Đầu năm ra với Nhà giàn DK1

Kỳ 4: Từ trùng khơi Huyền Trân qua bao la Phúc Tần

Cập nhật, 06:10, Thứ Năm, 31/01/2019 (GMT+7)

Trong hành trình mùa xuân ra với Nhà giàn DK1, đoàn công tác chúng tôi cùng tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam.

Đại tá Nguyễn Quốc Văn thành kính thắp hương tại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam.
Đại tá Nguyễn Quốc Văn thành kính thắp hương tại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam.

Nỗi nhớ không thể nào quên

Bãi cạn Huyền Trân là tên công chúa Huyền Trân- người có công giúp vua Trần mở mang bờ cõi về phía Nam, còn bãi cạn Phúc Tần là tên ông Nguyễn Phúc Tần- người có công giúp nhà Nguyễn mở rộng đất đai ra phía Bắc.

Trên 2 bãi cạn này, có một nhóm 5 nhà giàn. Vậy nên, khi đứng ở nhà giàn này chúng ta có thể nhìn thấy một số nhà giàn khác giữa trùng khơi trời biển mênh mông.

Đứng trầm ngâm ở boong tàu, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh- Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn DK1- bảo rằng: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm, tình bạn, tình đồng chí ở nhà giàn trong những tháng năm gian khổ. Chúng tôi gửi gắm cho nhau rất nhiều niềm tin, đoàn kết cùng vượt qua những lúc khó khăn”.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh kể với chúng tôi, ông đã có 14 năm công tác gắn bó trên các nhà giàn DK1. Ông và các đồng đội đã đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, nhất là khi có áp thấp nhiệt đới, giông bão đi qua.

Điều khiến ông ám ảnh và khó quên chính là cơn bão số 8 năm 1998- một cơn bão mạnh trên cấp 12 tràn qua vùng biển Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam.

Trận cuồng phong, những cơn sóng dữ với đỉnh sóng cao 15-16m, Nhà trạm DK1/6 thuộc cụm Phúc Nguyên bị đổ sập và hất tung 3 đồng chí xuống biển và anh dũng hy sinh.

Thời điểm đó, ông đang làm nhiệm vụ ở một nhà giàn khác chỉ cách DK1/6 vài hải lý, phải căng sức chống chọi quyết liệt với bão.

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh vẫn còn nhớ như in: “Hôm ấy, khoảng 4 giờ kém 15 phút, cơn bão ập tới, tôi còn nhận được điện thoại của anh Chương trao đổi. Anh nói bão tới rồi, nhà giàn sắp đổ xuống biển. Mạnh ơi, tao sắp xa mày rồi…”

Đến đây, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh bỗng xúc động mạnh, giọng chùng xuống, dòng nước mắt chực tuôn trên khuôn mặt rắn rỏi nhưng ông vội đưa tay lau đi.

“Lúc ấy, tôi vẫn tưởng anh thông báo tình hình bên đó thôi. Đâu ngờ anh ấy và các đồng đội đã mãi mãi ra đi”- Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh bồi hồi. Câu nói cuối cùng của đồng đội đã để lại nỗi nhớ suốt đời binh nghiệp của ông, không thể nào quên được!

Những đồng đội của ông là: Đại úy Vũ Quang Chương- Trưởng trạm DK1/6, người đã chỉ huy bộ đội kiên trì bám trụ, bảo vệ nhà trạm đến phút cuối cùng;

Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng- nhân viên ra đa; Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An- nhân viên cơ điện, đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.

Và hôm nay, giữa trùng khơi, biển trời bao la Phúc Tần, những hy sinh quả cảm của các cán bộ, chiến sĩ đã được trân trọng nhắc nhớ.

Đoàn công tác chúng tôi vinh dự tham gia lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam, trong không khí đầy xúc động và thiêng liêng.

Đất nước vẫn mãi gọi tên các anh

Lễ tưởng niệm diễn ra chu đáo, trang nghiêm trên boong tàu Trường Sa 08, tại bãi cạn Phúc Tần (Nhà giàn DK1/2).

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới, theo Đại tá Nguyễn Quốc Văn- Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 1, ngày 5/7/1989, Chính phủ đã ra quyết định về việc xây dựng Cụm kinh tế- khoa học kỹ thuật- dịch vụ tại khu bãi đá ngầm thuộc đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

BCĐ xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là DK1 trực thuộc Chính phủ đã khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng nhiều nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ các cụm nhà giàn DK1, đã có những cán bộ chiến sĩ Hải quân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Trong bài diễn văn đầy xúc động, Đại tá Nguyễn Quốc Văn- Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân, người chủ trì làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ- khẳng định: “Gần 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân gác lại những tình cảm và bao dự định để ra đây làm nhiệm vụ trong điều kiện vô vàn khó khăn, khắc nghiệt. Trong đó, có những người mãi mãi nằm xuống khi đang làm nhiệm vụ, đất nước vẫn mãi gọi tên các anh”.

Đó là cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 (cụm Phúc Tần) khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 năm 1990.

Trong lúc kiên cường chống chọi bão dữ, Thượng úy Trần Hữu Quảng- khi biết mình không còn khả năng chống đỡ đã nhường mảnh phao và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, mong đồng đội có cơ hội trở về với đất mẹ yêu thương- cùng với Thượng úy Trần Văn Là, chiến sĩ Hồ Văn Hiền đã hy sinh trong cơn bão này.

Hay tấm gương của Đại úy Vũ Quang Chương, trước khi rời nhà giàn không nghĩ đến bản thân mình mà lo thu xếp tài liệu, cuốn theo lá cờ đỏ sao vàng mang hình Tổ quốc.

Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Chuẩn úy Nguyễn Văn An vẫn kiên cường bám trụ, bình tĩnh, dũng cảm chống chọi với sóng to, gió lớn đến phút cuối cùng.

Đất nước vẫn gọi tên các anh: Thượng úy Phạm Tảo, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Dương Văn Bắc,… các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng nước đại dương. Và còn nhiều, còn nhiều nữa cả những người may mắn được đồng đội hỗ trợ trở về sau thời gian trôi dạt lênh đênh trên biển, đến nay vẫn kiên trung một lòng bám trụ giữa biển khơi...

Tấm gương của các anh mãi mãi in đậm trong nỗi nhớ thương, sự cảm phục và niềm kiêu hãnh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Đại tá Nguyễn Quốc Văn khẳng định: “Gương hy sinh của đồng đội đã trở thành biểu tượng cao đẹp của người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới. Sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam đã góp phần bồi đắp vững chắc tượng đài chủ quyền vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc”.

Kỳ sau: Giữa đại dương xanh, gửi mùa xuân đến với quê nhà

Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh: Tình bạn, tình đồng chí của chúng tôi trên biển, đặc biệt tình đồng chí trên các nhà giàn là tình thương rất bao la, rất là chia sẻ.

Trong khó khăn, gian khó thì tình cảm, trách nhiệm với tổ quốc, nhân dân càng được thể hiện qua biết bao hy sinh, cống hiến. Với người lính chiến sĩ DK1, chúng tôi đã được giáo dục rất kỹ về đạo đức, tinh thần, ý chí cách mạng và được huấn luyện bản lĩnh rất phi thường để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC