Nhân kỷ niệm 60 năm ngày đấu tranh màu sơn cầu Hiền Lương (9/11/1958- 9/11/2018)

Nhịp cầu oằn nỗi nhớ thương!

Cập nhật, 06:01, Thứ Bảy, 10/11/2018 (GMT+7)

Hiệp định Genève ký kết ngày 20/7/1954 lấy vĩ tuyến 17- Quảng Trị làm giới tuyến tạm thời để tổng tuyển cử vào năm 1956. Thế là cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải trở thành ranh giới phân chia đôi bờ Nam- Bắc.

Song Ngô Đình Diệm không tham gia tổng tuyển cử nên việc chia cắt đất nước kéo dài. Cầu Hiền Lương bị sét gỉ, phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa thông qua Tổ giám sát Quốc tế 76 đề nghị chính quyền Việt Nam cộng hòa sơn lại cầu hoặc mỗi bên sơn một nửa nhưng phải cùng một màu, song Việt Nam cộng hòa không trả lời yêu cầu này.

Cầu Hiền Lương đã từng: “Cách một dòng sông mà đó đây thương nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”.
Cầu Hiền Lương đã từng: “Cách một dòng sông mà đó đây thương nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 9/11/1958, Đội sơn cầu 337 Ty Giao thông Vĩnh Linh gồm 10 người đã sơn toàn bộ cây cầu màu nâu đỏ.

Cuối tháng 12 năm ấy, Việt Nam cộng hòa cho sơn nửa cây cầu phía bờ Nam màu xanh với hàm ý không chịu hòa hợp. Việt Nam Dân chủ cộng hòa cho sơn màu xanh để cầu có màu đồng nhất thì Việt Nam cộng hòa lại sơn nửa cầu phía Nam màu vàng.

Cứ thế, “cuộc chiến màu sơn” luôn diễn ra cho đến năm 1960 mới chịu dừng lại. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, cây cầu Hiền Lương có 2 màu: xanh Bắc, vàng Nam.

Tôi đến Khu di tích giới tuyến đôi bờ Hiền Lương đúng lúc mặt trời treo lơ lửng trên đỉnh đầu. Dưới cái nắng hầm hập và gió Lào ràn rạt nhưng lòng cảm thấy phấn chấn niềm xúc động vô bờ bởi được đặt chân tới vùng đất lịch sử này, dù mình đã từng tới đây nhiều lần trước đó.

Đi quanh các di tích: cầu Hiền Lương, Cột cờ giới tuyến, Đồn Công an Hiền Lương, thăm Nhà trưng bày vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất, trong tôi chợt nhớ tới bộ phim nổi tiếng “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” mà mình đã được xem trong những ngày đất nước ta đang còn tiếng đạn bom tàn khốc.

Tuy lúc ấy còn nhỏ nhưng tôi đã chứng kiến sự tang thương, đau đớn của chiến tranh nên rất thích bộ phim này. Sau này đọc và tìm hiểu, tôi mới biết bộ phim được dàn dựng trên những sự kiện hoàn toàn có thật.

Đó là đầu năm 1965, nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và NSND Hải Ninh cùng nhóm văn nghệ sĩ lên đường vào chiến trường miền Nam.

Trong một đêm ngồi chuyện trò với các chiến sĩ Đồn Công an Cửa Tùng thì có một chị phụ nữ từ bờ Nam sang bờ Bắc công tác liền được các chiến sĩ công an giới thiệu cho các nhà văn, đó chính là chị Diệu- Bí thư chi bộ Gio Linh.

Xuất phát từ chuyện đời thật của chị Diệu, Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh đã viết kịch bản trong 5 năm, lấy tên “Bão tuyến”.

Năm 1972, khởi quay bộ phim, đạo diễn Hải Ninh đổi thành “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”. Ai đã từng xem “ Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” chắc đều nhận thấy là khi anh Thạch- chồng chị Dịu tập kết ra Bắc, chị (kịch bản đổi tên để lệch âm) ở lại bờ Nam sông Bến Hải hoạt động cách mạng.

Viên sĩ quan ngụy Trần Sùng (tên thật Trần Sung) khét tiếng gian ác kéo quân càn quét, phá phách làng mạc, xóm thôn, bắn giết đồng bào, chống phá đến cùng phong trào cách mạng nơi đây.

Sau khi bác Thuận- Bí thư chi bộ- hy sinh, chị Dịu thay bác làm bí thư, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị, nhiều lần bị Trần Sùng bắt bớ, giam cầm, song ngọn lửa thiết tha yêu nước trong chị Dịu và nhân dân vẫn tiếp tục bùng cháy dữ dội và cũng chính ngọn lửa hừng hực ấy đã thiêu đốt tên lưới trưởng tình báo mang cấp hàm trung úy Trần Sùng.

Năm 1973, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” tham dự Liên hoan phim quốc tế Moscow, giải vàng đã được trao cho nữ diễn viên, NSND Trà Giang trong vai Dịu. Đây là kịch bản sử thi kinh điển, mở đầu cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Cột cờ giới tuyến ở bờ Bắc sông Bến Hải.
Cột cờ giới tuyến ở bờ Bắc sông Bến Hải.

Thật ra, bộ phim 2 tập này chỉ là một lát cắt của phong trào cách mạng tại bờ Nam sông Bến Hải, bởi trong cơn lốc của bộ máy đàn áp dã man của chế độ tay sai, niềm khát khao độc lập, tự do đã biến hàng ngàn con người yêu nước chân chính nơi đây trở thành những bài ca bi tráng.

Sau đòn sấm sét của quân, dân ta dội xuống Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải, Quảng Trị) làm phân định giới tuyến quân sự Bắc- Nam tạm thời.

Quân đội liên hiệp thực dân Pháp phải rút toàn bộ về phía Nam sông Bến Hải, còn những người hoạt động cách mạng phải tập kết về phía Bắc.

Từ ngày 21/2/1955, quy chế hoạt động tại giới tuyến được đưa ra, đặt dưới sự giám sát của Tổ quốc tế 76 thuộc Ủy ban quốc tế gồm Ba Lan, Canada và Ấn Độ. Đây là khu phi quân sự chừng 1,6km2 về mỗi bên bờ sông Bến Hải.

Giới tuyến được tính từ biên giới Việt- Lào cho đến bờ biển Đông. Theo Hiệp định Genève, đây là giới tuyến tạm thời, không có ý nghĩa về lãnh thổ hay chính trị, chuẩn bị cho việc tổng tuyển cử, thống nhất đất nước vào năm 1956.

Do được quan thầy phía Hoa Kỳ xúi giục, Ngô Đình Diệm- Tổng thống Việt Nam cộng hòa tiếp tục hiếu chiến, không tham gia tổng tuyển cử và từ đó dòng Bến Hải trong xanh, êm đềm chạy dọc vĩ tuyến 17 trở thành nơi xẻ đôi đất nước, chia lìa anh em, vợ con… bởi người Nam, kẻ Bắc.

Nỗi đau ấy luôn nhức nhối tim gan bao người. Bên bờ Nam sông Bến Hải, kẻ thù ngày đêm lùng sục, bắt bớ, tra tấn những người con như chị Diệu, chúng luôn dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để đè bẹp ý chí những phụ nữ có chồng tập kết ra Bắc, buộc họ phải ly khai với cộng sản, tìm kiếm, phá vỡ các cơ sở cách mạng.

Cầu Hiền Lương phía bờ Bắc (từ thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh) qua sông Bến Hải tới bờ Nam (thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị) tuy được nối nhịp nhưng bao người lại phải cách xa.

Trước sức mạnh như vũ bão của bạo lực cách mạng, tháng 10/1967, lá cờ của chế độ Việt Nam cộng hòa ở giới tuyến chia cắt bị xóa bỏ. Đến tháng 6/1969, bờ Nam sông Bến Hải được chính quyền cách mạng kiểm soát hoàn toàn.

Cây cầu Hiền Lương lịch sử là biểu tượng về khí phách kiên cường, bất khuất của dân tộc ta giữa chính nghĩa với phi nghĩa, giữa ánh sáng với bóng tối, giữa cái thiện với cái ác triền miên trong suốt 21 năm ròng rã, đầy bi tráng mà hào hùng và trở thành cây cầu huyền thoại về chủ nghĩa yêu nước.

Tôi chuẩn bị hành hương về Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 để thắp hương các anh linh liệt sĩ thì từ phía nhà của Ban quản lý Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương vút lên câu hát quen thuộc: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê…” nghe đến nao lòng như níu kéo tôi ở lại với mảnh đất này chút nữa!

Bài, ảnh: THÁI MỸ