Kỳ thú nghề săn rum biển

Cập nhật, 09:37, Thứ Bảy, 26/05/2018 (GMT+7)

Rum biển là một dạng hải sâm, có giá trị dinh dưỡng cao, thường được chế biến thành nhiều món, trong đó, “hạp” nhất là om với gốc chuối hột non hoặc nấu với lá cối xay, lá chua, nấu lẩu…

Rum biển là cách gọi theo tiếng địa phương vùng Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đây là một dạng hải sâm (sâm biển), có hình dáng tựa như con giun đất nhưng to hơn, miệng có xúc tu (tua rua). Một số nơi như Hà Tĩnh gọi là con mũm thùa, lùng tung; Thanh Hóa gọi là con bông, con bông thùa… 

Đây chính là một sản vật quí, được nhiều người săn tìm. Nhưng nghề “đi rum” là nghề phải đối diện với không ít hiểm nguy và rất khổ nhọc nên không phải người nào cũng làm được. 

Thời điểm này đang là cao điểm của mùa “đi rum”. Chúng tôi được nhóm anh em “hội đi rum” ở xóm Phú Thành, xã Diễn Kim, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho theo cùng. Địa điểm bắt rum ở vùng biển thuộc Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cách nơi chúng tôi khởi hành 100km. Hành trang của người “đi rum” này gồm: áo giữ nhiệt, một dùi nhọn, dây để xâu rum, đai chì,… 

Theo những người "đi rum", trước đây, khi chưa có đai chì, một người học “đi rum” phải mất cả tháng trời vì kỹ thuật “giữ vị trí”, cách ngụp lặn sao cho không bị “trồi”… còn bây giờ, với đai chì (nặng bình quân từ 18-22kg) thì chỉ mất khoảng 1 tuần để học “đi rum”. 

Một dụng cụ hỗ trợ đắc lực nữa cho công việc “đi rum” là áo giữ nhiệt. Trước đây, khi chưa có áo giữ nhiệt, vào mùa lạnh, mỗi lần xuống nước, những người "đi rum" phải mặc 4 đến 5 cái áo, thậm chí phải quấn cả bao ni lông, xác rắn... nhưng từ khi có áo giữ nhiệt (3 triệu/áo), những người "đi rum" mỗi lần xuống nước vào mùa đông có thể lặn được hơn 2 tiếng, còn mùa hè thì được từ 4-5 tiếng.

Sẵn sàng bắt rum biển
Sẵn sàng bắt rum biển

Rum có ở nhiều vùng biển thuộc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhưng hiện nay ở vùng biển Cửa Sót có nhiều rum và rum to hơn, trung bình 20 con/ 1kg. 

Rum có quanh năm, nhưng nhiều nhất khoảng từ tháng 9 Âm lịch năm trước đến tháng Giêng, tháng 2 năm sau, vì thời điểm này nước mát, rum lên ăn nhiều và sinh sản. Mỗi tháng có 2 lần nước sinh (nước lên), trước khi nước sinh người “đi rum” nghỉ 2 ngày và 5 ngày sau nước sinh, còn lại mỗi tháng họ đi bắt rum 14-15 ngày. Đầu năm những người này “đi rum” ban ngày, nhưng từ tháng 6 trở đi họ phải “đi rum” ban đêm.

Thành quả của những giờ dầm mình dưới biển
Thành quả của những giờ dầm mình dưới biển

Về kỹ thuật săn bắt rum, những người thợ này cho biết, chúng ta phải đi lùi, vừa đi vừa rà chân ra hai bên, dùng cảm giác lòng bàn chân để nhận ra rum, để làm được như vậy phải có kinh nghiệm. 

Ngay khi chân phát hiện rum thì phải thật nhanh ngụp xuống, một tay túm đầu tua rua, tay còn lại dùng dùi nhọn thọc xuống cố gắng bứng được “củ tỏi” (như một dạng gốc con rum). Người nào bứng được cả “củ tỏi” lên mới là có tay nghề. 

Với kinh nghiệm, kỹ thuật và trang bị như vậy, người bắt rum giỏi, mỗi ngày thu hoạch được tầm 10kg, thời điểm có nhiều rum có thể bắt được 20-30kg, người bắt được ít cũng 5-6kg. 

Thùng rum biển của hội anh em
Thùng rum biển của hội anh em "đi rum"

Rum sau khi bắt và được đưa lên bờ gọi là rum khô, có giá hiện thời khoảng 200.000-250.000 đồng/1kg.

Rum biển có giá trị dinh dưỡng cao, thường được chế biến thành nhiều món, trong đó, “hạp” nhất là om với gốc chuối hột non hoặc nấu với lá cối xay, lá chua, nấu lẩu…

Theo SGGPO