khi làm đồ chay thì phải đảm bảo bếp riêng, dụng cụ nhà bếp cũng riêng. Khi bà con cần mua gì ngoài tiêu chuẩn thì anh em đi mua hộ, chợ cách đây cũng phải 4- 5 cây số”.

Về sự tận tụy của tổ phục vụ, anh cho biết: “Ngày đầu khi tiếp nhận người vào cách ly là cực khổ nhất. Người được cách ly sau một hành trình dài, tâm trạng lại lo lắng, thiếu tự tin nên mệt mỏi. Xe đến nơi đã hơn 7 giờ tối.

Chúng tôi phải xếp phòng, giao phòng cho từng người rồi phụ giúp chuyển đồ đạc. Có nhiều phòng ở tầng lầu, đồ đạc từ nước ngoài về rất nhiều, vali nào cũng nặng, anh em mang vác lên cầu thang đưa đến tận phòng. Chúng tôi lại phải mặc đồ bảo hộ y tế, trùm bít từ đầu cho tới chân nữa. Khổ cái là tổ tiếp nhận có một đồng chí cao to quá khổ, không mặc được đồ bảo hộ nên phải giảm quân số xuống. 

Làm việc cật lực đến hơn 12 giờ đêm mà chưa xong, chúng tôi người đẫm mồ hôi nhưng không được đưa tay lau nên hết sức khó chịu, mồ hôi ra nhiều đến độ ướt hết cả quần, áo, tuột xuống giày vớ đi nghe ọt ẹt như bị mắc mưa, thậm chí 2 tờ vé số mua hồi chiều khi tháo đồ ra thì nó bị rã luôn”.

Khi được hỏi về những điểm tồn tại, khó khăn, chưa tốt trong phục vụ bà con, anh cho biết: “Cái thứ nhất là mạng Internet, các công ty mạng có hỗ trợ nhưng do nhiều người cùng sử dụng nên mạng có lúc yếu.

Cái thứ hai là nước. Nước ở đây có bồn dự trữ ở ngoài và có hệ thống cấp nước đến từng phòng. Do tình hình hạn, mặn, có khi nhà máy nước cúp bất tử. Có lần các chị em đang tắm thì cúp nước. Chị em phản ảnh. Mình chịu thua, đành kêu chị em nhờ nhau ra bồn dự trữ xách nước lên tắm tiếp”.

Để có được những ý kiến đóng góp của anh chị em, ngoài việc tiếp xúc thăm hỏi, chúng tôi gửi phiếu xin ý kiến đến một số anh chị em không được chọn trước. Nhiều anh chị em đã có nhận xét hết sức chân tình:

Em V.T.T.N., sinh năm 1997, ở Đồng Nai viết trên phiếu ghi cảm tưởng: “Các anh bộ đội rất chu đáo, chăm sóc tận tình (thăm khám sức khỏe mỗi ngày, ăn uống đầy đủ). Em cảm thấy thật may mắn khi được cách ly tại Vĩnh Long vì nơi đây rộng rãi, thoải mái, chăm sóc tốt, không bị quá tải. Em hy vọng mọi người sớm hoàn thành cách ly. Hy vọng số ca nhiễm không tăng nữa để Nhà nước và các anh bộ đội đỡ mệt”.

Em N.H.H., sinh năm 1999, là sinh viên, gia đình ở TP Vinh- Nghệ An viết: “Trại cách ly Vĩnh Long đã tạo cho chúng em những điều kiện ăn, ở và thăm khám tốt nhất. Chúng em sẽ luôn nhớ về những bữa cơm tận tay cán bộ nấu, những lần nhận đồ tiếp tế từ các chú bộ đội.

Ở đây, chúng em còn được giao lưu, kết bạn với không chỉ những người bạn cách ly xung quanh, mà còn với các anh các chú hậu cần, cán bộ. Đây sẽ là những trải nghiệm đắt giá nhất mà những con người ở đây có được. Sắp tới ngày ra “trại”, chúng em sợ các chú bộ đội sẽ phải làm tư tưởng để tụi em chịu rời đi đấy ạ!”

Tuy nhiên theo Thiếu tá Tâm thì cũng có một vài trường hợp người cách ly tuy không phản ảnh đóng góp gì nhưng có biểu hiện thiếu tích cực, thiếu tinh thần cộng tác như khi anh em bộ đội đưa cơm đến cửa phòng thì không ra nhận mà buộc phải đem cơm đến tận giường mặc dù họ vẫn khỏe mạnh, không có bệnh tật hay bận việc gì. Có lẽ họ đã quen với cuộc sống có kẻ hầu người hạ hay họ có sự bất mãn nào đó khi bị cách ly.

Khi đang ở trong khu vực Trường Quân sự, chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Việt Trung- Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh- xuống làm việc với cán bộ, chiến sĩ trong khu cách ly.

Anh cho biết: “Đợt cách ly này đông nhất là người Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, còn lại rải rác khắp 40 tỉnh- thành từ Bắc vào Nam. Vấn đề sau khi hết cách ly thì đường về của bà con cũng được tính tới là khu vực miền Tây thì gia đình lo đón rước. Bộ Chỉ huy sẽ báo cáo và đề nghị Cục Hậu cần Quân khu xếp xe đưa bà con về TP Hồ Chí Minh; can thiệp với bên hàng không để có thể xếp chuyến bay cho những người về Hà Nội. Cái chính là lập danh sách cụ thể trước để trên đường về gia đình của bà con suôn sẻ”.

Trên đường trở về Vĩnh Long, tôi được tin Thủ tướng ra Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung thực hiện cách ly toàn xã hội kể từ 0giờ, ngày 1/4 trên toàn quốc, toàn dân ai không có công việc cấp thiết thì không ra khỏi nhà. Cuộc chiến chống dịch đã huy động nhân lực, tài lực của toàn xã hội và sẽ thực hiện quyết liệt trong 2 tuần.

Hy vọng rằng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, tinh thần yêu nước, đồng lòng, quyết tâm của toàn xã hội sẽ ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh. Sắp tới chúng ta kỷ niệm 45 năm ngày toàn thắng, chúng ta cũng sẽ có ngày 30/4 đại thắng dịch bệnh năm nay.

Sáng nay (7/4/2020) hết thời hạn cách ly đợt 2 tại Trường Quân sự tỉnh. Sau khi có kết quả xét nghiệm lần 2, tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2. Đại diện BCĐ Phòng chống dịch tỉnh cấp giấy chứng nhận để anh chị em trở về gia đình.

Những anh em bộ đội từ cán bộ chỉ huy đến nhân viên phục vụ tại khu cách ly cũng được xét nghiệm rồi mới được rời trường về đơn vị tiếp tục công tác. Xin chia vui cùng bà con đã hoàn thành việc cách ly, góp phần tích cực phòng chống dịch bệnh.

Xin cảm ơn các anh chị bộ đội những người lính Cụ Hồ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mới mẻ và không kém phần gian khó này; các anh luôn xứng đáng với truyền thống của Quân đội nhân dân anh hùng.

ĐẶNG VĂN