Tản văn

Nhớ thời cá tép bán mớ

Cập nhật, 18:29, Chủ Nhật, 23/02/2020 (GMT+7)

 

Tô canh dân dã nhưng hấp dẫn bởi vị ngọt của cọng rau nhà, của cá tép sông quê.
Tô canh dân dã nhưng hấp dẫn bởi vị ngọt của cọng rau nhà, của cá tép sông quê.

“Cá lòng tong, tôm lóng không?” Đã lâu lắm rồi mới được nghe lại tiếng rau của bà Tư. Tôi liền chạy ra đầu ngõ hỏi mua mớ tôm lóng. Tôi hỏi: “Sao lâu quá con không thấy bà Tư đi bán cá tép?”

Đưa tay lên vuốt vài sợi tóc bạc đang bay theo con gió, bà cười hiền: “Giờ dưới sông ít cá tép rồi bây ơi. Dỡ đáy đủ ăn hà, có đâu đến bán. Hôm nay may, cá tép chạy nên được chút đỉnh đem bán”.

Nhà bà Tư sống với nghề đăng đáy. Nhớ những năm tôi còn ở quê, hễ dỡ được mớ cá tép là bà Tư bán ngay mớ ấy để cá tép còn tươi. Bà hái lá môn, lá chuối gói lại từng mớ gần bằng như nhau. Nào mớ cá lòng tong, mớ cá bống dừa, bống trứng,… cứ theo mùa, hễ mùa nào thì cá tép ấy. Được mùa cá tép chạy, có khi một ngày bà Tư đi bán hai bận ngang ngõ.

Chẳng biết xứ bạn có phân biệt rạch ròi giữa tôm sông và tép sông không, chứ xứ tôi thì con nào ra con đó à nghen. Tép với bao loại tép rong, tép gạo, tép bạc,… Còn tôm thì có tôm càng xanh, tôm lóng, tôm tích,… Tôi học được từ cách gọi của bà Tư.

Tôi nhớ có lần tôi hỏi: “Con này nhỏ xíu sao bà gọi nó là con tôm lóng mà không gọi là con tép lóng?” Bà chỉ cho tôi biết con tép không có càng, con tôm mới có càng. Vì vậy, cái con nhỏ xíu, màu xanh đậm khi đưa vật cứng vào càng tức thì nó “nẻ” văng nước và kêu tách tách. Người ta gọi nó là con tôm tích. Còn cá tép được gọi chung cho tôm, tép và cá.

Con tôm, con tép đã đi vào ca dao một cách tự nhiên và gần gũi, mộc mạc mà chân tình: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” hay “Hồi nào tui mạnh mình đau/ Bắt từng con tép nấu rau nuôi mình”. Và ngày trước tất cả cá tép đều phân thành mớ và bán.

Với cách phân mớ đã đi vào văn hóa người miền quê: “Đạo vợ chồng không phải cá tôm/ Đang mua mớ nọ lại chồm mớ kia”. Trong những câu nói hàng ngày như lẹ làng đến ngạc nhiên thì được ví “nhanh như tép”, cái miệng tía lia tía lịa thì được ví là “tép lặn tép lội”. Còn mặt đỏ bừng thì bảo “đỏ như tôm luộc”.

Sống ở thành đầy đủ tiện nghi nhưng thiếu vắng con tép sông “chính hiệu”. Nay về quê, tôi mua một mớ tôm lóng của bà Tư nấu tô canh để thưởng thức vị ngọt ngào của cọng rau, con tôm, con tép.

Nói là thèm nên làm ngay. Tôi lấy chiếc rổ ra bờ ruộng hái rổ rau má về nấu canh với tôm lóng. Chị ở xóm đi thăm ruộng về ngang, hỏi vui: “Bộ không muốn già sao ăn rau má?” À, tôi hiểu ra vì sao trông chị trẻ hơn so với tuổi. Chắc bí kiếp của chị là loại rau má này đây. Loại cây mọc ven bờ, ven lối nhưng lại là vị thuốc có nhiều công dụng.

Một ngày cuối tuần, tôi và gia đình đã có một bữa cơm hấp dẫn đậm đà ngọt vị tôm và mát lành của rau má. Không thể tả hết được vì ăn tô canh không chỉ để no mà còn để nhớ một thời đi vớt rong rêu, xúc từng con tép, con tôm.

Bài, ảnh: MAI KHA