Ăn ly chè Phan Thiết, tiếc câu chuyện tình thơ

Cập nhật, 17:42, Chủ Nhật, 18/08/2019 (GMT+7)

 

Cách đây gần chục năm, lúc còn “mài đũng quần” trên ghế nhà trường, mỗi khi tôi học chuyên đề về Thơ mới thì hội trường của những lớp Văn luôn chật kín đến không thở nổi chỉ vì ai cũng háo hức nghe… chuyện tình của Hàn Mặc Tử hay tò mò về T.T.Kh. và chuyện tình thơ “Hai sắc hoa ti gôn”.

Chuyến thăm Phan Thiết hè này, chúng tôi lần mò tìm quán chè Mộng Cầm, nếm thử kem flan ngọt lịm trong “một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử”.

Những ai yêu thơ Hàn Mặc Tử đều nhận ra Phan Thiết- nơi sinh sống của Mộng Cầm- là một trong những nơi mà ông nặng tình, nặng nghĩa, nhiều xúc cảm để sáng tác những vầng thơ tuyệt tác sau này.

Vùng biển xanh, cát trắng, nắng vàng có lầu Ông Hoàng, một tàn tích biệt thự của người Pháp gần tháp Chăm Po Sah Inu, nơi Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm mỗi cuối tuần đến ngắm trăng, ngắm biển.

Chuyện tình ngọt ngào bắt đầu từ đây. Cứ mỗi cuối tuần nàng đứng ở sân ga đợi chàng trên chuyến xe lửa từ Sài Gòn ra Phan Thiết, biết bao là tình. Kéo dài gần một năm rưỡi, duyên phận không thành và Mộng Cầm đi lấy chồng. “Phan Thiết! Phan Thiết!” (tên bài thơ của Hàn Mặc Tử) trở thành nơi kết thúc câu chuyện tình “sầu muộn ngất ngư” của Hàn Mặc Tử.

Cùng với lầu Ông Hoàng, quán chè Mộng Cầm là nơi còn lại ở Phan Thiết thu hút du khách tìm đến để nghe biển vỗ một mối tình buồn... Đổ dốc cầu qua sông Cà Ty, theo con đường Trần Hưng Đạo chạy dọc giữa lòng Phan Thiết, quán chè nằm ở số 394. Gió biển lành lạnh thổi vào quán cổ.

Tên quán “Mộng Cầm” được khắc trên miếng gỗ treo trước nhà. Có một điều làm những người lưu luyến câu chuyện tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm thấy nhói nhói trong tim là mặt trước miếng gỗ in tên quán, mặt sau lại là câu thơ của Mộng Cầm: “Cả năm chỉ có một lần xuân- Nhưng với lòng em xuân mỗi tuần” (trích từ bài thơ “Chan chứa”).

Có vài cái bàn xếp trước sân chạy dài đến sau nhà, chắn bằng cái cửa gỗ đã nhuốm màu thời gian. Vài ngọn đèn treo nhấp nháy. Mấy chậu hoa hồng khéo léo đặt bên lối đi mang đến cảm giác ấm cúng.

Mặc dù đông đúc nhưng quán chỉ có một người phục vụ đứng tuổi, người gầy gầy, khá kiệm lời, là con rể bà Mộng Cầm. Thực đơn của quán cũng khá khiêm tốn khi chỉ có chè đậu xanh, sữa đậu nành và kem flan.

Người Phan Thiết không gọi “bánh flan” như trong miền Nam mà gọi là “kem flan”, đây cũng là món “gây thương nhớ” khiến du khách tìm đến quán. Miếng kem flan đổ bằng xoong, một đĩa là một góc sáu cái bánh, không phải theo khuôn nhỏ nhỏ như trăm ngàn cái bánh flan khác.

Miếng bánh vàng rượm trứng gà, dư vị beo béo, ngọt lịm tràn mịn êm nơi đầu lưỡi. “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa…” nếu thêm câu hát, chắc khách thơ khóc mất thôi!

Những câu chuyện xa xôi khuất lấp, lắng chìm vào quá khứ. Ngôi nhà cũ của Mộng Cầm cũng do tranh chấp mà chia đôi nhưng quán Mộng Cầm mãi mãi là điểm đến “di sản”, người ta vẫn tìm đến ngồi trong quán, trước sân nhà bà, ngắm ngôi nhà tường vàng im lìm mà tưởng như cô gái Mộng Cầm của thời son trẻ đang ngồi đâu đó... Cảm giác thi vị từ văn chương bước ra đời thực thật khó mà tìm thấy ở nơi nào khác.

Có những chuyến đi, có những điểm người ta muốn dừng chân chỉ đơn giản để tìm nơi chốn trong tác phẩm văn chương mà họ đã say mê, chỉ vì những kỷ niệm cũ bên bài giảng đầy day dứt về một con người. Điều đặc biệt của một vùng đất nếu được khai thác trọn vẹn thì đó là nét “độc nhất vô nhị” níu chân lữ khách.

PHƯƠNG THÚY