Cuộc chiến trên sông và những chiến công huyền thoại

Cập nhật, 22:16, Thứ Hai, 16/03/2020 (GMT+7)

Lịch sử đấu tranh giữ gìn bình yên cuộc sống trên sông nước Cửu Long đã ghi lại nhiều chiến công huyền thoại của lực lượng Công an trong những năm 80 của thế kỷ XX. Vào thời điểm này, đã xảy ra hàng loạt vụ giết, cướp có vũ khí, gây bất an lòng dân. Lực lượng Công an Cửu Long (nay là Công an tỉnh Vĩnh Long) đã tổ chức nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra sắc bén, triệt phá hàng loạt băng cướp đường sông khét tiếng.

Kỳ 1: Băng cướp “vượt ngục” và những vụ cướp táo bạo

Đại tá Phan Vĩnh Lạc- nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long- từng là thành viên Ban chuyên án trinh sát, tham gia điều tra các vụ án- cho biết: “Lúc bấy giờ tình hình cướp có vũ khí trên vùng sông nước Cửu Long liên tục diễn ra, tính chất ngày càng liều lĩnh và manh động.

Gây án ở nơi này, công an truy xét chúng lại thực hiện tội ác ở nơi khác. Việc truy án như trò chơi cút bắt khiến trinh sát khổ sở vô cùng. Mặt khác, bọn cướp thường sử dụng ghe, xuồng hoạt động trên sông, sau khi vào nhà dân cướp, chúng phóng xuống ghe tẩu thoát. Sông nước mênh mông, kinh rạch chằng chịt nên cuộc truy xét không phải dễ.

Tuy nhiên lúc bấy giờ, chúng tôi đặt cơ sở quần chúng ở nhiều nơi, từ dưới nước đến trên bờ, bến ghe, chợ búa. Qua mạng lưới này, trinh sát đã nắm bắt được tin tức bọn cướp và đã phá án đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Ty Công an Cửu Long lúc bấy giờ. Chiến công xuất sắc nhất là đã triệt phá các băng cướp có súng đã gây án trong một thời gian dài…”.

Ban chuyên án bàn kế hoạch phá án.
Ban chuyên án bàn kế hoạch phá án.

Theo lời Đại tá Phan Vĩnh Lạc, hồ sơ vụ án được tái hiện: Đêm 8/11/1980, sau một ngày lao động mệt nhọc, bà Nguyễn Thị Tiết (ở ấp An Hòa, xã Bình Minh, huyện Tam Bình, tỉnh Cửu Long) bảo con gái tắt đèn đi ngủ. Hai mẹ con lên giường thì bỗng những tiếng động khác thường vang lên từ phía sau nhà. Bà Tiết vừa hỏi ai đó thì bất ngờ 2 bóng đen xông vào làm bà Tiết điếng hồn, nhớm người ngồi dậy.

- Nằm im. Động đậy là mất mạng!- giọng một người đàn ông rít qua kẽ răng.

Nhìn những con dao sáng loáng trong tay bọn cướp, mẹ con bà Tiết không dám hé nửa lời. Trong phút chốc, chúng khống chế, trói chân tay, nhét khăn vào miệng mẹ con bà Tiết, lục soát cướp 5 chiếc bông tai, 1 chiếc lắc, 1 cà rá, 1 dây chuyền vàng rồi phóng xuống ghe tẩu thoát.

Bọn cướp đi rồi, mẹ con bà Tiết cũng không tài nào tự mở trói được và cứ ú ớ không thành lời giữa đêm khuya. Sáng sớm hôm sau, bà Tám Xuân chèo xuồng đi bán hàng khô thường lệ, khi đến gia đình bà Tiết đã phát hiện sự việc liền tri hô. Mọi người chạy đến giải cứu mẹ con bà Tiết.

Tin tức vụ cướp táo bạo được cán bộ ấp báo ngay về công an xã. Nhận điện báo của công an xã, Công an huyện Tam Bình và Cảnh sát hình sự Cửu Long nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Mẹ con bà Tiết cho các trinh sát biết, bọn cướp có 3 tên vào nhà và 1 tên là nữ ở dưới ghe. Nghe giọng nói của chúng, bà Tiết xác định chúng cũng là người miền sông nước này.

Hơn 10 ngày sau, đêm 20/11, cũng tại huyện Tam Bình lại xảy ra vụ cướp tại nhà chị Lê Thị Hoa càng làm rúng động dư luận vùng sông nước Cửu Long.

Đêm ấy, gia đình chị Hoa vừa tắt đèn đi ngủ thì bọn cướp từ dưới sông bất ngờ cập ghe sát nhà và xông lên. Trước sự khống chế, đe dọa của chúng, chị Hoa và những người trong gia đình đều á khẩu nằm úp lên giường theo lệnh, để chúng tha hồ lục cướp tài sản. Gần 30 phút lục soát, chúng cướp đi 1 khẩu súng Rulo, 6 viên đạn, 1 dây chuyền, 1 đôi bông cẩm thạch, 2 radio và nhiều tài sản khác…

Liên tục trong một thời gian dài, trên địa bàn các huyện Tam Bình, Vũng Liêm và các vùng phụ cận đã liên tiếp xảy ra trên 20 vụ cướp có vũ khí. Thủ đoạn của bọn tội phạm là đột nhập vào nhà lúc nửa đêm về sáng, bắt trói, nhét khăn vào miệng nạn nhân rồi lục cướp tài sản. Sau khi hành động, chúng phóng xuống ghe tẩu thoát.

Trước tình hình bọn cướp có vũ khí hoạt động ngày càng liều lĩnh, táo bạo và hết sức manh động, lãnh đạo Ty Công an Cửu Long đã tổ chức nhiều cuộc họp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TX Vĩnh Long và công an các huyện, bàn phương án kế hoạch đấu tranh làm rõ các vụ án.

Thực hiện chỉ thị của lãnh đạo Ty Công an, các lực lượng trinh sát phối hợp với công an các địa phương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, mặt khác phát động nhân dân đề cao cảnh giác, theo dõi tin tức bọn cướp báo cho công an.

Từ tài liệu trinh sát thu thập được và các nguồn tin từ quần chúng nhân dân cung cấp, cơ quan điều tra đã vẽ được chân dung một số băng nhóm, trong đó đáng chú ý là băng “vượt ngục”, gồm các tên: Ngô Văn Si, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Trung Tiếu.

Trong thời gian Ngô Văn Si cùng Nguyễn Văn Thành bị Công an huyện Tam Bình bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản, khi đi lao động, cả bọn bỏ trốn rồi tụ về nhà Nguyễn Trung Tiếu bàn nhau đi trộm cướp.

Tuy đã xác định được băng cướp có vũ khí này, song do địa hình sông nước kinh rạch chằng chịt và chúng liên tục di chuyển địa bàn hoạt động, lẩn trốn nên việc truy bắt rất khó khăn. Tuy nhiên mệnh lệnh của lãnh đạo Ty Công an Cửu Long lúc bấy giờ là đến cuối năm 1981 bằng mọi giá phải phá án.

Trong lúc các trinh sát tỉnh, huyện khẩn trương củng cố tài liệu chứng cứ để “bắt nguội” thì đêm 30/8/1981 bọn cướp lại ra tay tại nhà anh Nguyễn Văn Bé ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn). Lúc này vợ chồng anh Bé cũng mới chợp mắt.

Nghe tiếng gọi cửa, anh Bé vừa ra mở thì chúng xông vào, chĩa súng khống chế đẩy vào phòng, trói tay chân vợ chồng anh và bịt mắt. Một tên ra lệnh: “Vợ chồng mày ngồi im, nhúc nhích là cho lặn sông mò tôm luôn đó”. Nói rồi tên này tiếp tục dùng súng khống chế vợ chồng anh Bé để đồng bọn mở tủ cướp lấy 2 đồng hồ đeo tay, 2 dây chuyền vàng và nhiều quần áo, vải vóc…

Trước khi nhảy xuống ghe tẩu thoát, chúng còn đe dọa vợ chồng anh Bé: “Bọn mày mà hé răng với công an là bọn tao quay lại xử luôn đó”. Tuy nhiên sau khi được mọi người phát hiện giải cứu, anh Bé đã trình báo tường tận sự việc cho công an huyện.

Hồ sơ các vụ án cứ liên tục dày thêm, lực lượng trinh sát nỗ lực truy lùng, nhưng chưa có tin tức gì sáng sủa về bọn cướp. Món nợ với nhân dân đã và đang thử thách tinh thần trách nhiệm và lòng kiên trì của lực lượng công an, nhất là các thành viên Ban chuyên án. Cuộc chiến chống tội phạm hình sự trên vùng sông nước Cửu Long nóng lên từng ngày.

THANH NGHỊ

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)