ĐBSCL mùa nước nổi khác thường

Kỳ 4: Tìm những hướng rẽ mới

Cập nhật, 05:55, Thứ Bảy, 05/10/2019 (GMT+7)

Trong câu chuyện mưu sinh, sản xuất của bà con miền đồng nước trao đổi với chúng tôi, cho thấy một thực tế con nước nổi ngày nay đã khác xưa. Và để “sống chung” với những yếu tố khác thường đó, người đồng bằng đã và đang tìm hướng rẽ mới để thích ứng chủ động hơn.

Nông dân chuyển đổi cây màu trên đất lúa ở xã Phú Đức, huyện An Phú- An Giang.
Nông dân chuyển đổi cây màu trên đất lúa ở xã Phú Đức, huyện An Phú- An Giang.

Trong cái khó ló cái khôn

Đứng trước nguy cơ bị mai một, những người từng gắn bó sống bằng nghề truyền thống luôn trăn trở tìm hướng rẽ mới để thích ứng với thị trường, với con nước bấp bênh qua từng năm.

Vừa để thỏa “nỗi nhớ” đóng xuồng vừa giữ được nghề hơn 100 năm, ông Nguyễn Văn Tốt (Bảy Tốt, 60 tuổi ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung- Đồng Tháp) “chế” những chiếc xuồng mi ni.

Tiếp chúng tôi bằng nụ cười và giọng nói hào sảng, ông hài hước kể về cơ duyên đến với những chiếc xuồng mi ni “không đụng hàng”: “Khi làng ghe xuồng Bà Đài thoái trào, 4 đời theo nghề, tui nghĩ phải làm sao để gìn giữ tổ nghề, phù hợp thị hiếu.

Sản phẩm xuồng, ghe mi ni độc đáo.
Sản phẩm xuồng, ghe mi ni độc đáo.

Dịp tình cờ năm đó vì thương con, tui mày mò làm chiếc xuồng nhỏ bằng gỗ sao để con tham gia cuộc thi tại trường học. Tưởng làm chơi, ai ngờ đoạt giải nhất”.

Từ cơ duyên đó, ban đầu một hai người, dần dà nhiều người đến đặt hàng với số lượng ngày càng lớn. 10 năm qua, ông đã hoàn thành hàng trăm sản phẩm ghe, xuồng thu nhỏ và hiện có bộ sưu tập 21 loại xuồng đặc trưng miền sông nước các tỉnh miền Tây như xuồng cui, ghe bầu, tam bản, ba lá Long An, ba lá Cần Thơ, độc mộc, xuồng cá chạch... “Nhỏ mà có võ”, xuồng ghe mi ni đã “vượt biển” đi Mỹ, Pháp, Trung Quốc,...

Tương tự, với mong muốn giữ nét đẹp truyền thống miền sông nước, vừa có thu nhập cho gia đình, chú Võ Văn Luyến (ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, Lai Vung- Đồng Tháp) 2 năm qua cũng đã “thu nhỏ” nơm, lọp, lờ,… bán cho du khách.

Chú Luyến vui vẻ nói: “Lúc đầu thấy làm dụng cụ đánh bắt thông thường không có ăn nên tôi “biến nhỏ” chúng lại, vậy mà nhiều người khoái lắm nghe”.

Hiện tổ thủ công mỹ nghệ của chú Luyến có 8 thành viên và đã làm được 20 chủng loại sản phẩm như: nơm, lờ, lọp, vỏ, sề, thúng, nia, rổ, gàu… chủ yếu bán cho các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn để trưng bày.

Làng mắm Châu Đốc tìm kiếm nhiều nguồn nguyên liệu thay thế khác cá, tạo đa dạng sản phẩm cho làng nghề.
Làng mắm Châu Đốc tìm kiếm nhiều nguồn nguyên liệu thay thế khác cá, tạo đa dạng sản phẩm cho làng nghề.

Trong khi đó, trước những khó khăn về nguồn nguyên liệu cá thiên nhiên, người làng mắm trăm năm ở Châu Đốc (An Giang) cũng tìm kiếm nhiều nguồn nguyên liệu thay thế khác, tạo thêm sự đa dạng sản phẩm cho làng nghề.

Ông Nguyễn Phụng Hoàng- Giám đốc Công ty TNHH MTV Bà Giáo Khỏe 55555- cho biết: “Doanh nghiệp không chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận mà luôn phấn đấu giữ chất lượng bằng nội lực của mình, chớ không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, như: dưa mắm đu đủ, mắm dưa gang, mắm dưa cà pháo, bột nấu lẩu mắm, bột mắm cá lóc sấy khô... Còn có cả khô cá kết, khô cá sửu, khô cá tra phồng...” Đó cũng là hướng mở tích cực cho những làng nghề thích nghi với thị trường và thị hiếu người dùng.

Chuyển đổi để thích ứng

Tại huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang “nóng” hơn bao giờ hết. Theo ông Phạm Thành Tâm- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện An Phú, kế hoạch của UBND tỉnh sẽ chuyển đổi trồng cây ăn trái, giảm diện tích lúa.

Thực tế đã chuyển đổi cây ăn trái hơn 1.400ha, diện tích lúa ở các xã như Khánh An, Long Bình giờ không còn. Cùng với đó, không khuyến khích làm lúa vụ 3, bởi thực tế sản xuất 3 vụ/năm nông dân cũng không giàu hơn.

“Chúng tôi nhận thấy năng suất lúa trong 3 năm trở lại đây sụt giảm rất nhiều, mùa Đông Xuân trước đây 8- 9 tấn/ha, giờ giỏi lắm 7 tấn/ha, do đất đai hết màu mỡ, biến đổi khí hậu, giá lúa không cao, năng suất lại giảm thì dân vẫn nghèo.

Tôi khảo sát bà con, nhiều người làm thuần lúa mong muốn được xả đê, xả lũ vì họ làm nhiều quá mà không có lời. Họ muốn được xả lũ để nghỉ ngơi, khai thác thủy sản, cải tạo đất”- ông Tâm nói.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cánh đồng trong đê bao còn có vườn cây ăn trái, xả lũ sẽ ngập vườn. Vậy nên, “cần phải tính xả lũ có quy hoạch, có khống chế mực nước.

Ví dụ, xả 1m rồi 1,5m đến 2m… theo mức độ nước vừa có phù sa cho ruộng lúa vừa không ngập vườn”- ông Tâm nói hy vọng làm được như vậy, thì vấn đề khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sẽ hài hòa lợi ích, hiệu quả hơn.

Bên cạnh chuyển đổi để thích ứng tự nhiên, sản xuất nông nghiệp còn đặt ra yêu cầu thích ứng với thị trường.

Đây là vấn đề Hội Nông dân TX Tân Châu (An Giang) rất trăn trở, nhằm giảm thiểu rủi ro giá cả thị trường, dịch bệnh,…

Ông Trần Văn Vốn- Chủ tịch Hội Nông dân TX Tân Châu- cho biết: “Sản xuất nông nghiệp đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao như: ươm cây giống trong nhà lưới, trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lúa ứng dụng chan bằng mặt ruộng bằng máy lazer… đã tạo ra nhiều sản phẩm lợi thế, lợi nhuận tăng cao”.

Anh Hồ Thanh Tuấn (ở Ấp 2, xã Vĩnh Xương) cho biết: “Để cải thiện sản xuất trên chính vùng đất quê hương, tôi quyết định trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng sạch và hiện đại”.

Với việc liên kết bao tiêu đầu ra ổn định, vụ thu hoạch vừa qua mô hình của anh cho lợi nhuận 160 triệu đồng.

Chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng lợi nhuận cũng là ấp ủ của chú Huỳnh Trung Dưỡng ở ấp Vĩnh Thạnh 2 (xã Lê Chánh- TX Tân Châu), từ 4ha lúa bấp bênh, chú quyết định “chiết” 1.500m2 xây chuồng trại, trồng cỏ voi nuôi bò. Từ 2 con bò nuôi để tìm hiểu thị trường, chú “chiết” thêm 3.500m2 trồng cỏ và tăng số lượng đàn bò.

“Mỗi năm tui bán 20 con bò thịt, thu lợi nhuận 200 triệu đồng. Cộng với nguồn thu từ lúa, kinh tế gia đình tui ổn định hơn”- chú Trung Dưỡng nói.

Trước những yếu tố khác thường, bất lợi từ thiên nhiên, thị trường, việc mạnh dạn chuyển đổi, rẽ hướng mới đã giúp người dân thích ứng một cách chủ động hơn trong sản xuất.

Kỳ cuối: Những thách thức đặt ra cho ĐBSCL

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra rất mạnh mẽ

Tại Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Văn Liêm cho biết, từ năm 2000 trở đi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra rất mạnh mẽ sau khi hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi. Theo đó, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, nhất là ở các huyện Bình Tân, Bình Minh, Tam Bình. Diện tích màu tăng hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2000 có khoảng 30.000ha màu thì đến năm 2018 đã đạt gần 60.000ha... Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm, việc mở rộng chuyển đổi phải theo đúng quy hoạch và quy hoạch này dựa trên nhiều yếu tố như sinh thái, khoa học- kỹ thuật, mô hình và giá cả, thị trường.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ