Tháng Tư ra thăm Trường Sa

Kỳ 3: Hội ngộ ở Đá Đông B

Cập nhật, 10:21, Thứ Bảy, 11/05/2019 (GMT+7)

Trong hành trình đến thăm các đảo, các thành niên trong đoàn Vĩnh Long hay tìm hỏi thăm có cán bộ, chiến sĩ hải quân nào cùng quê hay không để kịp thời động viên, thăm hỏi. Và cuộc hội ngộ với  đồng hương là chính trị viên ở đảo Đá Đông B thật bất ngờ, đầy cảm động.

Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long chụp ảnh lưu niệm với Đại úy Huỳnh Hoàng Thương (thứ tư từ trái sang).
Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long chụp ảnh lưu niệm với Đại úy Huỳnh Hoàng Thương (thứ tư từ trái sang).

Gặp anh chính trị viên quê Vĩnh Long

 Toàn cảnh đảo Đá Đông B.
Toàn cảnh đảo Đá Đông B.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ đến thăm đảo Đá Đông B vào buổi sáng nhưng do ảnh hưởng của thủy triều, hành trình lên thăm đảo phải dời lại vào buổi chiều. Sự chờ đợi đó được đền đáp xứng đáng bằng cuộc gặp bất ngờ với Đại úy Huỳnh Hoàng Thương, quê ở xã Thới Hòa (Trà Ôn).

Chàng trai có dáng người cao ráo, nước da rám nắng và nụ cười tươi- vui mừng bắt tay từng thành viên trong đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long.

“Vui quá, không ngờ có cơ hội gặp đồng hương ở nơi biển đảo xa xôi như thế này”- Đại úy Huỳnh Hoàng Thương nói và cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ khi ra đảo gần 1 năm nay có đoàn đất liền ra thăm.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long- thăm hỏi, trò chuyện và trao phần quà nhỏ, biểu dương và động viên Đại úy Huỳnh Hoàng Thương phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Xuồng đưa đoàn vào thăm đảo Đá Đông B.
Xuồng đưa đoàn vào thăm đảo Đá Đông B.

Mọi người nắm chặt tay nhau, tranh thủ trò chuyện để kịp quay lại tàu trước khi thủy triều rút. Đại úy Huỳnh Hoàng Thương cho biết, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Ngày tốt nghiệp, anh tình nguyện đăng ký vào hải quân phục vụ vì “muốn trải nghiệm những điều mới mẻ”.

Trải qua 9 năm công tác ở nhiều đơn vị thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân, Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn 146, đến giữa năm 2018, Đại úy Huỳnh Hoàng Thương được phân công ra công tác tại đảo Đá Đông B, giữ chức vụ chính trị viên.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy- Nguyễn Thị Minh Hạnh tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông B.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy- Nguyễn Thị Minh Hạnh tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông B.

“Được ra đảo công tác là niềm vinh dự và tự hào mà không phải người lính hải quân nào cũng có cơ hội. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, thiên nhiên khắc nghiệt, anh em chiến sĩ xem nhau còn hơn ruột thịt.

Sự hy sinh, mất mát có thể diễn ra bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi xem đó là thử thách để cố gắng vượt qua, giữ trọn vẹn từng tấc đất của tổ tiên”- Đại úy Huỳnh Hoàng Thương nói.

Nói về dự định tương lai, Đại úy Huỳnh Hoàng Thương cho biết, sẽ chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên nhưng nếu có cơ hội sẽ tiếp tục xin công tác ngoài đảo.

“Lúc được vào hải quân là một trải nghiệm mới lạ, nhưng giờ tôi hiểu đó là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng mà mình phải cố gắng hoàn thành thật tốt”- Đại úy Huỳnh Hoàng Thương chia sẻ, ánh mắt sáng ngời niềm tin.

Vượt nắng thắng mưa

Đảo Đá Đông gồm 3 điểm đảo: Đá Đông A, B và C. Vì là đảo chìm nên các công trình kiến trúc được xây dựng trên những dải san hô nổi lên giữa biển khơi.

So với các đảo chìm khác như: Núi Le, Tiên Nữ, Tốc Tan B, Phan Vinh B, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông B có nhiều khó khăn hơn.

Mùa khô nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, còn mùa mưa thì biển động, hứng chịu nhiều bão tố, những cơn sóng lớn liên tiếp đánh vào đảo, nước tràn vào cả doanh trại.

Nhưng cũng nhờ có mưa mà trữ được nước để sinh hoạt. “Tiêu chuẩn mỗi người chỉ được từ 10- 15 lít nước ngọt dùng tắm, giặt, nấu ăn mỗi ngày. Vì thế, dù có lo lắng vì mưa to, sóng lớn nhưng mà có nước xài”- Đại úy Huỳnh Hoàng Thương cho hay.

Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, anh em chiến sĩ tranh thủ sau giờ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu là tăng gia sản xuất. Từ biết bao mồ hôi, công sức, chắt chiu từng giọt nước ngọt, trải qua nắng gió, giông bão Trường Sa mà thành cọng rau xanh tốt.

Nhờ đó, rau xanh có đủ loại như: rau muống, cải, bù ngót, dưa leo,… cơ bản đáp ứng đủ bữa ăn hàng ngày. Còn cá thì cứ đánh bắt quanh đảo, trữ đông rồi ăn dần. Cải xanh ở đất liền chừng 1 tháng đã thu hoạch nhưng ở đảo do thời tiết khắc nghiệt nên phải mất 1- 2 tháng.

Chiến sĩ cẩn thận chăm sóc từng chậu hoa giấy.
Chiến sĩ cẩn thận chăm sóc từng chậu hoa giấy.

Trên tầng cao còn có mấy chậu hoa giấy nở đỏ một góc nhà, như minh chứng cho sự kiên cường, sức sống mãnh liệt ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Những khi có đoàn từ đất liền ra thăm thì có thêm chút ít thịt tươi, nhưng hơn hết là hơi ấm hậu phương để anh em chiến sĩ có thêm động lực, yên tâm công tác.

Chiến sĩ Hồ Tích Đức (quê Quảng Ngãi) vừa ra đảo làm nhiệm vụ được 3 tháng. Sống xa đất liền, Đức nói dù có nhớ gia đình lắm nhưng sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn để giữ vững chủ quyền, bảo vệ đất nước.

Dù khó khăn, gian khổ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông B vẫn thực hiện tốt các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khi bà con ngư dân cần hỗ trợ, anh em chiến sĩ sẵn sàng chia sẻ từng viên thuốc, từng lít nước ngọt để bà con tiếp tục ra khơi bám biển.

Quý 1/2019, đảo đón 16 lượt tàu cá Việt Nam và tiến hành khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 34 lượt ngư dân và cung cấp 200 lít nước ngọt, 10 thùng mì gói, 20kg đường cho các tàu cá thuộc tỉnh Bình Thuận và Quảng Ngãi.

Vừa qua, vào ngày 6/3/2019, đơn vị đã kịp thời cứu sống 1 ngư dân trên tàu cá Bình Định bị ngộ độc rượu. Ngày 22/3, cấp cứu thành công 7 ngư dân tàu câu mực Quảng Nam bị ngộ độc cá chình.

(Còn tiếp)

Cụm đảo Đá Đông nằm theo hướng Đông Tây, diện tích thềm san hô khoảng 65km2, dài khoảng 14km và rộng khoảng 3,8km. Đảo cách bán đảo Cam Ranh 253 hải lý, cách Đá Tây khoảng 19 hải lý về phía Đông và cách đảo Châu Viên do Trung Quốc chiếm giữ trái phép khoảng 10 hải lý.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH