Tản văn

Cách sống giống thổi lửa nấu nồi cơm

Cập nhật, 18:32, Chủ Nhật, 22/09/2019 (GMT+7)

 

Nồi cơm thêm ngon nhờ những ngọn than hồng đang cháy từ những cây củi trâm bầu.
Nồi cơm thêm ngon nhờ những ngọn than hồng đang cháy từ những cây củi trâm bầu.

Con nước về đầy sông mang theo những cành củi khô trôi theo dòng nước, người đàn bà trong xóm nhỏ bơi xuồng ra nhặt những nhánh cây khô về làm củi. Hình ảnh làm tôi nhớ đến những ngày ở quê. 

Nhớ những buổi chiều cùng bà lom khom thổi lửa nấu nồi cơm, kho ơ cá. Ở quê, giờ không ít nhà vẫn còn giữ nguyên nét xưa dù đã có bếp gas, bếp điện trong nhà. Vẫn còn những bó lá dừa, những cây củi được phơi phóng, với cự củi bên mái hiên nhà và những ông táo đầy lọ nghẹ.

Củi đuốc được người phụ nữ quê chặt, phơi, bó, chất thành cự rất ngay ngắn. Mỗi nhà không hai, ba cũng một cự củi. Một cự lá dừa, một cự củi tre, củi dừa, củi cây tạp trong vườn “đụng đâu quơ đó”.

Một cự củi chắc với các loại cây: trâm bầu, sắn, xoài, mít, vú sữa,... Những loại củi chắc thường do người đàn ông chặt hoặc cưa ra thành từng đoạn, rồi bổ ra thành từng thanh nhỏ. Ngày nay, không chỉ bổ củi mà đàn ông cũng xắn tay nấu cơm. Cùng giữ ấm cho bếp ăn gia đình chứ không riêng phụ nữ.

À, tôi đọc ở đâu đó và rất thích cách nói của người đàn ông này. Khi được phỏng vấn: “Ông có phụ giúp vợ trong công việc nhà?” thì ông liền trả lời: “Tôi không quan niệm phụ giúp vợ trong công việc nhà mà tôi xem đó là trách nhiệm của bản thân tôi, phải cùng vợ làm những công việc ấy.” Ôi! Một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, gia đình sẽ càng ấm áp và nồng ấm tình thương hơn.

Chúng ta quay về với chuyện cự củi! Nhìn vào cự củi người ta có thể đoán biết được tính cẩn thận, vén khéo của người phụ nữ trong gia đình ấy. Những người phụ nữ hiểu từng loại củi, chẳng như củi trâm bầu, củi sắn… cháy đầm, còn củi tre, củi sóng lá cháy hỗn,…

Nấu cơm mà nấu bằng củi tre, lá dừa thì cơm mất ngon vì không có lửa than. Phải nấu bằng củi trâm bầu, củi sắn thì mới ngon. Cơm ngon hay không là ở nghệ thuật chụm lửa. Khi cơm sôi được chắc nước đặt lại lên bếp, bớt lửa nhưng phải có than hồng thì nồi cơm mới đủ “hơi”, mới ngon, mới có cơm cháy vàng giòn và không khét. Vì vậy nên mới có câu “cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê”.

Những kinh nghiệm chụm củi cứ thế được vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Những cây củi đủ nắng, khô queo nên gặp lửa bắt cháy rất “ngon”. Khi gặp được thời cơ thuận lợi để dễ bề hành động thì được ví “củi khô gặp lửa”. Hay loại nào thì có tác dụng, công dụng tương xứng với giá trị, chất lượng của loại ấy thì ví “củi nào cháy ra lửa ấy”.

Những cây củi gợi nhớ những ngày mặt đầy lọ nghẹ khi phải vật lộn với bó lá dừa, mớ củi cháy lem nhem vì trận mưa lớn trút nước xuống mái hiên dột qua kẽ rách của lá. Hay những hôm gặp những cây củi “khó tính, khó nết” chẳng chịu bắt lửa cháy.

Hôm ấy, chái bếp toàn khói với khói. Nên chúng tôi biết con mắt cay xè bởi khói nó ra làm sao! Để mỗi khi lòng đụng phải nỗi buồn, chạm phải nỗi đau thì mắt lại cay xè mà bà lại đổ lỗi do khói bếp.

Và khi xa nơi ấy mới cảm nhận ra rằng, không phải chúng tôi ấm bởi những ngọn than hồng đang cháy mà ấm bởi tình cảm gắn bó bên bếp than hồng. Và chính những ngọn lửa, cây củi đã dạy chúng tôi cách sống.

Cách sống bây giờ còn nguyên và thể hiện khi nhìn những cành củi khô con tim vẫn tràn đầy cảm xúc về thời ăn cơm củi. Tình cảm còn dạt dào trong trái tim. Sợ nhất khi trái tim vô cảm. Và có ai đó đã từng nói “nơi lạnh lẽo nhất không phải là nơi Bắc cực, mà là nơi thiếu tình người”.

Trong cuộc sống có những điều cần có cách ứng xử khéo léo, cần có nghệ thuật sống. Cũng như nghệ thuật thổi lửa nấu nồi cơm vậy. Khâu chụm lửa phải biết cho củi khô vào trước, những cây củi mới ráo lớp vỏ ngoài hoặc còn tươi thì ta phải cho vào sau. Củi tươi vẫn có thể cháy thành ngọn lửa cùng với củi khô.

Và không phải củi nhiều thì cho hết vào để mau chín, cho củi hết vào thì sẽ mất ngon, sẽ bị hỏng mất thức ăn. Cái vèo hết củi. Cuộc sống cũng có khác chi ta phải cân bằng cuộc sống.

Bài, ảnh: MAI KHA