Những bông hoa ngát hương trong khu vườn báo chí

Cập nhật, 05:33, Thứ Sáu, 21/06/2019 (GMT+7)

Những bông hoa đó là các cô, các chị, các em đang trực tiếp hoặc gián tiếp ở các cơ quan báo chí. Những phụ nữ đôi lúc quên mình là phụ nữ, vì làm báo là một công việc không chỉ cực nhọc mà còn gặp không ít khó khăn- thậm chí nguy hiểm… Vượt lên trên tất cả, các cô, các chị đã sống, cống hiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng niềm đam mê nghề nghiệp, tình yêu của độc giả dành cho mình, sự ủng hộ quý báu của người thân.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2019), chúng tôi xin trải lòng với độc giả để chúng ta cùng hiểu hơn về một nghề nghiệp hết sức đặc thù này, nhất là đối với phụ nữ làm nghề báo.

Kỳ 1: Mạnh mẽ đến lạ thường, “vì em là... nữ phóng viên”

Không ngại gian khổ, hiểm nguy, nhà báo nữ sống với nghề báo bằng niềm đam mê, sự say nghề. Sức mạnh tinh thần giúp họ tự tin phấn đấu vì lẽ phải và sự công bằng. Bên cạnh đó, nhà báo nữ là những người dễ cảm thông, sẵn sàng chia sẻ với mọi đối tượng. Họ không ngại khó khăn, gian khổ băng đồng, vượt sông để tìm đến cái chân- thiện- mỹ cho mỗi đề tài.

Phóng viên có mặt ở mọi nơi dù có nhiều khó khăn, gian khổ. Trong ảnh : Một nữ phóng viên quay phim.
Phóng viên có mặt ở mọi nơi dù có nhiều khó khăn, gian khổ. Trong ảnh : Một nữ phóng viên quay phim.

Làm báo không hề sung sướng

Không ít người nghĩ rằng nghề báo là nghề sung sướng vì được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và có mối quan hệ rộng. Thực tế, nghề báo có nhiều vị trí khác nhau và từ đó cho ra đời những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà báo đôi khi phải ăn bụi, ngủ bụi,… đôi lúc gặp khó khăn thậm chí là nguy hiểm nữa.

Vậy nữ có nên làm nhà báo hay không?- Nói như nhà báo Huỳnh Tấn Phát- Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long: “Nghề báo là nghề không phân biệt nam hay nữ, ở một số vị trí, nữ còn làm tốt hơn nam. Tuy nhiên, để làm tốt nhiệm vụ, nhà báo nữ phải vất vả hơn nhiều bởi họ còn có thiên chức, có nhiệm vụ đối với gia đình, con cái”.

Nghề báo được xếp trong 10 nghề nguy hiểm nhất trên thế giới, thậm chí có những năm nghề này còn đứng ở vị trí thứ nhất. Nghề báo khó nhọc vì phải luôn tìm cái mới, luôn luôn phải sáng tạo dù hàng chục năm trời phụ trách 1 chuyên trang, chuyên mục.

Nghề báo đòi hỏi phải luôn luôn sáng tạo và có phong cách riêng. Niềm đam mê giúp họ vượt qua tất cả khó khăn, thử thách: vượt trùng dương ra hải đảo xa xôi, dầm mưa, dãi nắng trên những cánh đồng hay những con đường nóng hực hoặc sình lầy… để quan sát, cảm nhận và có được những chi tiết, nhân vật mình điển hình nhất.

Là người trực tiếp “đi chợ” thu thập thông tin, viết bài, nhà báo như những người nội trợ kỳ công không ngại băng đồng, vượt suối tìm “món ngon, vật lạ”. “9 năm ra trường là 9 năm tuổi nghề, đam mê thôi thúc tôi đi mặc kệ những khó khăn- có lẽ nghề báo khổ là ở chỗ đó”- nhà báo Cao Huyền chia sẻ.

Nỗi khổ của nhà báo thường là mong muốn tìm những chi tiết đắc nhất cho đứa con tinh thần của mình. Để rồi, nhiều đêm dỗ con xong không ngủ được vì đề tài còn dang dở, đau đáu nỗi lo khi chưa tìm ra hướng viết tốt cho một đề tài.

Theo nhà báo Cao Huyền, để có được một bài viết mang hơi thở cuộc sống, phóng viên phải đi nhiều, học hỏi nhiều.

“Vì niềm đam mê nên tôi mạnh dạn xăn quần lội bộ 2km vô đồng để phỏng vấn một chú nông dân đang tưới rẫy; đủ mạnh mẽ để chạy xe máy gần trăm cây số trong lúc trời vừa tối vừa có mưa, mặc kệ cặp kính cận loạn đục ngầu vì ngày mai còn đi công tác sớm.

Dù bờ bao mới đắp còn sình lầy nhưng những người làm báo vẫn không chùn bước.
Dù bờ bao mới đắp còn sình lầy nhưng những người làm báo vẫn không chùn bước.

Có những bận không biết bơi, ngồi trên tắc ráng chạy như bay trên sông Vàm Cỏ vào mùa lũ, mặc áo phao mà vẫn còn run”- nhà báo Cao Huyền nhớ lại.

Nghề báo đòi hỏi lòng yêu nghề, sự cống hiến, sự sáng tạo, sự bứt phá và đối với nhà báo nữ thì phải đam mê mới sống được với nghề mình đã chọn.

Gắn bó với nghề báo đã 16 năm, nhà báo Nguyễn Kim Phụng- Phòng Chuyên mục, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long phụ trách qua nhiều chuyên mục khác nhau như vì tuổi thơ, kinh tế, pháp luật, nhịp sống đồng bằng, thắp sáng niềm tin…

Mỗi chuyến công tác của chị thường kéo dài 2- 3 ngày. Có hôm đi trao học bổng “thắp sáng niềm tin” về lúc 9- 10 giờ tối thì mới 4 giờ sáng đã lên đường cho kỳ công tác mới. Đối với chị Phụng: “Khó khăn lớn nhất không phải đi công tác xa mà là làm sao để những gì mình viết, mình thực hiện hấp dẫn hơn”.

Người làm báo nữ có lợi thế là tính cách gần gũi, nhẹ nhàng nên dễ tiếp cận nhân vật hơn. Tuy nhiên, nữ mà phải thường xuyên đi công tác xa thì gặp nhiều khó khăn nếu đi công tác ban đêm, bất tiện về sinh hoạt (nhất là về vùng sâu, vùng xa) rồi lo lắng lạc đường, rủi ro máy móc, xe cộ,…

Chị Phụng nhớ: “Lần nhớ nhất là về Cà Mau, rớt cái máy quay xuống rừng đước, luýnh quýnh chạy xe máy ra chợ mất chừng 30 phút để mua cái máy sấy về sấy cho khô máy quay nhưng vẫn không
cứu vãn được”.

Bởi đam mê nên…không sợ khó

Nhà báo Nguyễn Kim Phụng có nhiều kỷ niệm tác nghiệp ở vùng đồng bằng sông nước.
Nhà báo Nguyễn Kim Phụng có nhiều kỷ niệm tác nghiệp ở vùng đồng bằng sông nước.

Mặc kệ những khó khăn, nguy hiểm, những nhà báo nữ ngày nay có mặt trên tất cả lĩnh vực, bộ phận của báo chí.

Và ở vị trí nào, các chị các em cũng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nuôi nghề bằng đam mê. Nhà báo nữ cũng có một cái đầu lạnh để không ngại khó khăn, thử thách tìm ra chân lý của vấn đề. Một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết biết yêu thương, chia sẻ để bài viết không chỉ phản ánh hiện thực mà còn mang tính nhân văn.

Phóng viên phụ trách chương trình nhân đạo phải tiếp cận với nhiều nhân vật có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, nếu phóng viên ngại khó thì sẽ không làm được.

Nhà báo Trần Thị Bích Chi- Phòng Thời sự, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, đã chuyển tải tốt thông tin nhằm vận động các nhà hảo tâm đảm bảo nguồn đóng góp cho nhân vật cần giúp đỡ (thường là một nhân vật được 60 triệu đồng, thậm chí còn nhiều hơn).

Về mục Địa chỉ nhân đạo, khó nhất là phần khảo sát hoàn cảnh của nhân vật. Bích Chi chia sẻ: “Để bảo đảm tính chính xác thì phóng viên thường tự tìm đến để khảo sát đối tượng. Mà tự đi thì hổng biết đường, hổng nhớ bị lạc đường bao nhiêu lần.

Có lần phải đi xuồng trong trời mưa để đến căn nhà ở Đông Thạnh (TX Bình Minh), lần thì ở Tân Hưng (Bình Tân)… đến nơi thì nhân vật bị bệnh đã qua đời!”.

Bích Chi gặp rất nhiều cảnh đời khác nhau, nhưng dù họ bệnh tật- thậm chí bệnh truyền nhiễm- thì cũng không cho phép mình xa lánh họ. “Vì như vậy nhân vật mặc cảm, khó mà nghe họ tâm sự hoàn cảnh, nắm bắt để kêu gọi mọi người giúp đỡ”- Bích Chi giải thích.

Hiện nay, nhà báo nữ không hề kém cạnh các nhà báo nam, nhiều người đã đi đến tận biên giới xa xôi để ghi nhận cuộc sống người dân vùng biên, có bạn đã khóc cùng giọt nước mắt với người dân do mất mùa vì con nước lên nhanh, do vỡ bờ bao chống lũ…

Và trong hoàn cảnh đứng giữa đồng hỏi thăm nông dân chống lũ, phóng viên nữ đã tạm quên những nỗi sợ của con gái bình thường, cứ để mặt đón nắng trời cho câu chuyện gần gũi, chân tình.

Vì đặc thù công việc luôn đòi hỏi những thông tin nóng hổi, bảo vệ sự công bằng, nên phóng viên thường chịu áp lực rất lớn về công việc. Đối với nhà báo nữ, để hoàn thành những bài báo, bản tin, không chỉ là trí óc, mồ hôi mà còn những giọt nước mắt.

Ở những nơi vinh quang nhất hay những nơi khốc liệt nhất họ đều có mặt. Bất chấp mọi hiểm nguy, họ vẫn can đảm xông pha để theo đuổi cái nghiệp của mình. Bởi vì nghề báo là nghề rất đặc thù, không yêu nghề thì không làm được mà đã say nghề thì không đi, không làm là không chịu nổi!

Nhà báo Lê Ngọc Thúy- Phó Tổng biên tập Báo Vĩnh Long

Điều đáng trân trọng chính là sự đóng góp của các nhà báo nữ. Ưu điểm về giới, nhà báo nữ thường mềm hóa các vấn đề và có góc nhìn, cách tiếp cận khác nhà báo nam. Nhà báo nữ thường nhạy cảm, tinh tế và dễ chia sẻ, cảm thông với người khác hơn. Hiện nay, Báo Vĩnh Long có lực lượng phóng viên nữ và nam ngang bằng nhau, các bạn được tin tưởng giao cho những nhiệm vụ quan trọng, khẳng định được vị trí của mình trong cơ quan.

Phát thanh viên Hồ Anh Thơ- Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long

Phát thanh viên có thể xem là “bộ mặt” của mỗi đài truyền hình, chúng tôi có những áp lực khi phải bước vào phòng trực tiếp, xử lý để hạn chế tối đa sai sót. Bước vào phòng phát sóng khoảng 1 giờ thì bước ra rã rời bởi chúng tôi phải dùng nhiều giác quan cùng lúc: mắt nhìn, miệng đọc, đầu thì nghĩ. Do đó, phát thanh viên ngoài yêu cầu cơ bản là thanh sắc thì cần có khả năng “nhạy chữ” và bản lĩnh giải quyết vấn đề. Phát thanh viên là người của công chúng nên phải giữ hình ảnh, lời ăn tiếng nói, giao tiếp cũng phải thật chuẩn mực. Chúng tôi phải tự chăm sóc mình, tự bảo vệ mình để giữ hình dáng, chất giọng tốt… Đây chính là cách thể hiện sự trân trọng đối với khán giả.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: CAO THỤY- PHƯƠNG THÚY