Về thăm "Vùng quê hiếu học" nơi đất mũi Cà Mau

Cập nhật, 17:27, Thứ Ba, 05/09/2017 (GMT+7)

Người dân xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau) dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bằng mọi giá vẫn chăm lo "con chữ" cho thế hệ sau.

Ước mơ của em Tú Vân là cố gắng học tốt để trở thành giáo viên Anh Văn.
Ước mơ của em Tú Vân là cố gắng học tốt để trở thành giáo viên Anh Văn.

Xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau), nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tuy đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng việc chăm lo “con chữ” luôn được chính quyền địa phương và người dân nơi đây rất quan tâm. Nhiều năm qua, “Vùng đất học” này luôn là nơi đi đầu trong phong trào hiếu học ở địa phương.

Gia đình chị Huỳnh Thị Lến thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, chúng tôi ghé thăm nhà khi chồng chị đang đi đục hàu tại các kênh rạch kiếm sống. Gương mặt buồn so, tay bồng người con trai út chưa tới 2 tuổi, chị Lến cho biết: Từ khi sinh người con sau, tất bật lo chuyện cửa nhà nên chẳng thể giúp gì cho chồng trong việc làm kinh tế. Mọi gánh nặng gia đình đặt hết lên vai anh Tín (chồng chị). Đặc biệt, đang trong thời gian chuẩn bị cho con vào nhập học nên anh còn phải lai lưng gánh thêm “gánh chữ” cho con.

Theo lời chị Lến, anh Tín chỉ học được hết lớp 9, gia đình lại không có đất sản xuất nên cuộc đời anh gắn liền với nghề làm thuê. Cũng từ sự nếm trải những cực khổ trong cuộc đời mình mà vợ chồng quyết cho con mình “cái chữ” để vượt lên. Vừa qua, dù không có tiền gia đình vẫn vay mượn gần 400.000 đồng để đóng tiền nhập học cho bé Tú Vân. Ông xã chị chấp nhận ôm lấy mọi cái khổ, dù phải đi làm hồ, giăng câu hay đục hàu cũng phải nuôi bằng được ước mơ của con mình.

Đáp lại tấm lòng của cha mẹ, em Tú Vân từ khi bước chân vào nhà trường đã 4 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cũng từ nghị lực vươn lên mà Tú Vân luôn được địa phương quan tâm, giúp đỡ mỗi dịp năm học mới đến. Cầm trên tay hai chục quyển vở vừa nhận được, cô bé ấp úng nói: Con còn được cho một chiếc xe đạp, cặp sách và bút nữa. Con muốn thành đạt như những anh chị trong xóm để sau này giúp đỡ ba mẹ. Con sẽ học thật giỏi trở thành một giáo viên Anh Văn.

Còn gia đình ông Dương Huy Tâm được xem là một trong những hộ có truyền thống “lo chữ” cho con tại “Vùng đất học”. Cả hơn tháng nay, ông luôn chăm bẵm, lo từng cây bút, cuốn tập cho cho 7 người cháu nội đang trong tuổi đến trường. Cả cuộc đời ông đã luôn vất vả ngược xuôi để nuôi 6 người con trai ăn học đại học và thành tài, nhưng đến nay ông vẫn chưa yên tâm giao tương lai của những đứa cháu cho cha mẹ chúng.

Ông Tâm chia sẻ: Hồi xưa ông lớn lên trong chiến tranh, học hành chẳng được mấy chữ nên phải “bán mặt cho đất” để sống. Rút kinh nghiệm từ đó nên dù có những thời điểm phải vay nợ ngân hàng cho các con ăn học, ông cũng không từ bỏ. Đặc biệt, tại vùng đất này, việc cho con ăn đi học không chỉ mang nghĩa vụ cá nhân mà còn là trách nhiệm bảo vệ truyền thống của xã Hồ Thị Kỷ, vì vậy chuyện học tập của tất thảy 11 đứa cháu ông phải lo mới được.

Ông Dương Huy Tâm khẳng định: “Hiện nay, gia đình cũng đã lo đầy đủ tập vở, các dụng cụ học tập cho các cháu. Từ kinh nghiệm của tôi cũng nhắc nhỏ các con phải quyết tâm, cho các cháu được học tập. Học tập mới đạt được sự thành đạt sau này. Mình xác định, không có con đường nào tốt nhất bằng con đường học vấn”.

Cũng từ ý thức của bậc sinh thành, từ nỗ lực vươn lên của các em mà đến nay tại “Vùng đất học” có hàng trăm học sinh đã qua đào tạo Cao đẳng, Đại học, hàng chục người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ. Đáng quý là chính những người con thành tài lại trực tiếp về xây dựng quê hương hoặc gián tiếp để rồi cùng địa phương giúp đỡ những thế hệ sau mình tiến bước.

Điển hình cho tấm gương “trợ học” tại địa phương là gia đình ông Lý Thái Sơn. Gia đình ông có 4 người con, tất cả họ đã ra trường thành tài. Hiện nay, anh Lý Quốc Công con trai lớn của ông đã tốt nghiệp thạc sỹ Y khoa và đang công tác tại Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM. Những năm qua, anh Công đã cùng đoàn y, bác sĩ của bệnh viện xuống quê hương Hồ Thị Kỷ để khám bệnh, cấp thuốc cho bà con nghèo. Bên cạnh đó, anh Công và các em mình còn tranh thủ các mối quan hệ xã hội đóng góp sách vở để hỗ trợ các em học sinh nghèo quê mình.

Ông Lê Văn Huyện, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hồ Thị Kỷ cho biết: Năm học 2016 - 2017, xã có hơn 4.300 em học sinh đang theo học các bậc từ mầm non đến THPT. Ý thức được truyền thống của cha, anh nên không em nào bỏ học giữa chừng. Chúng tôi luôn tự hào với những thế hệ con em mình. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình các em, bản thân các em đã vươn lên được bằng “con chữ”.

Trong năm 2016, Hồ Thị Kỷ đã vận động được 22.000 cuốn tập, cùng nhiều dụng cụ học tập khác hỗ trợ cho các em. Trong đó,có những phần quà đến từ chính đóng góp của những đàn anh đàn chị để cùng chính quyền trợ lực giúp các em vượt khó vươn lên. Đầu năm đến nay, chúng tôi cũng đã tiếp nhận 60 xe đạp, 8.000 cuốn tập và nhiều phần quà, học bổng để đồng hành cùng bạc phụ huynh, lo cho các em được đến trường./.

Theo VOV.VN