Tiếng hát át tiếng súng thù

Cập nhật, 07:08, Thứ Hai, 03/06/2019 (GMT+7)

Trước nhiều thành tựu vượt bậc của đất nước trong những năm qua, tôi lại bồi hồi hồi tưởng lại những chặng đường vẻ vang của Đoàn Văn công Cửu Long- đặc biệt là buổi diễn tại xã Bình Tiên (TX Sa Đéc).

Lời ca tiếng hát cũng là “vũ khí”. Ảnh minh họa: NGUYỄN THANH BÌNH
Lời ca tiếng hát cũng là “vũ khí”. Ảnh minh họa: NGUYỄN THANH BÌNH

Đoàn Văn công Cửu Long là đội quân chiến đấu trên mặt trận văn hóa tư tưởng, thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, hành quân lưu diễn phục vụ tuyên truyền vận động toàn quân, toàn dân tỉnh nhà hưởng ứng tổng tiến công nổi dậy cùng toàn miền Nam thành cơn bão lửa giáng xuống đầu Mỹ ngụy khắp thành thị miền Nam Tết Mậu Thân 1968.

Đoàn Văn công Cửu Long dưới sự chỉ huy của đồng chí Mười Xuân (Ủy viên Thường vụ Thị ủy TX Sa Đéc) cùng nhiều cán bộ ban ngành TX Sa Đéc hành quân đến vàm Bình Tiên. Trời đã sập tối, địch nổ súng vào tổ du kích đi đầu, làm ta hy sinh một, bị thương hai.

Có lệnh của đồng chí Mười Xuân dừng lại để nắm tình hình dân báo (quân địch bắn ta là 2 tiểu đoàn ngụy quân có 2 tên cố vấn Mỹ chỉ huy từ Sa Đéc vào nằm án ngữ.

Trong khi đồng chí Mười Xuân đang suy nghĩ tìm hướng đi khác ra sát ven TX Sa Đéc thì đồng chí Trần Mộng (Trưởng đoàn Văn công Cửu Long) bàn với các phó trưởng đoàn thống nhất đề nghị đồng chí Mười Xuân cho toàn bộ cánh quân lùi lại tìm địa thế bố trí 2 trung đội canh gác cho Đoàn Văn công Cửu Long ca diễn phóng thanh chương trình văn nghệ nội dung binh vận 50 phút.

Đồng chí Mười Xuân đồng ý nhưng vẫn hỏi đồng chí Trần Mộng: “Tinh thần anh chị em ca diễn phóng thanh thế nào, có đủ kiên cường bình tĩnh ca hát, giữ vững nhịp nhàng trong trường hợp quân địch phản kháng bắn chỉ thiên khủng bố tinh thần hay không?”

Đồng chí Trần Mộng trả lời: “Thành thật báo với đồng chí chỉ huy trưởng, đội văn công của Đoàn Văn công Cửu Long thực chất là vàng đã thử qua lửa, mỗi tháng 3 lần ca diễn phóng thanh vào 3 đồn quân ngụy nội dung binh vận.

Chúng bắn đạn nhọn ghim lịch chịch và M79 nổ sát miệng hầm điểm phóng thanh rất dữ dội về phía chúng tôi nhưng chưa nguy hiểm bằng phi cơ lên thẳng có vũ trang phóng hỏa tiễn, rốc kết, bắn đại liên và rọi đèn sáng cả mặt đất đường bộ, mặt sông đường thủy theo đường về của đội ca diễn chúng tôi.

Sau khi đội phóng thanh ngưng từ 3- 5 phút là bọn ngụy ở đồn biết ta rút về nên chúng bắn súng cối 60 ly, 80 ly và pháo tầm xa 120 ly hoặc phi cơ lên thẳng bắn chặn đường về của ta. Tôi cứ tưởng đội ca diễn hy sinh nhưng rồi không sao, tinh thần vững vàng sẵn sàng làm nhiệm vụ ca diễn phóng thanh vào đồn ngụy, mỗi lần tôi đều đi cùng anh em trong đội”.

Đồng chí Mười Xuân nghe vậy nói: “Được vậy rất tốt, rất anh hùng. Đồng chí Trần Mộng chọn địa điểm cho đoàn, còn tôi lo việc bố trí canh gác”. Sau đó, đồng chí Trần Mộng chọn điểm bên cạnh vách tường nhà ngói ba gian cho anh chị em đội cải lương ca diễn phóng thanh.

Vào nhà xin hỏi ông lão chủ nhà cho đoàn mượn sân trống sát bên vách tường để đoàn ca diễn phóng thanh phục vụ Tết năm mới cho bà con xã Bình Tiên- Sa Đéc và cả… Quân đội cộng hòa miền Nam. Nghe đến đây, ông lão trợn mắt, quơ tay: “Đừng, đừng làm cái chuyện lạ đời thiên hạ xưa nay chưa có ai dám làm! Cái quân đội này nó dữ như hổ báo rừng sâu.

Nó chặt đầu mổ bụng ăn gan người. Mấy chú nghe biết rồi chớ, vậy sao đêm nay mấy chú từ đâu mang thịt tới miệng hổ, không sợ à? Mấy cháu có mình đồng da sắt hay sao? Mấy cháu làm ở đây thì nhà này tan nát, vợ con tôi chết sạch, mấy cháu cũng không còn mạng nào. Đi đi đừng có làm vậy”.

Đồng chí Trần Mộng ôn tồn giải thích: “Bác nói cái quân đội này nó dữ như hổ báo là đúng vậy nhưng đối với các cháu thì bọn chúng không độc ác như vậy đâu. Vì chúng tôi ca hát cho quân đội chúng nghe mát lòng, ngọt dạ, vui tai thì sao đành cho nổ súng đạn”.

Ông lão gạt ngay: “Thôi đi, cái quân này bất nghĩa, bất nhân, mấy cháu đừng làm”. Đồng chí Mười Xuân vừa đến nghe ông lão nói liền khuyên bác yên tâm, anh em ở đây chỉ ca hát cải lương thôi, không làm gì hại sinh mạng ai đâu.

Ông lão bước tới nói: “Cái quân đội này thừa biết đây là việc làm đối nghịch với nó. Tôi nói rồi, nó có tới 2 tiểu đoàn và 2 cố vấn Mỹ chỉ huy. Lính nó nằm dài trên đường ra Sa Đéc, mấy ông có gan trời thì làm”. Ông nói lẩy như vậy rồi đi vô nhà chun xuống hầm trú đạn với gia đình. Đồng chí Mười Xuân cười nói: “Dân sợ là tất nhiên, đồng chí Trần Mộng thấy sao?” Trần Mộng nói: “Chúng ta trên đường ra trận, đụng giặc là đánh, tôi cho anh em chuẩn bị tiến công”.

Đồng chí Trần Mộng vào địa điểm đã chọn bên cạnh vách tường, thấy đồng chí Nguyễn Trọng Đoàn và Bạch Long là 2 phó trưởng đoàn đã sắp xếp xong máy tăng âm cùng mi rô, từng chỗ ngồi của diễn viên và bố trí loa: một cái quay về hướng đồng bào Bình Tiên- Sa Đéc, một cái hướng về 2 tiểu đoàn địch.

Trần Mộng lưu ý đồng chí Việt Khoa đàn ghi ta, Ba Đoàn đàn vi-ô-long: khi nghe đồng chí Trần Mộng nói dứt câu “Xin mời các anh thưởng thức, vở diễn “Con đường sống” bắt đầu là hòa âm bài nhạc Mẫu đơn tiên (giai điệu nhạc vui, thanh nhàn).

Sau đó Trần Mộng mở máy tăng âm và cầm lấy micrô mở lời: “Hỡi các anh Quân đội cộng hòa miền Nam! Hỡi đồng bào Bình Tiên- Sa Đéc! Chúng tôi những nghệ sĩ từ phương xa về đây ca diễn cải lương phóng thanh phục vụ ông bà cô bác, anh chị em yêu quý Bình Tiên- Sa Đéc và các anh sĩ quan binh sĩ Quân đội cộng hòa miền Nam.

Vốn dĩ chúng ta tất cả là con cháu ông bà, cha mẹ giống nòi được sinh ra từ bào thai mẹ Âu cơ nước Việt, đều thiết tha cuộc sống trong gia đình hạnh phúc, đất nước hòa bình không chiến tranh, sinh ly tử biệt, đau thương vợ mất chồng, cha lìa con.

Đó là nỗi lòng thiết tha của chúng ta, trong chúng tôi đến với các anh sĩ quan, binh sĩ cộng hòa miền Nam nước Việt hôm nay.

Qua lời ca tiếng nhạc, nghĩa tình nòi giống mẹ Âu Cơ hòa quyện yêu thương đang réo gọi chúng ta chung sống hòa bình đoàn kết bên nhau, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, đất nước đẹp giàu thể hiện qua vở cải lương “Con đường sống” của soạn giả Trần Mộng. Mời các anh cùng đồng bào Bình Tiên- Sa Đéc thưởng thức, vở diễn bắt đầu…”

Vở diễn phóng thanh được gần phân nửa, địch không nổ súng, Trần Mộng mở hết công suất máy tăng âm vang dội hướng về 2 tiểu đoàn địch và bà con Bình Tiên- Sa Đéc.

Lúc bấy giờ mọi nhà không còn tối đen như lúc mở đầu mà lại bừng lên ánh sáng đèn măng sông cả bầu trời vùng Bình Tiên- Sa Đéc. Đến hết vở cải lương, 2 tiểu đoàn địch dù biết tiếng hát của ta mà không nổ súng.

Ông lão chủ nhà chui ra khỏi hầm trú đạn bơm tiếp đèn măng sông cho sáng bừng lên rồi nấu nước pha trà và sau đó ra chỗ đoàn cải lương. Thấy đồng chí Ba Đoàn cùng đồng chí Việt Khoa đang dọn dẹp nhạc cụ, ông buột miệng hỏi: “Thôi đờn ca diễn kịch sao các cháu?” Ba Đoàn đáp lại “Dạ! Hết chương trình rồi bác ơi”.

Ông lão chép miệng tiếc: “Đừng nghỉ uổng lắm, ngàn năm chưa có một lần được như vầy. Tôi tưởng mấy ông quân đội ngoài này có 2 ông cố vấn Mỹ sẽ bắn dữ lắm, không ngờ yên tĩnh thế này. Vậy là mấy cháu đây hay lắm. Tiếng đờn ca diễn kịch của mấy cháu làm mất tiếng súng của 2 tiểu đoàn có 2 cố vấn Mỹ chỉ huy. Các cháu thắng rồi. Bác mừng quá, mời các cháu vào nhà dùng bánh, uống nước”.

“Cảm ơn bác! Bây giờ đã có lệnh đi, xin để dịp khác. Năm mới chúc bác và gia đình vạn sự như ý. Lần nữa cảm ơn bác. Chúng cháu đi đây”- Trần Mộng nói. Ông lão vẫy tay cười rất tươi: “Chúc các cháu mạnh giỏi, thắng lợi”.

Câu chuyện “Tiếng hát át tiếng súng thù” của nghệ sĩ, chiến sĩ Đoàn Văn công Cửu Long ngày ấy đã góp phần thúc giục thanh niên tòng quân giết giặc và quyết chí lập công. Với nhân dân, lời ca ấy đã gầy dựng được cơ sở cách mạng, một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, cổ vũ toàn dân sản xuất, chống giặc giữ làng bám đất.

Các chiến sĩ Đoàn Văn công trên mặt trận văn hóa, văn nghệ phải vượt qua bao gian khó, chịu đựng hy sinh, mất mát dưới bom đạn ác liệt của quân thù không khác gì các chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Không chỉ đối mặt với chiến trường khốc liệt mà còn đối mặt với đau đớn, bệnh tật và cũng có không ít đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sức cổ vũ của những tiết mục văn nghệ không chỉ đã đi sâu vào lòng người, có sức lay động mãnh liệt tinh thần đoàn kết của chiến sĩ và đồng bào ta quyết chiến đấu đánh thắng kẻ thù mà còn lan truyền vào cả đồng bào vùng địch kiểm soát, len lỏi vào tâm tư, tình cảm binh lính Mỹ- ngụy, thức tỉnh ở họ lòng yêu nước và căm thù giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

TRẦN MỘNG