Ra đồng đầu năm mong mưa thuận gió hòa

Cập nhật, 20:00, Chủ Nhật, 25/02/2018 (GMT+7)

 

Đầu năm thăm đồng mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: LÊ SƠN
Đầu năm thăm đồng mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: LÊ SƠN

Sau những ngày nghỉ ngơi vui tết, nhiều nông dân đang tất bật việc đồng áng, tập trung xuống giống, chăm sóc, thu hoạch cây trồng với mong muốn sang năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Mặc dù đến rằm tháng Giêng mới thu hoạch lúa, nhưng từ mùng 4 tết, chú Phạm Văn Tứ (Hai Tứ, ở ấp Phú Hữu Yên, xã Song Phú- Tam Bình) đã tranh thủ ra đồng thăm lúa.

Vì tham gia dự án nhân giống lúa thuần của tỉnh, đòi hỏi rất cao về kỹ thuật sản xuất nên tuy ăn tết nhưng chú Hai Tứ cũng không quên theo dõi tình hình sinh trưởng của cây lúa ruộng nhà, nhất là giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.

“Năm nay gia đình tôi ăn tết cũng vui vẻ, sau đó tranh thủ ra đồng chăm sóc lúa vì thời vụ thu hoạch đã tới gần”.

Còn theo chú Dương Văn Thảo (ấp An Thành Tây, xã Trung Hiếu- Vũng Liêm), sau những ngày vui xuân đón tết, nhà nông cũng không quên chăm sóc ruộng đồng của mình để tránh bị hư hại. Sáng mùng 3 tết là chú bắt đầu ra thăm đồng, chăm sóc lúa rồi.

Chú Thảo cho biết thêm, trước, trong và sau tết là thời điểm sâu bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp. Nếu nông dân có ruộng gần nhà sẽ dễ phát hiện và kịp thời xử lý. Ngược lại, nông dân canh tác ruộng xa thường chỉ đi thăm đồng trước tết, rồi lo về nhà ăn tết nên rất dễ “bỏ quên” ruộng lúa của mình.

Do đó, vui gì thì vui chứ nông dân cũng không quên ra đồng ngày tết nhằm bảo vệ ruộng lúa, rau màu để đảm bảo cho năng suất, không bị ảnh hưởng sâu bệnh hại hay thời tiết bất lợi.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), hiện lúa Đông Xuân toàn tỉnh đã thu hoạch 12.581ha, năng suất trung bình 5,8 tấn/ha,
trà lúa còn lại chủ yếu giai đoạn trổ chín. Bên cạnh đó lúa Hè Thu sớm đã xuống giống 8.671ha.

Trên trà lúa Đông Xuân 2017- 2018 trong những ngày sau tết, ghi nhận 3.392ha lúa bị gây hại ở mức nhẹ, với các đối tượng gây hại chủ yếu là rầy nâu, bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ. Dự báo trong thời gian tới, rầy nâu có thể nhiễm nhẹ trên trà lúa vụ Hè Thu, tuần tới trên đồng chủ yếu rầy tuổi 4- 5.

Bên cạnh, sâu cuốn lá gây hại chủ yếu ở mức nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có khả năng bị hại nặng.

Đối với bệnh đạo ôn và cháy bìa lá, diện tích và mức nhiễm nhẹ có thể tăng do điều kiện thời tiết, sương mù sáng sớm và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: ML202, Jasmine 85, IR50404, OM4218, OM4900,… có thể nhiễm trung bình.

Riêng muỗi hành có khả năng nhiễm nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh vụ Hè Thu sớm. Trong điều kiện thời tiết hiện nay, cần lưu ý để phòng trị bệnh đạo ôn và cháy bìa lá lúa.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, trong mùa khô năm 2018, lưu lượng nước thượng nguồn sông Mekong về qua sông Tiền, sông Hậu ở mức cao nên nhiều khả năng xâm nhập mặn mùa khô năm nay sẽ không sớm, mức độ cũng không gay gắt. Mực nước thấp nhất mùa khô 2018 tại Mỹ Thuận sẽ xuống mức từ -1,4m đến -1,5m.

Đến nay, độ mặn cao nhất đo được tại các nơi chủ yếu xấp xỉ và nhỏ hơn 2‰. Cụ thể, độ mặn tại trạm Vũng Liêm dao động từ 0,5- 1,5‰ và trạm Tích Thiện từ 0,5- 1‰.

Sáng ngày 22/2, độ mặn đo được tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện- Trà Ôn) là 0,1‰, giảm 0,4‰ so cùng thời điểm cách 1 ngày trước đó. Theo ngành chuyên môn độ mặn tăng hay giảm là do thủy triều cao hay thấp.

Thông thường độ mặn tăng cao là lúc đỉnh triều con nước 29, 30 và rằm 15, 16 âl. Sau đó độ mặn sẽ giảm dần theo con nước kém.

Dự báo trong vài ngày tới, độ mặn sẽ tăng cao, nhất là thời điểm nước rong, thủy triều đang lên. Do vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức khi độ mặn ở mức 1,5- 2‰ trở lên thì không nên đưa nước vào đồng ruộng và không nên lấy nước để tưới cho vườn cây ăn trái để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do độ mặn gây ra.

Nông dân Bình Tân ra đồng khoai. Ảnh: Trần Phước
Nông dân Bình Tân ra đồng khoai. Ảnh: Trần Phước

Để người dân an tâm sản xuất, hiện các địa phương cũng đang theo dõi sát sao diễn biến hạn, mặn để giúp người dân có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó kịp thời.

Trường hợp độ mặn tăng cao sẽ cho đóng tất cả các cống đập trên địa bàn để bảo vệ sản xuất, đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng cho nhân dân khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Hiện các nhà máy nước cũng tăng cường công tác đo độ mặn, nhất là những ngày đầu con nước rong để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

LÊ SƠN