Thành cổ Quảng Trị- tượng đài của tuổi thanh niên

Cập nhật, 06:36, Thứ Ba, 23/07/2019 (GMT+7)

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” (Lê Bá Dương)- Những câu thơ ấy thôi thúc, ám ảnh tôi trong suốt chuyến đi dọc miền Trung đầy nắng, gió.

Khu di tích Thành cổ Quảng Trị.
Khu di tích Thành cổ Quảng Trị.

Đầu tháng 8, Bắc Trung Bộ đã vào mùa mưa, nhưng khi nắng lên, vẫn còn những cơn gió Lào oi ả, nóng bức như thiêu đốt thổi qua đại ngàn Trường Sơn rồi tràn xuống miền duyên hải, miên man, xao xác trên những dải cát trắng khô cằn…

Chúng tôi dừng chân bên dòng Thạch Hãn nước xanh trong, lừng lững bèo dại, lục bình trôi tản mạn. Dòng sông có vẻ như điềm nhiên, lặng lẽ, như chưa từng có một thời chiến tranh đầy đau thương, bi tráng!

Tôi nhìn dòng sông. Tôi nhìn dãy Trường Sơn mờ xa mây khói. Đúng đất này là linh địa! Đây là bãi chiến trường từ đời Lý, Trần, Lê, Trịnh- Nguyễn phân tranh. Rồi sông Bến Hải chia cắt đôi miền Nam Bắc thân yêu đằng đẵng hơn 20 năm của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại! Châu Ô ngày xưa với nước mắt Huyền Trân hình như đã nhỏ xuống dòng Thạch Hãn buổi theo chồng về Chiêm?

Bây giờ, bên dòng sông huyền thoại này, mấy mươi năm nay, tháng 7 đã có không biết bao nhiêu người về đây xót thương cho những người thân đã hóa hồn vào cỏ cây, sóng nước!

Những người mẹ, người cha, người chị, người anh mỗi mùa đi tìm lại bóng dáng thân yêu của người thân mình đã hy sinh anh dũng, oanh liệt năm xưa nơi thành cổ!

Tôi tình cờ lật ngẫu nhiên trang sách, dưới bóng mát của cây sứ đại phơi cành đầy hoa trắng trong khuôn viên Thành cổ:

“19/8/1972

… Ngày mai tôi giáp trận ác liệt, đấy là một điều tất nhiên của chiến trận. Rất có thể rồi đây tôi sẽ ngã xuống. Không cần gì, đấu tranh là phải đổ máu.

Có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hy sinh, gian khổ. Cái chủ yếu là phải sống. Cuộc sống đẹp nhất là sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời tôi rèn …”(Trích nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn).

Tôi đi vào cổng thành trên con đường xuyên thẳng đến tượng đài kỷ niệm. Hai bên cỏ xanh rờn, gió đùa phơ phất. Tôi cố hình dung, tưởng tượng ra hình ảnh của chàng trai trẻ Nguyễn Kỳ Sơn- sinh viên Học viện Thủy lợi Hà Nội.

Không biết anh ngày ấy cố thủ ở một góc thành nào, chong súng mắt đăm đăm chờ giặc đến? Tôi chợt nhớ đến đại văn hào Lev Tolstoi đã mô tả một người lính Nga đang chờ xáp trận trong chuỗi truyện ngắn Sevastopol: “Này các cậu! Hãy chuẩn bị muối và bánh mì để đón tiếp bọn Pháp” (và sau đó người lính ấy đã chết trong trận giáp chiến ác liệt).

Tôi muốn nói đến sự lạc quan, yêu đời của tuổi trẻ. Trong những dòng nhật ký cuối cùng của mình - Nguyễn Kỳ Sơn đã nói lên điều ấy!

Những người giữ cổ thành là những con người Việt Nam bình thường. Họ cũng có gia đình, bạn bè, người yêu. Có kẻ đã kinh qua chiến trận, nhưng cũng có những người vừa mới hôm qua xếp bút nghiên, vội vã chia tay mái trường, tuổi học trò, lên đường “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Đã có không ít các chiến sĩ ở thành cổ ngày ấy là sinh viên đang học ở các khoa Văn, Toán, Địa chất, Thủy nông, Sư phạm của các trường ĐH. Các bạn ấy đã tình nguyện lên đường đi “B”chiến đấu, dù biết rằng chiến tranh ác liệt đang chờ họ.

Có thể họ sẽ không trở về! Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Kỳ Sơn, Lê Văn Ninh và nhiều người nữa đã vĩnh viễn nằm lại với Cổ thành, bên dòng Thạch Hãn xanh trong…

Cái làm người thăm Cổ thành rất ấn tượng là, qua những hình ảnh hiện vật còn trưng bày trong Nhà Bảo tàng của Khu di tích lịch sử quốc gia Thành cổ, dù trong mưa bom, bão đạn, trong cái chết chóc lạnh lùng của chiến tranh, những chiến sĩ ở Thành cổ vẫn lạc quan, tin tưởng chiến thắng, vẫn vui vẻ với bản tính thanh niên vốn có:

“Những khi thế này, việc lý thú nhất vẫn là bắt muỗi bằng ngọn đèn làm bằng hộp Cô-ca-cô la Mỹ. Những chú muỗi gầy có, béo có, nhỏ có, to có lần lượt bay vào ngọn đèn đầy muội đen. A! OV10 này! A! L19 này! Con này là B.52, con này bay nhanh quá, cho nó là F.4 vậy…

Cứ thế mỗi con là một thứ tương xứng với không lực Hoa Kỳ lần lượt lao quanh đèn tôi. Con gãy cánh, con đứt đuôi, thế mà không hết tính vo ve, đúng là quân tham- cho mày chết….”(“Một thời hoa lửa”).

Có thể nói- dưới bom đạn của kẻ thù trút xuống thành cổ suốt 81 ngày đêm từ 28/6- 16/9/1972, tương đương 8 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima ( Nhật Bản) trong một diện tích với chu vi chưa đầy 3km khiến người ta thật kinh ngạc trước sức chịu đựng của con người.

Chỉ có ý chí quyết thắng và lòng dũng cảm tuyệt vời của một thế hệ thanh niên đã được Đảng ta, nhân dân ta giáo dục và rèn luyện mới làm nên được những chiến công, kỳ tích như vậy! Quân ta đã chiến đấu anh dũng.

Kẻ thù đã phải trả giá rất đắt cho cuộc chiến ở Thành cổ. Đã có hơn một vạn tên đền tội và một số lớn khí tài, quân dụng bị phá hủy. Sứ mạng chiến lược của các chiến sĩ giữ Thành cổ đã thành công!

Tôi đến tượng đài Đài Chứng tích sinh viên- chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị! Đây là nơi tưởng niệm những người lính trẻ trước lúc nhập ngũ là sinh viên các trường: ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Mỏ địa chất. Tượng đài vừa mới trùng tu, tôn tạo lại.

Đứng trước tượng đài, nhớ lại nơi đây hơn 40 năm về trước đã có một lớp thanh niên lứa tuổi hai mươi theo tiếng gọi núi sông, lên đường chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

Đã có hơn một vạn người con ưu tú của đất nước đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Vinh quang ở Cổ thành Quảng Trị thuộc về tuổi hai mươi trong trận chiến anh hùng suốt 81 ngày đêm máu lửa.

Theo người thuyết minh, khi xây dựng khu bảo tồn Thành cổ, người ta phát hiện một số di vật của các chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Trong số tư trang cá nhân ấy, đặc biệt có một lá thư của Lê Văn Huỳnh gửi cho người vợ trẻ hậu phương được phục chế lại với nội dung ban đầu.

Thư dài 10 trang trong sổ tay khổ nhỏ, với những lời lẽ rất cảm động và bi hùng. Ngoài ra, trong bảo tàng còn có nhiều hình ảnh mô tả cảnh quan chiến trường, những chiến sĩ Quân Giải phóng đang chiến đấu, những phút thư giãn giữa những đống gạch vụn đổ nát, hình ảnh nhân dân ta ủng hộ bộ đội.

Có một số di vật gốc vẫn còn nguyên vẹn như bình toong nước, dây thắt lưng, hăng-gô nấu nước, lược làm bằng nhôm máy bay, khăn choàng vải dù, nón tai bèo sáu múi…

Bên trong, gần cổng khu di tích có trưng bày và bán một số đồ lưu niệm như nón tai bèo, áo thun hình ngôi sao có in chữ Thành cổ Quảng Trị. Đáng chú ý nhất và được khách tranh mua là những quyển sách nói về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ và những quyển nhật ký được in ấn từ di cảo của các liệt sĩ đã hy sinh.

Rời khuôn viên Thành cổ, chúng tôi ra bến thả hoa nằm ở bờ Nam sông Thạch Hãn, đối diện với cổng Bắc của thành.

Phía bờ Bắc cũng có một bến thả hoa vừa mới xây dựng xong năm 2012. Bến thả hoa là một công trình được xây dựng cho nhân dân, cán bộ, khách tham quan các nơi về đây đặt, cắm hương hoa và thả hoa đăng xuống dòng sông để tưởng nhớ hương hồn những chiến sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này.

Tôi đứng bên bờ sông Thạch Hãn. Chiều Quảng Trị nắng vàng hanh. Dòng sông trầm lặng mênh mang xuôi chảy về biển Đông qua những xóm làng thanh bình yên ả.

Tôi cắm một nén hương với lòng tri ân thành kính trước khi trở về Nam gửi lại Thành cổ bao niềm thương tiếc! Hơn 40 năm, quá nửa đời người với bao đổi thay... tôi lại nhớ những câu thơ trong cuốn nhật ký đã in thành sách của Nguyễn Kỳ Sơn: 

“Mặc thân sống chết sá gì/ Là người chiến sĩ quyết vì nhân dân/ Tôn thờ một chữ hy sinh/ Đến ngày chiến thắng thì con sẽ về/ Ngày mai sáng rực trời quê/ Ba mẹ tin ở ngày về của con”… Ôi! Đơn sơ mà thao thiết quá!

Bài, ảnh: ĐẶNG HOÀNG THÁM