Có một vùng đất như thế!

Kỳ 2: Xả thân và ân tình

Cập nhật, 06:17, Chủ Nhật, 24/03/2019 (GMT+7)

Bà Cò, Phú Thuận, Đồng Phú năm 2000, người ta tiến hành lễ an vị Ân Sư Từ. Ngôi đền thờ các vị thầy giáo “truyền bá quốc ngữ” từ hồi 1919 tại trường sơ học Ninh Thuận ở xóm Bà Cò.

Khách từ TP Hồ Chí Minh, TP Vĩnh Long, có cả khách nước ngoài dự. Trên đường từ bến phà An Bình đi bằng xe gắn máy, khách ái ngại... Nhìn cử chỉ của khách, ta có cảm giác đưa họ đi đày.

Họ tỏ ra ngao ngán, khó chịu, thường xuyên thốt lên: “Như vầy mà người ta sống được? Lạ quá...!” Trong những người “than thở”, phiền toái không thể quên cô Phan Thị Hằng (quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh) và cô Trần Kim Lài (cựu giáo chức Khóm 3, Phường 5- TP Vĩnh Long).

Nghe khách thở than, Tám Minh lại thích thú: “Đây là chi tiết hay, đắt giá; để người ta liên tưởng vùng đất này cách nay hơn 90 năm. Cho thấy cái thời phong trào “truyền bá quốc ngữ”, các thầy giáo đến cù lao này dạy học gian truân cỡ nào…”

Trong tác phẩm bút ký “Đường về Ân Sư Từ” đoạt giải văn học ĐBSCL; nội dung tác phẩm tái hiện một thực trạng đời sống khốn cùng của dân cù lao Đồng Phú. Bài “Đường về Ân Sư Từ” có đoạn : ... “Thời đó sang chợ Vĩnh Long từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới về đến nhà. Sóng gió, chìm xuồng, chết người phổ biến.

Theo đường xuồng các loài chim ăn đêm kêu: “ Bớ chú...! Bớ chú ...! Rượu thịt..., rượu thịt...”, nghe ghê rợn! Xóm rạch Dứa (ấp Phú Thuận, Đồng Phú), 2 gia đình kề bên nhau, có đến 4 người bị cướp giết tại vàm Bà Vú, cầu Tân Tạo bây giờ.

Ông Tư Thiều, Ba Bá xóm rạch Dứa mua lúa qua khu vực này bị cướp. Hai ông mưu trí giật 2 khẩu súng nộp Vệ quốc quân”.

Khó khăn cách trở là vậy. Song, phong trào “truyền bá quốc ngữ” ở cù lao vẫn phát triển. Thầy giáo khắp nơi về đây dạy chữ quốc ngữ.

Vị thầy đầu tiên là ông giáo Chánh- người tỉnh Tân An. Trẻ lắm! Lời lưu truyền trong dân: “có thể về sau ông là Hồ Biểu Chánh”.

Nhiều thầy phải che chòi, ở nhờ nhà phụ huynh. Sinh hoạt thiếu thốn, kham khổ... Các thầy vẫn bám trường, tạo linh hồn cho vùng đất.

Giờ đây khi hiểu thực trạng khắc nghiệt suốt quá trình cống hiến, xả thân lâu dài, gian khổ trong phong trào truyền bá quốc ngữ của nhiều thầy giáo từ năm 1919 ở Đồng Phú; nhìn ngôi miễu sừng sững, trang nghiêm, cô Kim Lài, cô Phan Thị Hằng rộn lên niềm vui mới...

Sau khi thắp nhang, viếng các thầy cô thờ trong Ân Sư Từ, các cô thỏ thẻ với mọi người cùng dự lễ: “Nơi đây ân tình được thể hiện!” Như chực chờ ở vành môi, tức khắc lời Tám Minh bay lên đáp lễ độc nhất mỗi câu ca dao: “Thương dân, dân lập đền thờ”.

Cách mạng Tháng Tám

Ở Đồng Phú, người ta quen gọi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “Thanh niên Tiền phong”. Tham gia phong trào này, chẳng thiếu thành phần nào trong xã hội.

Tám Minh nói, vận động cuộc cách mạng này như châm cứu đúng huyệt. Là vùng “trắng”, Đồng Phú chưa có hạt nhân của phong trào.

Dân “nhạy cảm” buôn hàng ở Hàm Long, Sóc Sải (Bến Tre) đem truyền đơn, cương lĩnh về. Rồi “rủ nhau” làm theo, thành phong trào. Lần hồi nòng cốt cách mạng xuất hiện.

Cách mạng Tháng Tám là cách mạng giành độc lập cho dân tộc. Rõ hơn, là giành lại quyền làm con người, do Cụ Hồ phát động... “Cách mạng của thơ ca” đầy chất lãng mạn. Ai cũng hiểu, đây là việc làm vô cùng cao cả, thiêng liêng...

Suốt 80 năm bị ngoại bang xâm chiếm, có biết bao lời kêu gọi cứu nước, có biết bao cuộc nổi dậy. Từ phong trào Văn Thân của Phan Đình Phùng, thấm sâu vào lòng tự trọng vốn có trong mỗi người dân Việt, Cách mạng Tháng Tám là sự dồn lại, là đỉnh cao trí tuệ của truyền thống quật khởi, do nhân dân, Đảng ta nhen nhúm mà trở thành cao trào.

Quân giặc gian manh, tham tàn, trở lại cướp nước ta một lần nữa. Phong trào quần chúng ở Đồng Phú đang bốc cao bỗng phụt tắt. Con nhà quyền quý có cuộc sống sung sướng, bảnh bao, đua nhau tham gia lập chính quyền. Họ lên mặt, lên mày, tỏ rõ sự hơn hẳn.

Thái độ cửa quyền, quan liêu, với dáng điệu hiên ngang. Giờ... thì… bỏ cuộc, yên ổn, lặng lẽ với cuộc sống gia đình, như chưa bao giờ “cầm gươm, cỡi ngựa”.

Dân thấy lạ hỏi nhau. Dần dà thực tế trả lời: “Họ làm chính trị theo kiểu tài tử. Dễ làm, khó bỏ!” Quần chúng có kẻ độc mồm: “Dân cơ hội, sớm đầu tối đánh ấy mà...! Thích, khoái thì nhảy vào. Hết khoái thì nhảy ra!” Người hiểu biết bảo: “Chống quân thù không cân sức, hành động đó làm sao thắng?”

Ít người biết bọn đó của phe đế quốc, đồng minh, tay sai Pháp, Nhật, Trung Hoa. Bọn theo đóm ăn tàn, thời nào cũng có. Nghệ thuật cách mạng của Đảng ta vô cùng điêu luyện; biết rõ lực lượng này, có cách sử dụng và sử dụng vô cùng khéo léo.

Mục tiêu cách mạng của Đảng: “Độc lập dân tộc, người cày có ruộng”, “... Chuyên chính vô sản” là vũ khí bén nhọn, thường xuyên được tôi luyện.

Đây là sự kỳ diệu, thần thánh của cuộc kháng chiến. Là sự anh minh vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Là nguyên nhân của tất thắng. Là niềm tin và hy vọng.

Đồng Phú địa bàn cách trở, địa hình trống trải bất lợi cho du kích chiến đấu. Song, con người luôn lạc quan, kiên cường đánh địch góp phần vào thắng lợi. Cũng nơi này, nhiều bài thơ, bài hát chưa được học, chưa được đọc... mà ai cũng thuộc.

Thuộc đến bây giờ: “Anh hùng Nam quốc quyết đem thân ra nơi sa trường/ Máu đào đem báo, chém tan quân sài lang...”, “Tuốt gươm thiêng dâng cho nước nhà/ Cứu dân Việt Nam thoát khỏi ách xưa/ Hồ Chí Minh anh hùng bao năm tranh đấu/ Thoát gian nguy trên con đường giải phóng cho dân tộc, lưu danh tiếng nghìn thu... / Hồ Chí Minh muôn năm!/ Hồ Chí Minh muôn năm!/ Hồ Chí Minh làm cho nước Việt Nam quang vinh!”...

Dân chuyên nghiệp sáng tác đáp ứng không thỏa nhu cầu; quần chúng tự “chế tạo”: “Râu ơi... là râu...! Ria ơi... là ria...! Thằng Tây nó bố, ta nhảy xuống đìa, ta vuốt râu chơi...! Ta vuốt râu chơi...!”

Bọn theo Tây đủ loại, ráo riết tìm diệt lực lượng kháng chiến và khủng bố quần chúng ở cù lao. Song, người Đồng Phú vẫn lạc quan; giữ vững ý chí chiến đấu đến lúc quân Pháp
chịu thua.

Tay không “vào hang bắt cọp”

Dù khó khăn, gian khổ, ác liệt đến đâu, dân Đồng Phú không hề trông chờ sự trợ giúp và đã góp phần vào cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Quân Mỹ nhảy vào, khó khăn mới xuất hiện. Lực lượng kháng chiến ở Đồng Phú tiếp tục “biến” vào lòng dân như hòn than hồng tạm thời vùi tro, chờ thời cơ bùng lên. Từ đây, nơi Đồng Phú xuất hiện lời hát ru mới: “À... ơ...! Có lòng dân kẻ địch đui mù/ Tình tang là tiếng mẹ ru...”

Từ năm 1955, ta có “cục than hồng” tên Trần Văn Phùng, “vùi” được trong chính quyền Mỹ- Diệm ở xã Đồng Phú với chức danh cảnh sát trưởng.

Năm 1961, cảnh sát Phùng được quận trưởng Chợ Lách Nguyễn Tri Sơn (quốc tịch Pháp, từng đi lính Pháp) ra lệnh tuyển mộ 15 lính “dân vệ” cho bót Cái Đồng Phú. Cảnh sát Phùng được quận trưởng ngợi khen “tưởng thưởng”.

Vì chỉ sau 20 ngày, đã đủ số lính theo yêu cầu. Hắn nào biết, mình nhận “tô thuốc độc” từ tay dân Đồng Phú đưa vào họng, nuốt ngon lành.

Từ đầu, khi tuyển số lính này, Trần Văn Phùng nhắm vào con cháu cộng sản. Song..., ý đồ của Phùng bị “than hồng” Trần Văn Phối phản đối... Phối phê bình Phùng khinh địch và kế hoạch thay đổi...

“Than hồng” Trần Văn Phối (xóm Rạch Dứa, Đồng Phú) “mai phục” từ năm 1948. Ông chuyên dạy đờn ca. Cái thời lúa một mùa, thanh niên rảnh rang vui chơi chờ thu hoạch. Họ đến nhà anh để nghe và học đờn ca. Từ đây, anh có đội văn nghệ mạnh, thường xuyên giao lưu, hội diễn và nhiều lần đạt giải.

Khi Trần Văn Phùng muốn đưa thân nhân cộng sản vào làm lính dân vệ thì Trần Văn Phối không đồng ý, cương quyết thay đổi bằng đội văn nghệ đã “tập dượt” kịch bản “vào hang bắt cọp”.

Chờ thời cơ diễn... Đêm 7 rạng 8/4/1961, cảnh sát Phùng, vợ chồng Phối cùng đội văn nghệ “biểu diễn” kịch bản “Tay không vào hang bắt cọp”. Diệt ác ôn mà không nổ phát súng nào.

Thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Liền sau đó, ta đưa thân nhân “lính” đến gặp quận trưởng Chợ Lách “đấu tranh”. Nguyễn Tri Sơn an ủi thân nhân những người “lính dân vệ”: “...

Nên tự hào, vì đã hy sinh cho chính nghĩa quốc gia”. Bọn chúng phát 600đ cho mỗi gia đình và bảo: “Đây là lương 20 ngày của tháng thứ 2”.

Họ còn bảo: “Dân vệ không có tiền tử”. Rõ ràng đến giây phút này, kẻ thù chưa nhận ra kịch bản của ta sáng tác, biểu diễn hay cỡ nào!

Vũ khí thu được ta nộp về trên. Chỉ giữ lại 2 khẩu súng trường, một vài quả lựu đạn. Quân dụng như máy phát điện, ghe máy, cả máy truyền tin, cũng không giữ lại.

Lần đầu tay không hạ đồn giặc. Khỏi phải nói cũng biết khí thế cách mạng sau thắng lợi này. Nghệ thuật này trở thành “thương hiệu” của dân Đồng Phú.

Bởi ở Đồng Phú, bằng tay không hạ đồn giặc thêm 3 lần nữa. Nổi bật là mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, toàn xã không còn bóng giặc.

Các anh trai làng trong đội văn nghệ xã Đồng Phú, chưa hề biết “cung tên ná nỏ” xông pha trận mạc. Lần đầu tiên theo cách mạng và mới 50 ngày họ đã lập công giòn giã.

Mừng không tả hết. Song, trong các anh có người không hài lòng... Vì muốn giữ hết chiến lợi phẩm để xây dựng lực lượng chiến đấu xã nhà. “Không hài lòng” là tất nhiên.

Bởi từ bé họ đã mang tính riêng tư. Biểu hiện này nhanh chóng biến mất, nhờ giáo dục. Đồng thời qua tình yêu đại cuộc của mọi người, sự yếu kém biến mất.

Trần Văn Phối, Nguyễn Văn Sáng là 2 nhân vật “trường kỳ mai phục”, trực tiếp điều khiển thực hiện kịch bản “tay không vào hang bắt cọp”.

Mở đầu phong trào giết giặc ở Đồng Phú, họ luôn thể hiện tính kiên cường, sáng tạo trước quần chúng, trước quân thù; nhen nhúm, giữ gìn ngọn lửa cách mạng. Họ được nhân dân xã nhà kính phục, thờ trong ngôi “Thần tượng miếu”, quanh năm khói hương nghi ngút.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)

NGUYỄN HỒNG TÂM