Giáo sư Phan Huy Lê- nhà sử học giàu tâm huyết

Cập nhật, 12:00, Thứ Bảy, 30/06/2018 (GMT+7)

Được tin bất ngờ GS. Phan Huy Lê đi xa, dù báo chí có thông báo, nhưng lòng tôi cứ chập chờn như trong giấc mơ, không tin đó là sự thật. Thế là đất nước ta mất một tài năng, nhà sử học lớn rất giàu tâm huyết, một cây đại thụ với kiến thức sâu rộng, uyên bác, dễ gần gũi, chan hòa.

Thầy Phan Huy Lê (bên phải) cùng tác giả Nguyễn Chiến Thắng tại Vĩnh Long ngày 29/5/2017.
Thầy Phan Huy Lê (bên phải) cùng tác giả Nguyễn Chiến Thắng tại Vĩnh Long ngày 29/5/2017.

Ở tuổi 84, sức làm việc cật lực, GS Phan Huy Lê đã để lại hơn 50 công trình, đặc biệt là công trình “Vùng đất Nam Bộ quá trình hình thành và phát triển”. Lần đầu tiên Nam Bộ có bộ lịch sử dày 12 tập với hàng ngàn trang.

Tiếp theo công trình đồ sộ cấp quốc gia “Lịch sử Việt Nam” dày 30 tập đã huy động hàng trăm nhà khoa học biên soạn nhiều năm đến nay thành văn bản thông qua lần đầu. Đây là bộ quốc sử quy mô lớn từ trước đến nay mà GS Phan Huy Lê huy động lực lượng và tập trung công sức chỉ đạo và đây là công trình ước mơ cuối đời còn dang dở.

Truyền thống tự hào

Tôi biết thầy Phan Huy Lê từ năm 1978. Suốt 2 năm bồi dưỡng chính trị, thầy trực tiếp bồi dưỡng kiến thức lịch sử, ở Hà Nội vào ban đêm từ 7 giờ đến 9 giờ tối thứ năm hàng tuần. Trong hoàn cảnh chiến tranh trước đây, việc học của tôi nhiều lần bị gián đoạn.

Nay được chăm bồi có hệ thống, lớp học đa số là học viên miền Nam, ai nấy vô cùng phấn khởi. Ngay từ buổi đầu, thầy Phan Huy Lê đã nói: “Được phục vụ các đồng chí là niềm vinh hạnh.

Các đồng chí đa số ở miền Nam chiến đấu gian khổ, nước nhà thống nhất chúng ta mới hội ngộ tại lớp học lịch sử này. Chúng ta cố gắng hoàn thành tốt chương trình khóa học, đó cũng là niềm vui và mức phấn đấu của chúng ta”.

Suốt khóa học, dù là khi trời hè oi bức hoặc khi mùa đông giá rét, mưa dầm, thầy đều đặn đến đúng giờ, bất kể sự khắc nghiệt của thời tiết.

Trong giảng dạy, thầy nói chậm, dễ nghe, dễ hiểu, đặc biệt là từ trong tim nói ra chứ không có giáo trình, giáo án, nêu những sự kiện, sự việc, nêu cả con số cụ thể thầy như thuộc lòng tự bao giờ; làm cho việc chăm chú lắng nghe càng hấp dẫn. Cuối một giai đoạn lịch sử, thầy ôn lại; đến cuối khóa, thầy gom lại những vấn đề trọng yếu, hệ thống vấn đề để dễ nhớ.

Học lịch sử và học chính trị, cả hai bổ sung cho nhau về kiến thức, là chiếc chìa khóa để mở mang tầm nhìn.

Năm 1986, học Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đổi mới đất nước, tôi có dịp gặp lại thầy Phan Huy Lê giảng bài: Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam. Thầy giảng một ngày rưỡi, nhờ có tiếp thu hệ thống lịch sử trước đây đầy đủ, từ đó việc nhận thức qua báo cáo bài giảng của thầy nên ai nấy hiểu biết được thuận lợi và phấn khởi tự hào về truyền thống dân tộc ta, đất nước ta.

Còn nhớ câu nói dẫn chứng đặc biệt của thầy là lịch sử nước ta trải qua hàng ngàn năm, gặp vô vàn khó khăn do đặc điểm nước ta ở cạnh một nước lớn đầy tham vọng quyền lực, nên ông bà ta trước đây cũng như Đảng ta sau này khôn khéo có sách lược, chiến lược trong ngoại giao đối xử phù hợp để bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Nước ta lớn lên từ đấu tranh, giữ gìn bờ cõi cùng đấu tranh. Truyền thống yêu nước sáng tạo chính là bản lĩnh của dân tộc ta đáng tự hào.

Vấn đề nhận thức

Do chiến tranh và lịch sử để lại, tỉnh Vĩnh Long sau giải phóng còn nhiều vướng mắc về nhận thức lịch sử. Tại Khu di tích lịch sử văn hóa Văn Thánh miếu được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch cấp quốc gia, di tích có nhiều hạng mục công trình có liên quan đến cụ Phan Thanh Giản và là nơi hàng năm dân đến tưởng niệm.

Nhưng, việc đánh giá về cụ Phan có nhiều ý kiến khác nhau, từ đó có nhiều câu hỏi đặt ra cần suy xét cụ thể khoa học khách quan để dân yên tâm đến chiêm ngưỡng. Đây là trách nhiệm của người làm công tác tư tưởng và công tác văn hóa?

Tôi gặp thầy Phan Huy Lê đề nghị tỉnh Vĩnh Long và Hội Khoa học lịch sử Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về cụ Phan Thanh Giản.

Thầy Phan Huy Lê như người chiến sĩ xung kích nhận lời. Sau gần một năm chuẩn bị, ngày 24/11/1994, cuộc hội thảo tại Vĩnh Long với trên 60 bản tham luận của các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh và Hội Khoa học lịch sử Trung ương tham dự. Việc thảo luận suốt một ngày rưỡi kết quả chỉ ở chừng mực mức độ.

Trong kết luận, GS Phan Huy Lê nói: “Lịch sử là một khoa học mà nhận thức về đối tượng của nó là một quá trình tiến dần đến chân lý. Cuộc hội thảo của chúng ta đánh dấu một bước mới trong nhận thức và đánh giá về Phan Thanh Giản, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và tham luận”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo dõi và có ý kiến: “Cụ Phan Thanh Giản là nhân vật lịch sử của Nam Bộ và của cả nước chớ không riêng tỉnh nào. Vì vậy vấn đề lịch sử cần làm sáng tỏ là trách nhiệm của chúng ta”. Từ đó rồi tiếp tục các cuộc hội thảo lần thứ hai, thứ ba,… tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Một lần hội thảo làm sáng tỏ thêm một số vấn đề trên cơ sở nguồn tư liệu trong nước và nước ngoài kết hợp, GS Phan Huy Lê đích thân nhiều lần đến quê quán, nơi làm việc, nơi nhân dân thờ phượng Phan Thanh Giản… tìm hiểu.

Đến nay đã có nhiều đầu sách sản phẩm của kết quả nhiều cuộc hội thảo cũng như sách báo đánh giá phẩm bình tìm ra chân lý khách quan về Phan Thanh Giản làm cơ sở cho việc nhận thức được phù hợp.

Kết quả, tại Văn Thánh miếu- di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Vĩnh Long- dân yên tâm đến chiêm ngưỡng ngày càng đông hơn. Tỉnh Tiền Giang có đường mới mang tên Phan Thanh Giản tại TP Mỹ Tho.

Tỉnh Bến Tre xây dựng trường PTTH mang tên cụ và phần mộ cụ được tu bổ trang trọng (ở huyện Ba Tri). Đó là quá trình nhiều năm góp phần của GS Phan Huy Lê để sự đánh giá về Phan Thanh Giản đến nay không còn khoảng cách lớn.

Vốn quý cầu khai thác

GS Phan Huy Lê rất quan tâm đến vấn đề lịch sử truyền thống của địa phương. Như thầy từng nói, lịch sử bao giờ cũng tạo nên bằng công lao, xương máu, đặc biệt ở miền Nam, ở Vĩnh Long qua 2 cuộc kháng chiến, cần khai thác vốn quý báu đó, có tiền bạc nào trị giá được so với lịch sử.

Cái gốc là cần có bộ máy, có con người yêu nghề, đam mê với nghề mới tổ chức thực hiện. Hàng năm, GS Phan Huy Lê tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn những cán bộ làm sử ở địa phương.

Nhờ vậy, Vĩnh Long đến nay có Hội khoa học lịch sử tỉnh với hàng trăm hội viên hội lịch sử, trong đó có 20 hội viên Hội Khoa học lịch sử Trung ương yêu ngành, yêu nghề.

Vừa qua, GS Phan Huy Lê cùng Hội Khoa học lịch sử tổ chức mở lớp tập huấn cho các tỉnh ĐBSCL bồi dưỡng nghiệp vụ và phổ biến một số vấn đề quan điểm về nhận thức mới về lịch sử.

Đối với tỉnh Vĩnh Long, GS Phan Huy Lê còn gặp các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy bày tỏ những khó khăn về kinh phí và trụ sở hoạt động của hội, tạo điều kiện giúp cho hội có điều kiện hoạt động tốt hơn góp phần sớm khai thác vốn quý của lịch sử tỉnh nhà.

GS Phan Huy Lê không còn nữa, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng trái tim nồng nhiệt của thầy sẽ truyền thụ lại cho lớp trẻ mà từ lâu thầy quan tâm chăm sóc, ước mơ của thầy sẽ được kế thừa và phát triển.

Xin thầy yên tâm nơi cõi vĩnh hằng.

 NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam