ĐBSCL mùa nước nổi khác thường

Cập nhật, 05:19, Thứ Tư, 02/10/2019 (GMT+7)

Mùa nước nổi năm nay, “tháng bảy nước… chưa nhảy khỏi bờ” và nhiều dự báo ĐBSCL sẽ vắng mùa nước nổi. Nhưng thực tế diễn biến mùa lũ năm nay có nhiều khác thường, theo chúng tôi ghi nhận nước về trễ hơn mọi năm 1 tháng, nhưng lên rất nhanh khiến hoạt động đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân nông thôn và các đô thị bị xáo trộn. Những mùa nước nổi “cà giựt”, không theo quy luật cho thấy diễn biến của Mẹ Thiên nhiên ngày càng khác thường, sản xuất và đời sống của hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chúng tôi mong muốn đi tìm một phần câu trả lời cho vấn đề “điều gì đang xảy ra với đồng bằng?” Vùng đất vốn dĩ đã quen thuộc “sống chung với lũ”, kế mưu sinh nương theo những con nước, việc chuyển đổi sản xuất của người dân đồng bằng đang diễn ra thế nào?

Kỳ 1: Xuyên Đồng Tháp Mười nhưng không tìm nước nổi

Giữa cuối tháng 9, các cánh đồng dọc tuyến QL N2 rôm rả thu hoạch lúa vụ 3, trong khi các cánh đồng biên giới Tân Hồng, Vĩnh Hưng, Tân Hưng… của tỉnh Long An đã có nước lên ngập ruộng.

Anh Lê Văn Tùng ở cánh đồng Ấp 6 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa- Long An) cho biết trồng 1ha sen, mỗi ngày thu hoạch ngó sen 30-40kg, hiện giá chỉ 10.000 đ/kg. Năm nay nước đầu nguồn xuống trễ mà lên nhanh.
Anh Lê Văn Tùng ở cánh đồng Ấp 6 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa- Long An) cho biết trồng 1ha sen, mỗi ngày thu hoạch ngó sen 30-40kg, hiện giá chỉ 10.000 đ/kg. Năm nay nước đầu nguồn xuống trễ mà lên nhanh.

Thu hoạch lúa trong mưa

Từ tháng 8, nông dân ở Đồng Tháp Mười đã thu hoạch lúa Hè Thu và sẵn sàng đón mùa nước mới, còn những cánh đồng chín vàng dọc QL N2 đang thu hoạch “vét đuôi” gặp phải đợt mưa kéo dài.

Chúng tôi rẽ đường kinh vào ấp Tân Thành (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh- Long An), cánh đồng gần 2.000ha nhộn nhịp thu hoạch lúa với cả chục máy gặt đập liên hợp, máy cộ lúa rền rĩ đồng trên đồng dưới. Ruộng lúa 2ha của chú Phạm Văn Phon (Tư Phon) dự cắt xiết xong trong buổi chiều, 2 máy gặt đập liên hợp cùng lúc ùa xuống ăn lúa rào rào.

Chú Tám Hon là chủ máy bỏ ra gần 700 triệu đồng đầu tư máy bảo rằng: “Chỉ cần thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng chừng 2ha, hôm sau giao máy tới tận nhà”.

Mỗi máy công suất 5-7ha/ngày, công cắt 1,8 triệu đồng/ha, bỏ công làm lời, một vài vụ lúa lấy vốn. Hơn nữa, đất ruộng ven QL N2 ngày càng có giá, nhiều người không thích xe cộ thì bán 1 công đất ở mặt lộ đã mua được cả hecta đất làm lúa trong đồng.

Chú Tư Phon cho biết: “Mấy rày nắng ngon lành, nay cắt lúa đụng mưa dầm, may lúa không bị sập”. Dù vậy, chú Tư Phon bảo cắt lúa ướt hao hụt rất nhiều, cứ nhìn mấy đường bánh máy cắt chạy qua lúa rớt như sạ mà xót ruột.

Nông dân xã Nhơn Hòa Lập thu hoạch lúa vụ 3 trong mưa khiến lúa ướt, nền ruộng lầy lội.
Nông dân xã Nhơn Hòa Lập thu hoạch lúa vụ 3 trong mưa khiến lúa ướt, nền ruộng lầy lội.

Trong khi vụ Hè Thu này đa số ruộng lúa xung quanh đã chuyển sang trồng nếp, còn gia đình chú sạ lúa hạt dài Đài Thơm 8 giá 5.500 đ/kg, tương đương 110.000 đ/giạ, chú Tư Phon nhẩm tính vụ này năng suất khoảng 6 tấn/ha, cầm lợi nhuận 30 triệu đồng/ha.

Nếu ở Vĩnh Long mỗi hộ làm một vài công lúa tính ra lời không nhiều, thì hộ dân vùng Đồng Tháp Mười có vài ba hecta làm lúa lại là khoản thu nhập đáng kể. Nên dù thời tiết xấu, thu hoạch lúa phải tốn nhiều công sức, chi phí, cùng với giá lúa, tiêu thụ bấp bênh nhưng nông dân vẫn muốn làm lúa vụ 3, vụ này gối đầu vụ kia không cần xả lũ.

Vụ Hè Thu năm nay, các huyện đầu nguồn của Long An có khoảng 300.000ha được gieo sạ, đến thời điểm này đã cơ bản thu hoạch xong.

Trong khi người dân vẫn quan tâm con nước năm nay về muộn và thấp hơn mọi năm, nhưng nhiều cánh đồng đang cải tạo đất để triển khai mùa vụ mới, nên con nước gần như không nổi ở những khu vực đê bao khép kín.

Xuyên đồng nhưng không tìm nước nổi

PGS.TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)- dẫn chứng một nghiên cứu gần đây cho thấy, năm nào lũ lớn thì năm đó đồng ruộng trúng mùa mà hạt gạo ăn cũng rất ngon, bổ dưỡng hơn vì trong phù sa có nhiều chất vi lượng bồi bổ cho hạt gạo. Cho nên- theo ông- nếu từ chối lũ thì hạt gạo chúng ta ăn là xác nhiều hơn chất.

Ruộng mít Thái siêu sớm ở huyện Thạnh Hóa được đầu tư khá bài bàn.
Ruộng mít Thái siêu sớm ở huyện Thạnh Hóa được đầu tư khá bài bàn.

Nhiều nông dân Đồng Tháp Mười cũng nói cho chúng tôi biết phù sa mùa nước nổi rất quan trọng cho đồng ruộng, năm nào lũ lớn vụ lúa sau đó rất trúng, chi phí phân thuốc cũng thấp hơn các vụ Đông Xuân lũ thấp, hoặc không xả lũ.

Tuy nhiên, câu chuyện xả lũ hay không xả lũ đến nay vẫn nhiều ý kiến trái chiều, bởi đất canh tác trong ô đê bao có nhiều loại “chứ không riêng cây lúa”. Thực tế hiện nay, ở giữa ruộng lúa Đồng Tháp Mười xuất hiện ngày càng nhiều vườn cây ăn trái đặc sản, ao nuôi cá thương phẩm.

Anh Hiền ở xã Nhơn Hòa Lập (huyện Tân Thạnh- Long An) đang biến khu đất ruộng nhà mình thành mô hình vườn- ao- chuồng, có mít Thái siêu sớm, dừa, chanh, sapo, cà na bao quanh ao nuôi cá trê, cá rô, cá tra… “Ông anh ở Chợ Lách (Bến Tre) hướng dẫn cách trồng, tui tính đặt thêm vài chục gốc sầu riêng”- anh Hiền nói.

Từ “cái rốn” Đồng Tháp Mười đến các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An, chúng tôi nhận thấy một sự chuyển động rất lớn trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Do vậy mà hành trình tìm nước nổi đã đi theo hướng khác, thay cho những dự định ban đầu “về đồng săn chuột, hái bông điển điển, đổ dớn bắt cá…”, chúng tôi lại muốn biết người dân Đồng Tháp Mười chuyển đổi sản xuất như thế nào?

Một cán bộ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vĩnh Hưng vừa gặp chúng tôi đã khoe: “Bưởi da xanh Khánh Hưng rất ngon”- để mở đầu câu chuyện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa- “Toàn huyện hiện có 21,8ha mít Thái siêu sớm (diện tích trên 2 công trở lên), ngoài ra có 343ha trồng xoài, bưởi, sầu riêng, thanh long, mãng cầu…

Trước đây người dân ngại nước phèn, nhưng nay đã biết cải tạo đất bằng cách lên luống, đào rãnh giữa những hàng cây vừa cung cấp nước tưới”.

Chuyển đổi cây ăn trái bước đầu hiệu quả, lợi nhuận gấp nhiều lần làm lúa hay “ôm 2 trái mít cầm 1 triệu ngon ơ”. Dù vậy, nhiều nông dân cũng phập phồng: “Làm lúa lời ít nhưng ổn định hơn. Ai cũng đua trồng cây ăn trái, sản lượng nhiều bán cho ai?”

Câu chuyện “bán cho ai” hiện đang khiến nông dân nuôi cá tra giống dở cười dở mếu. “Hơn năm trước nghề nuôi cá tra giống lợi nhuận cao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/ha. 1 người nuôi lời, 10 người đeo theo.

Có thời điểm giá cá tra giống tăng cao 60.000 đ/kg. Mấy tháng nay giá cá giống giảm 15.000-17.000 đ/kg, trong khi giá thành đã 23.000 đ/kg”- một cán bộ nông nghiệp nói. Huyện Vĩnh Hưng có 183ha nuôi cá tra giống, giá thấp người nuôi không có lời.

Số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Long An cho thấy, chỉ trong 2 năm trở lại đây nông dân Đồng Tháp Mười đã chuyển hơn 4.000ha đất trồng lúa thành ao nước để ương cá tra giống. Một thống kê đến tháng 4/2019 của một số huyện đầu nguồn tỉnh Long An cho thấy, hơn 70% hộ dân chuyển đổi đất lúa sang đào ao ương cá tra giống bị thua lỗ.

Nhiều nông dân đang muốn lấp ao trở lại làm lúa…

Kỳ sau: Ngược dòng thượng nguồn đón lũ muộn

Ông Hoàng Văn Bảy- Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên- Môi trường) cho biết về tình hình lũ ở ĐBSCL: Số liệu thống kê từ năm 2000 đến nay, có 4 năm xảy ra lũ lớn, 6 năm lũ vừa và 7 năm lũ nhỏ. Lũ có xu hướng đến muộn hơn so với trước đây. Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và nhỏ (chiếm 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ