Hành trình về với Trường Sa

Kỳ 4: Chìm nổi giữa trùng khơi

Cập nhật, 09:31, Chủ Nhật, 27/05/2018 (GMT+7)

Trong dòng dầu khí ngày đêm được khai thác từ những tầng sâu trên thềm lục địa tạo nên ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước bao năm qua, có sự đóng góp lặng lẽ của những cán bộ chiến sĩ trên vùng biển DK1, thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhà giàn DK1/7 (bãi Huyền Trân), là cặp nhà lớn- nhỏ như treo lơ lửng giữa lưng chừng trời biển. Giữa ngày sóng lặng, gió yên vẫn không ít người chân run lẩy bẩy dò từng bước lên nhà giàn ở độ cao hơn 20m, mới càng thấu hiểu phần nào cuộc sống gieo neo của các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, mà sinh mạng đôi lúc như “đong đưa” giữa trời giông bão.

Cán bộ Hải văn Đỗ Văn Bằng trên Trạm Khí tượng Hải văn của Nhà giàn DK1/7.
Nhà giàn DK1/7 (bãi Huyền Trân).

Ngã xuống trên thềm lục địa

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, để tăng cường việc nghiên cứu, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo, Đảng, Nhà nước ta tiến hành xây dựng nhiều nhà giàn ở khu vực phía Nam thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhưng, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, hầu hết nhà giàn được xây dựng khá thô sơ. Kết cấu nhà giàn cấu trúc theo dạng pông-tông (một dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng kim loại), đặt trên nền san hô.

Do đó, khi có sóng, gió lớn, hoặc dòng nước chảy mạnh, nhà giàn dễ bị dịch chuyển, rất mỏng manh trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Thế hệ nhà giàn thứ hai xây dựng trên những trụ thép khoan sâu vào nền san hô, ở vị trí có độ sâu từ mặt san hô lên đến mặt nước biển khoảng 12m.

Độ cao từ mặt nước biển tới sân thượng khoảng trên 20m. Tuy nhiên, qua những trận bão dữ nhiều lần nhà giàn bị giật sập đã để lại những câu chuyện đau lòng trên thềm lục địa phía Nam của đất nước.

Tháng 12/1990, một cơn bão lớn gió trên cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Trong đêm đen, 8 cán bộ, chiến sĩ bị hất rơi xuống biển, 3 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Trong đó, tấm gương Trạm phó chính trị nhà giàn DK1/3, trong cận kề cái chết đã nhường lại áo phao và miếng lương khô cho chiến sĩ yếu nhất để rồi mãi mãi chìm khuất vào lòng biển quê hương cùng 2 đồng đội.

Trận bão ấy, các nhà giàn DK1/4, DK1/6 cũng bị gió giật sập, nhưng rất may không thiệt hại về người.

Một trận bão khác, tháng 12/1998 (cơn bão Faith), có sức gió giật trên cấp 12 đã đổ bộ vào biển Đông. Trong sóng gió quần thảo, nhà giàn bị rung lắc dữ dội, mặc dù vậy, anh hùng Đại úy Trạm trưởng Vũ Quang Chương cùng 8 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/16- Phúc Nguyên vẫn bình tĩnh, kiên cường chống chọi với gió bão, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy.

Sức gió quá lớn, nhà giàn đổ sập, cuốn trôi cả 9 cán bộ, chiến sĩ. Dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 chiến sĩ của chúng ta là Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy (quân nhân chuyên nghiệp) Nguyễn Văn An và Chuẩn úy (quân nhân chuyên nghiệp) Lê Đức Hồng đã ra đi mãi mãi...

Cùng với chức năng của các nhà giàn trong khu vực, nhà giàn DK1/7- Huyền Trân là trạm tổ chức khai thác hải sản và quản lý nguồn lợi biển tại khu vực.

Cùng với đó, nhà giàn còn triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi và thông báo khí tượng hải văn cho quốc tế, bảo đảm hàng hải, thực hiện nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Nhà giàn DK1/7 (bãi Huyền Trân) là cặp nhà lớn- nhỏ, trong đó công trình cũ vẫn còn dấu tích của sự gia cố lại sau trận bão năm 2005. Từ đây, là cây cầu thép dài nối vào công trình mới là nhà giàn thế hệ hiện đại được xây dựng vững chắc, rộng rãi trên nóc nhà giàn có bãi đáp của trực thăng.

Chúng tôi không tin vào mắt mình khi giữa lưng chừng trời biển “chân không chạm đất” vẫn có những chuồng heo, chó, gà, vịt và những giàn rau leo bám vào vách nhà tươi tốt xanh um.

Không thể tưởng tượng nổi, phơi ra giữa trời như vậy khi có giông bão thì những chuồng trại tăng gia này sẽ được bảo vệ như thế nào? Còn bình thường chăm sóc ra sao?

Nhân viên phụ trách Trạm Khí tượng Hải văn nhà giàn DK1/7 Đỗ Văn Bằng giải thích: “Giờ thì có bể chứa nước mưa, có máy lọc nước ngọt coi như ngon lành. Hồi xưa, chế độ 30 lít nước cho một người… tùy nghi sử dụng trong 1 tuần lễ, nó gian nan dữ lắm.

Ở đây toàn tắm “kiểu em bé”, ngồi trong chậu nước, rồi giữ lại giặt quần áo mà không được sử dụng xà phòng, để cuối cùng dành tưới rau xanh”.

Nhà giàn DK1 giờ đây là hệ thống kiến trúc hiện đại, vững chắc chịu được những cơn siêu bão, không gian sinh hoạt rộng rãi. Bước xuống khu bếp, chúng tôi ngạc nhiên với hàng đống rau, củ quả tươi, những tủ đông thực phẩm đầy ắp cá biển.

Bên cạnh một máy lọc nước ngọt công suất 200 lít/giờ. Những thuận lợi đó, phần nào giảm bớt những gian khổ, khắc nghiệt của những chiến sĩ nhà giàn hôm nay.

Người “trò chuyện với bão giông”

Cán bộ Hải văn Đỗ Văn Bằng trên Trạm Khí tượng Hải văn của Nhà giàn DK1/7.
Cán bộ Hải văn Đỗ Văn Bằng trên Trạm Khí tượng Hải văn của Nhà giàn DK1/7.

Trên nóc nhà công trình cũ, những tấm pin năng lượng mặt trời phủ kín có một phần đã bị gió tốc xuống biển hồi cơn bão số 12 cuối năm 2017. Ở giữa, có một trạm quan trắc, tại đây chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị với cán bộ phụ trách Trạm Khí tượng Hải văn Đỗ Văn Bằng.

Trạm hiện có 2 quan trắc viên, có nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi và thông báo khí tượng, hải văn không chỉ cho phạm vi quốc gia mà cả quốc tế.

Tiếp xúc với Bằng, chúng tôi gọi đùa anh là người suốt ngày “trò chuyện cùng giông bão”. Quê tận Thái Bình, sau khi tốt nghiệp ngành khí tượng thủy văn, với tuổi trẻ háo hức, Bằng đi một mạch vào tận đảo Thổ Chu tận cùng phương Nam, rồi gắn bó với đảo này trong suốt 6 năm trời với công việc hàng ngày “lắng nghe thời tiết”.

Đến năm 2005 thì được phân công ra nhà giàn DK1/7, quay đi ngoảnh lại đã 13 năm trôi qua trong cái không gian quen thuộc đến từng centimet này.

Với công việc có vẻ nhàm chán cứ 6 tiếng đồng hồ thì lên trạm lấy số liệu tổng hợp, nếu có bão thì 30 phút phải… bò lên nóc nhà lấy số liệu một lần.

Khi giông bão giữa trời biển này, mà còn phơi mình ra trên độ cao mấy mươi mét, không đủ kinh nghiệm thì chỉ cơn gió sẽ “bay đi” hàng trăm mét.

“Nhưng đó cũng là cái nghề thú vị”- Bằng cười lớn. Tôi tin, bởi không có đam mê sao có thể “liều mình” với nó ngót ngét 19 năm trời mà toàn nơi biển, đảo xa xôi thế này.

Đi biền biệt trùng khơi, đến nỗi ông già chịu hết xiết ra phán quyết: “Đi đâu thì đi, cậu về quê cưới vợ để 2 ông bà già này có cháu cho ấm cái nhà.

Vậy rồi, năm 2005 ra nhà giàn, 1 năm sau về phép thì ông già lo sẵn cho cô dâu, vậy là có vợ”- Bằng kể chuyện cưới vợ một cách hài hước.

Sau đó, là những tâm tình, trăn trở khi Bằng cho rằng, công việc nơi này biền biệt mười mấy năm một tay vợ vừa dạy học vừa chăm con, vừa dạy con khôn lớn giờ con trai lớn học lớp 5, thằng nhỏ cũng đã 5 tuổi.

Mỗi lần về phép vừa kịp quen hơi con, lại quảy ba lô lên đường. Nhiều lúc thấy thương con và càng thương vợ nhiều hơn.

Tuy nhiên, đã 13 năm gắn bó với nhà giàn này, thân thuộc còn hơn cả ngôi nhà của gia đình nhỏ trong đất liền, anh Bằng chia sẻ nhớ nhà da diết vậy, nhưng về trong ấy lại không lúc nào thôi nghĩ về ngoài này, nghĩ về công việc, về những anh em đồng đội gắn bó cùng nhau những ngày này qua tháng nọ và có cả những giây phút tử sinh kề cận bên nhau.

Bằng nhớ lại câu chuyện đau lòng về một đồng nghiệp ở đảo Trường Sa vào năm 2010. Khi ấy, đồng nghiệp của anh đang làm nhiệm vụ thu thập số liệu hải văn ở cầu cảng Trường Sa Lớn dưới trời mưa giông, khi anh đang mải mê với công việc, bất ngờ một con sóng lớn đã chồm lên cầu cảng rồi cuốn phăng anh ra đi mãi mãi...

Rồi là câu chuyện của chính mình, vào năm 2013 (nhà giàn DK1/7 khi ấy vẫn còn là nhà giàn cũ). Trước tình thế nhà giàn rung lắc dữ dội có nguy cơ bị gió giật đổ, mọi người được lệnh rút khỏi nhà giàn.

Vậy là từ cán bộ cho đến chiến sĩ bình tĩnh giúp nhau nhào người xuống biển. Cùng ôm phao, túm dây để giữ vững cự ly, thả trôi trên sóng nước trong nhiều giờ để chờ tàu cứu hộ...

Những lúc ấy, hẳn ai cũng nghĩ về quê nhà, nghĩ đến vợ con nhưng chính khi cận kề với cái chết, tình đồng đội nơi địa đầu sóng gió bão giông này còn quý hơn máu thịt. Ở đây, còn là một nhiệm vụ thiêng liêng: làm cột mốc sóng giữa trùng khơi của Tổ quốc.

Chia tay nhà giàn, tôi muốn nghe một câu nói riêng tư, nhưng Bằng vẫn khẳng định lại điều đã nói như lẽ sống của đời mình: “Gắn bó với nghề, với biển đã lâu, bây giờ như đã thấm vào máu rồi.

Cho dù có gian khổ, nguy hiểm đến tính mạng thì mình cũng không thể từ bỏ nghề này được!” Đó cũng là tình cảm, là lẽ sống của tất cả những cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/7, mà chúng tôi cảm nhận được qua những khoảnh khắc ngắn ngủi gặp nhau trong không gian rất đặc biệt này.

Khu vực DK1 nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, án ngữ tuyến đường hàng hải chính qua biển Đông. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng về kinh tế biển. Thủy sản ở đây khá phong phú, có hàng trăm loài, giống cá biển với trữ lượng cho phép khai thác hàng trăm ngàn tấn/năm. Đặc biệt, thềm lục địa phía Nam là nơi có tiềm năng dầu khí lớn nhất nước ta. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn số 1 phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Kỳ cuối: Người về thương nhớ mãi Trường Sa

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG