Bút ký

Tháng ba ở Côn Đảo!

Cập nhật, 17:36, Thứ Bảy, 07/04/2018 (GMT+7)

“Tháng ba bà già đi biển”, câu thành ngữ này đúng cả nghĩa đen lẫn bóng. Trong đoàn thực tế lần này đa số là các chị đã trên 50, ngoại lệ nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ đã trên 80 vẫn hiên ngang lên boong tàu ngắm sóng giữa chuyến hải hành.

Đoàn Hội Nhà văn Cần Thơ trước đền thờ Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: NGUYÊN SƠN
Đoàn Hội Nhà văn Cần Thơ trước đền thờ Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: NGUYÊN SƠN

20 thành viên trong đoàn là 20 tâm trạng háo hức muốn mau chóng khám phá miền đất đầy bí ẩn.

Trước năm 1975 của thế kỷ trước, ba tôi làm việc tại Sở Hàng hải Hỏa xa Việt Nam. Nói đơn giản dễ hiểu hơn là ba tôi làm dưới tàu biển chuyên chở hàng hóa từ Sài Gòn đi các hải cảng trong nước như: Đà Nẵng, Ba Ngòi, Cam Ranh,… và cả Côn Đảo.

Mỗi chuyến ông đi thường từ 10 ngày đến nửa tháng. Nghe đâu đội tàu biển 7 chiếc này của bà Trần Lệ Xuân- vợ cố vấn Ngô Đình Nhu- lập ra.

Thời chiến tranh, hàng hóa tàu ba tôi chở đi thôi thì hầm bà lằng, từ gạo, đường, sữa, đồ quân tiếp vụ cho đến... quan tài.

Sau mỗi chuyến đi, ông lại mang về nhà dăm ba thứ lặt vặt. Có lần sau chuyến đi Côn Đảo về, tôi thấy có nhiều thứ bằng gỗ quý như bàn cờ tướng cẩn ốc xa cừ và vài chục bó đũa, một mớ gậy đầu rồng mà ông nói do mấy người tù ngoài ấy làm.

Tôi lúc ấy còn nhỏ nên chẳng quan tâm đến mấy thứ mình không xài được, chỉ mần mò hình thù chiếc đầu rồng được chạm khắc tinh xảo rồi hỏi ông: “Làm cái này chắc lâu lắm hả ba?” Ông nói: “Ở tù thì thiếu gì thời gian con!”

Chuyện xưa chỉ có vậy!

Chuyện nay, khi tham gia vào giới văn nghệ sĩ, tôi được đi khắp nơi từ Nam chí Bắc nhưng Côn Đảo vẫn là một nơi mịt mờ xa. Cái mịt mờ xa ở đây không tính theo bao nhiêu hải lý hay kí lô mét đường chim bay, mà do phương tiện đi lại chưa thuận lợi.

Trước kia, từ Cần Thơ muốn đi Côn Đảo phải ra Vũng Tàu rồi theo tàu sắt đi 12 tiếng mới tới. Cá nhân thì không nói gì rồi, đằng này cả đoàn Hội Nhà văn 20 người nhiêu khê đến bất khả thi.

Do vậy khi nghe tàu Supperdong mở tuyến từ cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo chỉ hơn 2 giờ đồng hồ, tôi mở cờ trong bụng.

Thế là tháng ba này, cả đoàn Hội Nhà văn đã đặt chân đến Côn Đảo- một quần đảo thiêng liêng ngoài khơi Nam Bộ.

“Tháng ba bà già đi biển”, câu thành ngữ này đúng cả nghĩa đen lẫn bóng. Trong đoàn thực tế lần này đa số là các chị đã trên 50, ngoại lệ nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ đã trên 80 vẫn hiên ngang lên boong tàu ngắm sóng giữa chuyến hải hành.

20 thành viên trong đoàn là 20 tâm trạng háo hức muốn mau chóng khám phá miền đầy bí ẩn. Biển êm ả đến lạ.

Ngoài chúng tôi ra, trong số hành khách còn có một đoàn cựu chiến binh, gia đình có công của 14 tỉnh phía Bắc với trên 200 người cùng hành hương ra đảo. Tự bao giờ Côn Đảo đã trở thành mảnh đất linh thiêng ai cũng muốn một lần tìm đến ngưỡng vọng!

Nói đến Côn Đảo, người ta hay nhắc đến con số 113 năm tồn tại một địa ngục trần gian (1862- 1975) mà thực dân và đế quốc đã đặt ách thống trị lên quần đảo nhỏ bé này.

Có ai biết rằng nhiều trăm năm về trước, đảo ngọc Côn Lôn đã được nhắc đến như một điểm dừng chân của nhiều thế hệ các nhà hàng hải và lọt vào “tầm ngắm” của không ít thế lực bành trướng phương Tây.

Theo một số tài liệu cho thấy, ông J.C Demariaux- một học giả thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử phát triển của đảo Côn Lôn đã đưa ra nhiều khám phá thú vị. (…)

Nằm cách mũi Saint- Jacques (nay là Vũng Tàu) chừng 97 dặm và cửa sông Mekong chừng 47 dặm là quần đảo Poulo- Condore, người bản xứ gọi là Côn Lôn hay Côn Nôn (nghĩa là đảo Rắn, do có rất nhiều loài bò sát sinh sống trên các đỉnh đồi).

Dường như người Tây Ban Nha là những người Âu đầu tiên đặt chân lên quần đảo hồi đầu thế kỷ XVI, bởi trong thời gian chiếm đóng của người Pháp, người ta tìm thấy những đồng tiền in hình Charles- Quint niên hiệu 1521.

Người Anh đặt chân lên vùng đất này năm 1702, điều đó được ghi lại trong báo cáo của nhân viên Hãng Pháp Ấn- Veret.

Ông này chính là người khuyên người Pháp nên chiếm đóng Côn Lôn, bởi đây là “điểm trung chuyển quan trọng đối với các tàu của Trung Hoa, Bắc Kỳ, Ma Cao, Manila, Java”.

Hãng Đông Ấn của Anh (Honorable East Indian Company) đã đi trước người Pháp khi quyết định cho xây dựng một thương điếm ở đảo Côn Lôn lớn và chính Chủ tịch Allen Catchpole đứng đầu thương điếm Chu Sơn (Trung Hoa) được giao điều hành thi công công trình này.

Hiện người ta vẫn còn có thể nhận ra vết tích sót lại của khu thương điếm là những đống đá, đống đổ nát của lò nung và vài mảnh sứ vỡ vùi dưới các bụi cây.

 Côn Đảo lúc bấy giờ đặc biệt thu hút sự quan tâm của người Anh, họ cố gắng thiết lập quan hệ với người dân nơi đây.

Thuyền trưởng Gore đã đặt chân lên quần đảo này từ 20- 28/1/1780 trong lịch trình vòng quanh thế giới với 2 chiếc tàu Résolution và Découverte. Vào thời điểm đó, các đảo Côn Lôn vẫn là đất của triều đình Huế với chừng 30 nóc nhà nằm rải rác.

Trong lịch sử Phái bộ Nam Kỳ, có ghi lại nhật ký của Cha Levasseur bàn về việc xây dựng một thương điếm năm 1768 ở Côn Lôn.

Có thể nói, tất cả các dự án từ năm 1705 của người Pháp mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. Năm 1773, cuộc nổi dậy của Tây Sơn nổ ra, Giám mục Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Ánh chạy trốn trên các đảo dọc bờ biển Nam Kỳ. 

Điều này lý giải phần lớn dân làng An Hải trên đảo Côn Lôn là hậu duệ của nhà Gia Long, họ còn cất giữ rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Hán.

Người ta cũng nói về những bộ áo giáp và những khẩu súng mút-cơ-tông cũ (sản xuất ở thế kỷ XVI- XVII) được tìm thấy trong một hang động dưới thời chúa đảo Lambert. Khắp nơi trên quần đảo, người ta còn rỉ tai nhau về những kho báu chôn giấu chưa được tìm thấy.

Khi Pháp đặt chân lên các hòn đảo Côn Lôn, 129 tù binh của triều đình Huế đang bị giam trong một đồn lũy. Ban ngày, số tù binh này được tự do trồng cấy chăn nuôi, nhưng khi đêm đến, tất cả bị cùm xích lại.

Phần lớn tù binh đem theo vợ con, sống trong những túp lều lụp xụp quanh đồn, được che chắn bằng phên giậu. 

Lính đồn trú ở đây gồm 80 người, dưới sự chỉ huy của Quan Chánh- viên quan của triều đình trực thuộc tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Hà Tiên).

Binh lính đóng quân một năm trên các đảo sau đó được thuyên chuyển vào đất liền. Họ không có súng mà chỉ được trang bị giáo mác.

Ngày 15/12/1861, Đại úy Durand- chỉ huy tàu Monge thay thế tàu Norzagaray đã tiếp ông Chánh- người bản xứ đứng đầu các đảo.

Tình hữu hảo được thể hiện qua các loại cây trái: quýt, cam, mít, xoài, bưởi, bắp, khoai lang, thuốc lá, trầu được ông Chánh sai người mang đến biếu các quan lính Pháp.

Nhưng quan hệ này không duy trì được lâu, các lính bản xứ xuất thân từ đảo (lính bàu) cùng với các tù nhân nổi dậy chống lại người Pháp. 

Họ bầu một người tên là Nguyệt làm trưởng nhóm, bí mật đóng một con tàu lớn, vạch kế hoạch tiêu diệt hết các thủy thủ Pháp rồi trốn vào đất liền. Một tù khổ sai do quá sợ đã mật báo cho người Pháp, vụ nổi dậy bị dập tắt và Nguyệt bị treo cổ.

Người ta nói rằng nước Anh lên tiếng phản đối việc gửi tàu Norzagaray đến các đảo Côn Lôn vì cho rằng về lý thuyết, người Pháp không có bất cứ quyền gì đối với các đảo trên, Hiệp ước Versailles ký với Vua Gia Long đã lỗi thời và Chính phủ Pháp đã thay đổi sau cuộc Cách mạng Pháp.

Ý kiến trên nhanh chóng bị bác bỏ bởi năm sau, Hiệp ước Sài Gòn ngày 3/6/1862 giữa một bên là Hoàng đế Pháp và Hoàng hậu Tây Ban Nha, một bên là Vua Tự Đức, trong đó Vua Tự Đức đồng ý nhường quần đảo Côn Lôn và 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường (Mỹ Tho) cho Pháp.

Từ năm 1862, Đô đốc Bonard đã cho xây dựng ở đây một nhà tù khổ sai để giam giữ những người bị kết án từ 1- 10 năm tù và đó là nguồn gốc ra đời nhà tù khổ sai địa ngục trần gian sau này.

*

* *

Quỳnh Giao- cô hướng dẫn viên địa phương- nói nho nhỏ như thầm thì: “Chắc cô muốn em ở lại!” Sinh ra và lớn lên từ xứ Quảng xa xôi, học xong được chị dẫn ra Côn Đảo “chơi”, thật ra người chị cũng muốn em mình có một công việc gì đó để làm ngoài này.

Ba lần bốn lượt nhảy tàu ra vô để rồi cuối cùng ở lại với đảo, với một chàng trai đảo, với đứa con khai sinh từ đảo và chọn việc giới thiệu về quê chồng với tất cả niềm say mê và yêu thích.

Khi đến với Côn Đảo mọi người sẽ nghe đại từ nhân xưng “cô” nhiều lần và cho dù phát ra từ miệng một người tóc bạc hay một em bé lên 5 thì âm điệu cũng hết sức trìu mến và kính trọng, bởi vì họ đang nhắc đến liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Gần đây, dư luận có bàn cãi đôi chút về phát ngôn của không ít người “có tuổi và có tên tuổi” về “chị Sáu”, tôi không muốn nhắc ra ở đây vì điều đó có thể làm hỏng cảm xúc cho bài viết này chỉ vì sự ngớ ngẩn không đâu.

Chị Kim Ba- một người ngụ cư Côn Đảo đã 25 năm- nói với tôi: “Ở đây, nơi vui nhất là nghĩa trang về đêm sau 12 giờ…” Nghe có vẻ trái khuấy nhưng sự thật là vậy- cửa hàng bán hoa tươi ở Côn Đảo luôn tấp nập về đêm.

Giữa cái tĩnh lặng lúc chuyển giao ngày, trong tiếng gió biển đong đưa từng nhánh lá, thì hàng trăm, có lúc hàng ngàn ngọn đèn cầy rực sáng lung linh trước từng ngôi mộ đưa người ta trở về với quá khứ, với hoài niệm về những người thân yêu đã không còn, với anh linh hàng vạn người có tên và không tên đã nằm xuống trên mảnh đất này. Chị Kim Ba nói tiếp: “…

Hôm qua, có một chị về đây mua 20 con heo quay, cả trăm con gà mang vô cúng cô Sáu và các liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương”. Khi sự hy sinh đã trở thành tượng đài trong lòng mọi người thì sự xúc phạm dù vô tình hay cố ý đều là tội lỗi.

Đến với Côn Đảo, ai cũng xác định trước một điều chúng ta đang đến với vùng đất đầy huyền thoại, đến với nhà tù, phòng biệt giam, đến với sự tàn bạo mất nhân tính đến tột cùng.

Song song đó, cũng chính Côn Đảo là biểu trưng cho sự kiên cường, bất khuất của người Việt Nam và quan trọng hơn cả là giúp chúng ta nhìn lại mình, nhắc nhớ trong mỗi con người sự biết ơn, biết trân trọng quá khứ và yêu quý hơn những gì tốt đẹp mà chúng ta được hưởng.

113 năm tồn tại với hơn 2 vạn người Việt Nam, những hạt giống ưu tú của Cách mạng Việt Nam bị giam cầm tại đây. Viết đến đây, tôi sực nhớ lời ba tôi nói ngày xưa: “Ở tù thiếu gì thời gian con…”

Tôi không dám tìm hiểu xem thời gian bị mất của 2 vạn con người trong 113 năm là bao nhiêu, bởi con số đó kinh khủng quá và với ngần ấy thời gian hẳn là họ đã làm được rất nhiều việc cho gia đình họ, cho quê hương, đất nước này.

Nhân nói về thời gian có một câu chuyện liên quan tới Côn Đảo cũng do ba tôi kể lại về ông Nguyễn Văn Thiệu- nguyên Tổng thống miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Nghe đâu ông rất mê câu cá và bãi câu ông chọn chính là Côn Đảo. Mỗi tuần, ông ra đây, tuần nào mê quá thì ra đến 2 lần.

Tất nhiên, mỗi lần ông ra, chúa đảo và nhiều ban bệ ở Côn Đảo phải ra tận sân bay Cỏ Ống đón và chờ được sai vặt.

Mỗi lần đi câu, đoàn của ông Thiệu đi trên 3 chiếc máy bay nhỏ, chiếc chở ông và vài người thân tín, chiếc dành cho nhóm tùy tùng gồm sĩ quan ở văn phòng Phủ Tổng thống- nhiều người mang cấp bậc trung tá, đại tá, đi để “ăn theo” nhiều hơn là làm nhiệm vụ;

chiếc thứ 3 chở toàn người nhái (như đặc công thủy của ta hiện nay). Khi ông Thiệu đi câu, tàu của người nhái luôn theo sát tàu của ông, trên đó có sự phục vụ của ít nhất một giám thị trại tù (lo mồi câu và các thứ linh tinh).

Mỗi khi câu được cá to hay nhiều cá, ông Thiệu vui lắm, đám tùy tùng cũng vui theo. Hôm nào mà cá ít ăn câu, mặt ông dàu dàu, mấy tay đi theo cứ nhè ông chúa đảo mà nạt nộ, chất vấn sao để cho ai đó đánh bắt gần khu vực ông Thiệu câu khiến cá sợ mà không dám tụ vào.

Cũng vì vậy mà Côn Đảo lúc đó là vùng biển cấm ngư dân ở đất liền ra đánh bắt cá, cấm cả thuyền đánh cá của bọn cai tù léo hánh đến gần.

Câu chuyện chỉ có vậy và tôi cũng không muốn bình luận gì thêm nhưng với một người đứng đầu, có trách nhiệm tối cao như tổng thống ở vào giai đoạn đất nước chiến tranh vẫn còn giữ thú vui “tao nhã” là câu cá hàng tuần thì kết cuộc như thế nào chúng ta đã rõ.

Dường như thời gian đối với ông cũng chẳng có giá trị bằng mấy con cá nhãi nhép!

Tháng ba đến với Côn Đảo, nửa đêm nhìn xuống đường phố chợt có cảm giác thanh bình, thiện lương ùa đến ngập lòng. Đường vắng không một bóng người nhưng khắp nơi những chiếc xe gắn máy còn cả chìa khóa vẫn an nhiên trong lòng đảo.

Tôi nhớ lời chị Kim Ba nói: “Ở đây không bị mất cắp, ban đêm xe cộ cứ để ngoài đường như vậy…!” Ngẫm nghĩ lý trí một chút do phương tiện giao thông khó khăn như hiện nay nếu ai đó manh tâm cũng chẳng biết tẩu tán đường nào!

Tháng ba đến với Côn Đảo là đến với truyền thuyết nàng Trầu chàng Cau, đến với mối tình nghiệt ngã “Ai về nhắn với ông Câu/ Hòn Cau cách bãi đầm Trầu bao xa?”, để được trầm mình mát rượi ở bãi Đầm Trầu mà tôi cứ lan man phải chăng là nước mắt của người con gái bất hạnh ngày xưa.

Tháng ba đến với Côn Đảo để ngắm nhìn cái màu rực rỡ của hoa anh đào dọc triền núi, để tự mình “selfie” một bức ảnh và “check in” tôi đã đến nơi này, sống ảo một chút với bạn bè trong đất liền.

Tháng ba đến với Côn Đảo để ôm choàng không giáp được gốc bàng già trong Trại giam Phú Tường, những u nần như những trầm tích năm tháng nổi vồng lên thân cây mà tôi tưởng tượng đó là nỗi đau của biết bao tù nhân nơi này đã chịu đựng dưới làn roi vọt.

Lá bàng mùa này vẫn xanh thắm, thỉnh thoảng vài chiếc rụng xuống đỏ rực như màu máu u ẩn từ trăm năm trước.

Viếng Vân Sơn tự tháng ba để nghe tiếng chuông thanh thoát tâm hồn, đưa mắt nhìn ra biển tìm xem con sóng nào pha máu những người tù vượt ngục không thành. Xin sư thầy mấy chữ “Vạn sự tùy duyên” nhẹ nhàng lui bước, môi mỉm nụ cười.

Tháng ba đến với cầu tàu 914, thắp một nén nhang trước anh linh người xưa và tự hứa sẽ còn quay trở lại.

NGUYỄN TRUNG NGUYÊN