Con từ miền Nam đi theo chân Bác

Kỳ cuối: Trân quý từng phút giây theo chân Bác

Cập nhật, 05:36, Thứ Năm, 26/09/2019 (GMT+7)

Vài ngày ngắn ngủi ở Hà Nội và ngược hướng về Việt Bắc đã để lại những kỷ niệm đáng nhớ với đoàn về nguồn báo công dâng Bác của tỉnh Vĩnh Long.

Chuyến về nguồn là hành trình khám phá, học tập, hoàn thiện bản thân khi lăng kính của mỗi người cứ lướt dần qua sông núi Việt Nam kỳ vĩ, lướt dần qua những số phận thăng trầm, tấm gương kiên trung của Bác, của các anh hùng cách mạng.

Để kết thúc hành trình, mỗi người đều có chiêm nghiệm cho mình, cho đời và phấn đấu vươn lên khi được truyền cảm hứng về lãnh tụ, về một tình yêu lớn với Tổ quốc thân yêu.

Trao đổi, tiếp thu nhiều nội dung mới ở mô hình của các tỉnh bạn giúp tỉnh Vĩnh Long lan tỏa giá trị cao đẹp về học tập và làm theo Bác. Trong ảnh: Đoàn Vĩnh Long tặng quà lưu niệm cho tỉnh Bắc Kạn.
Trao đổi, tiếp thu nhiều nội dung mới ở mô hình của các tỉnh bạn giúp tỉnh Vĩnh Long lan tỏa giá trị cao đẹp về học tập và làm theo Bác. Trong ảnh: Đoàn Vĩnh Long tặng quà lưu niệm cho tỉnh Bắc Kạn.

 

Lan tỏa những giá trị cao đẹp của Người

Đến mỗi tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Ninh, đoàn về nguồn báo công dâng Bác trao đổi kết quả, kinh nghiệm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đồng chí Nguyễn Hữu Quất- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh- đã trao đổi những mô hình tiêu biểu của địa phương để giới thiệu với đoàn.

“Chuyến về nguồn báo công của tỉnh Vĩnh Long là điều mà các tỉnh khác cũng nên thực hiện bởi những người lãnh đạo trực tiếp triển khai chỉ thị, những tấm gương tiêu biểu thực hiện tốt chỉ thị sẽ có cơ hội được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau”- đồng chí Nguyễn Hữu Quất nhận xét.

Xuất phát từ nhận thức “học tập và làm theo Bác là cần thiết bởi sẽ rèn luyện cho mình ngày một trưởng thành, hoàn thiện hơn, chỉn chu hơn trong cuộc sống hàng ngày cũng như ngoài xã hội”, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Mười Hai- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình- cho biết việc học theo Bác sẽ giúp ông lãnh đạo, điều hành đơn vị hoạt động đạt hiệu quả cao hơn trong việc chăm lo sức khỏe phục vụ cho nhân dân.

Đoàn làm lễ báo công dâng Bác tại di tích K9 Đá Chông.
Đoàn làm lễ báo công dâng Bác tại di tích K9 Đá Chông.

Theo đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long: “Đến báo công ở Phủ Chủ tịch, ở K9 Đá Chông, về thăm các di tích ATK, hang Pác Bó,… nơi Bác sống và làm việc, ra quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước, chúng tôi rất cảm động bởi cả cuộc đời của Bác là quá trình cống hiến phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Mỗi nơi đi qua, đoàn đều tổ chức thắp hương tưởng niệm Bác, ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống. Điều này có ý nghĩa rất lớn để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ đời sau”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, đoàn có nhiều tấm gương tiêu biểu về nguồn và nhớ ơn Bác. Từ chuyến đi này, việc trao đổi, tiếp thu nhiều nội dung mới ở mô hình của các tỉnh bạn sẽ giúp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 đi vào thực chất có chiều sâu, góp phần tạo ra nhiều mô hình, tấm gương điển hình tiên tiến trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt Di chúc mà Bác đã gửi lại 50 năm qua.

“Cần lắm những chuyến đi”

Bên cạnh việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập và làm theo Bác, chuyến về nguồn đi tìm những địa chỉ đỏ còn là hành trình để những người trẻ tìm về cội nguồn dân tộc, cảm nhận vẻ đẹp bất tận của nước non mình và khám phá nét đặc sắc trong văn hóa của các dân tộc.

Một trong những hình thức tuyên truyền giáo dục được đánh giá hiệu quả nhất là việc tổ chức, tham quan khu di tích.

Khi đến khu di tích, khách tham quan không chỉ được tận mắt thấy những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với một phần cuộc đời Bác Hồ mà còn được “giải mã” những thông tin ẩn chứa trong từng di vật Người để lại.

Chuyến về nguồn đi tìm những địa chỉ đỏ còn là hành trình để những người trẻ tìm về cội nguồn dân tộc.
Chuyến về nguồn đi tìm những địa chỉ đỏ còn là hành trình để những người trẻ tìm về cội nguồn dân tộc.

Những hiện vật, tài liệu thầm lặng được đánh thức bằng những lời diễn giải, những câu chuyện kể xúc động trong không gian linh thiêng đã tác động mạnh mẽ tới tình cảm, tư tưởng, có sức giáo dục và cảm hóa sâu sắc đối với mỗi người.

Còn chưa hết ngỡ ngàng vì những cung đường đèo quanh co núi non trùng điệp thì thị giác bỗng sáng rực bởi thửa ruộng bậc thang đang mùa vàng trải dài miên man.

Nghe tiếng hát ở trời quan họ Bắc Ninh, ngân nga theo tiếng đàn tính của người Tày ở Cao Bằng. Hương vị trái trám vào mùa thu còn vương nơi đầu lưỡi, xôi ngũ sắc, bánh đúc, thịt chua ở Ba Bể… còn quyến luyến mãi ngày về.

Có cả những người bạn đường có thể chỉ gặp một lần trong đời như cô phóng viên trẻ Đài Trang ở Đài truyền hình Thái Nguyên say sưa giới thiệu về chè quê mình, tự hào kể chuyện ATK Định Hóa, nhắc những lần tác nghiệp ở miền núi lội bộ 6 tiếng liền.

Có anh bạn đứng ở thác Bản Giốc mà miên man ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, ngắm những cô gái diện trang phục dân tộc Thái rực rỡ sắc màu.

Làm sao quên cảm giác khi chạm tay vào dấu tích cha ông. Chạm vào cột mốc biên giới, cảm nhận thiêng liêng của chủ quyền dân tộc để biết ơn thế hệ cha ông đã đánh đổi máu xương để giữ gìn.

Chúng tôi muốn đoạn kết của hành trình này là lời cảm ơn chân thành đến người đã gắn bó với những cung đường trên đất Bắc gần 30 năm.

Bác Phùng Hồng Kỳ công tác ở Cục Quản trị A, Văn phòng Trung ương Đảng đã có ngần ấy thời gian cầm “vô- lăng” đưa các đoàn khách từ Nam chí Bắc đi tìm những “địa chỉ đỏ”. Bữa ăn không đúng giờ, giấc ngủ chưa tròn vẹn, nhớ rõ từng nơi có “ổ voi”, “ổ gà”, đoạn đường đông dân cư.

Bác chính là quyển từ điển sống thuộc từng cung đường và hiểu rõ những đổi thay sâu sắc của vùng đất mình. Đường ra Lạng Sơn chỉ có 1 con đường độc đạo nhỏ xíu, những con đường liên tỉnh mưa gió lầy lội thay đổi ra sao khi năm xưa cả ngày mới đến mà giờ băng băng trên cao tốc chỉ vài giờ.

Bác Phùng Hồng Kỳ nói với chúng tôi: “Thật may mắn vì làm nghề này và được đến nhiều nơi, biết thêm về lịch sử, về vùng đất, con người, chở những người trẻ đến tìm địa chỉ đỏ và có những người thật sự đã trưởng thành”.

Bác cười híp mắt trước lời cảm ơn của tôi và khẳng định: “Cần lắm những chuyến đi- Đi để trưởng thành, để thấy Việt Nam, đất nước của những người anh hùng không bao giờ khuất”.

Đất nước xiềng xích không khóa được bởi “trời đầy chim và đất đầy hoa”, đạn bom không phá được bởi “lòng dân yêu nước, thương nhà”. Đất nước của những người áo vải “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (trích “Đất nước”- Nguyễn Đình Thi).

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY