Hành trình về với Trường Sa

Kỳ 3: Nước mắt Gạc Ma

Cập nhật, 05:28, Thứ Sáu, 25/05/2018 (GMT+7)

Thời gian đến thăm đảo Sinh Tồn Đông và đảo đá chìm Len Đao kết thúc trước 14 giờ; sau đó, mọi người hướng về sự kiện quan trọng là lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ngay trên biển.

Giữa biển trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, tàu KN 491 neo đậu giữa cụm đảo Sinh Tồn và các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma nơi mà cách đây hơn 30 năm trước, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, trên tàu KN 491.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, trên tàu KN 491.

Kiên gan Sinh Tồn Đông

Sinh Tồn Đông là một đảo nhỏ dài khoảng 200m, rộng chừng 60m, nhưng có sự hấp dẫn riêng bởi những tầng cấu trúc đa dạng trên nền san hô cạn.

Ở 2 đầu Đông và Tây là 2 doi cát to, dài bao trùm xung quanh đảo nổi bật bãi cát trắng mịn chạy ra xa gần 50m.

Tiếp nối ra xa hơn 400m, bao xung quanh đảo là nền san hô xen lẫn nhiều hòn đá cuội to tròn, có thể nhìn thấy đáy qua làn nước trong veo với rất nhiều đàn cá đủ sắc màu tung tăng bơi lội, chẳng khác bể cá tự nhiên khổng lồ mê hoặc lòng người.

Nếu không phải là vùng biển, đảo tiền tiêu với trọng trách nặng nề là cột mốc chủ quyền, thì hòn đảo nhỏ bé xinh xắn này có khác gì bãi tắm tuyệt đẹp, như một khu tiểu cảnh gọn gàng nổi lên giữa tứ bề biển cả mênh mông.

Qua những hình ảnh tư liệu về đảo chỉ vài năm trước thôi, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rất nhiều. Những dãy nhà sinh hoạt khang trang, khoảng sân rộng phủ bóng những cây tra, cây bàng vuông mát rượi, chạy dọc quanh bờ kè chắn sóng là những cột điện gió cùng với những tấm pin năng lượng mặt trời, đủ cho việc thắp sáng đảo và các sinh hoạt thiết yếu của chiến sĩ.

Bất ngờ nhất bởi phía sau những dãy nhà là những chuồng chăn nuôi lủ khủ heo, gà, vịt kề bên vườn rau xanh mịt tốt tươi hơn cả trong đất liền.

Nhưng Sinh Tồn Đông bao quanh nhiều bãi cạn không người, trong đó có bãi đá Ba Đầu là khu vực nhạy cảm luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây mất ổn định.

Phía Tây Bắc không xa là đảo Huy Gơ do Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988, đã hoàn thành việc bồi đắp, xây dựng.

Nhìn bằng mắt thường có thể thấy mờ mờ khối nhà 8 tầng khổng lồ trắng xóa; nhìn qua kính viễn vọng thấy rõ những cột thu phát sóng, rada bầu trời và lòng biển, những ụ pháo bố trí khắp đảo. Rất nhiều tàu thuyền các loại neo đậu xung quanh.

Chỉ huy trưởng đảo- Đại úy Đinh Ngọc Sang- khẳng định: “Sinh Tồn Đông là đảo nhỏ kiên gan, không chỉ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, cán bộ chiến sĩ trên đảo còn giúp ngư dân trong khi đánh bắt hải sản trong khu vực.

Gần 2 năm qua, đảo đã cấp cứu, khám chữa bệnh cho hơn 40 ngư dân. Nhiều lần hỗ trợ tàu ngư dân gặp nạn, mắc cạn.

Cuối năm 2017 đã cấp cứu 1 ngư dân liệt nửa người qua cơn nguy kịch, ổn định sau đó chuyển về đất liền điều trị”.

Cũng tại đảo nhỏ này, buổi giao lưu văn nghệ diễn ra rất “bốc” chẳng ai muốn rời đi, khi mà lính đảo đàn hát quá hay, cảm động.

Mặt trời lên quá đỉnh đầu, mặc nắng nóng tiếng hát, tiếng đàn vẫn rộn vang, vòng tròn nối tay nhau nhảy múa, vòng tròn vây quanh vỗ tay không ngớt.

Nhìn những chàng trai trẻ say sưa hát, những người lính vỗ tay trong tiếng cười rộn rã, ai cũng biết rằng càng vui thì chốc nữa đây chia tay sẽ buồn cho coi.

Cũng nơi cầu tàu đó, nơi vừa chào đón nhau tràn ngập niềm vui nụ cười, cũng là nơi lưu luyến vẫy tay, rưng rưng nước mắt.

Hãy hát đi, chẳng mấy khi lính đảo có những phút giây thư giãn, vui nhộn thế này. Hát cũng để bay lên từ đảo nhỏ kiên gan này những tâm tình tuổi trẻ, để nghe gần hơn nhịp đập những trái tim biển đảo với đất liền, để da diết những giai điệu quê hương, để trong mỗi người khi đứng trên vùng đảo nổi, đá chìm này nghe vang động trong lòng bao niềm rung cảm, mà càng quý càng yêu Tổ quốc Việt Nam mình.

Khóc với biển xanh

Cách đảo Sinh Tồn Đông 13 hải lý, không mất nhiều thời gian điểm đóng quân đảo Len Đảo đã hiện ra là 2 khối nhà nối nhau bởi chiếc cầu dài.

Đảo được hình thành từ bãi san hô có dạng hình tròn, khi thủy triều xuống bãi san hô nhô lên khoảng 0,5m, khi thủy triều lên bãi ngập khoảng 1,8m.

Len Đao giúp chúng tôi hình dung cuộc sống vô cùng khắc nghiệt của các chiến sĩ đóng quân trên những bãi đá chìm là thế nào.

Mọi người tranh thủ nghía vào ống kính viễn vọng đặt trên tầng 2 hướng về phía đảo Gạc Ma, hẳn trong mỗi người có biết bao suy tư, trăn trở.

Máu chiến sĩ Hải quân đã nhuốm đỏ vùng biển xanh này, để hôm nay ta còn được đứng đây trên bãi đá Len Đao cũng như bãi đá Cô Lin, nhưng Gạc Ma thì không còn nữa, các anh thì không còn nữa.

Và hôm nay chúng tôi may mắn được đến đây, một lần thắp nén nhang tỏ lòng tri ân người ngã xuống.

16 giờ, tất cả đoàn ăn mặc chỉnh tề, tập trung về phía sân bay tàu chuẩn bị lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.

Cũng để sát cánh kề vai nhau, cùng 90 triệu người dân Việt, cùng với thế giới khẳng định một lẽ phải: quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

Mỗi tấc đất, sải biển, từng hạt cát, nhành san hô nơi đây đều mang hình hài của đất nước, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ cha anh đi trước.

Chúng ta ghi lòng, tạc dạ những công lao và sự hy sinh to lớn vì sự toàn vẹn dáng hình của Tổ quốc, vì thế đứng kiêu hãnh nơi tuyến đầu của Trường Sa hôm nay.

Với giọng trầm ấm vang xa, đôi lúc ngưng lại nghẹn ngào, Đại tá Vũ Bá Ấy- cán bộ Ủy ban Kiểm tra Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, ôn lại sự kiện đau thương ngày ấy:

Ngày 14/3/1988, lực lượng tàu chiến có vũ trang của Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý lẽ phải và luật pháp quốc tế, bất ngờ tấn công bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải đang làm nhiệm vụ trực chốt và tiếp tế của Hải quân ta, đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta.

Chúng ta cảm phục trước tấm gương dũng cảm hy sinh của anh hùng liệt sĩ Trung tá Trần Đức Thông- Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Phi Trừ- Thuyền trưởng tàu HQ 604, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc;

càng cảm phục hơn anh hùng liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương- Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội không được lùi bước.

Cảm phục anh hùng thuyền trưởng Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu và nhanh chóng điều động tàu lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm…

Nỗi đau vẫn còn đó, hơn 30 năm qua vẫn còn đó hình hài nhiều liệt sĩ vẫn mãi mãi nằm lại với biển sâu, thịt xương hòa vào lòng biển cả. Nỗi đau này cần mãi mãi khắc ghi và mãi mãi nhắc nhở cho những thế hệ mai sau.

Vẫn biết vinh quang nào mà chẳng mất mát hy sinh, hạnh phúc nào mà không đổi bằng máu xương, mồ hôi nước mắt.

Vẫn biết sự dâng hiến của các anh đã hòa vào cùng với giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, một phần trong sự hy sinh lớn lao vô bờ bến của dân tộc, mà sao nghe nhói lòng với biển chiều nay: “Dòng nước mắt rót vào lòng biển cả. Phút lặng người, nức nở Gạc Ma ơi!”

Với lòng thành kính và tri ân sâu sắc, từ trong sâu thẳm lòng mình, chúng tôi mong các anh hãy an lòng, yên nghỉ trong bóng hình sóng nước quê hương.

Hải trình trong ngày đến thăm đảo Sinh Tồn Đông và đảo đá chìm Len Đao là một cung đường đặc biệt với những cung bậc tình cảm rất đặc biệt. Đây là vùng biển thuộc cụm đảo Sinh Tồn, bao gồm cả các bãi đá Cô Lin, Len Đao, trong đó có 2 bãi đá Huy Gơ và Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988. Đây cũng là vùng biển có diễn biến khá phức tạp, với cường độ xuất hiện các loại tàu nước ngoài rất nhiều.

Kỳ 4: Chìm nổi giữa trùng khơi

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG