Nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy tuổi 22 và tầm cao trí tuệ

Cập nhật, 21:32, Chủ Nhật, 17/03/2019 (GMT+7)

Tại cuộc hội thảo cấp quốc gia của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Vĩnh Long về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phan Văn Đáng, nếu ai chú ý sẽ thấy ở hàng ghế đầu đại biểu danh dự, ngoài nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn có một cán bộ lão thành tóc đã bạc trắng, song mặt mũi còn tinh anh.

Đặc biệt trí nhớ rất sáng lạ về thời cụ đi tham gia kháng chiến và khi 22 tuổi đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Đó là cụ bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ).

Bà Ngô Thị Huệ (ngồi xe lăn) cùng các lãnh đạo Trung ương, tỉnh tại Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long).Ảnh: TL
Bà Ngô Thị Huệ (ngồi xe lăn) cùng các lãnh đạo Trung ương, tỉnh tại Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long).Ảnh: TL

Sáng ngời phẩm chất phụ nữ Việt Nam

Ngày nay, khi đến Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (đường Võ Thị Sáu, Quận 3-TP Hồ Chí Minh), từ phòng trung tâm đi vào thì ai cũng phải nhìn bức tượng chân dung người phụ nữ Nam Bộ. Bức tượng chân dung đó đã lột tả khí chất của người phụ nữ đời thường đầy bao dung, lặng lẽ nhưng cũng đầy quyết tâm.

Nhân vật đó có ảnh hưởng không nhỏ tới các thế hệ tuổi trẻ cũng như những phụ nữ ở Nam Bộ nói chung và phụ nữ Vĩnh Long- Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Người đó là bà Ngô Thị Huệ, nay đã vào tuổi 102 mà vẫn minh anh và nhớ không sót những sự kiện của thời kỳ chiến tranh quyết liệt.

Năm rồi, tại Hội trường Tỉnh ủy Vĩnh Long, trong giờ nghỉ giải lao cuộc hội thảo, tôi may mắn được hỏi thăm bà thì mới biết vào tháng 11/1940, cũng chính tại mảnh đất Vĩnh Long khi xưa đầy khói lửa chết chóc do súng đạn thực dân Pháp này, bà Bảy Huệ được Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ là Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo nhân dân Vĩnh Long, đứng lên nổi dậy kháng chiến giành chính quyền thành công ngay tại các quận Vũng Liêm, Tam Bình.

Trong số cán bộ khi đó, có người cán bộ trai trẻ đầy dũng cảm, do “chị Bảy Huệ” chỉ đạo đã cùng nhân dân quận Vũng Liêm (tên lúc đó) đứng lên hô hào nhân dân giành chính quyền về tay nhân dân ta thành công.

Người cán bộ đầy bản lĩnh, trung kiên đó là anh Phan Văn Hòa lúc đó 18 tuổi, tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau này- người con kiên cường, sáng tạo, đầy bản lĩnh của vùng đất Vĩnh- Trà nói riêng và cả nước nói chung.

“Chị Bảy Huệ” sau đó còn tiếp tục tham gia cùng Tỉnh ủy của 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh củng cố và giữ vững cho được những địa bàn phải gian khổ lắm cách mạng ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh mới giành được. Những năm đó hoạt động cách mạng cực kỳ khó khăn, khi kẻ địch bắt đầu đàn áp, bắt bớ gắt gao sau Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Trong 2 cuộc kháng chiến, “chị Bảy Huệ” được nhiều người biết đến và gọi tên thân mật như những năm trong chiến khu là: dì Bảy Huệ, cô Bảy Huệ, má Bảy Huệ.

Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940, suốt cả chặng đường dài trong hoạt động cách mạng, dấu chân của bà đã in khắp vùng đất Nam Bộ, từ Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu đến Vĩnh Long, Đồng Tháp Mười, Sài Gòn- Chợ Lớn,…

Bà đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở Vĩnh Long, Xứ ủy Nam Kỳ, Thành ủy Sài Gòn- Chợ Lớn. Bà đã trực tiếp là chứng nhân nhiều sự kiện lịch sử ở Nam Bộ kháng chiến suốt những năm dài…

Vào năm 1940, khi 22 tuổi, bà đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Bà bị địch bắt, giam cầm ở Vĩnh Long 12 tháng, nhưng sau đó không tìm ra chứng cứ nên buộc phải tuyên trắng án.

Nhớ lại quãng thời gian khắc nghiệt, kẻ thù đàn áp dữ dội tại các tỉnh ĐBSCL, bà Bảy Huệ nói: “Sau khi được trả tự do, tôi tiếp tục hoạt động đi vào bí mật và lại bị thực dân Pháp bắt vào tháng 6/1942. Địch tra tấn dã man nhưng chúng hoàn toàn không khai thác được gì.

Dù vậy, chúng vẫn tuyên án khổ sai chung thân rồi đưa vào giam cầm ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hòa và đày ra cả nhà lao Côn Đảo…”

Trước những trận đòn chết đi sống lại nhiều lần, tưởng là không thể vượt qua ở những nhà tù khét tiếng tàn ác, bà tự nhủ lòng “phải kiên cường chịu đựng, trước là giữ thật yên cho tổ chức, sau là làm gương cho chị em khác”.

Nhờ vậy, suốt 3 năm trời trong các căn phòng giam giữ nữ tù chính trị, bà và chị em bị giam cầm luôn giữ vững khí tiết, luôn quyết tâm bảo vệ đồng chí, đồng đội và không một ai nao núng tinh thần khai báo, làm thiệt hại tổ chức. Nhờ vậy phong trào cách mạng tại các tỉnh mà bà tham gia chỉ đạo, đều giữ được an toàn.

1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên

“Cô Bảy Huệ” là phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Lần được “cô Bảy Huệ” cho đến gặp, tiếp xúc tài liệu tại nhà riêng, chúng tôi cũng không ngờ trong căn nhà (đối diện với cổng sau của T.78- Văn phòng Trung ương Đảng), phía đường Trần Quốc Toản (Quận 3); căn nhà của nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh, không hề có cổng gác của công an bảo vệ.

Tôi hỏi thì bà nói là nhà cứ để thế đó, ai đến mình tiếp, như tụi con đến và tới đây, sẽ cho làm một nhà trẻ nhỏ để nuôi dưỡng tụi nhỏ, lớn lên. Và nay căn nhà trẻ đó đã thành sự thật như mong ước của bác Mười Cúc.

Tháng 6/1945, sau nhiều lần tổ chức giúp để phá khám vượt ngục, bà và các chị em trong tù được đồng đội giải thoát đưa về tỉnh Bạc Liêu.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên trong cả nước, trong 10 đại biểu nữ duy nhất trúng cử, Nam Bộ có 3 người, trong đó có 2 nữ tướng thật trường kỳ trong mưa bom, bão đạn tại các tỉnh miền Nam. Đó là bà Nguyễn Thị Thập (về sau là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và bà Ngô Thị Huệ.

“Cô Bảy Huệ” cho biết: Từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến khi đảm nhiệm nhiệm vụ Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn- Chợ Lớn rồi làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ- Ban Tổ chức Trung ương Đảng, dù phải đảm nhiệm trọng trách nặng nề với công tác tổ chức trong điều kiện chiến tranh, song bà vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, kể cả lo cho những người con khi chồng- lúc đó là Bí thư Trung ương Cục miền Nam- thường xuyên vắng nhà.

Suốt 15 năm trời vợ chồng xa cách, cô phải gánh vác cả công việc gia đình để chồng yên tâm lo việc nước, việc quốc sự.

Sau này, nói như nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thọ Chân: “Khi nói về những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc, thì có đóng góp không nhỏ của người vợ hiền đảm đang, người đồng chí kiên cường là bà Ngô Thị Huệ”.

Đến nay tuy đã 102 tuổi, cụ bà Ngô Thị Huệ vẫn đầy vẻ minh anh, sáng suốt. Trí nhớ bà không quên những sự kiện lớn lao nào của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ.

Lúc còn sống, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần nói về “cô Bảy Huệ”: “Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam Bộ, người phụ nữ Việt Nam”. Và có lẽ đối với những người phụ nữ Việt Nam, cụ Ngô Thị Huệ vẫn luôn là dì Bảy, cô Bảy, luôn san sẻ cùng chị em nữ trong chiến tranh.

Và nay, khi đã trên 100 tuổi, cụ vẫn luôn trọn lòng mình với Đảng, với dân tộc, sáng ngời trí tuệ và tình người bao la của một phụ nữ Việt Nam.

PHẠM BÁ NHIỄU