Cuộc họp mặt đong đầy cảm xúc

Cập nhật, 17:05, Thứ Ba, 14/05/2019 (GMT+7)

 

Buổi họp mặt trong niềm vui, xúc động và tự hào
Buổi họp mặt trong niềm vui, xúc động và tự hào

Kỷ niệm 50 năm học tập và thực hiện Di chúc Bác Hồ (1969- 2019), ngày 11/5/2019, Hội Cựu giáo chức phối hợp với Sở GĐ-ĐT tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp mặt cán bộ, giáo viên, nhân viên, học viên Trường Bổ túc văn hóa thanh niên công nông Cửu Long (BTVHTNCN).

Sau mấy mươi năm xa cách, hạnh phúc như vỡ òa, thầy trò xúc động khi gặp lại nhau. Và, trong những câu chuyện xưa cũ ấy, ký ức của một thời sống, học tập dưới mái trường công nông lại ùa về.

Còn đó, kỷ niệm dưới mái trường xưa

Cuộc hạnh ngộ sau 40 năm đong đầy cảm xúc với những cái siết tay và những cái ôm thật chặt. Những câu chuyện của buổi họp mặt cứ dài ra, vô tận. Những mái tóc bạc, những gương mặt thân quen ngày nào cứ quấn quýt mãi bên nhau. Tóc bạc mà vẫn hồn nhiên, dường như ai cũng trẻ lại. Những tiếng cười giòn tan- những năm tháng học trò cùng học tập, sinh hoạt dưới mái trường công nông đáng tự hào tràn về.

Đến Hội trường Tỉnh ủy dự buổi họp mặt khá sớm, bà Dương Ngọc Diệu (84 tuổi, Phường 2, TP Vĩnh Long)- nguyên cán bộ y tế tay cầm phiếu thông tin, xuýt xoa “Cô mới chụp hình làm kỷ yếu kỷ niệm xong.

Buổi họp mặt này tỉnh mình tổ chức quá ý nghĩa. Mấy mươi năm với mái trường, cô đã chăm sóc sức khỏe cho nhiều thế hệ cán bộ, thầy cô, học viên. Có thể đây là cuộc họp mặt đầu tiên và cuối cùng của cô đó. Gặp nhau xúc động, trân quý lắm!”

Mái trường xưa của thời gian khó, tình đồng chí, tình thầy trò vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người. Nhóm bạn ban B của các cô Nguyễn Thị Hồng Nga, Ngô Mỵ Nương, Võ Bạch Ngọc và Trần Thị Thoại Hoa ríu rít ôm nhau cười ha hả như những ngày còn đi học.

Cô Ngọc cười giòn: “Mấy chục năm rồi không biết sao mà liên lạc, nghe tin họp mặt, tôi sắp xếp chạy từ Cà Mau lên đây đó. Gặp được nhau, vui quá trời vui!” Nói rồi các cô cặp kè nhau, người này khen người kia giỏi, người nọ siêng năng tự làm thêm kiếm tiền đi học đại học,... Rồi các cô điểm danh xem trong lớp còn thiếu ai không, bạn bè các lớp khác thế nào rồi? “Năm với Thu trong lớp cưới nhau, nghe nói cháu nội cháu ngoại nhóc hết trơn, nay có đi không sao chưa thấy?” - cô Ngọc hỏi các cô trong nhóm.

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo 2 tỉnh chụp ảnh lưu niệm với giáo viên trường.
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo 2 tỉnh chụp ảnh lưu niệm với giáo viên trường.

Và những kỷ niệm ngày xưa ùa về, bởi vì mái trường công nông đã là mái nhà chung “cùng học, cùng ăn, cùng ở” của hàng ngàn học viên, giáo viên. Cô Mỵ Nương nhớ những luống rau lớp trồng cải thiện bữa ăn mà “ăn không hết” nên đem ra chợ bán. Cái chợ nhỏ ở thị trấn Long Hồ trở thành điểm bán rau của nhiều lớp công nông. Cô Thoại Hoa cười ngất ngây, tiếp lời: “Dội chợ, đụng hàng nhiều lớp quá nên ế! Mấy bạn nữ mắc cỡ không dám ôm về, kêu đám con trai ra ôm về...”.

Cô Hoa thì không bao giờ quên tình cảm như chị em ruột thịt ngày nào, nhất là những lúc ốm đau. Cô Hoa kể: “Năm bão lụt (1978), tôi bị sốt mà nước ngập trường lênh láng, đi học phải lội nước, các bạn tôi để tôi ngồi vô cái thau thật lớn rồi đẩy tôi từ ký túc xá tới lớp”.

Gặp lại nhiều bạn xưa, chú Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh- phấn khởi: “Ngày đó quá khó khăn nên tất cả những học viên trong trường rất thân thiết, bây giờ gặp nhau thì quý tình bạn xưa. Trong điều kiện sau giải phóng còn khó, nhu cầu đào tạo cán bộ rất cao. Do đó, trường là cái nôi đào tạo nguồn cán bộ cho tỉnh Cửu Long”.

Với mong muốn duy trì, kết nối các thầy cô giáo, nhân viên, cựu học viên của trường qua các thời kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được thường xuyên gặp gỡ, hỗ trợ, động viên nhau trong cuộc sống, tại buổi họp mặt, Ban liên lạc Trường BTVHTNCN Cửu Long được thành lập do ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- làm trưởng ban.

Ngôi trường hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Từ những lớp học trong bưng, trong vùng giải phóng năm 1972, Trường BTVHTNCN Cửu Long chính thức thành lập năm 1976 và hoạt động đến năm 1991- hoàn thành nhiệm vụ và giải thể.

Với hơn 18 năm hoạt động, trường có vai trò hết sức quan trọng, là một trong những điểm đào tạo, cung cấp cán bộ, trí thức cho cơ quan Đảng, Nhà nước không chỉ riêng tỉnh Cửu Long mà cho cả nước.

Trường đào tạo, nâng cao trình độ học vấn cho hàng ngàn đảng viên, cán bộ công- nông, con em cán bộ, liệt sĩ, thương bệnh binh trên địa bàn tỉnh. Rất nhiều người trong số này trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; là những trí thức, nhà khoa học, nhiều người đã và đang giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội ở Trung ương và địa phương.

Buổi họp mặt mang đến niềm vui, xúc động sâu sắc cho bao thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh của trường. Đây cũng là dịp để quý thầy trò gặp gỡ ôn lại những kỷ niệm công tác, học tập, rèn luyện dưới mái trường đã đi vào lịch sử, cùng động viên nhau phấn đấu trong công tác và cuộc sống.

Thầy Trần Sâm Quế- nguyên Hiệu trưởng Trường BTVHTNCN Cửu Long- chân tình: “Chúng tôi là những người thầy rất đỗi tự hào công sức của mình bỏ ra được các em vượt qua khó khăn gian khổ phấn đấu trở thành những cán bộ cốt cán cho đất nước, cho 2 tỉnh. Bên cạnh tự hào đó, cũng mong muốn các anh chị em của trường có những sáng tạo, quyết liệt trong các cương vị công tác của mình để đưa đất nước, 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh vươn lên mạnh mẽ”.

Phát biểu tại buổi họp mặt, NGND.TS Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định rằng, việc tổ chức họp mặt Trường BTVHTNCN Cửu Long qua các thời kỳ nhân dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổng kết 50 năm học tập và thực hiện Di chúc Bác Hồ, với những điều tâm huyết mà Bác đã dặn dò là những vấn đề cốt lõi để Đảng ta, nhân dân ta thực hiện trong suốt 50 năm qua và mãi về sau này.

Các cán bộ, giáo viên, học viên của một lớp học chụp ảnh lưu niệm.
Các cán bộ, giáo viên, học viên của một lớp học chụp ảnh lưu niệm.
Các cán bộ, giáo viên, học viên của một lớp học chụp ảnh lưu niệm.
 

Và, có thể nói, chủ trương đào tạo học sinh của Tỉnh ủy Vĩnh Long trong kháng chiến cũng như sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng của tỉnh Cửu Long cũng là sự nghiêm túc thực hiện theo Di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau như Bác đã viết trong Di chúc dự thảo đầu tiên, vào tháng 5/1965 là “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Bày tỏ niềm vui và tri ân với những đóng góp của trường, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho rằng, quá trình hình thành phát triển của trường với nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành có nhiều đóng góp quan trọng cho tỉnh nhà.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón khẳng định: “Chúng ta thấy rất rõ tầm nhìn và quan điểm mang ý nghĩa chiến lược của Đảng, sự lãnh đạo và vận dụng linh hoạt của Tỉnh ủy Cửu Long về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương. Đây là một bài học quý cho công tác GD-ĐT, nhất là việc bồi dưỡng đội ngũ để phát triển tỉnh Cửu Long trước kia và Vĩnh Long- Trà Vinh sau này”.

 

Bà Dương Ngọc Diệu (84 tuổi): Khi mở lớp học, tôi vừa phục vụ y tế kiêm luôn dạy môn vệ sinh thường thức, có lúc thiếu giáo viên nên tôi xung phong dạy môn vẽ. Học trò giờ nên người, tôi mừng lắm!


Thầy Trần Sâm Quế (80 tuổi)- nguyên Hiệu trưởng của Trường BTVHTNCN Cửu Long- bày tỏ niềm xúc động, nhắc lại lời Bác dạy: “Đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc quan trọng, rất cần thiết. Bác cũng dạy rằng, dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào thì thầy trò cũng phải dạy tốt và học tốt”. Thầy tự hào khi tất cả thầy cô giáo đã làm tốt bài ca sư phạm, đóng góp công sức của mình bồi dưỡng cho các em học viên. Tự hào các anh chị học viên giờ đã trưởng thành, thành công trong nhiệm vụ được phân công.


Cô Lê Thanh Xuân- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nguyên giáo viên trường từ năm 1983-1990: Trong thời điểm khó khăn, gian khổ vì chiến tranh mới đi qua, Đảng ta đã có chủ trương đúng đắn là gấp rút đào tạo cán bộ. Nói về những lớp học mà “không ít học viên lớn hơn cô giáo”, cô Xuân kể: “Học viên vô lớp thì gọi cô, xưng em chứ ra ngoài thì cô giáo phải gọi học trò là anh hay chú”.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN ANH