Tản văn

Nhớ ông bà, ngâm nga câu vọng cổ

Cập nhật, 06:22, Thứ Bảy, 06/07/2019 (GMT+7)

Một mai khi nhớ ông bà, con sẽ coi cải lương hay lại ngồi ngâm nga câu vọng cổ...

Chiếc radio gắn bó với bà ngoại như hình với bóng. Radio sạc điện nhưng lúc nào ngoại cũng thủ sẵn mấy bộ pin, sợ cúp điện bất ngờ. Không có radio, không nghe cải lương, ngoại thấy trong người cồn cào, không ngủ được.

Riết đã thành quen, giờ rảnh rỗi trong ngày là ngoại lại rà đài để nghe ca cổ, nghe cải lương hết tuồng này sang tuồng khác. Đêm nào cũng vậy, ngoại đã ngủ say nhưng chiếc radio cứ rủ rỉ rù rì. Ai lén tắt là ngoại hay liền.

Ngoại thuộc hết mấy bài ca cổ quen quen như: Chợ Mới, Con gái của mẹ, Bánh bông lan, Dệt chặng đường xuân, Hoa tím bằng lăng… Ngoại cũng thuộc hết lớp lang mấy tuồng quen như: Áo vũ cơ hàn, Tiếng hò sông Hậu, Tô Ánh Nguyệt, chuyện tình Lan và Điệp…

Với ngoại, các nghệ sĩ như: Út Bạch Lan, Diệp Lang, Hồng Nga, Ngọc Giàu, Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Minh Cảnh, Mỹ Châu, Châu Thanh, Cẩm Tiên, Phượng Hằng, Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ… rất thân thuộc. Đến nỗi, thông tin về một nghệ sĩ nào đó bệnh tật, qua đời… khiến ngoại đau lòng như mất đi một người thân trong gia tộc.

Với ngoại, cải lương là tuổi thơ, là quãng đời son trẻ, là tình yêu, là chiến tranh, là hòa bình... Là ngày ông ngoại ra đi, ngoại ở lại mạnh mẽ để làm trụ cột cho con cháu. Ngoại vẫn giữ thói quen như thời ông còn sống: nghe ca cổ, nghe cải lương, thỉnh thoảng bắt chước ông, thức thật sớm bắt nhạc xưa nhộn nhịp cả góc vườn.

Cải lương đối với một người thuộc thế hệ 8x không xa lạ. Từ nhỏ, con vẫn thường thấy ngoại coi cải lương. Những đêm trăng thanh, dì Trang kế bên nhà và mẹ cũng hay nằm võng nghe radio, thỉnh thoảng ngẫu hứng lại cùng nhau ca mấy câu mùi mẫn.

Lớn lên một chút, con vẫn nghe ngoại với mẹ hát ru cháu con bằng mấy câu vọng cổ hay trích đoạn một tuồng cải lương nào đó. Nghe riết thành quen, con cũng “bỏ túi” cho mình vài câu vọng cổ, vài trích đoạn cải lương để tự ngâm nga những lúc con nhớ ngoại.

Con nghĩ, cuộc sống ngày nay đã đổi khác nên để gần gũi với giới trẻ hơn, cải lương cũng cần cải tiến để giảm bớt những khổ đau, buồn rầu, bi lụy; cải lương cần tươi tắn, lạc quan hơn thì giới trẻ mới dễ tiếp nhận cải lương như với thái độ tri ân, kế thừa một bộ môn nghệ thuật.

Ước gì các sân khấu cải lương ở miền Tây sẽ thường xuyên sáng đèn, các nghệ sĩ cải lương gạo cội sẽ về miền Tây biểu diễn nhiều hơn, con sẽ chở ngoại, chở mẹ đi xem ngoài đời cho thỏa thích. Mai này, giới trẻ có còn ai xem- nghe cải lương? Riêng con, khi nhớ ông bà, con lại nghe cải lương, thỉnh thoảng ngâm nga vài ba câu vọng cổ...

 SÔNG HẬU