Theo dấu tích trống đồng

Cập nhật, 15:04, Thứ Sáu, 30/08/2019 (GMT+7)

Chúng tôi về thăm làng Đông Sơn, nơi lưu dấu cả một nền văn hóa của người Việt.

Trống đồng trong các làng mạc, đình chùa đã cho thấy truyền thống nghề đúc đồng lâu đời ở nước ta.
Trống đồng trong các làng mạc, đình chùa đã cho thấy truyền thống nghề đúc đồng lâu đời ở nước ta.

Tên gọi Văn hóa Đông Sơn được đặt theo tên một ngôi làng cổ, bên bờ sông Mã, gần cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa.

Một buổi sáng năm 1924 của thế kỷ trước, một người nông dân trong làng ra bờ sông câu cá, chợt thấy bên bờ đất lộ ra những đồ vật bằng đồng, trong đó có chiếc trống to hơn vòng tay người ôm, trên mặt trống có những hoa văn rất đẹp. Ông báo với nhà chức trách ở xã.

Sau đó, có các nhà nghiên cứu của viện Viễn Đông Bác Cổ đã về xem hiện vật và khai quật hiện trường. Chiếc trống đồng đầu tiên ấy được đưa về Hà Nội. Một nền văn hóa, một thời kỳ lịch sử Việt Nam được thế giới biết đến với tên gọi Đông Sơn ra đời từ đấy.

Chúng tôi về thăm làng Đông Sơn. Ngôi làng 2.500 tuổi bên bờ sông Mã vẫn còn lưu giữ những nét cổ xưa qua bao năm tháng. Những nếp nhà nhỏ. Những con ngõ hẹp mang tên thật ý nghĩa: Ngõ Nhân, ngõ Nghĩa, ngõ Trí...

Làng cổ Đông Sơn.
Làng cổ Đông Sơn.

Làng có chùa làng, đền thờ thành hoàng và đền thờ Trần Khát Chân. Cư dân quây quần, đầm ấm, chưa bị nhiều tác động của đời sống thị trường gây xáo trộn. Chúng tôi ra đầu làng, nơi đã phát hiện ra chiếc trống đồng đầu tiên.

Một bến sông bình thường như mọi bến sông với con đường nhỏ, bụi tre, con đò; nhưng có lẽ không phải tình cờ đây lại là nơi phát lộ chiếc trống đồng đầu tiên. Làng Đông Sơn gắn bó với đời sống của cả vùng đất này, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn mang trong lòng nó những giá trị của cả một nền văn hóa.

Những chiếc trống Đông Sơn, sau này được tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau,với nhiều loại kích cỡ và những hoa văn độc đáo; một sản phẩm tiêu biểu cho đời sống văn hóa, trình độ kỹ thuật của người Việt cổ. Nhiều chiếc trống được đúc với kỹ thuật cao, trên mặt và thành trống chạm khắc nhiều hình ảnh miêu tả cuộc sống của con người thời kỳ dựng nước.

Cùng với trống đồng, các bức tượng, chuông và các loại đồ đồng khác trong các làng mạc, đình chùa đã cho thấy truyền thống nghề đúc đồng lâu đời ở nước ta.

Các tư liệu lịch sử cho biết, thời Đinh Tiên Hoàng đã sưu tầm trống đồng tặng phong cho các nơi. Các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này, trong các thư tịch cổ cũng nói đến các cổ vật bằng đồng.

Làng Trà Đông; cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Lê Văn Bảy.
Làng Trà Đông

Chúng tôi đã về thăm làng Trà Đông (làng Chè), một làng cổ với nghề đúc đồng truyền thống ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa. Đây cũng là quê hương của nhà sử học nổi tiếng Lê Văn Hưu. Trà Đông đã duy trì nghề đúc đồng qua nhiều đời. Cả xã còn trên 130 gia đình làm nghề đúc đồng, trong đó những gia đình có tay nghề cao, nhiều nghệ nhân giỏi tập trung ở Trà Đông.

Các sản phẩm đồ đồng của Trà Đông như trống đồng, tượng đồng, chiêng đồng, đồ thờ tự... từ lâu đã nổi tiếng gần xa. Đây cũng là nơi đã đúc 100 chiếc trống đồng cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và những chiếc trống kích cỡ lớn bằng phương pháp truyền thống.

Làng có các nghệ nhân hàng đầu của nghề đúc đồng hiện nay như các ông Lê Văn Bảy, Lê Văn Dương, Nguyễn Bá Châu, Đặng Ích Hoàn... Nghề đúc đồng Trà Đông đã được nhà nước công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể".

Các nghệ nhân đang đúc đồng.
Các nghệ nhân đang đúc đồng.

Chúng tôi đã đến thăm xưởng đúc đồng và gặp gỡ với nghệ nhân Lê Văn Bảy. Là một người thợ tài hoa, một nhà sản xuất, ông luôn có ý thức tiếp thu tinh hoa và phát triển nghề do tiền nhân truyền lại. Sản phẩm do cơ sở của ông sản xuất là một thương hiệu có uy tín.

Chế tác trống đồng.
Chế tác trống đồng.

Chính Lê Văn Bảy là người đã cùng những người thợ của mình đúc nên chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được coi là lớn nhất thế giới hiện nay, với chiều cao 2 mét, đường kính 2,7 mét, nặng khoảng 8 tấn. Chiếc trống này đã được khách hàng đem đi nhưng bộ khuôn đúc vẫn đang còn lưu giữ tại xưởng của ông.

Chúng tôi thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm rất phong phú của nghệ nhân Lê Văn Bảy. Những người như ông đang góp phần tạo nên sức sống mới cho nghề truyền thống của Trà Đông hiện nay.

Chiếc trống kỷ lục ở khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa.
Chiếc trống kỷ lục ở khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa.

Chúng tôi về huyện Yên Định viếng đền Đồng Cổ. Đây là một trong những ngôi đển cổ nhất xứ Thanh, tương truyền có từ thời Hùng Vương, thờ thần trống đồng, vị thần có công "hộ dân bảo quốc", từng theo vua Hùng đi dẹp giặc giữ nước.

Đền tọa lạc ở núi Đồng Cổ (còn gọi là núi Khả Phong), địa thế rất đẹp, tựa lưng vào núi, giữa vùng cây xanh, phía trước có hồ bán nguyệt; quang cảnh thâm nghiêm, tịch mịch. Đền là nơi diễn ra các nghi lễ và còn lưu giữ sắc phong của nhiều triều đại trong lịch sử. Đền đã nhiều lần bị hư hại, xuống cấp. Ngôi đền hiện nay được xây dựng lại vào năm 1996.

Trong gian thờ chính, bên cạnh chiếc trống đồng lớn, còn bày một bản sao chiếc trống đồng đầu tiên được tìm thấy ở Đông Sơn (trống nguyên bản gốc hiện lưu giữ ở Pháp). Đền Đồng Cổ được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia vào năm 2001.

Lễ hội đền diễn ra vào ngày 14 - 15 tháng Ba âm lịch hằng năm, thu hút du khách gần xa,góp phần khơi dậy tinh thần thượng võ, khát vọng gìn giữ, bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước của cha ông cho các thế hệ mai sau.

Theo Báo Tin tức