"Thà chết không được đầu hàng nghe con!"

Kỳ cuối: Giọt nước mắt ngày hòa bình

Cập nhật, 10:49, Thứ Sáu, 27/07/2018 (GMT+7)

Men theo con đường nhỏ ôm những làng gạch gốm, chúng tôi đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Chính (ấp Bình Hòa 1, xã Hòa Tịnh- Mang Thít). Con kinh Ngọn Chuối thổi gió vào lồng lộng, mát mẻ, bao la như lòng mẹ.

Cũng trên con kinh này, một thời má Chính chèo chống nuôi con, hoạt động cách mạng và cho các con theo cách mạng. Bao nhiêu giọt nước mắt, mồ hôi xương máu đã đổ xuống mảnh đất này đổi lấy độc lập, tự do.

Mần heo tiễn con theo cách mạng

Má Chính năm nay 88 tuổi, mừng vì ở tuổi này má vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Má cười vui khoe: “Má hổng có lảng tai đâu nghe, tụi con nói nhỏ xíu cũng nghe à. Mắt má tỏ, hổng cần đeo kiếng mà coi vô tuyến rõ mồn một”. Và những câu chuyện về chồng, về con dĩ nhiên má Chính không thể nào quên...

Các con quây quần vui vẻ bên má Chính.
Các con quây quần vui vẻ bên má Chính.

Má Chính nói thời chiến tranh, vùng này còn rất hoang sơ, vắng vẻ không có đường đi. “Muốn ra lộ lớn phải chèo tam bản, đi cầu khỉ hay đi đường bờ ranh chứ đâu có đường đan nên mấy con đi học lội về gặp mưa là ướt, sình lầy lắm luôn.

Rồi Tây ruồng bố, lính ruồng bố, đạn bắn như mưa bấc, phải chịu trận trốn trong lò gạch 3- 4 ngày mới êm”. Má cười phúc hậu: “Giờ đường sá xe chạy ngon ơ, con cháu đi lại dễ dàng. Cuộc sống yên bình, vui làm sao các con hé!”

Ngày xưa ấy không phải đã quá xa xôi, thời chiến tranh loạn lạc cũng chỉ mới mấy mươi năm thôi. Tết Mậu Thân, cả miền Nam sôi sục khí thế tiến công, con trai thứ hai của má là Đặng Văn Hồng xin đi theo tiếng gọi Tổ quốc.

Gia đình má dù nghèo lắm, nhưng vẫn “mần liền con heo thịt hơn 50 ký” và gói mấy chục đòn bánh tét để tiếp lương thực cho bộ đội, “hôm nó đi là mùng 2 tết”.

Cái năm Mậu Thân dữ dội ấy, lính nhảy dù đổ quân trước nhà, máy bay địch bỏ bom biệt kích ầm ầm, bom nổ thì “phá banh hơn nửa công đất”, “đạn bắn như mưa bấc”.

Chiều ngày 24/7, má Chính nhận hung tin con hy sinh khi đụng trận ở Ngã ba Nước Lạnh với địch. “Lúc đó má nghe tin con hy sinh khi đang chèo ghe đưa các con đi tản cư Mỹ An. Nghe mà muốn buông tay chèo.

Đau lắm, dù tay run, bủn rủn hết nhưng vẫn ráng chèo về. Lúc đó gặp “đầm già” (trực thăng) trên đầu nhưng vẫn chèo xiết xiết về. Vậy mà về tới thì đồng đội đã chôn con rồi”- má Chính bồi hồi…

Người con trai thứ tư, thứ năm nối gót anh Hai Hồng lên đường tham gia kháng chiến, má Chính “rối ruột rối gan” nhưng cũng dằn lòng tiễn con đi.

Theo cách mạng năm 1973 thì đến năm 1974, chú Đặng Văn Huynh bị lính bắn chết khi đang bị thương trong cứ. Má Chính còn nhớ như in ngày bắt được tên giết con mình, cách mạng cho má toàn quyền quyết định sinh mạng tên đó.

Má nói: “Dù sao con tui cũng chết rồi, cho nó cơ hội chuộc tội, đừng bỏ tù bỏ gạt nó mần chi”, kèm sau đó là tiếng vỗ tay của anh em về “tấm lòng má rộng vô cùng”.

Ngày hòa bình, người người nhà nhà đón con về. Má Chính có 2 người con hy sinh, còn “thằng Tư, thằng Sáu còn mạnh khỏe thì đi luôn sang Campuchia đánh Pol Pot”. Giọt nước mắt má lặng lẽ rơi “má khóc vì mừng vui quá, không biết nói sao cho hết. Khóc vì nhớ khúc ruột má sinh ra đã ra đi mãi không về”.

Má nhớ “thằng Hai thương mẹ vất vả, tảo tần nên mới 13- 14 tuổi đã cùng gánh vác làm ruộng, cùng mẹ đi làm gạch in để kiếm tiền lo cho đàn em. Nhớ thằng Năm kỹ lưỡng dữ thần, quần áo xếp thẳng ran.

Đi đánh giặc mà bữa nào tình hình êm êm tối về thăm mẹ, thăm em là tranh thủ đem nồi niêu xoong chảo ra chùi trắng tinh. Về là quăng lưới bắt cá, cá lớn đưa má bán, cá nhỏ để dành nhà ăn”.

Một thời gánh gạo, chèo ghe

Khi chúng tôi hỏi về “Huân chương kháng chiến hạng nhì” đang treo trên vách của má, thì má Chính mới bắt đầu kể về mình.

Má Chính mồ côi cả cha lẫn mẹ, 14 tuổi vào hội phụ nữ xã và đến năm 18 tuổi có chồng là ông Đặng Văn Hoàng. “Mới hơn 30 tuổi, ổng bị bệnh, không đi được, phải điều trị mấy năm mới phục hồi nhưng sức khỏe yếu, không làm việc nặng được, ít năm sau thì ông mất”- má Chính kể.

Có mấy công lúa mùa không đủ nuôi con, má Chính làm đủ thứ nghề, từ làm gạch ngói thuê đến chèo ghe sang tận miệt đồng Tháp làm hàng xáo “buôn bán gạo”.

Rồi lại có những năm chèo ghe xuống tận chợ nổi Trà Ôn lấy đồ rẫy về buôn bán dọc đường,... Má không nhớ mình cực nhọc thế nào, chỉ nhớ lúc đó mệt cũng nhủ thầm “mình không mần, con mình lấy gì ăn, lấy gì đi học”.

Má Chính sinh 10 người con, 2 chú hy sinh, còn 3 cô chú thì bệnh mất lúc nhỏ, 5 người con còn lại là sự bù đắp rất ngọt ngào cho những mất mát đớn đau. Hiện các cô chú nối tiếp truyền thống của gia đình, đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương.

Má Chính đang sống cùng người con út làm kinh tế vườn, các cháu học hành chăm ngoan, siêng năng lễ phép.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh- con dâu Út của má Chính- xuýt xoa: “Mấy năm nay chân má yếu, đi đâu phải đẩy xe lăn. Lúc còn khỏe, má theo đoàn từ thiện cả tuần, nửa tháng. Xóm có người nghèo, sẵn tiền trong túi, má cho.

Má hay ra chùa nấu cơm từ thiện”... Nắm bàn tay nhăn nheo của má chồng, con dâu thứ mười- cô Nguyễn Thị Điệp tiếp lời: “Nhà có đám tiệc, má gọi điện hỏi từng đứa con, đứa cháu muốn ăn gì, má nấu. Tụi nhỏ thương bà nội, bà ngoại lắm!”

Bài, ảnh: NHÓM PV VĂN HÓA