Những chia sẻ từ sân trường

Cập nhật, 22:15, Thứ Bảy, 18/04/2020 (GMT+7)

Tôi thường nói đùa với mấy người bạn là hiện nay tuy dịch bệnh đang hoành hành, nhưng có những người “không sợ” vi rút. Nói “không sợ” chẳng qua là cách nói ví von thôi chớ ai mà không sợ con vi rút corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Họ chính là những người ngày đêm chăm sóc người bệnh; là những người theo dõi, chăm sóc người cách ly tại các khu vực cách ly.

Nhưng muốn “không sợ” thì trước hết mình cũng phải biết cách bảo vệ bản thân. Thí dụ như phải mang khẩu trang đủ chuẩn và đúng cách; thường xuyên rửa tay với xà bông hoặc nước sát khuẩn; giữ khoảng cách an toàn với người lạ, người nghi nhiễm, người từ vùng dịch về…

Đó là chưa nói đến việc nên thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế như hạn chế tụ tập đông người, hạn chế ra đường khi không cần thiết, thường xuyên súc miệng bằng nước muối, không đưa tay sờ lên mắt- mũi- miệng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể chất để tăng sức khỏe, v.v… và v.v... Đội ngũ y- bác sĩ, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân thì đồ bảo hộ càng quy chuẩn hơn.

Tối 23/3/2020, Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long (tọa lạc tại xã Loan Mỹ- Tam Bình) tiếp nhận 231 người về từ nước ngoài để cách ly 14 ngày và theo dõi sức khỏe nhằm kiểm soát dịch COVID-19 theo quy định. Đây là các công dân Việt Nam (không có người nước ngoài) trở về từ Melbourne (Australia) qua cửa khẩu sân bay Cần Thơ.

Số người này ở khắp 40 tỉnh- thành trên cả nước. Mỗi người mỗi quê, mỗi cảnh, nhưng có cái chung là từ Australia về, chung một chuyến bay và bây giờ thì ở chung khu cách ly.

Họ được những người “không sợ” COVID-19 là lực lượng quân đội, công an, y- bác sĩ và lực lượng phục vụ hậu cần chăm sóc. Chăm sóc có nhiều việc, nhưng có thể kể ra 2 nội dung lớn; đó là theo dõi sức khỏe và phục vụ ăn nghỉ.

Sáng 31/3, ngày thứ 8 của đợt cách ly, tôi với anh Đặng Văn- Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long- đến khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh để tìm hiểu công việc của những người không sợ “Cô 19”, đồng thời tìm hiểu những tâm tư, tình cảm… của những người đang cách ly tại đây. Tất nhiên, tôi với anh Đặng Văn đều chuẩn bị mỗi người không chỉ một khẩu trang mà vài cái phòng thân.

Phía trước cổng Trường Quân sự có 2 chiến sĩ đang đứng gác; không gian rộng rãi, thông thoáng, yên tĩnh và đầy nắng. Vào đến cổng trường, chuyện đầu tiên là đo thân nhiệt. Bước vào khu vực Trực ban bên trong, trên bàn có sẵn hộp khẩu trang y tế và 2 chai nước rửa tay. Việc đầu tiên là chúng tôi rửa tay bằng nước sát khuẩn.

Chúng tôi lần lượt được gặp những anh em đang ngày đêm đóng chốt ở đây. Đó là Thiếu tá Nguyễn Văn Tâm- cán bộ Ban Trinh sát Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, phụ trách đội bảo vệ và phục vụ hậu cần; Đại tá Nguyễn Việt Trung- Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được BCĐ phòng chống dịch của tỉnh phân công xuống làm việc tại khu cách ly.

Và cũng thật bất ngờ khi tôi gặp Trung tá, bác sĩ Đặng Văn Ngoan- Chủ nhiệm Ban Quân y, phụ trách y tế của khu cách ly. Lần đầu tiên tôi gặp anh vào tháng 11 năm rồi, nhân chuyến đi thực tế sáng tác tại Bệnh xá Quân y (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long). Còn lần này thì gặp tại đây. Đúng là Trái đất tròn.

Ngồi quanh chiếc bàn, mọi người trao đổi cởi mở, vui vẻ. Gần đó có mấy chiến sĩ đang vác các bao gạo và thùng mì gói từ xe tải xuống, chất cạnh cầu thang. Phía ngoài sân, một chiến sĩ mặc đồ bảo hộ đang phun thuốc diệt khuẩn trên các luống hoa, đám cỏ ven lối đi. Tìm hiểu hoạt động của khu cách ly là việc của anh Đặng Văn, còn tôi thì dự kiến gặp một số anh chị em đang cách ly để phỏng vấn.

Được sự đồng ý của lãnh đạo khu vực, tôi bước vào bên trong khu cách ly, có giăng những dãy băng màu trắng đánh dấu khu vực cấm vào. Giờ này các chiến sĩ đang phun thuốc khử khuẩn ở từng phòng nên mọi người tỏa ra khoảng sân rộng trước dãy phòng. Nhìn vào thấy toàn là nữ, tôi mới nghiệm ra đây là khu vực của nữ; còn dãy phía trái (từ cổng nhìn vào) là khu vực của nam, phân chia đâu đó rạch ròi.

Sân rộng nên mọi người tản ra nhiều nhóm, người nào cũng có điện thoại hoặc iPad trên tay. Và tất nhiên người nào cũng có khẩu trang, nhìn không biết ai là ai, chỉ nhìn thấy đôi mắt và cặp chân mày. Không biết chọn người nào để bắt chuyện, tình cờ có một cô gái gần đó, tôi liền hỏi thăm. Em vui vẻ trò chuyện và cho biết tên là Nguyễn Thị Tuyên, người Hà Nội. Khi nghe tôi hỏi về suy nghĩ, cảm tưởng trong những ngày ở đây, em cười nói:

- Em không có cảm tưởng gì hết, chỉ có bài thơ đọc cho anh nghe, được không?

Tôi thích quá, gật đầu. Em liền quẹt quẹt điện thoại rồi nói:

- Bài thơ của em có tựa đề “Nơi tôi cách ly là một trường Quân sự”. Nhưng dở lắm, đừng cười nghen!

Rồi em đọc, giọng Hà Nội nghe diễn cảm làm sao:

“Cám ơn anh, những người chiến sĩ

Ngày nào cũng miệt mài chăm sóc

Với tình yêu vô bến vô bờ

Chẳng quản ngày đêm giữa mùa nắng nóng

Luôn ân cần theo dõi chăm lo

Để mọi người được bình an, khỏe mạnh

Thương người chiến sĩ chịu bao khó nhọc

Lo chống dịch cùng Nhà nước với dân

Bước chân anh vạn dặm đường không mỏi

Ý chí kiên cường chống dịch cứu dân

Mong qua mau những ngày gian khó

Thương lắm những người chiến sĩ tôi yêu

Trong tim tôi ngàn lần muốn nói

Cám ơn nhiều… người chiến sĩ của lòng dân”

Vĩnh Long, ngày 29/3/2020

Tôi khen:

- Bài thơ này là suy nghĩ, tình cảm của em trong những ngày cách ly chớ còn gì nữa. Chuyển mail cho anh bài thơ này đi.

Vậy là 2 người kết bạn Zalo để Tuyên chuyển cho tôi bài thơ qua Zalo. Tuyên còn cho biết trong những ngày ở đây em đã làm được 6 video clip mô tả cuộc sống ở khu cách ly, đặc biệt là những công việc của đội ngũ chiến sĩ, y- bác sĩ, lực lượng phục vụ hậu cần. Các video này đã được đưa lên Youtube với hàng trăm lượt người xem. Em chuyển cho tôi và tôi mở ra xem. Gần bên có một chị cùng xem. Chị khen:

- Cô bé này giỏi công nghệ thông tin, làm video hay quá.

Tôi cảm ơn Tuyên rồi đến khu vực có năm bảy cô đang đứng, xin cử một đại diện để trả lời phỏng vấn. Cả nhóm đùn đẩy qua lại với nhau một hồi rồi cử ra một đại diện. Em tên Hồng Hạnh, là du học sinh tại Úc, trú quán tỉnh Nghệ An.

Em nói lưu loát và khá nhiều ý kiến, tôi tóm lại mấy ý: “Theo em, ở đây điều kiện ăn ở và thăm khám quá tốt. Cô, chú ở đây ai cũng ân cần. Chúng em vô cùng cám ơn những bữa cơm tự tay cán bộ nấu rồi mang đến, những lần nhận đồ tiếp tế từ các anh, các chú bộ đội. Chúng em không những được giao lưu, kết bạn với những người cùng cách ly, mà còn với các chú hậu cần, các anh bộ đội”.

Rồi em ngập ngừng:

- Nhưng mà, em sợ, em sợ tới ngày ra “trại” thì…

Tôi lo lắng, hồi hộp, không biết em sợ cái gì, thì em nói tiếp:

- Em sợ lúc đó tụi em quyến luyến không chịu rời khỏi nơi đây.

Câu nói của Hạnh làm mọi người có mặt đều cười ồ lên vui vẻ. Tôi cảm ơn Hồng Hạnh và cả nhóm bạn.

Sau đó tôi gặp chị Ngọc Bích (61 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh). Chị không trả lời trực tiếp mà viết mấy dòng vào giấy rồi trao cho tôi. Tôi cầm đọc: “Thật may mắn và hạnh phúc khi chúng tôi được cách ly tại đây. Chúng tôi vô cùng tự hào về sự chăm sóc của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm cho chúng tôi những ngày cách ly đầy ý nghĩa này. Môi trường rất sạch sẽ, gọn gàng, mát mẻ.

Nhân viên, cán bộ, y- bác sĩ rất tận tâm, nhẹ nhàng, lịch sự. Các món ăn được thay đổi hàng ngày, rất ngon. Tôi xin được thay mặt các anh chị em ở đây, xin gửi lời cám ơn sâu sắc nhất đến cán bộ chiến sĩ, đội ngũ y- bác sĩ và những anh chị em phục vụ tại đây”. Chị viết gãy gọn và tình cảm quá.

Rồi tôi gặp chị Trần Thị Xiêm (58 tuổi, ngụ tại Hà Nội). Khi được hỏi cảm tưởng, chị nói thật gọn:

- Nhân viên phục vụ tốt, môi trường tuyệt vời. Xin cám ơn các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công nhân viên đơn vị đã cho chúng tôi những ngày trải nghiệm thật thú vị, đầy tình đồng đội của các anh bộ đội Cụ Hồ.

Và một số các em, các chị khác mà tôi gặp đều nói về sự chu đáo, chăm sóc tận tình của các anh bộ đội, đội ngũ y- bác sĩ và các nhân viên ở đây. Có người còn nói thật may mắn khi được cách ly tại Vĩnh Long vì nơi đây rộng rãi, thoải mái, không bị quá tải như một số nơi khác.

Có một em cũng tên là Hồng Hạnh (21 tuổi), em viết một đoạn cảm tưởng dài vào giấy. Câu cuối rất dí dỏm và chân thành như em mà tôi vừa gặp: “Sắp tới ngày rời khỏi đây, chúng em sợ các chú bộ đội sẽ phải làm công tác tư tưởng để tụi em chịu rời đi đấy ạ”. Và cũng có người tranh thủ “phỏng vấn” lại tôi vì nãy giờ tôi chỉ đi hỏi người khác mà không nói gì về mình. Mình hỏi người thì cũng có người hỏi lại.

Sau khi gặp gỡ, trao đổi khoảng trên mười chị em, tôi nói lời cảm ơn chung. Mọi người cũng cảm ơn lại, nhiều người giơ tay vẫy chào rất thân thiện, và tôi cũng giơ tay vẫy chào với lời chúc mạnh khỏe.

Từ đây sang khu vực của nam, có một lối đi rộng như khoảng sân trống. Bên trái là vườn cây rộng, có những gò đất cao thấp khác nhau, những thân cây tỏa đầy bóng mát. Một số người ngồi rải rác cạnh các gốc cây.

Thấy một nam, một nữ, dáng vẻ thân mật, tôi liền bước đến làm quen. Biết ý định của tôi, anh thanh niên vui vẻ nhận lời. Anh tên Lương Minh Tâm (sinh năm 1959) là cán bộ hưu, hiện ngụ tại quận Bình Tân- TP Hồ Chí Minh. Người ngồi kế bên là vợ anh. Vợ chồng anh đi thăm con đang học tại Australia, đang mùa dịch bệnh nên về cách ly tại đây. Anh chia sẻ với tôi những lời rất chân tình:

- Khi xuống sân bay Cần Thơ, cán bộ y tế đã làm đúng yêu cầu của Chính phủ, kiểm tra y tế và sau đó sắp xếp về chỗ cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long. Trong thời gian cách ly, các anh em cán bộ y tế tỉnh Vĩnh Long cũng như các anh bộ đội đã tích cực phục vụ và kiểm tra y tế hàng ngày rất chu đáo. Lo đủ nhu cầu liên quan đến cuộc sống hàng ngày như ăn ở, vệ sinh cá nhân…

Chúng tôi biết ơn tất cả các anh chị em ở đây. Cám ơn Chính phủ đã có những chính sách mạnh mẽ kịp thời hầu kiểm soát dịch bệnh cũng như hỗ trợ vật chất cho những người được cách ly. Một lần nữa xin cám ơn tất cả anh chị em ở đây.

Anh nói nghe hay quá, tôi cảm ơn vợ chồng anh rồi đi đến khu cách ly của nam. Tôi bước về hướng hội trường, phía trước hội trường là một gian phòng rộng, có 4- 5 cái bàn khổ lớn. Mỗi bàn có 2- 3 người ngồi đối diện. Người nào, bàn nào cũng lỉnh kỉnh đủ máy móc như laptop, iPad, điện thoại thông minh, dây nhợ, tai nghe... Các em ở đây hầu hết còn trẻ, hỏi ra mới biết là du học sinh ở Australia.

Thấy có một anh đang chăm chú vào laptop, tôi bước đến hỏi thăm và xin đề nghị anh cho biết cảm tưởng trong những ngày ở đây. Anh cho biết tên là Nguyễn Thiện Bảo (sinh năm 1980, ngụ tại Quận 7- TP Hồ Chí Minh), hiện là giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Thay vì trả lời trực tiếp, anh chọn phương án viết vào phiếu và hẹn tôi ngồi chờ.

Và đây là nội dung anh ghi: “Chủ trương cách ly của cơ quan quản lý là đúng đắn và kịp thời để chống dịch lây lan. Mọi người trong khu cách ly đều vui vẻ, hòa đồng và hợp tác tốt với Ban Quản lý để thực hiện việc cách ly thật nghiêm túc. Những ngày đầu mới vào, có một số người cảm thấy ngột ngạt và bất tiện vì không có không gian riêng; nhưng về sau thì thấy đây là cơ hội để mọi người chia sẻ với nhau về cuộc sống. Đường truyền Internet ở đây tuy được quan tâm nâng cấp, nhưng vì có nhiều người cùng sử dụng nên có lúc không ổn định, nhưng nhờ vậy mọi người không quá phụ thuộc vào công nghệ, có thời gian trò chuyện cùng nhau, nhịp sống chậm lại hơn. Cám ơn các bạn bộ đội và bộ phận phục vụ rất thân thiện, nhiệt tình”.

Hỏi thăm thêm, tôi được biết anh đã có học vị tiến sĩ; trong thời gian cách ly, anh tranh thủ test bài và thực hiện các bài giảng trực tuyến cho sinh viên của trường.

Tôi cám ơn Thiện Bảo rồi tranh thủ gặp thêm một số em nữa. Có em ở Hà Nội, Thanh Hóa, em ở Đà Nẵng,… em nào cũng có những cảm tưởng tương tự như “Em rất an tâm và cám ơn cô chú vì luôn có sự chăm sóc tận tình và giúp đỡ từ các cán bộ trong khu cách ly”. Có em nói thêm: “Thật là một trải nghiệm thú vị. Mọi người hòa đồng thân thiện, tốt bụng, biết quan tâm với nhau hơn. Các bữa cơm tuy đơn giản nhưng rất ngon, vừa miệng như cơm nhà.”

Gần cuối giờ buổi sáng, tôi trở lại khu vực Trực ban. Giờ này anh Đặng Văn vẫn còn đang tác nghiệp, không biết đâu mà tìm. Đành ngồi chờ. Gần đó, tôi thấy một nam, dáng vẻ còn khá trẻ, người nhỏ nhắn đang ngồi cắm cúi bên xấp hồ sơ, giấy tờ, hình như là các bảng danh sách với nhiều cột mục thì phải.

Tôi hỏi đang làm gì, em cho biết đang sắp xếp danh sách tên, địa chỉ, địa phương của những người đang cách ly để lo xe, sắp xếp đưa rước khi hết thời hạn cách ly. Đối với những người ở khu vực miền Tây thì thân nhân đến rước về. Hầu hết là ở xa, nhiều trường hợp ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, phải lo phương tiện đưa đón, kể cả sắp xếp các chuyến bay.

Hỏi thăm mới biết em tên Mai Công Định, năm nay mới 26 tuổi, hiện là y tá, vào Quân y năm 2017. Em là người của Bệnh viện Quân Dân y tỉnh được tăng cường về đây “chiến đấu” cùng anh em. Công việc hàng ngày là theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt người cách ly ngày 2 lần.

Ngồi bên cạnh là Thượng úy Võ Thành Vĩnh, tôi liền hỏi thăm thêm công việc của anh. Thượng úy Vĩnh cho biết đang công tác tại Trường Quân sự tỉnh, chuyên ngành Quân y, năm nay 39 tuổi.

Năm 2001, anh vào bộ đội rồi mới đi học ngành y. Tính ra đến nay đã có gần 20 năm trong nghề. Ngoài nghề y, anh còn chuyển đổi công tác một số nơi và để rồi chuyển đâu thì chuyển cuối cùng cũng trở về trường. Anh có nhiều biệt tài, đảm nhiệm được nhiều công việc khác nhau như sửa máy, tham gia sản xuất, chạy máy xới…

Công việc hàng ngày của anh ở Trường Quân sự là phụ trách y tế. Còn trong đợt cách ly này, anh cùng với các y- bác sĩ theo dõi thân nhiệt và sức khỏe người cách ly ngày 2 lần; tùy sức khỏe của người cách ly mà khám theo nhu cầu và yêu cầu.

Một điều bất ngờ nữa, giống như ban sáng, tôi lại gặp tiếp một người quen hồi tháng 11 năm rồi tại Bệnh xá Quân y tỉnh. Đó là Thượng úy, bác sĩ Phan Thị Tuyết Hồng. Tôi nhớ như in nụ cười thân thiện của cô nên vừa gặp là tôi nhớ ngay.

Cô được phân công xuống khu cách ly và cũng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với anh em suốt thời gian cách ly. Cô sinh năm 1978, vào nghề y năm 2001. Ở khu vực cách ly, cô phụ trách cấp phát thuốc, tổng hợp tình hình, báo cáo hàng ngày…

Bác sĩ Hồng cho biết trên trạm xá tăng cường về đây 3 bác sĩ. Ngoài bác sĩ Đặng Văn Ngoan- Chủ nhiệm Ban Quân y- còn có bác sĩ đa khoa Huỳnh Chí Thanh và bác sĩ được tăng cường từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Quân Dân y ở huyện Bình Tân.

Một buổi sáng đầy ý nghĩa khi tôi được tận mắt chứng kiến những việc làm, những sinh hoạt của các chiến sĩ, y- bác sĩ, những người phục vụ và những anh chị em đang cách ly. Đặc biệt là những lời chia sẻ chân tình, những suy nghĩ, những tình cảm của những anh chị em mà tôi gặp. Dù mới gặp lần đầu nhưng dường như đã mến nhau từ lâu. Đây là những lời tôi chia sẻ lại với các anh chị em cách ly. Chúc ngày về vui vẻ, mạnh khỏe.

VĂN HIẾN VĨNH