Người hết lòng vì biển, đảo quê hương

Cập nhật, 05:57, Chủ Nhật, 05/04/2020 (GMT+7)

Trên hành trình ra thăm cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, chúng tôi được gặp và trò chuyện cùng kỹ sư Trần Vũ Thành- chủ nhiệm CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”. Anh đã có 8 lần ra Trường Sa và luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết với các hoạt động thiết thực hướng về biển, đảo thân yêu.

Trong những chuyến hành trình biển, đảo, Chủ nhiệm CLB “Vì biển, đảo quê hương” cũng đều dành tặng những phần quà ấm áp cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân.
Trong những chuyến hành trình biển, đảo, Chủ nhiệm CLB “Vì biển, đảo quê hương” cũng đều dành tặng những phần quà ấm áp cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

CLB kết nối những tấm lòng hướng về biển, đảo

Kỹ sư Trần Vũ Thành cho biết: Năm 2015, anh trở lại Trường Sa lần thứ hai để lắp đặt chiếc máy lọc nước biển đầu tiên. 2 năm liên tiếp anh đến với Trường Sa trong Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” của Trung ương Đoàn. Đó là nhân duyên CLB được thành lập.

Và đường hướng của CLB “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” đã được anh xác định ngay từ đầu là trở thành nơi tập hợp những người yêu Trường Sa, yêu biển, đảo quê hương với tinh thần tự nguyện trong sáng cùng nhau làm nhiều việc ý nghĩa và thiết thực.

Với thực lực của các hội viên, CLB sẽ hướng đến các hoạt động thiện nguyện để khỏa lấp sự thiếu thốn đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và hậu phương.

Những lá thư, những cuốn sách hay, thẻ điện thoại, đào quất ngày tết… tuy nhỏ nhưng cũng góp phần để cán bộ, chiến sĩ trên đảo thấy rằng Trường Sa không xa và đất liền luôn đặt tin yêu vào các chiến sĩ nơi đầu sóng.

Theo đó, CLB có 3 chương trình chính là Môi trường xanh cho biển, đảo Tổ quốc; Chăm lo hậu phương- vững lòng biển, đảo và các hoạt động tuyên truyền để lan tỏa tình yêu biển, đảo.

Cùng với đó, anh còn làm “cầu nối” kết nối những tấm lòng, những trái tim hướng về biển, đảo quê hương để cùng thực hiện các hoạt động ý nghĩa.

Như chương trình “ốm có thuốc, khám có thầy”, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và người thân khám, chữa bệnh tại các bệnh viện Trung ương; chương trình “Bố ở đảo xa- Con ở nhà có bạn”, tặng quà con em cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên biển, đảo nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu,…

Theo anh, CLB không gây quỹ, cứ tổ chức chương trình nào thì lên kế hoạch vận động chi tiết chương trình đó. Sau đó thì trực tiếp chuyển “thành quả” đến nơi cần tặng, hỗ trợ.

Với ý nghĩa của việc tổ chức các hoạt động hướng về biển, đảo quê hương cùng với phương thức hoạt động trên mà đến nay, CLB đã thu hút khoảng 1.000 thành viên liên kết nhóm trên các trang mạng xã hội.

Lan tỏa tình yêu biển, đảo

Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên trái) luôn cháy bỏng tình yêu biển, đảo quê hương.
Kỹ sư Trần Vũ Thành (bên trái) luôn cháy bỏng tình yêu biển, đảo quê hương.

Bằng “nội lực” của mình, hàng năm, anh đều tham gia hành trình đến Trường Sa. Anh Thành chia sẻ, là dân khoa học công nghệ nên những lần đi đến Trường Sa chứng kiến những cán bộ, chiến sĩ trên các quần đảo phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt nên đã cùng một số nhà khoa học trẻ khác nghiên cứu, chế tạo thành công máy lọc nước mặn thành nước ngọt.

Rồi khi biết bữa ăn của bộ đội ở đây thường là đồ hộp, khi chứng kiến việc tập kết, xử lý rác thải tại các điểm đảo, nhà giàn rất khó khả thi do diện tích hẹp đã thôi thúc anh làm điều gì đó để cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo. Thế là anh nghiên cứu, thiết kế và chế tạo chiếc máy ép rác C-Sea đầu tiên và được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại đảo Song Tử Tây…

Với anh, “giờ máy lọc nước biển thành nước ngọt đã phổ biến khắp quần đảo Trường Sa. Còn công nghệ vi sinh xử lý môi trường rác thải hữu cơ, máy ép rác cũng phát huy hiệu quả tích cực chính là niềm vui, động lực to lớn…”.

Còn với vai trò là Chủ nhiệm CLB, anh luôn trăn trở làm thế nào để lan tỏa tình yêu biển, đảo quê hương đến với nhiều bạn trẻ. Thế là trong những hành trình ấy, anh đã ghi lại từng khoảnh khắc ấn tượng về miền đất, con người mình đã gặp, đã quen và gắn bó. Cũng từ đó, hàng ngàn bức ảnh về Trường Sa do anh sáng tác đã chinh phục người xem tại các cuộc triển lãm mỗi năm trên cả nước.

Cùng với đó, anh còn cùng nhà báo Lữ Mai cho ra đời các tác phẩm “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”, gồm rất nhiều câu chuyện và hình ảnh chọn lọc minh họa về những chân dung, thân phận con người gắn bó với biển, đảo như: người lính Hải quân, thân nhân của họ, tàu trên biển…

Hướng đến hình thành nên tủ sách “Biển, đảo quê hương” và có thể chuyển thành sách điện tử để phát hành tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Anh cho rằng: biển, đảo không chỉ chứa tài nguyên mà còn là chủ quyền thiêng liêng nên đã là người Việt Nam ai cũng trân trọng, yêu quý. Để tình yêu biển, đảo được khơi gợi, lan tỏa rộng khắp, cách làm thiết thực nhất là tổ chức nhiều hoạt động, việc làm lôi cuốn, gần gũi, thu hút người dân, nhất là giới trẻ tham gia…

Khi chúng tôi hỏi anh rằng: vừa làm việc chuyên môn, vừa là “thủ lĩnh” của CLB chắc anh phải “gồng mình” lắm? Anh chỉ cười tươi: “Hoạt động thiện nguyện đâu có vất vả gì, thậm chí rất có lợi nhé. Nhìn mình ai nghĩ ở tuổi U.50 đâu”. Đúng là trông ngoại hình, phong thái của anh chỉ như mới ngoài tuổi 30 vậy!

Đại úy Nguyễn Hữu Hiếu- Bí thư Chi bộ tàu KN- 263 cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Hải quân thường gọi anh Thành là “kỹ sư biển đảo” hay gần gũi hơn là “anh Thành lọc nước”. Anh không chỉ góp phần mang nước ngọt ra biển, đảo mà còn nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ hải quân. Mong cho tấm lòng nhiệt huyết của anh sẽ ngày càng lan tỏa để khích lệ mọi người thực hiện những việc làm thiết thực hướng về biển, đảo thân yêu.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ