Sơn Mỹ hồi sinh

Cập nhật, 10:27, Thứ Sáu, 16/03/2018 (GMT+7)

Câu chuyện đau thương xảy ra ở thôn mỹ lai, xã Sơn Mỹ, huyện sơn tịnh (nay là xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh quảng ngãi) đã đi qua nửa thế kỷ.

Sáng ngày 16/3/1968, 504 thường dân vô tội, chủ yếu người già, phụ nữ và trẻ em đã bị quân đội Mỹ sát hại. 50 năm qua, bằng trái tim khoan dung và khát vọng hòa bình, người dân Sơn Mỹ đã gác lại quá khứ, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hai bên con đường làng Khê Thuận dẫn vào thôn Tư Cung, cánh đồng lúa đang thì con gái trải một mầu xanh đón ánh nắng mùa xuân trong tiết trời tháng ba để ngậm đòng, đơm bông.

Những bờ mương, thửa ruộng được vun vén tươm tất hơn. Chứng kiến những gì hôm nay, thật khó có thể hình dung được trên con đường này 50 năm trước, sự sống đã bị hủy diệt.

Ông Nguyễn Hồng Tựu là một trong số những người may mắn sống sót trong vụ thảm sát, nhà ở gần Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Gắn bó với làng quê này hơn nửa đời người, hằng ngày, ông Tựu vẫn đi lại trên con đường, nơi mà tuổi thơ ông từng chứng kiến cảnh tang thương của gia đình mình và người dân trong làng vào ngày 16-3-1968.

Tháng ba về Sơn Mỹ, câu chuyện quá khứ lẫn hiện tại được nhắc đến nhiều hơn. Người ở quê thì lo chuẩn bị cho ngày lễ tưởng niệm, còn người ở xa tranh thủ về quê để dự lễ và lo cúng giỗ người thân bị sát hại trong vụ thảm sát.

Dưới rặng tre tỏa mát trước ngôi nhà bên cánh đồng Khê Thuận, bà Cao Thị Đủ hàn huyên với con cháu từ miền nam mới về.

Năm nay đã ở tuổi 80, bà vẫn sống trong mảnh vườn gắn bó với bao thăng trầm của quê hương. Người thân bị sát hại, chồng con hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, như bao người mẹ Việt Nam, bà cố nén đau thương để tiếp tục sống.

Nói chuyện với con cháu, đôi mắt bà đượm buồn, đưa tay chỉ về phía ngôi mộ tập thể nằm bên kia cánh đồng, ở đó, gia đình bà có tới năm người yên nghỉ.

Những ngày này, con cháu của gia đình ông Phạm Lại trở về đông đủ để lo cúng giỗ những người thân bị giết hại trong vụ thảm sát.

Là người may mắn sống sót và đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh, ông Phạm Lại thấu hiểu giá trị của hòa bình.

Khi nhắc lại vụ thảm sát Sơn Mỹ (còn gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai), ông thường nói với mọi người, hãy nhìn vào làng quê Sơn Mỹ này để thấy nỗi đau tột cùng của quê hương chúng tôi. Nói như thế để cảm nhận được sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây.

Nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở chiến trường Quảng Ngãi, kể cả những người đã gây ra vụ thảm sát, sau bao năm sống trong day dứt, khi lần đầu trở lại Sơn Mỹ đều mang tâm trạng lo sợ. Nhưng dân làng Sơn Mỹ mở rộng vòng tay đón họ bằng tấm lòng vị tha, thân thiện.

Ronald Haeberle, phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, người đã ghi lại khoảng 60 bức ảnh là bằng chứng của vụ thảm sát, năm nay cũng trở lại thăm Sơn Mỹ. Bước chân của người cựu binh Mỹ một lần nữa in trên mảnh đất này.

Ông bày tỏ: "Trước đây tôi cũng có lần đến Sơn Mỹ, nhưng không đủ can đảm cho mọi người biết tôi là tác giả của những bức ảnh phơi bày sự thật đến thế. Tôi cảm nhận, Sơn Mỹ đã thay đổi một cách lạ thường. Tôi luôn cảm ơn lòng vị tha của con người nơi đây.

Tôi xin lỗi mọi người vì những gì đã xảy ra". Mới đây, lần đầu tiên nhà báo Seymour M. Hersh, người đoạt giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer năm 1970, sau khi đăng loạt phóng sự phơi bày sự thật về vụ thảm sát Mỹ Lai của quân đội Mỹ cũng đến Sơn Mỹ.

Những gì ông đã viết trên báo là sự thật của vụ thảm sát, đến Sơn Mỹ ông mới cảm nhận được ý chí và tình cảm sâu đậm của con người nơi đây.

Ông nói: "Tôi là nhà báo, tôi tìm hiểu rất nhiều và biết rằng những điều đáng xấu hổ đã xảy ra ở đây. Tôi đã nói lên sự thật. Buồn, xấu hổ và rất tức giận. Tôi không hiểu vì sao văn hóa của người Việt Nam lại có sự bao dung, độ lượng đến vậy!".

Sơn Mỹ sau 50 năm đã có nhiều đổi thay nhưng nét bình dị, hiền hòa của làng quê và những người dân chân chất năm xưa vẫn hiện hữu nơi đây.

Hằng ngày, người dân ra sức lao động xây dựng cuộc sống, để phần nào bù đắp lại những mất mát. Trường mầm non xóm Khê Thuận hằng ngày râm ran tiếng học trò. Bài học về tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên đã được tiếp nối qua bao thế hệ.

Tuy cuộc sống còn lắm vất vả, nhưng người dân Sơn Mỹ vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được sống trong hòa bình. Xã Tịnh Khê, một xã ven biển có thế mạnh về du lịch, dịch vụ của TP Quảng Ngãi đang được đầu tư khai thác hiệu quả.

Miền đất này đã mang bóng dáng của một đô thị ven biển. Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông như các tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn Mỹ Trà - Mỹ Khê, đường Hoàng Sa, đường bờ đông sông Kinh Giang đang được đầu tư xây dựng đã kết nối khá thuận lợi cho việc lưu thông, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo cho biết: Nửa thế kỷ hồi sinh sau nỗi đau Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê đã vươn lên, thu nhập bình quân đầu người ở Tịnh Khê đạt 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%. Xã đã đạt hai trong số ba tiêu chí để trở thành một phường của TP Quảng Ngãi vào năm 2019.

Theo Báo Nhân Dân