Những chiếc máy bay trong bảo tàng

Cập nhật, 16:47, Thứ Ba, 16/04/2019 (GMT+7)

Ghé Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long dịp tháng 4 này, khi đi qua khu trưng bày hiện vật ngoài trời, khách tham quan sẽ thấy có 3 chiếc máy bay quân sự được trưng bày gồm 1 chiếc trực thăng vũ trang UH-1A, 1 chiếc máy bay cường kích ném bom hạng nhẹ A-37B và 1 chiếc tiêm kích ném bom chiến thuật F-5A.

Máy bay trưng bày trong Bảo tàng Vĩnh Long.
Máy bay trưng bày trong Bảo tàng Vĩnh Long.

Những người mê… máy bay

Ông Nguyễn Xuân Oanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- cho biết để có những hiện vật này trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long là cả một quá trình, có sự quyết tâm và công sức của những đồng chí lãnh đạo tỉnh, của Ty Văn hóa- Thông tin tỉnh Cửu Long (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Bảo tàng tỉnh.

Đó là những người rất quan tâm đến công tác bảo tàng, chịu khó sưu tầm hiện vật, nhất là các loại máy bay của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và nguyện ước ấy sẽ khó thành hiện thực nếu như không có sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tình của các đồng chí lãnh đạo quân đội, của Quân chủng Không quân và chỉ huy sân bay quân sự Biên Hòa.

Tôi gặp ông Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng)- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- nay đã 79 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và trí nhớ rất tuyệt vời. Khi nghe hỏi về 3 chiếc máy bay đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, ông không vào đề ngay mà nói: “Làm nghề bảo tàng phải có lòng đam mê và óc sáng tạo để làm sao hiện vật trưng bày phong phú và có tác dụng tuyên truyền, thu hút người xem”.

Về cơ duyên có được những chiếc máy bay này, ông cho biết sau giải phóng lãnh đạo tỉnh bố trí Bảo tàng tỉnh tại Dinh Tỉnh trưởng ngụy trước đây, là một vị trí đắc địa có 2 mặt tiền, nằm cạnh bến phà An Bình, gần khách sạn, chợ… nhưng hiện vật trưng bày bên trong thì còn nghèo nàn lắm.

Với tư cách Giám đốc Ty Văn hóa- Thông tin tỉnh Cửu Long lúc bấy giờ, ông Nguyễn Chiến Thắng có điều kiện đi tham quan một số sân bay như Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa và làm quen với một số đồng chí lãnh đạo quân đội như Thiếu tướng Tô Ký- nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; Đại tá Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (quê huyện Lai Vung- Đồng Tháp); đồng chí Nguyễn Văn Tuyên- Phó tổng Cục trưởng Cục Kỹ thuật Không quân; đồng chí Bảy Sơn (xã Quới An- Vũng Liêm) công tác tại sân bay quân sự Biên Hòa…

Lúc tham quan sân bay rộng lớn, ông để ý thấy hàng chục máy bay các loại do Mỹ sản xuất đang đậu ở một góc sân bay. Đây là những chiếc máy bay chiến lợi phẩm thu được của địch. Với đà tiến quân thần tốc khi đánh chiếm các căn cứ địch, quân của chính quyền Sài Gòn tan rã nhanh chóng, không kịp di tản cũng như phá hủy các khí tài quân sự quan trọng.

Tại một số sân bay, quân ta đã thu nhiều máy bay. Tính tới tháng 5/1975, bộ đội ta đã thu được khoảng 877 máy bay các loại (trên tổng số 1.193 chiếc của Quân đội Việt Nam Cộng hòa), trong đó có khoảng 250 chiếc trong tình trạng tốt, sử dụng được ngay gồm: 50 máy bay trực thăng UH-1, 23 máy bay ném bom A-37, 41 chiếc F-5 cùng nhiều chủng loại máy bay vận tải, máy bay trinh sát, máy bay huấn luyện,…

Sau khi phân loại những chiếc còn bay được, Bộ Quốc phòng đã cho thành lập các trung đoàn không quân để phục vụ chiến đấu. Trong thời gian nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, các máy bay chiến lợi phẩm này đã góp phần đánh bại quân Khmer Đỏ, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Đến khoảng năm 1980, do thiếu nguồn phụ tùng thay thế, nhiều chiếc máy bay xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo an toàn, nên các máy bay loại này đã phải ngưng sử dụng.

Lấy gạo đổi… máy bay

Khi biết được số máy bay hư hỏng, không còn bay sẽ được bên Không quân xử lý theo kiểu rã bán phế liệu, các anh lãnh đạo Ty Văn hóa- Thông tin và Bảo tàng Vĩnh Long tiếc lắm và lập tức đề nghị… xin 3 chiếc máy bay mang về Vĩnh Long trưng bày để bà con miền Tây xem cho đã con mắt, đồng thời thực hiện luôn công tác tuyên truyền trực quan về thành tích của bên Không quân trong việc lấy máy bay địch đánh địch như chuyện phi công Nguyễn Thành Trung lấy máy bay F-5E ném bom xuống Dinh Độc Lập, Phi đội Quyết thắng sử dụng máy bay A-37 ném bom phi trường Tân Sơn Nhất, sau ngày giải phóng chúng ta còn sử dụng các loại máy bay này để đánh Pol Pot trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc… Thế là các anh bên Không quân… gật đầu cái rụp!

Khoảng tháng 12/1984, 3 chiếc máy bay gồm trực thăng UH-1A, A-37B và F5A được cẩu lên xe vận tải của Không quân rời sân bay quân sự Biên Hòa trực chỉ Vĩnh Long.

Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng nhớ lại: Phải nói bên Không quân giúp đỡ rất nhiệt tình, chằng buộc máy bay kỹ lưỡng, đưa cần cẩu máy bay lên xe chuyên dụng, ngoại trừ sự cố tại cầu Bà Lâm (thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè- Tiền Giang) do cầu thấp nên xe chở máy bay quẹt trúng nóc cầu làm vỡ mấy mảnh bê tông, suốt lộ trình còn lại đều đảm bảo an toàn.

Chuyến về theo đề xuất của Ty Văn hóa- Thông tin, UBND tỉnh Cửu Long đã gửi tặng theo xe 7 tấn gạo để cải thiện đời sống cho bộ đội đang đóng quân tại sân bay Biên Hòa.

Theo lý lịch hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long thì 3 chiếc máy bay khi tiếp nhận đều trong tình trạng hư cũ, những thiết bị điện tử, hệ thống vũ khí đã được tháo hết.

Chiếc máy bay trực thăng UH-1A sơn màu xanh quân sự, số hiệu 323 do hãng Helicopter Company Texas của Mỹ sản xuất, được trang bị cho Lục quân Mỹ thực hiện các nhiệm vụ vận tải, hộ tống, chuyển quân, tải thương, đây là máy bay có thể sử dụng trong mọi địa hình phức tạp, đáp không cần sân bay;

chiếc máy bay A-37B số hiệu 295, sơn màu xanh- trắng là máy bay cường kích phản lực hạng nhẹ do hãng Cessna của Mỹ chế tạo có 2 chỗ ngồi, được trang bị bom, rocket, đại liên để tấn công mặt đất; chiếc máy bay F-5A sơn màu vàng- trắng, không có số hiệu, do hãng Northrop Mỹ sản xuất, là máy bay tiêm kích ném bom được Mỹ trang bị cho Không quân Việt Nam Cộng hòa vào năm 1970.

Chút xíu nữa là… mất máy bay

“Khi 3 chiếc máy bay chiến đấu được mang ra trưng bày tại Bảo tàng thì các đồng chí lãnh đạo, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đều rất vui mừng, vì từ trước đến nay trong chiến tranh chỉ thấy “nó” bay trên tận mây xanh, còn nay thì “rờ đụng” mới thấy đã cái bụng làm sao!”

Kể đến đây giọng chú Mười Sao Vàng bỗng chùng xuống: “Thiếu chút nữa tụi bây không còn thấy 3 chiếc máy bay này nằm trong khuôn viên bảo tàng như bây giờ rồi! Số là, sau đó khoảng 3 năm, Bộ Quốc phòng có công văn gửi xuống Bảo tàng tỉnh… đòi lại 3 chiếc máy bay với lý do đây là tài sản của Bộ Quốc phòng phải thu hồi xử lý theo đúng quy định!”

Trước công văn này, một số bảo tàng các tỉnh lân cận đã trả lại máy bay, còn Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long thì cứ ngóng xem tình hình. Lúc này, một số đồng chí bên Không quân đã về hưu thì rất ủng hộ việc đưa máy bay ra trưng bày để làm nhiệm vụ chính trị, đồng thời cũng là tuyên truyền cho Không quân…

Vì vậy, 3 chiếc máy bay cứ đậu y nguyên chỗ cũ, thế rồi theo thời gian sự việc chìm vào quên lãng, không còn ai nhắc đến cái công văn… đòi máy bay kia nữa!

Bà Lê Ngọc Anh- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tiếp đón trên 30.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có nhiều du khách người nước ngoài. Họ rất thích chụp hình bên những hiện vật chiến tranh như máy bay, xe tăng…

Khi được hỏi cách xử lý như thế nào đối với 3 chiếc máy bay ngày càng cũ kỹ, xuống cấp theo thời gian, bà Ngọc Anh cho biết đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ của hiện vật trưng bày, cố gắng gìn giữ hiện vật theo đúng nguyên bản gốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc ta, quân đội ta trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG