Ấm áp tình quê nơi "chợ nổi miền Tây" giữa lòng Sài Gòn

Cập nhật, 05:26, Chủ Nhật, 03/06/2018 (GMT+7)

Mỗi lúc đặt chân đến khu “chợ nổi” giữa lòng Sài Gòn, những người con “đất chín rồng” đang sinh sống, học tập, lao động xa quê luôn cảm thấy như được trở về quê hương, xứ sở khi được nhìn thấy những hình ảnh hết sức thân thương, bình dị và quá đỗi thân quen.

Ở đây, khi nhắc đến “thương hồ” miền Tây ở dòng kinh Tẻ Sài Gòn cũng là nói về câu chuyện tình quê, tình người ấm áp ở khu chợ nổi độc nhất vô nhị giữa chốn phố thị phồn hoa…

Hoạt động mua bán luôn diễn ra nhộn nhịp ở khu chợ nổi Kinh Tẻ.
Hoạt động mua bán luôn diễn ra nhộn nhịp ở khu chợ nổi Kinh Tẻ.

Gặp “miền Tây” ở Sài thành

Được biết đến như một không gian mang đậm chất miền Tây Nam Bộ giữa lòng Sài Gòn, “chợ” nổi trên dòng kinh Tẻ Sài Gòn không chỉ bày bán nhiều mặt hàng trái cây nổi tiếng của vùng đất cửu long mà còn là chốn dừng chân để những người con xa xứ tìm về ký ức của cố hương ngay trên đất khách quê người. 

Chính vì nét đặc sắc này mà khi được hỏi chợ nổi miền Tây ở đâu, dường như ngay lập tức những người am tường ở đất Sài thành đã chỉ ngay đến khu chợ được họp ven dòng kinh Tẻ (đường Trần Xuân Soạn, Quận 7- TP Hồ Chí Minh).

Chợ nổi Kinh Tẻ được xem là một trong những chợ đầu mối trái cây lớn ở TP Hồ Chí Minh. Ở đây cung cấp số lượng lớn các loại trái cây đặc sản miệt vườn miền Tây Nam Bộ cho cư dân phố thị, cũng như sẵn sàng bán lẻ cho khách hàng khi có nhu cầu.

Theo lời kể của những “thương hồ” ở đây thì chợ nổi Kinh Tẻ đã có từ lâu và nhộn nhịp hơn sau khi chợ đầu mối Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh di dời.

Cứ vào khoảng 4 giờ sáng hàng ngày, chợ nổi Kinh Tẻ bắt đầu nhộn nhịp người và phương tiện vào ra lấy hàng. “Nơi đây là địa chỉ cho những người mua bán trái cây như chúng tôi lấy hàng giá rẻ.

Thời điểm nhộn nhịp nhất của chợ này luôn là vào lúc sáng sớm và chiều tối”- chị Đặng Thị Mai (quê Nam Định, kinh doanh trái cây dạo ở khu vực Quận 1- TP Hồ Chí Minh)- chia sẻ .

“Ủa, biển số xe 64 nè, chú quê Vĩnh Long hả?”- giọng đặc sệt miền Tây từ một ông chú dân miền Tây chính hiệu làm tôi cảm thấy hết sức gần gũi và thân quen khi vừa đỗ xe cạnh một ghe buôn bên bờ kinh Tẻ.

Nói rồi, “ông chú” này giới thiệu mình tên Hòa (50 tuổi, quê ở Cái Bè- Tiền Giang) và đã có hơn 10 năm gắn bó với chợ nổi giữa Sài thành.

Chú cho biết trước kia mình buôn bán ở chợ nổi Cái Bè với các mặt hàng nông sản. Về sau được em vợ (vợ chú là người Vĩnh Long, có lẽ vì vậy mà chú có ấn tượng với biển số xe 64 đến vậy) mời gọi lên Sài Gòn buôn bán trái cây nên chú vay mượn từ họ hàng thân quen số vốn rồi xuôi dòng đến dòng kinh Tẻ Sài Gòn để tiếp tục nghiệp “thương hồ”.

“Những ghe buôn ở đây đều là dân miền Tây chánh hiệu hết à nha! Mà kể ra cũng hơi ngộ đời vì chuyện gặp người miền Tây ở thành phố không phải là cái gì đó lạ lẫm, nhưng mỗi lần gặp người miền Tây, người xứ mình ở trên này thì ấm lòng lắm, muốn bắt chuyện với họ ngay thôi!”- Chú Hòa thật thà chia sẻ.

Còn theo lời kể của những tiểu thương khác thì mặt hàng chủ yếu được kinh doanh ở khu vực chợ nổi Kinh Tẻ này chính là trái cây. Đa số những tiểu thương là những thương lái, họ thu mua các mặt hàng trái cây được cho là đặc sản từ miệt vườn miền Tây lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng cách kinh doanh sản vật quê nhà.

Kể về câu chuyện bén duyên với khu chợ nổi đặc biệt giữa lòng thành phố này, cô Nguyễn Thị Tám (43 tuổi, quê Trà Ôn- Vĩnh Long) cho biết trước kia cô cũng từng là thương lái chuyên thu mua nông sản rồi buôn bán ở chợ nổi quê mình.

Về sau, do bạn hàng rủ lên Sài Gòn buôn bán vì lợi nhuận tốt hơn nên cô đã quyết định gắn bó với dòng kinh Tẻ từ đó và đến nay cũng đã hơn 10 năm.

Theo cô Tám, sản phẩm của chợ chủ yếu là những loại trái cây trồng nhiều ở miền Tây quê mình như: dừa, chuối, mít, đu đủ,… Cũng có những loại kinh doanh theo mùa như: chôm chôm, nhãn, sầu riêng… Mùa nào thì trái nấy.

Cũng có những loại trái thành danh ở mỗi địa phương như sầu riêng Cái Mơn (Bến Tre), bưởi da xanh, bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), quýt Cái Bè (Tiền Giang),…

Vẫn theo cô Tám, đa phần những người kinh doanh ở khu chợ này đã gắn bó ít nhất 10 năm và cũng có những người mới vào nghề. “Người trước rước người sau, ai làm ăn được đều rủ rê bạn bè họ hàng cùng lên đây kiếm sống. Sống xa quê, ai cũng chia sẻ khó khăn với nhau, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn giữa đường”- cô Tám tâm sự.

Cũng theo những thương hồ ở khu chợ này, thời điểm cận tết luôn là thời gian họ bận bịu nhất trong năm. Vào vụ tết, sức hút của thị trường rất mạnh, hàng hóa là trái cây được tiêu thụ mạnh nhất trong năm.

Một người kinh doanh ở khu vực chợ nổi Kinh Tẻ cho biết: “Vào vụ tết, tôi phải đi liên tục để gom hàng. Mặt hàng vụ tết thì có dưa hấu, bưởi,... đôi khi mình nhận chở hoa từ Chợ Lách (Bến Tre) lên đây tiêu thụ.

Tuy cực nhưng đông vui lắm, vụ tết là thời điểm tàu ghe nhộn nhịp nhất, khu chợ nổi này cũng vì thế mà đông vui, náo nhiệt hơn hẳn”.

Nương nhau mà sống

Người đi trước rước người đi sau cũng tạo thành một quần thể cư dân sông nước ở đất Sài thành. Bởi vậy mà khi đến chợ nổi Kinh Tẻ, người ta thấy có hàng trăm ghe xuồng đậu san sát, nhưng những người đồng hương thường dễ dàng nhận ra nhau bởi mỗi tỉnh có những nhóm ghe đậu san sát, hết tỉnh này đến tỉnh khác, nối dài khiến khu chợ thêm nhộn nhịp.

“Nhìn vào ký hiệu trên mỗi ghe là ta biết ngay ghe đó ở đâu liền hà. Giả dụ như Long An là “LA”, Tiền Giang là “TG”, Vĩnh Long là “VL”, Bến Tre là “BTr”… mỗi tỉnh có một khu vực riêng, cùng quây quần mua bán, cũng vui lắm”- chú Hòa giới thiệu.

Theo các tiểu thương ở khu chợ này, đa phần họ đều không có đất đai trồng trọt. Cuộc sống thương hồ lênh đênh, cả gia đình cùng sinh sống trên ghe và lẽ dĩ nhiên thì mọi sinh hoạt đều diễn ra trên ghe. Người miền Tây gọi đó là nghề “đi ghe” và những người đi ghe thường gọi đồng nghiệp là bạn ghe.

Cách gọi “bạn” thân mật ấy vừa thể hiện sự gần gũi vừa làm cho không gian sinh hoạt thêm đượm ấm nghĩa tình.

Ở đây, khi ai gặp biến cố gì thì cũng có những người bạn ghe xung quanh nhiệt tình giúp đỡ. Cuối ngày, họ quân quần bên nhau để những người con xa quê hương xứ sở được trò chuyện bên ấm trà, đôi khi là bữa cơm thân mật giản dị để cùng được kết nối bằng những câu chuyện rôm rả về những chuyến hàng, con sông, nhà vườn và những mùa cây trái.

Hay đôi khi họ chia sẻ với nhau, cảm thông và nương tựa vào nhau trước những khó khăn nơi đất khách. “Có lẽ bởi vì thế mà cái chuyện tranh mua, tranh bán vốn diễn ra phổ biến ở các chợ khác nhưng ở chợ nổi này lại là điều ít thấy”- một thương hồ trên dòng kinh Tẻ cho hay.

Giữa nhịp sống hối hả tại vùng đất một thời được ví là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nhiều người con miền sông nước khi xa xứ đang học tập, sinh sống và làm việc tại Sài Gòn tìm đến chợ nổi Kinh Tẻ cũng là để hồi tưởng bao ký ức quê hương cho riêng mình.

Có lần, tôi và một người bạn chung quê dừng chân ở khu chợ nổi này. Cậu ta- vốn là sinh viên năm cuối ở Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh- lại vô cùng hí hửng với việc mua trái cây và bắt chuyện với người cùng quê.

“Mỗi lần ra đây, dạo một đoạn thôi đã cảm thấy gần gũi lắm. Còn gì bằng thưởng thức vị ngọt của những loại trái xứ mình, ngồi nói chuyện bằng giọng miền Tây với những người đồng hương mà lòng chợt thấy nao nao, cảm giác thân quen như đang sống tại quê nhà”- cậu ấy nói.

Con người miền sông nước là vậy. Cần cù, chịu khó nhưng luôn tươi cười, tinh thần bao giờ cũng lạc quan. Dù sống ở nơi đâu, họ vẫn gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của riêng quê hương, xứ sở mình. Những hình ảnh này được tạo nên bởi những cư dân miền Tây chính hiệu.

Họ đã mang nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình, góp phần làm phong phú và sinh động đời sống của cư dân phố thị.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU HUY