Tản văn

"Liều thuốc" của mẹ

Cập nhật, 05:48, Thứ Bảy, 09/03/2019 (GMT+7)

Ẩm thực có sức mạnh lạ kỳ để lại ấn tượng sâu đậm về một vùng đất, để lại nỗi nhớ thương không thể diễn tả bằng lời với con người trên mảnh đất ấy.

“Cất giấu” nỗi thèm cơm nhớ bún, cồn cào vì tô phở mẹ nấu, những đứa con lên đường chinh phục vùng đất mới, trưởng thành cũng bởi “liều thuốc” của những người mẹ.

Mẹ Thị Mây ở Đăk Nông- nơi chúng tôi thực tập hồi đại học là người M’Nông. Sợ chúng tôi không quen ăn thức ăn mẹ nấu, mẹ dè dặt bảo hãy tự nấu ăn trong suốt gần cả tháng tá túc nhà mẹ. Gia đình mẹ lũ lượt lên rẫy cà phê từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về. Kỳ lạ ở chỗ, mỗi ngày chúng tôi thức giấc đều có sẵn thức ăn trên bàn.

Đứa bạn đi chung hài hước nói bữa ăn đó “giống của cô Tấm bước ra từ quả thị nấu”! Bữa thì thịt heo rừng, bữa thì cá suối, hôm là canh bồi và món ăn khiến chúng tôi lưu luyến mãi đến sau này là món xôi nấu từ nếp rừng.

Hạt nếp màu hồng nhạt, ở giữa có vân đỏ như mạch, nấu lên có hậu ngọt thêm cái bùi bùi của đậu xanh đãi vỏ. Về phố chợt thấy thèm mà nhiều lần chẳng biết tìm đâu thứ nếp ấy.

Cô chủ nhà trọ ở giữa đất Sài Gòn lại là người Hà Nội gốc. Quen cách gọi miền Tây, gặp ai cũng thân thiết gọi mẹ, chúng tôi cũng gọi cô là mẹ Ngọc. Mẹ ít nói và kỹ tính nên những ai muốn thuê nhà mẹ lâu dài đều phải chú ý từ nề nếp sống, cách đi đứng, nói năng, chào hỏi.

Ngày hè nóng nực như thiêu như đốt, mẹ Ngọc gõ cửa phòng, cho chúng tôi mỗi đứa một chén chè cốm. Dù cuộc đời có ăn nhiều món chè ngon ngọt hơn rất nhiều nhưng chén chè cốm sánh mịn, màu vàng óng ánh, vị ngọt thanh nơi đầu lưỡi mùa hè năm ấy là món ăn ngọt ngào nhất trong ký ức của chúng tôi.

Chồng mất từ sớm, mẹ Mây tảo tần nuôi 3 con đến tuổi ăn, tuổi học. Nhường hết thức ăn ngon nhất cho con, nụ cười của con cũng khiến mẹ no lòng. Mẹ Ngọc rời bỏ quê hương, cùng con gái đến lập nghiệp ở đất khách quê người.

Mẹ lạnh lùng, khắt khe nhưng lại có những cử chỉ quan tâm, ấm áp. Bài học về “học ăn, học nói, học gói, học mở” tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là kỹ năng quan trọng nhất khi con chập chững bước vào đời.

Chúng tôi trưởng thành từ những bữa ăn của mẹ. Tôi hay gọi đó là “liều thuốc” tinh thần. Những lúc ngoài kia có nhiều giông bão, chỉ cần chạy về nhà ăn bữa cơm mẹ nấu, ăn thật nhiều, ngon miệng như một đứa trẻ đói ngấu.

Món ăn đong đầy tình yêu thương, những ký ức gia đình liên quan đến món ăn mà những người mẹ chia sẻ làm cho con quên đi mệt nhọc, hành trang của con thêm vững vàng.

Những lúc phạm lỗi lầm, mẹ chỉ nói: “Không sao cả! Lần này sai thì lần sau con khắc phục. Mẹ cũng thế! Cả mẹ và con đều cần phải học, có khi học cả đời này! Mẹ lớn tuổi hơn con nhưng mẹ vẫn cần phải học, vì có những điều con trải qua không có nghĩa là mẹ cũng đã trải qua và mẹ hiểu được”.

Cả hai mẹ con cùng học, học trên tình thương vô điều kiện mà mỗi người dành cho nhau. Và tôi nghĩ, dẫu sau này chúng tôi vẫn chưa học được, chưa hiểu được hết, thì mẹ vẫn yêu chúng tôi, thương chúng tôi như vậy...

PHƯƠNG THÚY