Chuyện đời, chuyện nghề nghệ sĩ ở Trung tâm Văn hóa

Cập nhật, 18:47, Chủ Nhật, 21/01/2018 (GMT+7)

 

Ngọn lửa đam mê và ý thức trách nhiệm thôi thúc những người nghệ sĩ cống hiến vì nhiệm vụ chung.
Ngọn lửa đam mê và ý thức trách nhiệm thôi thúc những người nghệ sĩ cống hiến vì nhiệm vụ chung.

Xin bạn đừng nghĩ rằng những ca sĩ, diễn viên ở Trung tâm Văn hóa không có bằng cấp hoặc không hát hay như những ca sĩ ở thành phố lớn. Họ là những con người tài năng, qua đào tạo,…

Nói như ông Lê Đức Vĩnh Tuyên- Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long- thì: “Họ không chỉ mang lời ca tiếng hát phục vụ đời sống tinh thần của người dân mà còn là đang thực hiện nhiệm vụ chính trị”.

Thu nhập ít ỏi, thường diễn ở vùng sâu, vùng xa nhưng họ luôn ý thức trách nhiệm, đoàn kết cùng góp sức mình trên sân khấu, mang lời ca, tiếng đàn làm đẹp quê hương.

Sân khấu là nhà

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long khi họ đang tập luyện cho chương trình Xuân Mậu Tuất 2018. Nghệ sĩ Trương Thanh Liêm- Phó đoàn ca múa nhạc của trung tâm- nói: “Chắc tập đến khuya à! Mai là diễn cho lãnh đạo cơ quan xem, lãnh đạo duyệt rồi thì mốt diễn luôn”.

Thế mạnh của những nghệ sĩ ở trung tâm là hát nhạc truyền thống, và “hầu như ai cũng hát tốt thể loại này”- nghệ sĩ Thanh Liêm nói thêm- “Còn về những giọng ca ngọt xớt thì có Phương Quyên, Thùy Loan, giọng ca trẻ khỏe thì có Châu Hữu Thành”.

Nghệ sĩ Thùy Loan- họ tên là Nguyễn Thị Thùy Loan- đang chuẩn bị cho tiết mục với một ly trà chanh. Chị nói nhỏ nhẻ: “Tập luyện đến sắp đau họng rồi, chương trình tới tôi tham gia 10 tiết mục, trong đó có 3 tiết mục ca chính”.

16 tuổi, ca sĩ Thùy Loan đã đứng trên sân khấu trung tâm này, ngay sau khi đạt giải nhất giọng hát ở huyện Tam Bình. Chị cười, nói thêm: “Giờ tôi đang tìm người thế mình, 25 năm đứng trên sân khấu rồi”- chị nói thêm: “Nghề này cần thanh sắc nên cũng sớm về hưu, chứ ca sĩ thì ai mà không thích đứng trên sân khấu”.

Rồi chị Thùy Loan nhớ những chuyến đi công tác vùng sâu, vùng xa, nhớ những lần hát giữa trưa mà không có sân khấu và “nhiều bạn diễn đã xỉu trên sân khấu”. Chuyện “ăn mì gói cầm hơi” mỗi buổi chiều trước diễn cũng trở thành chuyện thường tình của anh chị em trong đoàn.

Ca sĩ Phương Uyên (37 tuổi- tên đầy đủ là Nguyễn Thị Phương Quyên) đã có 15 năm gắn bó với sân khấu và “mỗi khi đứng trên sân khấu được nhìn thấy khán giả vỗ tay là động lực để mình hát tiếp”.

Phương Quyên là giọng ca ngọt ngào, có nội lực đặc biệt là những ca khúc trữ tình. Chị cười thật tươi: “Đi nhiều nơi, những chuyến đi Điện Biên Phủ làm mình nhớ mãi, đứng trên đồi A1 hát mà nước mắt rưng rưng”.

Lê Minh Hùng (27 tuổi, ở thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) là cộng tác viên trẻ nhất trong đoàn. Gần 1 năm qua, anh thợ hớt tóc đều đặn sáng đi chiều về theo lộ trình Mang Thít- TP Vĩnh Long và ngược lại, vì “1 tuần thì có hết 5 ngày đi hát”.

Anh hài hước kể: “Có văn nghệ thì tự nhiên thấy tâm hồn phơi phới, nằm ở nhà buồn cứ trông đợi coi có ai kêu đi diễn hông. Sáng lên trung tâm tập luyện với các anh chị, trưa chạy ra quán ăn dĩa cơm, kiếm cà phê võng nằm đu đưa nghỉ chút rồi chạy về tập tiếp”.

Là người góp sức tạo nên thành công cho các tiết mục nhưng luôn lặng lẽ ở góc sân khấu, không vắng mặt trong bất kỳ chương trình nào, chú Tô Hùng Châu (quê ở An Giang) đã gắn bó với trung tâm văn hóa từ năm 1999 đến nay.

Chú kể: “Hồi trẻ đi hát, có tuổi chút thì chuyển qua lo âm thanh ánh sáng, lắp ráp sân khấu đến giờ. Cũng từng đứng trên sân khấu nên tôi hiểu hết tâm lý của ca sĩ, nhạc công nên chỉnh âm thanh ngon ơ. Gắn bó với nơi nào nhiều thì nơi đó là nhà. Sân khấu là nhà của tụi tui”.

Cũng như bất kỳ ngành nghề nào, để sống được trên sân khấu, các nghệ sĩ ở trung tâm phải luôn cố gắng, phấn đấu hết mình. Chị Thùy Loan chia sẻ: “Anh chị em trong trung tâm luôn tập bài mới hoặc làm mới các bài cũ”.

Máy móc cải tiến không ngừng, thì ê kíp âm thanh cũng không ngừng học hỏi để bắt kịp, “1 tuần nửa tháng là đổi mới nên có lớp tập huấn là chạy đi học”- chú Hùng Châu nói.

Ông Lê Đức Vĩnh Tuyên- Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh

Đối với những người nghệ sĩ công tác ở địa phương, chưa có chế độ chính sách rõ ràng. Trung tâm Văn hóa đã tham mưu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một văn bản quy phạm pháp luật trình HĐND trong năm 2018 quy định về chế độ trong công tác tuyên truyền, cổ động, triển lãm văn hóa- nghệ thuật. Hy vọng trong thời gian tới, chính sách đãi ngộ những người nghệ sĩ sẽ khá hơn, điều đó cũng góp phần thu hút những người tài.

Trăn trở với “đời sống anh em”

Nếu như những nghệ sĩ thành phố lớn nổi tiếng có những “show” diễn trăm triệu thì ca sĩ tỉnh có mức lương cơ bản tính theo lương công chức, viên chức bình thường và không có phụ cấp.

Theo quy định, diễn viên của Trung tâm Văn hóa tỉnh đi về cơ sở 1 suất diễn có khi cả chục tiết mục mà chỉ có 100.000- 140.000đ, diễn tại TP Vĩnh Long thì chỉ khoảng 70.000đ.

Dù còn không ít khó khăn nhưng những nghệ sĩ ở Trung tâm Văn hóa vẫn kiên trì mang tiếng hát “làm đẹp quê hương”
Dù còn không ít khó khăn nhưng những nghệ sĩ ở Trung tâm Văn hóa vẫn kiên trì mang tiếng hát “làm đẹp quê hương”

Nghệ sĩ Trương Thanh Liêm chia sẻ: “Không yêu nghề thì không sống nổi với nghề đâu, lương thì theo quy định nhà nước nhưng không có phụ cấp”- ông Liêm thở dài- “Anh em có làm thêm, nhiều ít tôi không rõ nhưng tháng nào cũng thấy nhiều người mượn tiền”.

19 tuổi, ông Liêm đã tham gia các hoạt động của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ông Liêm ngồi nhẩm tính: “Đến nay cũng 31 năm rồi, biết bao thăng trầm kỷ niệm, không nhớ hết bao nhiêu trận cùng anh em dãi nắng, dầm mưa, băng đồng, lội ruộng”.

Trên sân khấu đang biên đạo chương trình mới tinh cho Tết quân dân 2018, ông Liêm chỉ tay, giới thiệu những cộng tác viên nói: Biên chế của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch là 22 người, còn lại chúng tôi nhờ cộng tác viên, tính lương theo chương trình. Đó là những cá nhân có năng khiếu, hát hay, diễn tốt ở các đơn vị khác.

Tuy nhiên, họ đến đây vì niềm say mê chứ tiền hỗ trợ chỉ độ 400.000- 700.000 đ/chương trình mà mấy ngày mới xong.

Cộng tác viên Bùi Tuấn Nhân (giáo viên Âm nhạc Trường THCS Trần Phú- TP Vĩnh Long) đã cộng tác với Trung tâm Văn hóa hơn 2 năm. Anh Nhân cho rằng làm cộng tác viên cũng vì đam mê chứ nếu nghĩ đến tiền thì không làm được đâu: “Có những đêm về nông thôn diễn một chương trình dài, nhận thù lao 150.000đ”.

Bỏ qua chuyện tiền bạc, với họ “Cảm giác rất thật khi được đứng trên sân khấu thỏa đam mê, được bà con, đoàn viên, các chú công an vỗ tay tán thưởng thì dù mệt nhọc thế nào cũng quên hết”- anh Nhân cười.

Là ca sĩ, diễn viên thì chuyện nghỉ tết là chuyện “xa xỉ” và thường thì các ca sĩ tỉnh phải diễn đến hết mồng 6 mới “ăn tết”. Ban ngày, nếu không tập luyện cho bài mới thì các thành viên được tự do nhưng phải “nói không với bia rượu”.

Các nghệ sĩ tập luyện cho chương trình Tết quân dân 2018.
Các nghệ sĩ tập luyện cho chương trình Tết quân dân 2018.

Ông Lê Đức Vĩnh Tuyên cho biết: Anh chị em hiện nay có năng lực chuyên môn tốt, có quyết tâm, có kinh nghiệm nhưng một vấn đề nữa cũng hết sức chú trọng, đó là tạo dựng được một lực lượng kế thừa. Cơ chế để phát hiện những hạt nhân văn nghệ mới chưa nhiều và thật sự khó khăn để tìm kiếm.

Điều trăn trở là làm sao nâng cao đời sống vật chất cho anh em để họ có thể yên tâm cống hiến hết năng lực, tài năng của mình. Trung tâm Văn hóa luôn đau đáu tạo điều kiện để anh em có cuộc sống tốt hơn.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, Trung tâm Văn hóa đã tổ chức 4 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, đạt 133% kế hoạch năm, có trên 2.800 lượt người xem. Đoàn ca múa nhạc xây dựng các chương trình văn nghệ, phục vụ cơ sở và ban ngành 72 buổi, đạt 120% kế hoạch năm, thu hút trên 20.000 lượt người xem. Đội tuyên truyền lưu động phục vụ cơ sở và ban ngành 120 buổi, thu hút 20.500 lượt người xem.

 


Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY