Ký ức kháng chiến

Tiếng chày khua...

Cập nhật, 17:44, Chủ Nhật, 18/08/2019 (GMT+7)

Một lần, sau một chuyến hành quân xuyên qua Đồng Tháp Mười gần như suốt đêm, chúng tôi tạm dừng chân trong một xóm có mươi nóc nhà dọc theo dòng kinh nhỏ không tên. 

Lòng rộn ràng vì vừa đặt chân đến một vùng đất mới, tôi càng lạ hơn khi bên tai bỗng vang lên những tiếng “bầm… bầm!” rất đều tay. Thì ra đó là tiếng giã bàng để chuẩn bị bước vào một ngày mới của nhà bên cạnh.

Một nhà rồi cả xóm vang lên những tiếng giã bàng nhịp nhàng trong sương sớm, lòng thật bồi hồi bởi khó có thể tin trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào lúc ác liệt nhất tại một vùng quê giải phóng lại có những phút giây an bình đến thế!

Bàng là một loại cây thân cỏ nhiều vô kể ở Đồng Tháp Mười, nó giống như cây năng nhưng lớn và dài hơn, sau khi sơ chế bằng cách giã cho dẹp và phơi khô, sợi bàng được đan thành những tấm đệm, giỏ xách, nón hay các cỡ bao thường được gọi là bao cà ròn rất đa dụng.

Động tác giã bàng của bà con vùng này trông giống như đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giã gạo, chỉ khác là không có cối, các cọng bàng dài được xếp trên một miếng ván dày để giã nên âm thanh vang lên cũng khác xa với tiếng giã gạo.

Lặng lẽ trở lại chiếc võng với tiếng giã bàng vẫn nhịp nhàng bên tai, tôi không khỏi bật cười khi so sánh tiếng vang ấy với các ca từ trong một bài vọng cổ nổi tiếng thường được nữ ca sĩ Thanh Hoa trình bày trên Đài Phát thanh Giải phóng thời ấy, lời bài ca có câu rằng: “cắc… cụp… cùm… cum… vang đâu đây tiếng giã bàng…”.

Tôi cười vì tiếc mình không có đủ tâm hồn bay bổng của một nghệ sĩ như tác giả để nghe được “tiếng lòng” tức là cái hồn của âm thanh giã bàng đó thành “cắc cụp cùm cum” y hệt như tiếng giã gạo tại quê nhà!

Tôi lại miên man đến bài hát “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh và bài “Gạo trắng trăng thanh” của Hoàng Thi Thơ rất phổ biến trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước.

Cái giống nhau của 2 bài hát là các tác giả cùng không đưa âm thanh tiếng giã bàng cũng như tiếng giã gạo vào câu hát mà chỉ truyền cho người nghe những cảm nhận về chúng: “Trong đêm trăng tiếng chày khua, ta hát vang trên cách đồng mênh mang” (“Gạo trắng trăng thanh”) và rất đỗi nồng hậu “Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi” (“Con kênh xanh xanh”), lời bài hát chỉ có thế nhưng đủ gợi cho ta cái nỗi nhớ mênh mông các âm điệu quen thuộc của tiếng chày khua trong một đêm trăng nào đó ở quê nhà…

Thời ấy, cối và chày giã gạo có ở nhiều nhà trong xóm, chúng thường được làm bằng gỗ vườn, nhiều nhất là mù u…

Chày là một khối hình trụ dài khoảng 6- 7 tấc có đường kính khoảng 2 tấc, ở giữa thân người ta có tra một cán ngắn để dễ dàng làm động tác bổ chày khi giã gạo.

Cối là một khối vuông với cạnh khoảng 8 tấc, đáy được đẽo nhỏ hơn mặt cối một chút cho nó có cái dáng xinh xắn, mặt cối lõm xuống và sâu ở giữa là một lõm hình nửa khối cầu có thể chứa khoảng nửa giạ gạo, do mặt cối được đục lõm xuống nên 4 góc mặt cối hơi nhô lên cao tạo thành 4 tai cối để người giã gạo sau khi bổ mạnh chiếc chày vào số gạo được đổ ở lòng cối thì khua nhẹ đầu chày vào đó sau khi nhấc chày lên để tạo một lực tác động đưa gạo tụ lại giữa lòng cối cho lần giã tiếp theo đến khi gạo lứt thành trắng. Khi giã gạo, tiếng chày chạm mạnh vào gạo trong cối vang lên một tiếng “thụp” (cụp) trầm ấm, sau đó tiếng đầu chày chạm vào tai cối vang lên một tiếng “cum” rất thanh, những tiếng cụp, cum nối nhau lúc nhanh lúc chậm, cao và thấp do người giã tạo nên làm thành một chuỗi âm thanh rất đặc trưng.

Thuở ấy, nhà máy chà lúa chưa phổ biến bà con ở nông thôn thường tranh thủ ban đêm rảnh rỗi để giã gạo, nên những tiếng cụp cum như thế trong đêm thanh vắng vang đi rất xa tạo nên một không gian sống động khiến người xa quê nhiều năm vẫn nhớ…

Quê tôi là một vùng quê lúa nên trong suốt thời gian cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, tuổi thơ của tôi thấm đẫm tiếng xay lúa và tiếng chày giã gạo: bên những tiếng giã gạo thùm thụp đầy kiên nhẫn của các mẹ để chúng tôi có những bát cơm trắng dẻo thơm đầy ắp ân tình, còn có những tiếng chày rôm rả của những chàng trai cô gái trong xóm đua tài giã gạo bằng những nhóm giã chày đơn với mỗi người giã một cối gạo, chày đôi (2 người giã chung một cối), chày ba (3 người giã chung một cối) và chày tư (4 người giã chung một cối) trong các dịp chuẩn bị cúng đình trong làng hay cho các lễ khao quân nào đó…

Điều thú vị là khi đó cả người thắng (cối gạo được giã trắng trước) lẫn người thua cuộc kết thúc cuộc thi đều cùng lúc buông chày vừa cười xòa sảng khoái vừa thở dốc…

Giã gạo là một công việc quen thuộc nên gần như ai cũng biết với lượng gạo nào giã bao nhiêu chày là gạo vừa trắng, vì vậy trong các cuộc thi tài từ khi bổ nhát chày đầu tiên vào cối đến khi gạo đã trắng họ chỉ cần “một hơi”, tức không hề nghỉ tay giữa chừng, hơn thua nhau trong vài phút chóng vánh đó là ở chỗ ai dai sức quay chày vừa nhanh vừa mạnh, đặc biệt là khéo léo đưa chày đúng vào trung tâm cối để gạo không bị chạt ra ngoài.

Giã chày đôi thì kỹ thuật đó cùng sự ăn ý của người cùng giã ở một cối gạo lại vô cùng quan trọng và độ khó càng tăng lên khi giã chày ba, chày tư. Cuộc thi càng vui hơn khi trong nhóm có cả các cô thanh nữ tham gia, lúc đó chẳng ai chịu nhường ai…

Theo thời gian, tiếng chày giã gạo trong các thôn xóm thưa dần vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước khi nhiều vùng nông thôn xuất hiện các nhà máy chà gạo, nhưng một lần nữa lại rộn ràng vào những tháng vào chiến dịch Mậu Thân 1968 khi quân giải phóng đồng loạt tiến công địch khắp các thành thị nên các nhà máy chà phần lớn ngưng hoạt động vì chiến sự, tại các vùng giải phóng cảnh nam nữ thanh niên tập trung thi nhau giã gạo nuôi quân lại có dịp tái diễn vui như những ngày hội…

Bây giờ, các dụng cụ rất thông dụng ngày ấy để biến hạt lúa thành ra hạt gạo trắng tinh cùng với những tiếng chày giã gạo đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ nay đã lớn tuổi, còn tuổi trẻ thì có thể nói khó mà hình dung được tiếng chày khua vào các đêm trăng thanh vắng trong các thôn xóm nó quyến rũ người nghe đến thế nào và càng khó hiểu hơn vì sao nó lại khiến mọi người thương yêu nhiều hơn mái nhà bé nhỏ của mình…

Với tôi, tiếng chày giã gạo trong đêm đã trở thành một hoài niệm, những mong một ngày nào đó mọi người có thể tìm gặp được chúng trong một phim nào đó nói về nông thôn hay cuộc kháng chiến ngày trước với cảnh người dân bên nhau giã gạo nuôi quân để các lớp trẻ có dịp hiểu được trong âm thanh tiếng chày ba, chày tư ấy thấm đẫm niềm vui của người giã đến cỡ nào mà có thể “đẩy lùi đêm vắng vẻ” như nhạc sĩ Xuân Hồng đã kể trong bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”...

HỒNG VÂN