Những bông hoa ngát hương trong khu vườn báo chí

Kỳ 2: Những ê kíp xuyên đêm cho báo chí nóng rẫy từng giờ

Cập nhật, 06:20, Thứ Bảy, 22/06/2019 (GMT+7)

Để có những tác phẩm hoàn chỉnh nóng hổi đến tay bạn đọc, khán giả thì sau nguồn tin của phóng viên là quá trình miệt mài của một ê kíp biên tập, dựng, quay, biên dịch, morat và phát thanh viên. Mỗi bộ phận đều có mặt người làm báo nữ, không ngại thời gian làm việc khắt khe vẫn tỉ mẩn ngày đêm cho tác phẩm chỉn chu, chính xác hơn.

Biên giới xa xôi ở Long An cũng không vắng mặt nhà báo nữ.
Biên giới xa xôi ở Long An cũng không vắng mặt nhà báo nữ.

Những căn phòng luôn sáng đèn

Mỗi bộ phận của các cơ quan báo chí có nhiệm vụ riêng và giờ giấc làm việc rất đặc thù. Ở Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, do phát sóng 24/24 giờ nên một bộ phận không nhỏ phải thường xuyên xử lý công việc ngoài giờ.

Phòng Biên dịch (Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) phải chia ra làm việc 3 ca.
Phòng Biên dịch (Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) phải chia ra làm việc 3 ca.

Nhà báo Trần Thị Thanh Tâm- Phó Phòng Biên dịch (Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) đã có gần 15 năm gắn bó với công tác biên dịch.

Chị Thanh Tâm cười: “Công việc chúng tôi không chỉ chuyển tải văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà còn lọc thông tin, viết lại tin phù hợp”.

Nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng việc này đòi hỏi phải có vốn kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt đối với tin chính trị, danh xưng, dùng từ, thể chế chính trị… ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới không giống nhau, nếu không thận trọng rất dễ sai sót.

Nhà báo Huỳnh Tấn Phát- Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long

Lực lượng lao động nữ ở cơ quan báo chí thật sự vất vả hơn ở nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, những người làm báo nữ đã khắc phục rất tốt những khó khăn này. Chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ, sắp xếp công việc gia đình ổn thỏa, không để ảnh hưởng đến chồng con. Đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm đối với công việc rất cao. Việc gì nam làm được thì nữ cũng làm được và làm tốt.

Để chuẩn bị tin tức cho chương trình, 3 ca được chia theo yêu cầu công việc: Ca 1 từ 2h30- 7h30 phút; ca 2 theo giờ hành chính; ca 3 từ 15h30- 22h. 

Chị Thanh Tâm chia sẻ: “Có chị gia đình đơn chiếc, 2 giờ khuya được chồng đưa vào cơ quan còn phải chở theo con nhỏ vì để bé ở nhà thì không ai trông. Nhìn bé ngủ gục trên xe được cha chở đi rồi lại chở về, thương đứt ruột”.

Phòng Thư ký tòa soạn (Báo Vĩnh Long) như một bộ phận “nhặt sạn, nêm nếm” cho “bữa cơm” là những tin, bài thêm “ngon”, thêm hấp dẫn, chính xác.

Nhiệm vụ của Phòng Thư ký tòa soạn là toàn bộ phần hậu kỳ sau khi phóng viên nộp tin, bài gồm: biên tập, dò morat kiểm tra lỗi trên tin bài, rồi maket (dàn trang)…

Do đặc thù của công việc- phải chờ sản phẩm của phóng viên- nên phòng này thường kết thúc công việc sau 8 giờ tối hàng ngày.

Nhà báo Nguyễn Thanh Hường- Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn (Báo Vĩnh Long)- nhận xét: “Ưu thế của các bạn nữ là tỉ mỉ, cẩn thận và chịu khó nên thích hợp cho công việc dò morat hơn nam. Có điều các bạn cũng thiệt thòi hơn bởi luôn làm việc về muộn trong khi các bạn còn có gia đình, có con nhỏ.

Nhiều bạn còn mang cơm theo ăn nên không có bữa ăn tối cùng gia đình. Tuy nhiên, ai cũng yêu nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù áp lực công việc là không hề nhỏ”.

Xin giữ mãi “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”

Nhà báo Lê Thị Bích Vân- Phòng Thời sự (Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) người có 33 năm làm báo cho rằng: “Nếu như nhà báo nam cần tình yêu nghề và sự nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì nhiều nhà báo nữ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp 4 lần”.

Có 2 con nhỏ và nhà ở xa, đối với nhà báo Đặng Thị Tuyết Hiền- Tổ Kinh tế (Báo Vĩnh Long) thì: “Là phụ nữ khi có gia đình thì quỹ thời gian eo hẹp lại, những chuyến công tác xa, đầu tư cho tác phẩm tâm đắc thì tôi luôn đau đáu lo việc chăm sóc con ở nhà. Tuổi trẻ, công việc và con cái, 3 điều đến cùng một lúc thì phải tìm cách để dung hòa nó”.

Phải nói rằng, nghề báo là một nghề dễ thấy vinh quang nhưng cũng gặp không ít khó nhọc, thậm chí là rủi ro. Nếu không thực sự có khả năng, tố chất, không có lòng yêu nghề, say nghề và bản lĩnh nghề nghiệp thì tốt nhất không nên chọn nghề báo.

Không phải ai học báo mới làm báo chí và cũng có rất nhiều chị em trái ngành lại đến với nghề như cái nghiệp, cái duyên.

Các nhà báo nữ trong chuyến công tác thăm hộ gia đình đồng bào Khmer.
Các nhà báo nữ trong chuyến công tác thăm hộ gia đình đồng bào Khmer.

Nhà báo Nguyễn Thị Xuân Tươi (Báo Vĩnh Long) tốt nghiệp ngành hướng dẫn viên du lịch, qua những ngành nghề khác nhau chị bén duyên với nghề báo và gắn bó với nghiệp báo hơn 9 năm nay.

Nói về những giải thưởng- phải tính bằng chục- trong năm vừa qua, nhà báo Xuân Tươi vui vẻ: “Nghề dạy mình, tôi cũng có những ngày đầu bỡ ngỡ. Để giờ, cái chân cứ quen đi mà lại thích đi vùng sâu, vùng xa và đó cũng là nguồn tư liệu quý, cho bài viết mang hơi thở cuộc sống”.

Đối với nhà báo Nguyễn Kim Phụng- Phòng Chuyên mục (Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long), tình yêu nghề bắt đầu từ những mùa chạy theo con nước, những lần gặp các em học sinh khó khăn nhưng không bỏ cuộc, từ những chuyến đi khắp miền Tây khám phá cuộc sống, gặp những con người chất phác, hiền lành,…

Qua những chuyến đi những việc mình làm chúng tôi càng thêm yêu nghề mình đã chọn. Chúng tôi chấp nhận vất vả để cháy với đam mê. Đối với phóng viên, mỗi lần thực hiện đề tài mới là một lần tìm hiểu.

Phải cập nhật liên tục, trau dồi công tác chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và nghề báo quan trọng nhất là tôn trọng sự thật. “Nghề báo mang đến cho tôi sự tự tin, năng động, hoạt bát vì phải đi nhiều, nghe nhiều, gặp nhiều người”- nhà báo Nguyễn Kim Phụng chia sẻ.

Theo nhà báo Trần Thị Bích Chi- Phóng viên Phòng Thời sự (Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long): “Sự động viên lớn để vượt qua khó khăn đó là có những người đồng hành rất lâu năm. Tôi tự nhủ luôn cố gắng nhiều vì tuổi đời, tuổi nghề của mình còn rất nhỏ, làm sao rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm sao tạo được uy tín, sự tin cậy cho bạn xem đài để luôn đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn”.

Nghề báo không phân biệt là nam hay nữ, nó chỉ dung nạp những người yêu nghề. Nó đòi hỏi sự sáng tạo, học hỏi, trải nghiệm không ngừng của người làm báo. Và, để những người làm báo nữ tự tin, vững bước với nghề, rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ người bạn đời và người thân, sự ủng hộ của cơ quan, đơn vị, từ bạn đọc cũng như đọc giả.

Chỉ tính riêng 2 năm 2017- 2018, nhà báo nữ Vĩnh Long đã đạt gần 40 lượt giải báo chí quốc gia, khu vực. Niềm vui của nhà báo nữ không chỉ là các giải thưởng mà còn là niềm vui khi giúp đỡ được nhiều người, được nói lên những vấn đề xã hội quan tâm và gợi ý cách giải quyết nó, được nghe người dân nói… hay đơn giản được một tin nhắn động viên từ bạn đọc: “Cảm ơn em, bài báo của em hay lắm”.

Bài, ảnh: CAO THỤY- PHƯƠNG THÚY