Về Côn Đảo, nhớ bác Hai Phạm Hùng

Cập nhật, 10:09, Thứ Bảy, 19/01/2019 (GMT+7)
Đông đúc đại biểu, đoàn viên, thanh niên đến buổi triển lãm chuyên đề về bác Hai Phạm Hùng tại Bảo tàng Côn Đảo.
Đông đúc đại biểu, đoàn viên, thanh niên đến buổi triển lãm chuyên đề về bác Hai Phạm Hùng tại Bảo tàng Côn Đảo.

Hành trình ngược nắng, ngược gió về thăm Côn Đảo vừa kết thúc đã để lại cảm xúc rất đặc biệt với đoàn công tác của tỉnh Vĩnh Long.

Người Vĩnh Long mang “sứ mệnh” giới thiệu với Côn Đảo hình ảnh, tính cách, những đóng góp từ người con của quê hương- cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Và Côn Đảo- nơi bác Hai từng trải qua 11 năm ngục tù, đưa chúng tôi ngược dòng quá khứ để tận mắt chứng kiến những mất mát, đau thương nhưng rất đỗi tự hào, thấm thía bài học vượt qua muôn vàn thử thách, bài học về phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.

Côn Đảo thử thách người chiến sĩ

Bảy mươi sáu tuổi đời, 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó gần 15 năm bị giam cầm trong các nhà tù thực dân, từng bị kết án tử hình nhưng được giảm và bị đày ra Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng vẫn giữ nguyên ý chí kiên định mục tiêu cách mạng dân tộc, của người cộng sản dạ sắt gan đồng.

Năm 1932, đồng chí Phạm Hùng bị đày ra Côn Đảo, bị giam ở Khám số 7, thuộc Banh 1 cùng với nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú khác như Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Lê Đức Thọ,… Hình ảnh của bác Hai được Tô Liên Bửu miêu tả: “Anh cao lớn giữa xà lim bé nhỏ/ Trước quân thù luôn bất khuất hiên ngang/ Thương đồng chí đòn thù thân che đỡ/ Chân cùm gông, tim tỏa sáng lạc quan”.

Thuyết minh viên Tạ Bích Thảo dẫn chúng tôi vào thăm Khám số 7, trong căn phòng nóng bức, ngột ngạt, chỉ xem hình ảnh tái hiện mà không khỏi rợn người bởi gông cùm và những công cụ tra tấn phi nhân tính. Chị Thảo kể, sổ tù đày của đồng chí Phạm Hùng chi chít những dấu chấm đỏ vì tội lấy thân, lưng mình che đỡ đòn roi cho bạn bè, đồng chí- nhất là những người ốm yếu hay bệnh tật.

Chính nhờ các cuộc đấu tranh, đồng chí Phạm Hùng đã lôi kéo được một lực lượng đông đảo tù thường phạm tham gia đấu tranh bảo vệ quyền lợi của tù nhân. Đồng chí Phạm Hùng còn là người đưa ra chủ trương xuất bản tờ “Tiến lên” để cùng với tờ “Ý kiến chung” trở thành tiếng nói đanh thép của những người tù chính trị ở Côn Đảo lúc bấy giờ.

Sau khi được bổ sung vào Chi ủy Chi bộ nhà tù Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, giảm nhẹ khổ sai. Cuộc đấu tranh thắng lợi đã buộc bọn cai ngục phải giải quyết cho tù nhân mỗi tuần được ăn 2 bữa thịt, được nhận thư và bưu kiện của gia đình. Chế độ lao động và sinh hoạt được cải thiện giúp sức khỏe các tù nhân được tăng lên rõ rệt.

Cuối năm 1941, lúc đồng chí Phạm Hùng được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ của đảo, với quyết tâm: Chỉ có đấu tranh mới giành thắng lợi.

Thực hiện khẩu hiệu: “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, nhiều năm trên cương vị là Bí thư Đảo ủy, đồng chí Phạm Hùng đã cùng Chi ủy nhà tù duy trì tổ chức tuyên truyền, học tập lý luận cách mạng, nâng cao trình độ, nhận thức của tù chính trị, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ trung thành, mẫn cán cho Đảng.

Đại tướng Mai Chí Thọ trong bài viết “Phạm Hùng- Con người thép” từng viết: “Ở Côn Đảo, anh luôn luôn là một trong những người dẫn đầu các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Sự gan dạ, sức chịu đựng khủng bố, tính bất khuất nổi tiếng của anh đã làm cho bọn chúa ngục, giám thị phải nể sợ, anh em tù nhân mến phục”.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Côn Đảo được giải phóng, Đoàn phòng thủ đảo do Bí thư Phạm Hùng trực tiếp điều hành để giữ an ninh trên đảo. Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với hơn 2.000 tù chính trị Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng trở về đất liền tiếp tục sự nghiệp cách mạng.

Tự hào thế hệ hôm nay

Bình minh những ngày đầu năm ở Côn Đảo thật đẹp. Hàng cây bàng trăm tuổi nghiêng mình đón nắng. Cầu tàu 914, những dãy nhà tù năm xưa vẫn còn đó. Thật khó tin dưới bầu trời thanh bình này, mặt đất này, hơn 40 năm về trước chỉ có tù nhân và những kẻ coi tù với bao khổ đau và thù hận.

Chúng tôi có mặt ở Bảo tàng Côn Đảo từ sáng sớm để chuẩn bị cho buổi triển lãm chuyên đề: “Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng”. Chị Bùi Thanh Thủy- Trưởng Ban quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng thấp tha thấp thỏm chuẩn bị thật kỹ để giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu về bác Phạm Hùng từ Vĩnh Long mang ra Côn Đảo.

“Dù có giới thiệu hàng chục, hàng trăm lần thì người con Vĩnh Long như tôi vẫn thấy xúc động và tự hào được kể về bác Hai”- chị Thủy chia sẻ. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc lịch sử, gửi gắm một câu chuyện cảm động. Những bức ảnh được nhân viên bảo tàng Côn Đảo nâng niu đến mức phải in đi in lại nhiều lần bởi nhòe màu dù chỉ một góc.

Anh Nguyễn Thiện An đã đến công tác ở C2- Bộ Chỉ huy Quân sự Côn Đảo được 11 tháng. Chăm chú nhìn những bức ảnh và nghe giới thiệu cuộc đời bác Phạm Hùng, anh Thiện An cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến buổi triển lãm thế này. Tôi rất vui và tự hào khi hiểu thêm tấm gương cách mạng của bác Hai Phạm Hùng. Trong môi trường quân đội, tôi sẽ nỗ lực học tập, noi theo tấm gương của bác”.

Côn Đảo yên bình hôm nay, với bao câu chuyện lịch sử khiến thế hệ trẻ tự hào về thế hệ cha anh.
Côn Đảo yên bình hôm nay, với bao câu chuyện lịch sử khiến thế hệ trẻ tự hào về thế hệ cha anh.

Tại buổi triển lãm, ông Nguyễn Anh Nhựt- Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo- cho biết: “Tấm gương sáng ngời, ý chí anh hùng cách mạng của đồng chí Phạm Hùng và những người Việt Nam yêu nước, những chiến sĩ cộng sản ở nhà tù Côn Đảo luôn nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, xứng đáng với sự hy của những anh hùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Buổi triển lãm rất cần và ý nghĩa, giúp công chúng đến tham quan học tập, hun đúc truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau”.

Quá khứ đã khép lại, cánh cửa nhà tù cũng khép lại. Côn Đảo hôm nay đã không còn là “Địa ngục trần gian” mà trở thành một điểm du lịch tâm linh, một trong những Di tích lịch sử quốc gia mà mọi người đến để tận mắt chứng kiến và cảm nhận những đớn đau của hơn 20.000 chiến sĩ yêu nước kiên cường yên nghỉ nơi đây.

Gió nhẹ xào xạc những lá bàng, vỗ về giấc ngủ ngàn đời của những người anh hùng. Câu chuyện lịch sử hôm nay khiến lòng dâng trào niềm tự hào về dân tộc mình, về những người con quê hương mình như bác Hai Phạm Hùng.

Đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- đã nói: “Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là một trong những người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, của dân tộc Việt Nam anh hùng; nhà hoạt động cách mạng kiên trung, lỗi lạc; vị lãnh đạo tài ba, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng đã để lại những tình cảm sâu nặng, lòng kính trọng, khâm phục của đồng chí, đồng bào”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY