Chuyện những "pháo đài thép" canh biển

Cập nhật, 06:15, Thứ Bảy, 29/02/2020 (GMT+7)

Gọi là nhà lô, nhà chòi cũng sinh động; gọi là “khách sạn trên thềm lục địa”, “mắt thần giữa đại dương xanh” thì mộng mơ; còn gọi mộc mạc, gần gũi nhất là nhà giàn DK1.

Nhà giàn DK1 như “pháo đài thép” vững chãi, hiên ngang giữa đại dương xanh bao la.
Nhà giàn DK1 như “pháo đài thép” vững chãi, hiên ngang giữa đại dương xanh bao la.

Hiên ngang nơi đầu sóng

DK1 có bao nhiêu nhà giàn? Đó là câu hỏi mà cánh phóng viên chúng tôi đặt ra trước hành trình đến thăm Nhà giàn DK1 cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Theo Đại tá Đặng Mạnh Hùng, DK1 có vai trò rất quan trọng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển và phòng thủ, bảo vệ đất nước từ xa. Các nhà giàn DK1 như những vọng gác tiền tiêu, canh giữ, quản lý, nắm tình hình và khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Hiện nay, trên vùng biển DK1 có 15 nhà giàn vững chãi đang sừng sững giữa đại dương xanh mênh mông, đóng trên 7 bãi cạn: Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân, Tư Chính, Ba Kè và bãi cạn Cà Mau.

Trong số đó, có cái “trơ gan cùng tuế nguyệt” đến tận bây giờ, có cái bị nghiêng phải gia cố chống lún hoặc xây dựng lại vững chắc hơn, to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Trong hệ thống DK1, Nhà giàn DK1/10 là nhà giàn xa nhất. Còn trên cụm Tư Chính có 3 nhà giàn DK1/11, DK1/12, DK1/14. Bãi Tư Chính là bãi ngầm lớn nằm cạnh đường hàng hải quốc tế, có vị trí rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc.

Cũng phải nói thêm, tên các bãi ngầm ở vùng biển DK1 cũng nhiều tầng ý nghĩa. Cụm Phúc Tần- 1 trong 7 cụm kinh tế- khoa học- dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu được mang theo tên Nguyễn Phúc Tần, người có công giúp nhà Nguyễn mở rộng lãnh thổ.

Không mấy dễ dàng để đặt chân lên các nhà giàn DK1.
Không mấy dễ dàng để đặt chân lên các nhà giàn DK1.

Bãi Huyền Trân mang theo tên Huyền Trân công chúa- người cũng giúp mở mang bờ cõi nước ta thời nhà Trần. Rồi cụm Phúc Nguyên mang tên Nguyễn Phúc Nguyên- người có công giúp nhà Nguyễn khai phá trấn ải vùng đất miền Trung…

16 ngày đêm đến với nhà giàn DK, chúng tôi đã chứng kiến những bình minh trên biển lộng lẫy ban mai, mặt trời to như cái sàng đỏ rực đội nước nhô lên đường chân trời, biển phẳng lặng như cái gương khổng lồ. Nhìn từ xa, Nhà giàn DK1 như một bông hoa hướng dương vàng rực đội nước vươn lên trời xanh…

Nhà giàn DK1 hiên ngang giữa biển đẹp lãng mạn, đẹp lạ lùng. Nhưng đã trải qua các thế hệ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu người lính biển.

Cán bộ, chiến sĩ DK1 đã dũng cảm vượt qua những mùa giông bão với những cơn sóng cao hàng chục mét và luôn phải đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài. Đã có 9 cán bộ, chiến sĩ DK1 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tên các anh đã hóa thành bất tử nơi nhà giàn và vùng biển này…

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, các nhà giàn DK1 còn cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển luôn “ra tay” cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ ngư dân khi cần thiết.

Như Nhà giàn DK1/10, năm qua, đã khám chữa bệnh và cấp thuốc cho 8 ngư dân; cung cấp 10.000 lít nước ngọt, gạo và lương thực thực phẩm cho ngư dân… “Qua đó, xây dựng tình cảm tốt đẹp, gắn kết thêm tình quân- dân nhân”- Đại úy Nguyễn Văn Thanh- Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/10 cho biết.

Những “cột mốc sống” giữa ngàn khơi

Giữa biển trời sóng gió bao la, cán bộ, chiến sĩ “áo vằn cánh sóng” vẫn hiên ngang canh gác chủ quyền Tổ quốc. Với phương châm “còn nhà giàn thì còn người”, các anh vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng, khắc phục cuộc sống khó khăn để làm tròn nhiệm vụ.

“Là lính nhà giàn phải có tinh thần thép, không thì khó bề bám trụ với biển khơi. Ở đây trên chỉ có trời, giữa có tấm sàn nhà bằng sắt, dưới là sóng bạc đầu, san hô và cá mập.

Vì thế, anh em hay nói đùa lính nhà giàn là những người đầu đội trời, chân đạp sắt”. Thiếu tá Vũ Văn Tưởng- Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1- nói như thế.

Trò chuyện với Thiếu tá Vũ Văn Tưởng mới biết anh đã từng có 7 năm đón tết trên nhà giàn. Dù đã được huấn luyện ở đơn vị, nhưng lúc ra nhà giàn anh như người học việc từ đầu, từ mọi việc ăn ở, sinh hoạt, đến huấn luyện hàng ngày.

Song, sau 7 năm, chỉ cần nói anh đã có thể mường tượng ra từng vị trí, bao nhiêu bậc cầu thang, di chuyển trong nhà giàn mà không cần
ánh sáng.

Nơi đây, anh và đồng đội đã phải căng mình chống chọi với những cơn bão. Có đêm phải mặc áo phao canh gác cho nhau ngủ. Tất cả cùng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và phải luyện tập phương án sẵn sàng rời nhà.

Ở cương vị mới, Thiếu tá Vũ Văn Tưởng (trái) thăm lại nơi mình đã từng công tác và động viên đồng đội vững tay súng.
Ở cương vị mới, Thiếu tá Vũ Văn Tưởng (trái) thăm lại nơi mình đã từng công tác và động viên đồng đội vững tay súng.

Kỷ niệm khiến anh không thể quên trong những năm tháng gắn bó với nhà giàn là lúc con gái anh một tuổi bị sốt cao co giật.

Tối đó, vợ anh một mình đưa con đến Bệnh viện Bà Rịa- Vũng Tàu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, bác sĩ kết luận con anh bị viêm màng não.

Chuyến đó, anh mới đi 2 tháng nên chưa thể về bờ ngay được. Chỉ biết cầu mong cho con được bình an. Lúc anh quay về bờ, con đã khỏi ốm, nhìn con gầy mà thương…

Tận mắt chứng kiến giữa sóng to gió lớn, các cán bộ, chiến sĩ mới ra nhận nhiệm vụ tại nhà giàn phải bơi giữa biển rồi đu dây lên, chúng tôi hiểu được phần nào những hiểm nguy, gian khó của lính Hải quân.

“Chuẩn bị… 1, 2, 3…!” Sau tiếng ra lệnh của chỉ huy, người lính Hải quân dứt khoát nhảy xuống biển rồi bơi vào nhà giàn. Từ xa, các chiến sĩ trên “pháo đài thép” đã trực sẵn sàng để kéo đồng đội lên.

Khi biển là một phần máu thịt, các anh dù trầm mình dưới biển sâu, có khi bão tới, cái lạnh quắn da nhưng ý chí vẫn kiên trung tới cùng.

“Đã ra đây thì phải chấp nhận đối diện với hiểm nguy, chấp nhận hy sinh để biển đảo quê hương được trường tồn”- Đại úy Bùi Văn Khuynh- Chỉ huy trưởng của Nhà giàn DK1/14- khẳng định.

Đại úy Bùi Văn Khuynh có một thành tích đáng nể là 9 năm quân ngũ đã có tới 8 năm đón tết ở biển. Anh cưới vợ đã 5 năm nhưng chỉ có khoảng thời gian 5 tháng bên vợ và con gái.

Anh chia sẻ: “Sống giữa biển khó khăn, vất vả và thiếu thốn tình cảm gia đình, nhưng bằng tình yêu Tổ quốc, lính Hải quân luôn vượt qua mọi trở ngại, sống lạc quan và vững vàng bản lĩnh nơi đầu sóng, ngọn gió ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Niềm vui của chúng tôi chỉ trọn vẹn khi nhân dân cả nước được hạnh phúc, yên bình”.

Trải qua 30 năm kiên cường bám trụ trên thềm lục địa phía Nam, Tiểu đoàn DK1 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ