Đà Lạt có còn sương?

Cập nhật, 09:10, Thứ Bảy, 13/07/2019 (GMT+7)

 

Đà Lạt có sức hút đặc biệt với du khách.
Đà Lạt có sức hút đặc biệt với du khách.

Mỗi lần về với vùng đất lạnh, tôi rất thích nghe bài hát “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương viết cách đây gần 50 năm: “Thành phố nào nhớ không em?/

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm/Thành phố nào vừa đi đã mỏi/Đường quanh co quyện gốc thông già…”

Trong chiến tranh, chúng ta ít nghe chiến sự xảy ra ở vùng Đà Lạt mặc dù nơi đây là lò đào tạo sĩ quan quân sự lẫn chính trị của chế độ Sài Gòn. Năm 1975, trước đà tiến quân thần tốc của ta, địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Ngày 3/4/1975, Đà Lạt được hoàn toàn giải phóng.

Chính quyền cách mạng đã nhanh chóng tổ chức tiếp quản các cơ sở vật chất, kỹ thuật hầu như còn nguyên vẹn.

Để phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Nha Địa dư Đà Lạt (nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt trực thuộc Cục Bản đồ của Bộ Quốc phòng) đã huy động nhân lực hoạt động hết công suất để in hàng vạn ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bản đồ TP Sài Gòn- Gia Định để kịp thời chuyển cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Đến Đà Lạt, ngoài những điểm tham quan cũ như các Dinh I, II, III, nhà ga Đà Lạt, đỉnh LangBiang, thác Prenn, Datanla, hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu, thiền viện Trúc Lâm, chùa Ve Chai, chùa Tàu,… thì giờ đây đã có thêm vài điểm tham quan mới như Fresh Đà Lạt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài hoa; Cổng trời (Đà Lạt view) để ngắm toàn cảnh Đà Lạt từ trên cao; Nấc thang lên thiên đường- nơi có xây 2 bậc thang cao vươn lên nền trời, một địa điểm check-in đang thu hút rất nhiều du khách trong thời gian gần đây.

Còn về đêm thì không thể bỏ qua chợ đêm Đà Lạt với cảnh tấp nập người chen chân tham quan, mua sắm các loại đặc sản của Đà Lạt như rau củ quả, quần áo ấm, các loại thức ăn đường phố hoặc dự giao lưu văn nghệ bên ánh lửa, uống rượu cần cùng đồng bào dân tộc Lạch tại thung lũng Trăm Năm hay chọn một quán cà phê nhạc Trịnh để thưởng thức những ca khúc trong không gian tĩnh lặng!

Dù đi tham quan nơi nào thì địa điểm mà nhiều du khách dù không muốn đến nhưng rất muốn nghe- đó là những câu chuyện ma trong những ngôi biệt thự bỏ hoang ở Đà Lạt.

Chuyện ma ở Đà Lạt có nhiều… phiên bản, nhưng phổ biến nhất là chuyện ma trong ngôi biệt thự nằm ở dốc đèo Prenn. Chuyện kể rằng biệt thự do một sĩ quan Pháp làm chủ. Hắn nổi tiếng là một kẻ ăn chơi sa đọa, một cô gái quá uất ức khi bị hắn chiếm đoạt đã gieo mình xuống lầu tự tử.

Hồn ma cô gái hàng đêm hiện về ám tên này đến bệnh tật phát điên phải nhảy lầu tự vẫn. Kế đến là câu chuyện một người vợ bị chồng ruồng bỏ, do quá ưu phiền đã thắt cổ tự tử ngay trong ngôi biệt thự rồi chuyện những cô gái người dân tộc bị bọn lính đóng chốt ở đây bắt vào hãm hiếp, quăng xác xuống giếng sau ngôi biệt thự để phi tang,…

Những oan hồn này cứ đêm đêm hiện về khóc lóc, oán than và có khi quá giang xe để nhát những người qua đường, còn ai bạo gan vào đây ngủ, sáng ra sẽ thấy mình nằm ở ngoài sân (!?)

Những câu chuyện ma được người dân địa phương lý giải như vầy: Trong những năm chiến tranh, vì muốn giữ bí mật nên lực lượng cách mạng hoạt động ở đây đã dựng nên những câu chuyện ma để tránh cho người ngoài dòm ngó nhằm dễ bề hoạt động.

Còn chủ những ngôi biệt thự do không thường xuyên có mặt sợ người bên ngoài vào đập phá tài sản, những kẻ vô gia cư đến trú ngụ… nên đã bịa ra những câu chuyện ma để cho những kẻ yếu bóng vía phải lánh xa! 

Còn chuyện 3 ngôi mộ phía sau biệt thự là do người được mướn trông coi “ngôi nhà ma” thêu dệt ra nhằm mục đích đưa du khách đến cúng bái để lấy tiền tiêu xài. Với hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, người này đã bị xử phạt vi phạm hành chính và trục xuất ra khỏi ngôi biệt thự.

Nghe nói “ngôi biệt thự ma” đã qua tay nhiều chủ, nhưng mỗi khi dự định sửa chữa hoặc kinh doanh đều gặp trở ngại nên đành để nguyên như vậy, càng làm cho những “ngôi biệt thự ma” ở Đà Lạt thêm tính chất ly kỳ.

Khi nghe tôi ngân nga “Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa/ Người lưa thưa chìm dưới sương mù…” thì bác tài xế taxi vốn là dân địa phương đã lập tức phản đối. Ông cho rằng đó là chuyện mấy chục năm về trước. Lúc ấy người ta gọi đây là thành phố sương mù, cỡ 8-9 giờ sáng hồ Xuân Hương sương còn phủ kín mặt hồ.

Sương dày đến nỗi cách nhau mấy thước nhìn không rõ mặt, còn bây giờ làm gì còn sương với khói! Ông cho rằng chừng 10 năm, 20 năm nữa Đà Lạt sẽ hiếm thấy mù sương do khí hậu ngày càng nóng lên, rồi đến lúc nào đó cũng phải tính đến chuyện lắp đặt đèn tín hiệu giao thông và máy điều hòa nhiệt độ!

Điều đó liệu có đúng không nhưng hiện nay Đà Lạt đang “nóng” về chuyện dân số gia tăng, kế đến là “nóng” chuyện đất đai, do chạy theo kinh tế nhiều cây thông bị chặt phá, đồi đất bị san phẳng để xây dựng các khu giải trí, nhà ở, nhà kính trồng trọt…

Các thứ ấy, nếu không quản lý tốt thì sẽ làm mất dần nét riêng của Đà Lạt. Còn chăng là trong ca từ của những bài hát viết về Đà Lạt xa xưa và những câu chuyện ma mị trong những ngôi biệt thự hoang phế bên đèo.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG