Viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nghe chuyện nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Cập nhật, 05:37, Thứ Ba, 25/02/2020 (GMT+7)

Chúng tôi may mắn có mặt trong đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ra thăm quân dân huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) vào những ngày đầu năm. Cũng như bao đại biểu khác trong đoàn, chúng tôi vô cùng háo hức khi lần đầu tiên được đặt chân tới địa danh này. Tại đây, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương và được nghe chuyện kể về chị Võ Thị Sáu- người con gái vùng Đất Đỏ anh hùng.

Đoàn nghe thuyết minh về nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Đoàn nghe thuyết minh về nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Nơi an nghỉ của hàng vạn anh hùng liệt sĩ

Đến thăm Nghĩa trang Hàng Dương khi mặt trời đã ngã bóng, chúng tôi vô cùng xúc động khi trước mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn nhỏ như ánh nến, những nén nhang cháy đỏ thoảng hương thơm dịu nhẹ.

Tiếng nhạc trầm phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác trong khuôn viên nghĩa trang hòa cùng tiếng sóng vỗ ì ầm từ biển, tiếng gió rì rào trên những cành dương…

Tất cả hòa quyện lại nghe như tiếng hát ru giấc ngủ ngàn thu cho những người con ưu tú của đất nước đang yên nghỉ ngàn đời nơi Côn Đảo anh hùng.

Theo lời giới thiệu của chị Lê Thị Ánh Tuyết- thuyết minh viên, đây là nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng cùng những người yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và đấu tranh chống Mỹ - Ngụy, bị lưu đày tại Nhà tù Côn Đảo từ năm 1862 đến 30/4/1975.

Năm 1992, nghĩa trang được tôn tạo và xây dựng lại trên diện tích 20ha, gồm 4 khu A, B, C, D. Và là nơi đặt phần mộ của những con người quả cảm, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước như: nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, anh hùng liệt sĩ Cao Văn Ngọc,…

Mỗi phần mộ ở nghĩa trang không chỉ là một chứng tích tội ác của thực dân đế quốc, mà còn là trang sử vĩnh hằng ghi lại những tấm gương trung kiên bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đế quốc.

Tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng của họ đã tiếp thêm ngọn lửa cho phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh và là bài học giáo dục truyền thống sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay và
mai sau…

Trời càng về tối, dòng người đổ về nghĩa trang càng đông, có rất nhiều người dân trên đảo nhưng phần lớn là khách du lịch. “Nghĩa trang Hàng Dương không giống các nghĩa trang khác. Ở đây bất kể ngày hay đêm, lúc nào cũng có người đến viếng thăm, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Trong đó, phần mộ có nhiều người đến dâng hương nhất là mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Hiếm có người nào cất công ra Côn Đảo lại không tới viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Thậm chí, chị đã trở thành lý do chính khiến hòn đảo này trở nên gần gũi với đất liền…”- thuyết minh viên nói.

Chị Sáu bất tử

Thắp hương tại phần mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Thắp hương tại phần mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Thời học tiểu học, chúng tôi đã thuộc lòng những câu thơ: “Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười…”.

Rồi khi lớn lên được biết thêm nhiều về tiểu sử của chị và biết đến ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn).

Thế nhưng, sau khi nghe thuyết minh về chị, chúng tôi vô cùng cảm phục người thiếu nữ nổi tiếng với những chiến công diệt ác, trừ gian táo bạo. Mới 16 tuổi, chị hiên ngang khẳng định tại phiên tòa đại hình: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội!”

Càng khâm phục người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt khi tử hình. Và trước khi giặc nổ súng, chị thét lên: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”...

Thuyết minh viên Ánh Tuyết còn kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện huyền thoại, linh thiêng nhưng ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ đối với người nữ anh hùng vì dân, vì nước đã được bất tử hóa như một “vị thần”.

Giọng chị Tuyết trầm ấm: Chuyện kể rằng, sau hôm vị nữ anh hùng bị giết, kíp tù làm thợ hồ trên Côn Đảo đã đúc bia bằng xi măng, dựng trước mộ chị.

Chúa đảo lúc bấy giờ tức tối dẫn lính đến đập vỡ tấm bia và san bằng mộ. Nhưng không sao hiểu nổi, mỗi lần chúng đập phá bia mộ, ngay hôm sau ngôi mộ và tấm bia lại được đặt lên và mộ phần lại được đắp cao hơn trước…

Rồi điều kỳ lạ đã xảy ra, tất cả những kẻ tham gia đập phá bia mộ chị đều bị chết bất đắc kỳ tử hay thân tàn ma dại.

Ngay đến chuyện cây lê ki ma bên mộ chị cũng “đầy li kỳ”. Sau khi cây dương trước mộ chết, Ban quản lý nghĩa trang đem một cây lê ki ma ở Côn Đảo trồng thay vào. Nhưng rồi cây lê ki ma ấy cũng chết.

Mùa xuân năm 1995, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, trong chuyến công tác đã về tận quê hương chị ở miền Đất Đỏ, đưa cây lê ki ma ra đảo trồng thế vào đó.

Kỳ diệu thay cây lê ki ma ấy bám rễ ăn sâu trước mộ vị nữ anh hùng. Qua hàng chục năm nhưng cây chỉ cao quá đầu người một tẹo, mãi mãi non tươi như tuổi xuân của chị mãi mãi trường tồn cùng
sông núi…

“Người dân Côn Đảo đều thờ phụng và thành kính gọi nữ anh hùng là “cô Sáu”. Trong tâm thức của họ, cô Sáu như một “vị thần” nên hàng ngày, nhất là vào mồng một và ngày rằm, họ đến thắp hương mong cô Sáu phù hộ để gặp nhiều may mắn, an yên trong cuộc sống…”- thuyết minh viên cho biết.

Thăm mộ chị Sáu, chúng tôi không ai bảo ai, tất cả đều thành kính dâng hương để tưởng nhớ đến người nữ liệt sĩ anh hùng, kiên trung của dân tộc.

“Dù chị Võ Thị Sáu đã đi xa nhưng tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng và lý tưởng sống cao đẹp của chị Võ Thị Sáu vẫn còn vang mãi như một bài ca đi cùng năm tháng”- chị Đinh Thị Hằng Nga (Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh) xúc động chia sẻ.

Tại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang Hàng Dương, Thượng tá Trương Công Hùng- Chính ủy Trung đoàn 251 Vùng 2 Hải quân- khẳng định: “Để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc hôm nay là sự hy sinh cao cả, không tiếc tuổi thanh xuân của lớp lớp các thế hệ người con Việt Nam anh dũng, kiên cường, trong đó có các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương và có nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ