Về xứ "muỗi kêu mà như sáo thổi"

Cập nhật, 07:49, Thứ Hai, 16/04/2018 (GMT+7)

 

Những vạt rừng tràm U Minh Hạ ngút tầm mắt với bao điều bí ẩn.
Những vạt rừng tràm U Minh Hạ ngút tầm mắt với bao điều bí ẩn.

Cà Mau là điểm đến đầu tiên khi mỗi lần muốn xách ba lô lên và đi, con “ngựa sắt” đã gắn bó ngót chục năm trời của tôi cũng “hừng hực” mỗi khi được lăn bánh về nơi cuối trời Tổ quốc…

Đêm lặng nghe dưới tán rừng U Minh

Nhắc đến Cà Mau, có lẽ sẽ có nhiều địa điểm để khám phá, để thưởng thức đầy đủ hương vị, cảm nhận cảm xúc của cả rừng và biển, nghe những câu chuyện về bác Ba Phi hay bài hát về sông Ông Đốc nối liền ra biển lớn.

Tôi cũng thế, đến Cà Mau là muốn đi dọc trong rừng hay chạy thẳng ra biển để cảm nhận được cái là lạ mà đất tỉnh mình không thể có được. Và đêm ở dưới tán rừng U Minh đã cho nhiều thú vị về vùng đất đầy câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn qua những câu chuyện về ông già “nói dóc” số một miền Tây Nam Bộ- Ba Phi.

Dù có hẹn trước với các cán bộ, nhân viên rừng Quốc gia U Minh Hạ, nhưng tới nơi, tôi vẫn còn lóng ngóng bởi cái nhìn còn chưa “tin được” của các anh, khi mang danh là nhà báo. Nhưng rồi câu chuyện bắt đầu cởi mở khi hiểu rằng góp phần bảo tồn rừng quốc gia cũng là nhiệm vụ của cánh nhà báo chân đi không mỏi.

Có 2 nhân viên của Phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường khi đó là anh Linh và anh Nghiệp hướng dẫn đi dọc một số tuyến đường trong rừng U Minh, sau đó là leo lên đài quan sát. Các anh chỉ từng mảng rừng, từng khu trung tâm hoặc khu đệm mà theo các anh, khi có vấn đề xảy ra, chỉ cần nói tên khu là nhân viên ai cũng đều biết.

Hay đơn giản, nhìn từng mảng rừng, các anh có thể chỉ ngọn ngành khu ở của heo rừng, khu sân nai, nơi nào có chồn hương, chim chóc, khỉ bầy đàn,… Tất nhiên, chúng tôi không thể bỏ qua mục đích khi đến đây, chỉ để mục sở thị hương rừng dưới bóng trăng sáng tỏ.

Và để khám phá khu rừng về đêm, không thể không tìm đến một người đam mê nghiên cứu, đó là anh Nguyễn Tấn Truyền- Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế.

Anh Truyền đã khắc họa sơ nét về rừng U Minh Hạ, từ hệ động thực vật đến những điều kiện bảo tồn, những loại quý hiếm và cả những câu chuyện thần bí của bác Ba Phi về con rắn hổ mây khổng lồ.

Cảm xúc khó tả, dưới tán những vạt rừng tràm là những điều cần khám phá, nhất là giới khoa học trong nước về khoáng sản, bảo tồn. Anh Truyền kể, có lần một nhà khoa học ở TP Hồ Chí Minh cũng là chuyên gia đầu ngành về địa chất học, nhưng đã thất bại ở những nghiên cứu đầu tiên vì sự bí ẩn cũng như tầng địa chất khó đoán của miệt U Minh này.

“Lần đó, mỗi thiết bị dùng để nghiên cứu có giá hơn 1.000USD, vậy mà lớp bùn dày của U Minh đã nuốt chửng… 3 thiết bị. Đúng là, trong rừng thì không thể nào ngờ tới được”- anh Truyền bông đùa. Như sực nhớ lại điều gì muốn nói cho chúng tôi nghe, anh Truyền mời: Cũng đã chiều tối, hẹn các anh lúc 19 giờ, đi một vòng rừng cho biết.

Chúng tôi chuẩn bị tâm thế để vào rừng. Phải cuốc bộ thôi vì đi xe máy sẽ làm cho các loại động vật ăn đêm hoảng sợ bỏ chạy, chuyến khám phá sẽ thất bại.

Mở đầu câu chuyện về những điều bí ẩn của xứ U Minh, anh Truyền kể: Có người thợ săn đã chứng kiến vết hằn bóng loáng to bằng 2 gang tay, nghi của một loài bò sát. Tôi cũng nghiên cứu và đam mê về rắn, phải chi được một lần trong đời nhìn thấy ông Mây- rắn hổ mây theo lời kể của bác Ba Phi, có sao tôi cũng chịu.

Cũng có lần, ở một trạm gác trong rừng, nghe tiếng xì xào trên cây, đến khi xách đèn pin ra rọi thử, mới thấy con rắn có cặp mắt đỏ ngầu như hai hòn bi đang nuốt gọn con khỉ.

“Bình thường, con trăn chừng vài chục ký, cặp mắt chỉ to như cái đầu đũa, vậy mà con rắn vừa kể, cặp mắt to như hòn bi, nghe kể mà lạnh xương sống, nhưng câu chuyện lại tăng phần hấp dẫn và hối thúc sự tìm tòi”- anh Truyền hồ hởi.

Những câu chuyện về rắn hổ mây cứ lặp đi lặp lại trong suốt hành trình khám phá rừng U Minh giữa đêm trăng, rồi sân nai, heo rừng, chồn hương… cứ theo từng bước chân của chúng tôi đến tận nửa đêm.

Đêm lặng nghe dưới tán rừng U Minh để cảm nhận cái lạnh của trạm kiểm lâm gác đêm, những nắm tay đầy muỗi và hơn hết là những câu chuyện nghiên cứu về loài rắn hổ mây khổng lồ chỉ có trong truyện bác Ba Phi của anh trưởng phòng mê nghiên cứu nhưng lại chất chứa trong con người “chất phủi” của đời…

Xuôi mái chèo, ta đến Sông Đốc chơi

Ngày xưa, khi nhạc sĩ Thanh Sơn “Xuôi mái chèo sông Ông Đốc, đêm trắng kịp tới chợ Cà Mau”, thì nay, ngược con đường dọc theo dòng sông Ông Đốc, chúng tôi đến thị trấn Sông Đốc nhiều đổi thay, đô thị đã rất sầm uất.

Theo chân tôi là cô bạn mới quen khi đó là phóng viên của Đài Phát thanh- Truyền hình Cà Mau, có lẽ vì là người Cà Mau nên cũng “dễ thương vô cùng”.

Ghé thị trấn, việc đầu tiên là nhảy xuống chiếc vỏ lãi để đi theo sông, cảm nhận thị trấn qua lời hát, qua hình ảnh, cũng là để ngắm nhìn cửa biển sầm uất nhất của tỉnh Cà Mau.

Chiếc vỏ lãi cứ rẽ sóng chạy theo con nước, những bến tàu đang lên hàng chuẩn bị ra khơi… nơi tài nguyên biển cả đã nuôi sống và làm giàu cho ngư dân vùng cửa sông Ông Đốc này.

Được sự giới thiệu của Bộ đội Biên phòng Sông Đốc, chúng tôi đến nhà ông Tư Biểu- 62 tuổi, một ngư dân kỳ cựu và cũng là “đại gia” có uy tín ở thị tứ sầm uất này.

Những câu chuyện của ông Tư Biểu khiến chúng tôi có thêm cái nhìn lý thú về biển, về cách làm nghề cũng như bảo vệ an ninh chủ quyền là bổn phận và trách nhiệm của người dân.

Ông Biểu kể, bản thân được sinh ra và lớn lên ngay tại cửa biển này. Từ lúc còn là thanh niên đã theo tàu đi khắp các đảo, hòn ở vùng biển Tây, con cá ở đâu chỉ cần nhìn là biết, rồi kinh nghiệm ứng phó với từng thảm lục địa của các đảo bởi “mặt sao thì ngao vậy”.

Hiện giờ ông có đội tàu 12 chiếc, có những chiếc trên 400 CV, còn ông thì lui về để lớp trẻ nối nghiệp.

“Ở nhà, chỉ cần cầm máy bộ đàm thì ở đâu trên vùng biển này cũng nhận được, vừa theo dõi để hướng dẫn, vừa nhắc nhở không đánh bắt ngoài phạm vi cho phép, vừa bảo vệ chủ quyền vừa không xâm phạm đến lãnh hải của nước bạn…”- ông Tư Biểu cho biết.

Thị trấn Sông Đốc- nơi sầm uất bậc nhất của các cửa biển miệt Cà Mau- cũng là nơi chứng kiến trận bão số 5 kinh hoàng nhất lịch sử. Nơi đây, cơn bão số 5 (Linda) đã làm chết 128 người, 601 người bị thương và 1.164 người mất tích, hàng trăm tàu thuyền bị hư hỏng và mất tích, thiệt hại vật chất trên 2.000 tỷ đồng.

Thị trấn Ông Đốc sầm uất bậc nhất các cửa biển Cà Mau bây giờ.
Thị trấn Ông Đốc sầm uất bậc nhất các cửa biển Cà Mau bây giờ.

Bởi thế, những gì mà thị trấn Sông Đốc cũng như Cà Mau có được như ngày hôm nay là máu xương, là quyết tâm xây dựng của chính quyền và người dân nơi đây. Như lời ca của nhạc sĩ Thanh Sơn đầy yêu mến “Mai mốt Cà Mau em lớn/Tuy út mà sửa soạn đẹp hơn…”

Về Cà Mau để khám phá trên rừng và dưới biển…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY