Vui buồn cùng dòng sông

Cập nhật, 06:14, Thứ Bảy, 16/02/2019 (GMT+7)

Lâu lắm tôi mới có dịp về thăm lại quê mình là cù lao Dài vào đầu tháng 5/2018 (nay là 2 xã Quới Thiện và Thanh Bình). Niềm vui tràn ngập đầu tiên là thấy bộ mặt các xã đổi mới khang trang.

Nhà tường nhiều, đặc biệt có nhiều ngôi biệt thự xinh xắn lại không thấy nhà ở là nhà lá xập xệ. Điện lưới quốc gia và trường học đều khắp, có trạm y tế, nhiều quán xá và điểm thu mua trái cây ven đường. Đường liên xã được cán đá thỉnh thoảng có xe tải nhẹ di chuyển.

Các đường liên ấp có nhiều đoạn tráng xi măng hay trải đá dập dìu xe gắn máy. Các cầu tre lắt lẻo qua các con sông hay rạch lớn đã được thay bằng các con đập hay cầu bê tông kiên cố. Các vườn cây đặc sản nối tiếp nhau trải dài một màu xanh…

Đây là những hình ảnh mới mẻ đáng mừng của một vùng nông thôn đối với nhiều người xa quê, nhất là những người đi xa lâu về như tôi. Nhưng, đâu đó cũng có những hình ảnh khiến người xa quê phải băn khoăn…

Khác với ngày trước, hệ thống đê bao kết hợp giao thông và ngăn mặn đã khóa hết các vàm rạch lớn nhỏ- thay vì là các cống mở- khiến người dân không còn mặn mà với các phương tiện thủy có từ bao đời của xứ cù lao này là xuồng ghe.

Có hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện, họ sớm thay thế các phương tiện đó bằng các loại xe gắn máy và xe tải nhẹ.

Tuy giá cả chuyên chở người và nông sản có cao hơn, nhưng cái được ở thời đại số này là nhanh và không lệ thuộc vào giờ giấc hay con nước lớn ròng là một yếu điểm truyền đời của xứ cù lao.

Chính vì vậy các chuyến tàu đò lớn nhỏ đi đến các thành phố như Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre hay đến các huyện lỵ và thị tứ xung quanh như Vũng Liêm, Cái Nhum (Vĩnh Long), Mỏ Cày, Thơm, Bang Tra, Cái Mơn, Chợ Lách (Bến Tre) ngày trước hoạt động nhộn nhịp nay hầu như vắng bóng.

Dòng sông đậm phù sa cho cây cỏ đơm hoa kết trái. Ảnh: VINH HIỂN
Dòng sông đậm phù sa cho cây cỏ đơm hoa kết trái. Ảnh: VINH HIỂN

Nhưng nỗi băn khoăn của người xa quê không hẳn từ dòng sông ngày càng ít đi bóng dáng các ghe tàu, bởi đó là tình hình gần như rất chung ở các địa phương vùng này khi các phương tiện thủy chưa được nhiều người chú ý sử dụng trong luân chuyển nhằm giúp giảm một phần giá cả hàng hóa, trong đó có nông sản là một trong các thế mạnh của xứ cù lao, mà băn khoăn chính là các sự việc ẩn chứa trong lòng các sông rạch nơi đây có nguyên nhân sâu xa từ con người.

Trước khi đến cù lao Dài từ bến phà Chánh An (xã Quới An- Vũng Liêm), chiếc phà đưa khách đi ngang cù lao Thanh Long- một cù lao nhỏ ngày xưa có nhiều vườn cây ăn trái nay được thay bằng nhiều hồ nuôi cá tra công nghiệp. Hôm tôi đi qua nơi này, có một hồ cá đang được làm vệ sinh đáy hồ.

Có lẽ họ vừa thu hoạch xong một lứa cá. Mừng vì dân ta dần có cách làm ăn lớn nhưng buồn cho dòng sông là nước bẩn đáy hồ đục ngầu được bơm thẳng ra sông cái- là một nhánh của sông Tiền- khiến nhiều người thắc mắc họ làm vệ sinh đáy hồ đã như thế còn khi thay nước hồ cá có xử lý gì không trước khi trả nước về sông?

Trách sao đây khi nhiều kiểu sản xuất khác dọc dòng sông này cũng làm như thế (?) và do dòng sông có chế độ bán nhật triều nên nước thải chắc là không được đẩy đi xa.

Có lẽ đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến nước của sông cái cung cấp nước cho cù lao Dài không còn lành như ngày trước. Phải chăng vì vậy cảnh con trẻ vui đùa trong làn nước mát mỗi con nước lớn vào ban trưa ít được thấy. Nghe nói ở đây đã phải xử lý nước cho sinh hoạt và dùng nước máy!

Lần tôi về lại cù lao, buổi sáng hôm đó con sông Rạch Vọp trước nhà nước đang ròng bỏ bãi rất xa nhưng không còn thấy các hình ảnh quen thuộc là các xuồng nhỏ mải miết tung chài, cũng chẳng thấy ai đi đãi hến hay xúc cá, hỏi ra mới biết các sông rạch còn rất ít cá tôm nên ít người đánh bắt.

Khi đi thăm người quen, thấy các mương vườn không còn cảnh giữ một ít nước rồi cắm chà nhử cá tôm như ngày trước thì được biết do thâm canh vườn cây ăn trái, người ta dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên cá tôm khó sinh sôi, lại còn cảnh lắm kẻ lén dùng dụng cụ điện bắt tôm cá theo kiểu tận diệt, nên các chủ vườn không còn mặn mà với việc bảo tồn tôm cá ngay trong vườn nhà mình…

Dòng sông là nơi để đi về, từ dòng nước đậm phù sa mà dòng sông mang đến cho cây đơm hoa kết trái, cá tôm sinh sôi đem lại sự sống trù phú cho vùng đất cù lao này bao đời qua.

Dòng sông cũng là ký ức yêu thương về một xứ sở yên bình của bao người, có cuộc sống đang dần đi lên theo hướng tích cực từ sự góp phần rất lớn của các dòng sông.

Xin mọi người hãy nghĩ đến việc thay đổi cách sản xuất để chung tay bảo vệ các con sông, trả lại cho nó- tức cho chính con người và mọi sinh vật- một dòng nước lành vốn có!

HỒNG VÂN