Có một vùng đất như thế!

Kỳ cuối: Vườn ươm

Cập nhật, 10:13, Chủ Nhật, 31/03/2019 (GMT+7)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Đồng Phú mới qua trận “mở màn” tay không hạ đồn giặc đã thành “vườn ươm”. Từ vườn ươm này, rất nhiều thanh niên lần lượt ra lò, chiến đấu khắp chiến trường suốt cuộc kháng chiến. Vũ khí chiến đấu có lúc ngỡ như bế tắc.

Nào ngờ... anh Hai Bê là “cục than hồng” “vùi” ở xóm Bà Cò (Đồng Phú) về phà Mỹ Thuận (Cái Bè) quê nhà, đón xe lính Sài Gòn hành quân, mưu trí giật 3 khẩu tiểu liên, 1 khẩu súng trường, lập tổ chiến đấu khi… chưa ai biết bắn súng. Hai Bê tự học sử dụng vũ khí. Bất ngờ súng nổ... Hai Bê trở thành người dạy sử dụng vũ khí cho anh em. Đúng lời, cụ Nguyễn Đình Chiểu: “... Chỉ biết cấy cày. Chưa quen cung nỏ, chưa đến trường nhung!”

Hai Bê đưa tổ chiến đấu vượt dòng Cửu Long trở về cù lao. Rồi hợp cùng đội võ trang Bình Hòa Phước, An Bình, Đồng Phú, lập trận phục kích trước đình Phú Mỹ, gần bót Cái Đồng Phú. Bất ngờ đánh một trận, kẻ địch vô cùng hoang mang.

Đồng Phú đồng loạt xuất hiện nhiều cách diệt địch: xạ kích (bắn sẻ); phục kích, tập kích khi địch co cụm; đột nhập sào huyệt địch diệt ác ôn;… Như anh Nguyễn Văn Quá diệt “Đoàn phó Mừng”, “thầy đội Năm” tại nơi an toàn nhất của chúng. Những nơi diễn ra sự kiện oai hùng đó, giờ đều được đặt bia kỷ niệm.

Bia “Trận địa Trần Văn Bế 15/10/1969” đặt dưới nước, bên dòng kinh Mương Lộ, ngay vàm rạch Cái Bần, phía trước UBND xã (xưa là trụ sở của địch), sát chợ Đồng Phú. “Một trận đánh như phim Hong Kong. Một hành động để đời!” Trải qua 48 năm, dân chợ Đồng Phú vẫn nhận định như vậy.

“Trận địa vườn tre” tiếp giáp 2 thôn Phú Thuận, Phú Hòa là điểm đánh địch cố định của dân làng. Nhân dân ngày đêm đào hào, đắp công sự, xây pháo đài và sử dụng nhiều vũ khí thô sơ, tự tạo... Khi tiếng mõ tre vang lên báo động địch đến thì trẻ, già, gái, trai xông ra đánh giặc. Tiếng hô xung phong, súng nổ áp đảo. Nhiều trận càn của địch thất bại.

Ai cũng nhận ra sự diệu kỳ của chiến tranh nhân dân, mà vườn ươm ở Đồng Phú là một trong những nơi cho ra sản phẩm khá dồi dào.

Hậu phương vững mạnh

Tổ chuyên trách sản xuất vũ khí, thuốc điều trị bệnh đều do dân Đồng Phú đảm trách kinh phí thực hiện tiếp nhận trong dân. Có chuyện bây giờ dân làng còn nhớ.

... Một hôm, người của ta đến gặp vợ chồng ông Năm Th.: “Thưa chú thím, tụi cháu sản xuất được súng bắn chết lính!” Vợ chồng ông Năm Th... tỏ ra ngạc nhiên, hoài nghi. Một phút trầm ngâm, ông Năm nhỏ nhẹ từng lời: “Nếu được thấy tận mắt, tao ủng hộ 2 chỉ vàng!”

Người của ta mời ông bà Năm xuống xuồng bơi ra cồn Bần (gần vàm Bà Cò) đưa súng... Ông Năm bóp cò... Súng nổ. Ông Năm cười sung sướng. Ngay tức khắc, bà Năm tháo chiếc nhẫn đeo trong ngón tay, góp phần kháng chiến.

Ông Nguyễn Văn Mai thuộc nhà điền chủ có tiếng ở Đồng Phú, được dân làng yêu mến gọi Biện Tám. Ông tham gia Cách mạng Tháng Tám với chức vụ Tổng thư ký Mặt trận Việt minh xã Đồng Phú. Khi quân Pháp tái chiếm, ông xuống ghe đi buôn, mua hàng ở vùng địch chiếm, chuyển vào chiến khu, phục vụ kháng chiến. Suốt 9 năm, hoạt động trót lọt.

Con ông “lá ngọc cành vàng”, song cùng một lúc ông cho 3 người theo Quân giải phóng miền Nam. Nước nhà độc lập hoàn toàn, chỉ mỗi anh Đệ hoàn thành nhiệm vụ trở về. Còn lại anh Vận, anh Hoàng hy sinh oanh liệt ở chiến trường.

Người ta nói gia đình ông Biện Tám tạo nên hiệu ứng lan tỏa lớn là điều tất nhiên. Bởi... hành động, biểu hiện của gia đình ông làm sao nói hết? Ý nghĩa đó giấy mực nào ghi hết? Hơn nữa “thành phần cách mạng” gia đình ông “không… cơ bản”.

Trong ông có một suy nghĩ vượt xa, hơn hẳn. Quyết định gan góc, đầy trí tuệ! Một hoài bão, một ước mơ lớn! Nhận định này không ai chối cãi, phủ nhận. Bởi, cá nhân ông dám “quăng mình” đã là điều đáng nể phục. Ông còn phơi gan, táo bạo “cắt 3 khúc ruột” của mình cho đại nghĩa. Ông không có động cơ nào khác. Chỉ có lòng yêu nước nồng nàn!

Cuộc đời sự nghiệp ông Nguyễn Văn Mai buộc người ta phải suy ngẫm, dù “bình dân” cỡ nào; “tim óc” đều phải lay động...

Có người còn nói: “Dân cày nghèo khổ, khi nước nhà độc lập, được đất để làm chủ. Gia đình, cha con ông thì…”; “Ông là nhà tu hành. Tu để thành người. Làm người!”; “Ông còn là gương mặt quê hương. Là đóm lửa mùa đông”. Ông Biện Tám và gia đình đã góp phần tạo nét riêng cho Đồng Phú.

Đội quân tóc dài

Nhiều chủ đò, nhiều đoàn phụ nữ. Mỗi ấp một đoàn. Đoàn ấp Phú Thuận là quân “chủ lực”, “mũi nhọn”, đi đầu. Đồng loạt vượt dòng Cổ Chiên sóng to, gió lớn. Lướt qua sự ngăn chặn của quân thù, họ đưa xác ông Tư Trợ lái buôn chuối (nhà xóm Rạch Dứa, ấp Phú Thuận) bị giặc sát hại vào TX Vĩnh Long tố cáo tội ác và đòi bồi thường nhân mạng.

Cuộc va chạm lạ lùng giằng co quyết liệt. Một bên là bầy quỷ dữ. Một bên tay yếu chân mềm... toàn bà già, thiếu nữ! Kẻ địch càng gian ác hung hăng. Các mẹ, các em càng thắt chặt đội ngũ trong tình trạng toàn thân giập bầm. Họ tự tạo mọi điều kiện để phục vụ cuộc đấu tranh.

Cuộc chiến đang giằng co, bỗng xuất hiện hình ảnh vô cùng thú vị. Đó là sự hưởng ứng của đồng bào chợ. Cuối cùng kẻ ác phải chấp nhận yêu sách, hứa trừng trị bọn giết người.

Đoàn quân chiến thắng trở về đầy chất lãng mạn. Thắng lợi của phụ nữ Đồng Phú làm nên bao điều để suy ngẫm. Có cả việc góp phần tạo nên cái hồn của thơ ca chiến đấu: “Người chết cùng đi người sống đây/ Tử sinh một dạ trả thù này...” Đám tang Tư Trợ sục sôi, bừng lên khí thế mới!

Ngay hôm đó, dân làng huy động nhiều gạo, tiền chăm sóc ông Ba Hộ-cha ông Tư Trợ- đến cuối đời.

Đám tang xuất hiện nhiều lời nhỏ, to về cuộc đời nhân vật này... Nói về nhân vật này, mọi người loay hoay cụm từ “không thể ngờ”... Trợ là con trai độc nhất của ông Ba Hộ đi lính, do Pháp tuyển mộ. Trợ luôn hăng hái, đi đầu trong các cuộc đàn áp, khủng bố phong trào quần chúng chống áp bức, bóc lột xứ cù lao. Trợ đâu ngờ... Khi ông chủ Pháp bại trận, Trợ quay về sống với xóm làng- chỗ sinh ra mình, chỗ mình từng đeo bám làm tay sai.

... 6 năm làm nghề buôn chuối, nuôi cha già nghèo khổ; ở nhờ nhà người chú. Suốt 6 năm sống đời dân dã, Trợ luôn lo sợ sự bài xích, giáng trả từ các cá nhân mà Trợ từng gây nợ máu. Một ngày định mệnh! Trợ đang chèo ghe chuối mà đâu hay biết “thần chết” đang chực chờ. Trên chòi canh, quân Mỹ- Diệm dùng Trợ làm mục tiêu điểm xạ sau cuộc cá cược kết rượu bia. Súng nổ, Trợ ngã xuống nước, để lại ghe chuối dập dềnh trên dòng kinh Mương Lộ...

Tám Minh kể chuyện quê mình, ta thấy khả năng nghe, nhìn, chiêm nghiệm nội dung, vấn đề khá cẩn trọng và trách nhiệm với cuộc đời. Chuyện kể có thể chưa đầy đủ. Song, đó là cơ sở để tự hào về quê hương.

NGUYỄN HỒNG TÂM