"Cay cay khóe mắt" ở vườn tiêu Phú Quốc

Cập nhật, 11:20, Chủ Nhật, 23/02/2020 (GMT+7)
Anh Lâm Xư Lèm giới thiệu vườn tiêu với du khách.
Anh Lâm Xư Lèm giới thiệu vườn tiêu với du khách.

Trong chuyến công tác về thăm vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc, chúng tôi không thể đếm hết những kỷ niệm đong đầy và ấn tượng về vùng đất, về con người và tình yêu của những người dân dành cho mảnh đất mà họ bám trụ.

Ở Phú Quốc, thăm những vườn tiêu xanh ngắt, những vị khách từ phương xa thấy “cay cay khóe mắt” vì hương vị tiêu đượm nồng bên câu chuyện về tình yêu dành cho cây tiêu và khát vọng giữ gìn vốn văn hóa, phát huy giá trị sản vật của những người nông dân.

Nghề trồng cây lắm công phu

Đảo Ngọc Phú Quốc được thiên nhiên ưu ái “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để có những sản vật độc đáo. Được xem là vựa tiêu lớn nhất ở khu vực ĐBSCL, đến Khu Tượng, ấp Gành Gió, ấp Suối Mây, ấp Suối Đá, du khách sẽ choáng ngợp bởi màu tiêu xanh ngút ngàn từ hơn 700 hộ trồng.

Chúng tôi đến thăm vườn tiêu Đức Thạnh ở ấp Suối Đá (xã Dương Tơ). Chủ vườn tiêu Lâm Xư Lèm (32 tuổi) kể những cây tiêu đã bén rễ từ thời ông nội, đến các chú, đến ba và bây giờ đến anh nối nghiệp.

“Trước đây, những người Hải Nam đến Phú Quốc buôn bán, yêu mến mảnh đất này và nhận thấy thổ nhưỡng, không khí được trời ban phù hợp trồng cây tiêu nên ông bà quyết định dừng chân luôn để phát triển nghề này”- anh Lâm Xư Lèm cho biết.

Cảm giác khi bước trong vườn tiêu giống như đang lạc trong mê cung. Nếu leo lên thang dành cho người thu hoạch tiêu sẽ thấy khu vườn như đội quân đang dàn binh bố trận chờ nghe hiệu lệnh.

Dù nắng hay mưa, các nọc tiêu vẫn vững chắc, xếp hàng đều tăm tắp, cao hơn hai đầu người. Không gian một màu xanh mướt, giống như viễn cảnh mà Hàn Mặc Tử vẽ ra trong thơ: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Đến mùa tiêu chín, từng chùm tiêu chín đỏ lấn át màu xanh của lá, hạt tiêu mọc chi chít khắp các nhánh cành, từng chùm tiêu chín đỏ bóng bẩy dưới ánh nắng.

Theo anh Lâm Xư Lèm, nghề trồng tiêu là “nghề lắm công phu”, bởi phải chăm chút kỹ càng, hiện nay chỉ có tưới nước mới dùng giàn phun, các bước còn lại thì phải làm thủ công.

Anh Lèm cho biết, có rất nhiều địa phương trồng tiêu nhưng tiêu ở Phú Quốc lại có vị thơm nồng, năng suất cao bởi có nguồn đất đỏ và 2 mùa mưa nắng mà dây tiêu “ưa” nhất. Hiện người dân chỉ trồng 2 loại là tiêu Hà Tiên và tiêu Vĩnh Linh. Tiêu có nguồn gốc từ Hà Tiên bén rễ ở Phú Quốc là loại tiêu ngon nhất.

Tiêu trồng bằng dây, phải mất 1 năm dây tiêu mới lên đến đỉnh cọc tiêu và đến năm thứ 2 thì mới có thể thu hoạch. Dây tiêu con được cột bằng dây mấu cố định ở cọc tiêu. Dây mấu bắt buộc phải là dây leo của cây rừng bởi tầm 1 năm thì dây tiêu càng lớn, dây mấu sẽ hoai mục và tự đứt ra. Nếu thay bằng loại dây ny lông thì dây không co giãn được, sẽ siết hỏng dây tiêu.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn, chạm tay vào những cọc tiêu bằng gỗ ít ỏi còn sót lại giữa những cọc bằng bê tông, anh Lâm Xư Lèm hoài niệm: “Mấy cọc bằng gỗ này chắc lớn tuổi hơn tất cả những người trẻ ở đây, bởi nó được ba tôi chính tay dựng từng cọc từ thời còn nhỏ. Cọc làm từ lõi cây rừng như cây dẻ, cây căm xe… có khi lên tới hàng trăm năm tuổi. Ba mất rồi, mỗi lần ra vườn thấy mấy cọc gỗ này, chúng tôi thấy nhớ ông”.

Một điều đặc biệt khi ra thăm vườn tiêu con, chúng tôi bắt gặp hàng trăm “ổ gà” là những hố nhỏ chứa nước nằm cạnh cọc tiêu. Anh Lâm Xư Lèm giải thích: “Cây tiêu con bắt buộc phải tưới vào từng gốc vì cần lượng nước nhiều hơn. Vào mùa nắng, nước bốc hơi nhanh, những ổ gà này sẽ trữ nước không để nước tràn tùm lum”.

Những bước chăm sóc cây tiêu phải vô cùng tỉ mỉ, phải cẩn thận từ khâu làm đất, tạo rãnh thoát nước, cần ngắt bỏ bông khi cây tiêu còn nhỏ, đào lỗ cách gốc 50cm để bón phân chuồng chứ không rải phân lên mặt đất, rồi bước thu hoạch tiêu, chế biến tiêu đều phải cầu kỳ. Không tự nhiên mà hàng trăm hecta tiêu xanh ngắt một màu, để “chiều lòng những cây tiêu khó tính” thì những người nông dân trên đảo ngọc đã phải cần mẫn và dành thật nhiều tình yêu thương với mảnh đất này, với những dây tiêu.

Gìn giữ và quảng bá  giá trị cây tiêu

Ngày nay, với việc đẩy mạnh phát triển về du lịch của huyện đảo Phú Quốc, vườn tiêu không chỉ đóng vai trò trong việc sản xuất và buôn bán, mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch đến tham quan.

Hướng dẫn viên du lịch Trần Thanh Danh cho biết: “Hiện nay có hơn 200ha trồng tiêu tập trung nhiều nhất ở phía Bắc. Nhiều hộ xây dựng vườn thành điểm du lịch kết hợp với nhiều dịch vụ mua sản phẩm từ hồ tiêu tại nhà. Là người con của Phú Quốc thì chúng tôi muốn quảng bá sản vật quê nhà, để khách hiểu thêm về vùng đất và những con người xứ đảo”.

Anh Lâm Xư Lèm tâm sự: “Tôi với bà con ở đây đều mong muốn giữ gìn khu vườn truyền cho đời con, đời cháu bởi cây tiêu, hương vị tiêu là hoài niệm, là văn hóa gia đình từ nhiều đời”. Chủ vườn thân thiện chào mời đến thăm vườn tiêu, kể về nguồn gốc từng cây và cách chăm bón. Tham quan xong, du khách hái và thử ngay những hạt tiêu non, thử chấm trái cây với sản phẩm làm từ tiêu và mua tiêu về làm quà.

Tiêu ở đây được phân loại ra nhiều công đoạn và nhiều loại: khi tiêu chín được hái xuống những hạt tiêu được tách riêng, những hạt tiêu chín đỏ đem phơi riêng gọi là “tiêu đỏ”, những hạt còn xanh đem phơi sau khi khô nó có màu đen gọi là “tiêu đen”, tiêu đen được tẩy vỏ chỉ còn phần lõi hạt gọi là “tiêu sọ”, tiêu sọ là loại tiêu ngon nhất và đắt tiền nhất được nhiều người ưa chuộng.

Du khách đến từ Hungary- Agnes Fabian chia sẻ: “Lần đầu tiên đến đây tôi cảm thấy rất thú vị bởi ở đất nước tôi mọi người dùng tiêu mỗi ngày nhưng không biết quy trình trồng như thế nào. Được đến thấy, nghe và nếm thử rất thú vị. Quá trình trồng rất vất vả trong một thời gian dài mới thu hoạch nên chúng tôi hiểu hơn về giá trị của cây tiêu”.

Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng hơn nhiều loại hồ tiêu ở vùng miền khác. Thưởng thức món nông sản mang đậm tình người dân đảo ngọc để cảm nhận thứ gia vị từng được gọi là vàng đen.

Bất cứ ai đi du lịch đều mong muốn ghi lại những khoảnh khắc khó quên, có được những trải nghiệm ý nghĩa từ vùng đất mới. Và những món quà đặc sản từ nơi xứ người chính là một trong những cách để lưu lại những ấn tượng về một hành trình đáng nhớ. Chứng kiến khu vườn như lời kể của anh Lâm Xư Lèm: “Đông khách đến không có chỗ đứng”, không biết có phải vì tiêu đậm vị thơm nồng mà chúng tôi thấy khóe mắt cay cay.

Theo một số nhà vườn trồng tiêu ở Phú Quốc, mật độ trồng từ 2.500- 3.000 cọc/ha, mỗi dây tiêu đạt năng suất có thể thu hoạch 4- 5kg tiêu khô, và tiêu đạt chất lượng có thể bán với giá 200.000- 300.000 đ/kg. Từ tháng 11 đến tháng 3 là mùa thu hoạch rộ của các vườn tiêu. Giá trị của tiêu Phú Quốc ngày càng được nâng cao nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, bảo quản được lâu hơn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY